Thư giãn Chủ nhật - dành cho cả người nhạy cảm và người vô cảm: Tư liệu về Thủ đô mới của Miến Điện (Myanmar)

Phạm Toàn sưu tầm và báo cáo

Chuyện dời Thủ đô là rất hãn hữu trên thế giới. Nhưng đã làm thảy đều có lý do, và lý do phải đàng hoàng: Lý Thái Tổ từ nơi ăn ở luộm thuộm trong rừng núi ra Thăng Long để ý chí vươn xa bay bổng hơn; nước Đức sau khi thống nhất đã chuyển Thủ đô từ Bonn về Berlin; nước Brazil đưa Chính phủ từ Rio de Janeiro về Brasilia năm 1960 là do chuyện ô nhiễm vì bụi; còn ở Miến Điện thì ...

Nước Miến Điện thì thích tiến hành những thay đổi khó hiểu. Nhưng khó hiểu nhất có lẽ là việc từ năm 2005 Chính phủ của nhóm quân nhân đã chuyển về Thủ đô mới, để đến 2007 thì họ chính thức công khai hóa nhân cuộc duyệt binh Ngày Quân đội. Vào bữa đó, Chính phủ Miến Điện gọi chừng 50 nhà báo nước ngoài đến cho dự duyệt binh và nghe ông Thống tướng Than Shwe nói. Nhà lãnh đạo 74 tuổi đọc diễn văn trước chừng 500 quan khách, nhà ngoại giao và nhà báo [[i]].

Nhìn vào bản đồ, nước Miến Điện như bông hoa xòe ra, Thủ đô cũ Rangoon (nay gọi là Yangon) nằm ở sát “đài hoa”, trên thực địa là sát biển, và Thủ đô mới là Naypyidaw (xin đọc là Nai-pi-đo), nay nằm sâu vào giữa bông hoa, cách Thủ đô cũ 460 kilomet về phía Bắc.

Nghĩa đen của Naypyidaw là “Thành phố Mặt trời” nhưng cũng có thể mang nghĩa khác nữa là “Chốn đế vương”. Thủ đô mới của Miến Điện được xây dựng bí mật từ bao giờ ít người biết. Người nước ngoài, nhất là cánh báo chí, tò mò là thế, mà cũng chịu chết, không có chút tin tức gì! Thủ đô mới chỉ hé lộ cái duyên kín đáo (thói quen giữ bí mật những chuyện nhạy cảm) khi tập đoàn quân nhân cai trị nước này mời người nước ngoài lên Thủ đô mới dự lễ duyệt binh ngày Thành lập Quân đội.

Tin tức về Thủ đô mới được loan đi từ đó (song hình như ở Việt Nam tin tức đó vẫn còn được tiếp tục giữ kín giùm – hãy thử làm câu hỏi điều tra “Thủ đô Miến Điện tên là gì?” chắc là sẽ có nhiều khám phá thú vị).

clip_image002

clip_image003

clip_image004

“Bông hoa xòe …”

Vào cái năm long trọng và bí mật khánh thành Thủ đô mới, công việc vẫn còn ngổn ngang. Theo tin của BBC, công việc phần lớn làm thủ công. Song bây giờ thì cũng đẹp rồi, và đủ sức chứa tất cả các cơ quan của Thủ đô cũ về nơi ở mới.

Tập đoàn quân nhân xây cho họ một khu vực riêng ở phía Đông Thủ đô mới. Thống tướng lãnh đạo quốc gia Than Shwe hiện sống ở đó… hoặc ở đâu không rõ, vì ngay cả ở nơi kín đáo đến thế, vẫn thấy chưa an toàn.

May sao, vệ tinh quét được địa chỉ khu nhà bí mật của nhà lãnh đạo gần dân, được dân mến dân tin và dân rất yêu đó [[ii]].

Lý do dời đô [[iii]]

clip_image006

Thủ đô mới nằm ở giữa vùng núi non xa xôi cách trở với tất cả

Ông Bộ trưởng Thông tin Kyaw Hsan giải thích cho bà con phóng viên báo chí nước ngoài: “Thủ đô mới nằm ở trung tâm và có thể nhanh chóng với tay đến các địa phương”.

Nhưng cánh báo chí thì lại thấy họ chưa được thuyết phục. Họ nói: cái lý do thực sự của việc dời đô thì vẫn cứ còn trong vòng bí mật! Vì Thủ đô mới nằm lọt trong một vùng núi non xa xôi cách trở.

Có thể tập đoàn quân nhân đang lãnh đạo đất nước bằng bàn tay sắt sợ đất nước bị tấn công từ bên ngoài.

“Tôi là người Miến Điện đậy, nhưng lắm khi tôi đâu có hiểu Chính phủ họ nghĩ gì trong bụng”, đó là lời Aung Zaw, biên tập viên báo Irrawaddy, tờ báo do các nhà báo lưu vong chủ trương. Ông nói thêm: “Lời đồn về Mỹ tấn công chỉ là lời đùa ở Miến Điện đấy thôi. Cốt để thấy chuyện dời đô chỉ là hoang tưởng của bọn quân nhân thôi”.

Joseph Silverstein, một chuyên gia về các vấn đề Miến Điện và Giáo sư ưu tú đại học Rutgers mô tả kế hoạch lập Thủ đô mới là “hoàn toàn phi lý".

Nhưng họ cũng không đến nỗi mất trí. Và các phân tích gia cho thấy, thay vì thực sự sợ ngoại xâm, họ về nơi này cốt để gần và dễ kiểm soát những vùng có các dân tộc thểu số Shan, Chin và Karen mà họ không thuần phục được.

clip_image007

Saw Sarki, thuộc Tổ chức quốc gia dân tộc Karen đồng ý với cách lý giải đó. Ông nói: “Dù sao thì quân đội cũng hoàn toàn phân tán khắp cả nước [nên bây giờ họ cần tập trung như vậy]”.

Nhiều ý kiến khác thì cho rằng dời đô chỉ là vì sự an toàn cho riêng Chính phủ mà thôi. “Vùng này ít dân, họ có thể dựng lên thành một pháo đài tự vệ”, Saw Sarki nói. Ai cũng biết là ở Thủ đô cũ đường hầm bảo vệ Chính phủ được đào nhằng nhịt dưới mặt đất, đến độ Aung Zaw bảo “Chính phủ sống chui lủi trong hang chuột”!

Nhưng có rất nhiều chỉ dẫn cho biết là bọn họ – những con người đại diện cho trí tuệ thời đại – đã tin nghe theo bọn thầy bói. Giáo sư Joseph Silverstein coi đó là cách lý giải dễ gần với sự thật nhất. “Ở Miến Điện, người nào cũng tin thày bói”, ông nói. “Tướng Ne Win lên nắm quyền hồi năm 1962 hoàn toàn sống phụ thuộc vào bọn thầy bói. Từng có chuyện vị này nghe theo bọn thày bói và trong một đêm đã quyết định thay đổi hướng giao thông khiến cho ngay ngày hôm sau đã xảy ra bao nhiêu là tai nạn”.

clip_image009

Thủ đô cũ Rangoon có đủ cơ sở hạ tầng cần thiêt – Sao phải dời?



Một vài mô tả Thủ đô mới [[iv]]

Năm 2008, báo The New York Times vẫn còn mô tả Thủ đô mới của Miến Điện là “xa xôi cách trở, quá ư kiêu sa phí phạm và chẳng cho ai khác đặt chân tới hết”.

Những cánh rừng tre nứa và những cánh đồng mía xưa kia trải dài những sườn đồi thoai thoải nay được thay bằng những con đường thẳng băng, những tòa nhà to lớn mà thô kệch vụng về… Một tấm biển mang tính ẩn dụ chung cho tất cả: “Khu vực Quốc hội – Cấm vào”. [Lưu ý so sánh: ở khuôn viên trước nhà Quốc hội Australia tại Thủ đô Canberra, người ta xây khu vui chơi trẻ em để chúng ở đó cho cha mẹ còn rảnh rang biểu tình!].

Cả cái Thủ đô mới đó đã được xây dựng bí mật trong nhiều năm và được trình diện ra mắt thế giới như một việc đã rồi. Vì việc xây dựng và dời đô này không hề được nhân dân thông qua; và nó chi tiêu vô cùng tốn kém trong khi Miến Điện là nước nghèo, một phần ba số trẻ em thiếu dinh dưỡng, du khách kêu ca là đường sá thì bụi bặm và đầy ổ voi ổ gà…

Việc xây dựng Thủ đô mới hoàn toàn là “ngẫu hứng” của nhóm quân nhân cầm quyền – một chính quyền vẫn nói là của dân do dân vì dân nhưng hai ba tuần sau khi trận bão Nargis sức gió tới 255 km/giờ tàn phá đất nước làm 130 nghìn người chết, mà vẫn không thấy ông Thống tướng đến thăm dân bị nạn!

Thủ đô mới chỉ là nơi để họ được sống tách biệt hơn nữa với dân. Ngay khu vực của nhóm quân nhân sinh sống thì cũng chỉ sĩ quan cao cấp mới được bén mảng.

Đáng chú ý là Bắc Kinh cũng có điều không hài lòng với chuyện Miến Điện xây dựng Thủ đô mới [[v]]. Người ta dùng trang Web của sứ quán nước này tại Yangon để nói xa xôi “bằng giọng ngoại giao” tới sự tốn kém của Thủ đô mới. “Giọng ngoại giao” cũng than phiền không được phép lên thăm thủ đô mới vì phía Miến Điện nại lý do chưa hoàn thành, chưa sẵn sàng. Quả là có vậy: chỉ mới có vài ba khách sạn, sân bay cho VIP, mấy cửa hàng… “tuy rằng họ cũng bắt đầu xây dựng các sân golf rồi”!

Báo The New York Times nói rõ Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ vũ khí cho Miến Điện để dẹp loạn trong nước, và cũng là nước luôn luôn bảo vệ Miến Điện trên nhiều diễn đàn quốc tế. Để bà chị cáu như vậy, song họ chưa sợ. Có lẽ ở đây cần lý giải bằng một thứ quan hệ “có đi có lại” nào đó giữa hai hệ thống cầm quyền thích “đối thoại” với dân bằng súng hơn là bằng lời. (Cf. Thiên An Môn, Tây Tạng, Tân Cương tác phẩm từ phía Bắc Kinh, và những cuộc đánh vỡ đầu các nhà sư năm 2009 tác phẩm từ phía Naypyidaw!)

Một vài hình ảnh

clip_image010

Nhà dạng “biệt thự” ở Naypyidaw

clip_image011

Chung cư ở Naypyidaw

clip_image012

Khách sạn Royal Kumudra Hotel,

Nằm trong khu vực khách sạn của Naypyidaw

clip_image013

Trung tâm mua sắm ở Naypyidaw

clip_image014

Lối vào khu vui chơi giải trí ở Naypyidaw

clip_image015

Bảo tàng ngọc ở Naypyidaw

clip_image016

Công viên nước ở Naypyidaw

clip_image018

Chùa Uppatasanti ở Naypyidaw

Tiêu biểu cho mọi điều tiêu biểu là việc xây dựng năm 2009 ngôi chùa to đùng này!

Mặc dù ở Thủ đô Naypyidaw không có bóng dáng một nhà sư, nhưng họ vẫn bỏ tiền xây ngôi chùa to theo mẫu ngôi chùa nổi tiếng Shwedagon (“Chùa Vàng”) ở Thủ đô cũ đã có từ 2.500 năm rồi, xây dựng lớn từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X mới xong.

Ngôi chùa mới ở Thủ đô mới tên là Uppatasanti có nghĩa là “Hòa Bình”. Sự liêm sỉ đã đạt tới mức liều lĩnh! Các ông tướng cầm quyền cũng đủ trí khôn nội địa, chắc là chẳng cần đi đâu xa để học hỏi trí khôn ngoại bang trong cách tạo ra những Hội nhà sư nghiện thịt chó hoặc các Phân hội nghiên cứu đạo Phật ngành Thị Mầu.

Dẫu sao thì nam mô cũng được một và trống canh !

Hoặc nam mô một bồ dân chủ !

Hà Nội, 28-4-2010

PT


[i] http://www.spiegel.de/international/world/0,1518,474146,00.html

và http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/6498029.stm

[ii]http://www.youtube.com/watch?v=tiLxEIPD6iQ&feature=PlayList&p=7CC40A188064E04C&playnext_from=PL&playnext=1&index=45

[iii] http://news.bbc.co.uk/2/hi/asia-pacific/4416960.stm

[iv] http://www.nytimes.com/2008/06/23/world/asia/23iht-myanmar.4.13919850.html

[v] http://www.nytimes.com/2007/05/23/world/asia/23iht-myanmar.1.5837710.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn