Cao tốc cho ai ?

Nguyễn Đình Đông

À thì ra thế. Nào có biết đâu cái gì “anh Hai 16 chữ vàng” cũng nhúng mũi vào, chi phối đến chân tơ kẽ tóc. Nhưng nếu muốn trương bụng làm con bò thì con ếch chắc chắn sẽ vỡ bụng. Khôi hài thay một đất nước bị xem như lũ trẻ, dứ mấy cái kẹo là bảo gì cũng ngoan ngoãn dù có lộn trái túi ra, có gì vét sạch.

Nhưng mà không đâu. Hãy nghe Wang Mengshu, một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là Tư vấn cấp cao của Dự án đường sắt cao tốc trong nước của Trung Quốc mách nhỏ: “Điều trở ngại [trong việc lập đại dự án xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc quốc tế nhằm nối Bắc Kinh với thủ đô nhiều nước trên thế giới] là Trung Quốc mong muốn các tuyến đường sắt cao tốc có cùng bề ngang tiêu chuẩn đường ray như tuyến nội địa của Trung Quốc. Việt Nam đã đồng ý thay đổi bề ngang tiêu chuẩn đường ray của họ, nhưng các nước khác thì vẫn còn đang phải đàm phán”. Wang lại còn hé lộ thêm: "Chúng tôi sẽ sử dụng tiền của Chính phủ [Trung Quốc] và các khoản vay ngân hàng, nhưng các tuyến đường sắt cũng có thể kêu gọi tài chính từ khu vực tư nhân và từ các nước chủ nhà. Chúng tôi thực sự thích các nước chi trả bằng tài nguyên thiên nhiên hơn là tự họ đầu tư".

Thế là rõ chứ. Cũng như chuyện bauxite năm ngoái, chắc đã phải có cái gật đầu đổi tài nguyên lấy tiền ở cấp thượng đỉnh rồi thì ông Bộ trưởng Bộ GTVT mới nài nỉ QH dữ thế, và không phải là nài nỉ mà còn mạnh miệng đòi hỏi nữa.

Bauxite Việt Nam

Làm sao thế nhỉ, hay là “thần hồn nát thần tính” nên nhìn đâu cũng thấy cái nốt ruồi bác Mao.

Sáng Quốc hội họp, trong một báo cáo được đọc trên Hội trường, vấn đề an ninh vùng biển Đông để ngư dân yên ổn làm ăn được nêu ra. Ống kính không quay cận cảnh khuôn mặt các VIP nhà ta nên không rõ thái độ từng ông như thế nào. Hy vọng họ đừng nhíu mày khó xử, mong rằng họ sẽ vì nhân dân, vì Đất nước mà thẳng thắn nhìn nhận tình hình thực tế, không tránh né mà đưa ra quan điểm rõ ràng về điểm nóng, quá nóng này.

Phải thôi, giá trị một nhà nước sẽ chẳng còn đáng một xu nếu tính mạng, tài sản của rất nhiều con dân không hề được bảo vệ, trong khi mọi thứ tiền thu từ dân lại dồn cả vào kho bạc nhà nước. Ngư dân càng thiệt thòi hơn khi mà kể cả những lít dầu chạy máy tàu trên biển của họ cũng được nhà nước không quên thu phí giao thông, phí cầu đường (!).

Hôm qua, một ông nào đó ở Bộ Giao thông còn lên Tivi biện luận cho một chủ trương thu thêm một khoản phí “bảo dưỡng” giao thông vào giá xăng dầu. Nghe mà đau xót cho dân nghèo, và cảm giác rất rõ ràng rằng nhà nước lớn, nhà nước nhỏ ở xứ mình hình như suốt ngày chỉ nghĩ đến việc tìm ngôn từ lèo lái để làm sao “giải thích thỏa đáng” cho những hành vi tăng giá vô tội vạ, đẩy người dân lao động vào con đường bần cùng. Tiền thu được thì chi xài cũng vô tội vạ cho những cờ quạt lễ nghi pháo hoa… kỷ này niệm nọ, trong khi dân ngày càng nghèo mạt.

Cũng trong báo cáo khác, ông kia đọc rằng tình hình nhân dân đa số là “tin tưởng và phấn khởi”. Than ôi, nếu được thế thật thì may quá rồi, đàng này lòng dân bất an, uy tín của giới lãnh đạo sút giảm rõ rệt, chỉ vì không có quyền được nói nên nhìn bề ngoài yên ổn thế thôi, bên trong thì lắm chuyện… khó nói lắm. Các Đại biểu Quốc hội, nếu còn lương tâm và trách nhiệm với cử tri có thể dễ dàng kiểm nghiệm độ “tin tưởng và phấn khởi” ấy, dễ dàng mà.

Lại nữa, mới nghe phong phanh về một dự án “triệu tỷ đồng” là “Đường sắt cao tốc Bắc Nam”. Con nhà cha mẹ là dân Đường sắt “gộc” nên mình cũng khoái, thế là Việt Nam ta sắp có tàu nhanh đúng nghĩa đen nhé. Hôm nay Bộ trưởng Dũng bảo là tốn cả triệu tỷ thật. Tuy cái “triệu tỷ” nghe ngợp đấy nhưng tưởng tượng cảnh 5 giờ sáng lên tàu, 7 giờ đã có thể dầm mình trong làn nước biển Nha Trang thì còn gì bằng nhỉ.

Ái chà, nghe xong chưa kịp sướng thì lại đọc đâu đó rằng anh “bạn vàng 16” (chữ) cũng đang mơ về một “cao tốc hỏa xa”. Kệ anh ấy thôi nếu đó là đường sắt nội địa nhà anh ấy. Nhưng đọc kỹ thì dự án của anh ta là xuyên lục địa, là đi qua 17 nước để Bắc Kinh nối được với Luân Đôn. Kệ anh ấy thôi, nếu không phải trong 17 nước đó có thằng em “4 tốt” Việt Nam .

À, thế ra cái quyền lợi của người đi tàu Việt Nam hình như là thứ yếu trong cái Đại đại dự án “triệu tỷ” kia rồi. Cái nguyên do chính của cuộc tiêu pha thế kỷ kia có lẽ là để cho anh Nhớn thông thương thôi. Lần này thì không kệ được rồi các Đại biểu ơi, Bộ trưởng Dũng bảo là chủ yếu sẽ là vốn vay, trong khi ta đã vay quá nhiều rồi. Con, cháu, chắt chúng ta sẽ phải è cổ ra mà trả chứ cái anh “vàng 16” kia không gánh giúp phần trăm nào đâu. Anh ấy thậm chí còn được xét trúng thầu cung cấp, xây lắp trọn bộ từ đường ray, con tàu cho đến cái bóng đèn toilet trong từng nhà ga đấy ạ, thưa các ông bà Nghị.

Mong rằng các ông bà Nghị hãy hết sức cảnh giác, đừng bị ru ngủ rồi gật. Thế giới ngày nay khái niệm “tương trợ”, “chủ nghĩa quốc tế vô sản” không còn đâu (Hôm nay bác Triết gặp người Phần Lan, họ bảo từ nay sẽ phải thay đổi cách viện trợ cho Việt Nam , không nên cứ “cho, biếu, tặng” mãi. Họ rút kinh nghiệm vụ cho Cà Mau 9 tỷ hỗ trợ người nuôi tôm mà mất trộm, mất cắp đến 6 tỷ chăng?). Người Trung Hoa nổi tiếng về tài làm ăn, buôn bán, trong vụ này họ ắt sẽ giỏi hơn ta, chưa kể họ còn nhiều, rất nhiều những chiêu gây sức ép nhân danh “16 chữ”.

Nhân dân nay dẫu thất vọng nhiều nhưng vẫn nhìn các vị như một nơi duy nhất có thể đặt lòng tin.

Lịch sử sẽ ghi công hoặc sẽ lên án đó, thưa quý ông, quý bà.

Xin hãy dũng cảm sử dụng hai cái Yes/No trước mặt chỉ vì Đồng bào mình.

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyendinhdong/article?mid=5857&prev=-1&next=5856

Quốc hội Việt Nam có “cầm đền chạy trước tàu cao tốc” Trung Quốc?

Phạm Viết Đào.

Ngày 11/3/2010, trên Blog Phamvietdaonv đã hiển thị bài: Trung Quốc lập dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh-Luân Đôn đăng trên Daily Telegraph, bài báo đã cho biết: “Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ thương lượng với Chính phủ 17 nước có tuyến đường sắt này chạy qua để được cho phép. Nếu dự án này thành công thì quả là một công trình vĩ đại của thế ký XXI…”

Phía Trung Quốc chưa thông báo cho biết: Đã thương lượng được với những nước nào rồi và đã được nước nào đồng ý tham gia cái câu lạc bộ đường sắt cao tốc này?

Thế mà Chính phủ Việt Nam đã vội đưa ra xin ý kiến Quốc hội, không rõ Chính phủ Trung Quốc đã đặt vấn đề thương lượng với Chính phủ Việt Nam chưa, đã có thỏa thuận nào chưa ?

Vì sao Trung Quốc nuôi tham vọng xây dựng tuyến đường sắt xuyên lục địa này? Mời bà con xem bài báo dưới đây.

Còn hiện nay chưa nước nào lên tiếng mặn mà với cái dự án xuyên lục địa và mang tầm thế kỷ này của Trung Quốc; thế nhưng chiều nay, theo tin các báo: Quốc hội quyết định nghe các cơ quan chuyên môn của Chính phủ báo cáo về cái dự án này để quyết định Việt Nam có tham gia “cầm đèn chạy trước tàu cao tốc Trung Quốc” không ?

P.V.Đ.

Bài trên Telegraph.co.uk:

Từ King's Cross (Luân Đôn) đến Bắc Kinh trong hai ngày trên mạng đường sắt cao tốc mới

(King's Cross to Beijing in two days on new high-speed rail network)

Malcolm Moore/Từ Thượng Hải, đăng ngày 8/3/2010

Phan Hoàng dịch

Theo kế hoạch mới đầy tham vọng của Trung Quốc, hành khách sẽ có thể đi du lịch bằng tàu hỏa từ Luân Đôn đến Bắc Kinh chỉ trong hai ngày, nhanh gần như máy bay.

clip_image001
Trung Quốc đang đàm phán để xây một tuyến đường sắt cao tốc hơn 200 dặm/giờ đến Ấn Độ và Châu Âu trong vòng mười năm tới. Ảnh: Martin Pope

Trung Quốc đang đàm phán để xây dựng trong vòng mười năm tới một tuyến đường sắt cao tốc đến Ấn Độ và Châu Âu với tàu có khả năng chạy hơn 200 dặm giờ (1 dặm = 1,6 km - PH).

Theo Wang Mengshu, một thành viên của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là Tư vấn cấp cao của Dự án đường sắt cao tốc trong nước của Trung Quốc, tuyến đường này sẽ đưa hành khách từ London đến Bắc Kinh và sau đó đến Singapore. Nó cũng sẽ chạy đến Ấn Độ và Pakistan.

Trong Dự án thứ hai, tuyến đường sẽ hướng lên phía bắc, qua Nga để đến Đức và kết nối vào hệ thống đường sắt châu Âu; tuyến đường thứ ba sẽ mở rộng về phía Nam để kết nối Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện và Malaysia.

Hành khách có thể lên tàu ở London và rời tàu ở Bắc Kinh, vượt khoảng cách 5.070 dặm, chỉ trong hai ngày, nhanh như chim bay. Họ có thể đi đến Singapore, vượt 6.750 dặm trong vòng ba ngày.

Ông Wang nói: “Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để các đoàn tàu chạy nhanh gần như máy bay", "trong trường hợp thuận lợi nhất, ba tuyến đường sẽ được hoàn thành trong vòng một thập kỷ".

Ông Wang nói rằng Trung Quốc đã có đàm phán với 17 quốc gia có các tuyến đường sắt chạy qua, các tuyến đường này kết nối với nhau và mở rộng ra toàn bộ miền Trung, Đông và Đông Nam Á. Ông Wang cho biết, tuyến đường này cũng sẽ cho phép Trung Quốc vận chuyển nguyên vật liệu hàng hóa hiệu quả hơn.

Ông Wang nói: “Không phải Trung Quốc là người đầu tiên thúc đẩy ý tưởng này, mà là các quốc gia khác đã đến với chúng tôi, đặc biệt là Ấn Độ. Các nước này không thể tự mình xây dựng hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc và họ hy vọng sẽ tận dụng được kinh nghiệm và công nghệ của chúng tôi".

Trung Quốc đang thực hiện một dự án 480 tỷ bảng Anh (thời giá hiện nay 1 bảng Anh bằng khoảng 1,4 USD - PH) để mở rộng đường sắt trong nước, nhằm xây dựng gần 19.000 dặm đường sắt mới trong năm năm tới, kết nối đến tất cả các thành phố lớn của Trung quốc với tuyến đường tốc độ cao.

Harmony Express - tuyến đường sắt nhanh nhất thế giới với tốc độ tối đa gần 250 dặm/giờ, nối Vũ Hán và Quảng Châu đã được khánh thành vào cuối năm ngoái. Tuyến đường này hoàn toàn do Trung Quốc xây dựng, nhưng sử dụng công nghệ của Siemens và Kawasaki. Harmony Express có thể vượt 660 dặm, tương đương hành trình khứ hồi từ London đến Edinburgh, chỉ trong ba giờ.

Ông Wang cho biết các tuyến đường của ba mạng lưới này chưa được quyết định xong, nhưng việc xây dựng cho tuyến đường Đông Nam Á đã được bắt đầu ở tỉnh miền Nam - Vân Nam và Miến Điện đã bắt đầu các xây dựng để liên kết với tuyến đường đó. Trung Quốc đã đề nghị cấp ngân sách cho tuyến đường Miến Điện để trao đổi quặng litium - một kim loại được sử dụng rộng rãi trong các loại pin.

Hiện nay, tuyến đường sắt duy nhất nối Trung Quốc với Đông Nam Á là tuyến đường cổ được người Pháp xây dựng ở Việt Nam cách đây một thế kỷ. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) gần đây đã đồng ý một khoản vay thứ hai 27 triệu bảng Anh như là một phần khoản vay 93 triệu bảng Anh để tái thiết mạng lưới giao thông Campuchia , dự án này sẽ kết thúc vào năm 2013. Chi phí của các tuyến đường từ Campuchia sang Singapore và sau đó từ Việt Nam sang Trung Quốc có thể lên đến xấp xỉ 400 triệu Bảng Anh.

Ông Wang nói: "Chúng tôi cũng đã tiến hành công việc đầy triển vọng và khảo sát cho mạng lưới đường sắt Châu Âu; các quốc gia Trung và Đông Âu đang rất tha thiết bắt đầu dự án này với chúng tôi. Mạng lưới phía Bắc sẽ chỉ bắt đầu làm 1/3, mặc dù Trung Quốc và Nga đã nhất trí về một tuyến cao tốc qua Siberia, nơi một triệu người Trung Quốc đang sống".

Điều trở ngại là Trung Quốc mong muốn các tuyến đường sắt cao tốc có cùng bề ngang tiêu chuẩn đường ray như tuyến nội địa của Trung Quốc. Việt Nam đã đồng ý thay đổi bề ngang tiêu chuẩn đường ray của họ, nhưng các nước khác thì vẫn còn đang phải đàm phán.

"Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề lớn nhất là tiền", ông Wang nói.

"Chúng tôi sẽ sử dụng tiền của chính phủ và các khoản vay ngân hàng, nhưng các tuyến đường sắt cũng có thể kêu gọi tài chính từ khu vực tư nhân và từ các nước chủ nhà. Chúng tôi thực sự thích các nước chi trả bằng tài nguyên thiên nhiên hơn là tự họ đầu tư".

Đối với hành khách, ông Wang dự đoán, “trong vòng một thập kỷ tới , việc hạn chế visa du lịch ở Châu Á sẽ không còn nữa”.

PH

Nguồn: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/7397846/Kings-Cross-to-Beijing-in-two-days-on-new-high-speed-rail-network.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn