“Bom bẩn” của ngành Vận tải đường sắt và tàu cao tốc

Vũ Duy Chu

image

 Hãy nâng tốc độ con tàu hiện nay lên 150 – 200km/h như phân tích của hàng trăm chuyên gia kỹ thuật và kinh tế uy tín nặng lòng với đất nước. Hãy chấm dứt tình trạng thả “bom bẩn” của ngành đường sắt.

Đó là những việc làm thực tế cấp thiết và hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta.

Trong lúc một số ông nghị đang ra sức “bảo trì” ý kiến xây dựng tàu cao tốc 300 km/giờ hiện đại tiện nghi bậc nhất thế giới ở nghị trường, thì hàng ngày những con tàu già nua chạy trên đường ray khổ rộng một mét cổ điển vẫn lầm lũi lắc lư 32 giờ, 36 giờ vào Nam ra Bắc. Phải công nhận đã có nhiều thay đổi tiến bộ trên các toa tàu, nhưng chỉ là thay đổi kiểu quét vôi ve, tráng lại xi măng nền một căn nhà xập xệ. Người ta có thể thông cảm cho sự nghèo khó của ông đường sắt. Nhưng nghèo khó thì cũng phải sạch. Nhếch nhác đến độ hành khách cứ thản nhiên xả phân - thả “bom bẩn” xuống đường ray suốt chiều dài đất nước thì ông đường sắt đã biến thượng đế của mình thành những người rừng mất rồi. Các ông nói xoen xoét, nói say mê về hiện đại hóa ngành đường sắt Việt Nam với 50, 60 tỉ USD đang nằm trong túi của người Nhật. Cứ như thể người Nhật nợ mình sắp trả nay mai. Còn cái cách vệ sinh kiểu “bom bẩn” như thế tồn tại bền bỉ gần bốn mươi năm (tính tạm từ 1975 đến nay) mà ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và mấy ông chóp bu ngành đường sắt không thấy bức xúc, không thấy xấu hổ là sao nhỉ?

Đã có ý kiến đòi kiện ông đường sắt ra tòa vì tội làm ô nhiễm môi trường. Sự ô nhiễm thì khỏi phải chứng minh nữa. Cứ đưa ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lên những con tàu này từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh xem có lập được biên bản ông ấy gây ô nhiễm môi trường không? Thế còn kiện? Có mà kiện củ khoai.

Hãy thử tính xem, bốn mươi năm không ngưng nghỉ, mỗi ngày hàng ngàn, hàng vạn lượt người xả phân tươi xuống đồng ruộng, ao hồ, nguồn nước sinh hoạt, phố xá làng mạc hai bên đường sắt, nơi con tàu chạy qua. Trong mắt của những người làm công tác y tế phòng chống dịch bệnh, tàu hỏa giống như một con quái vật khổng lồ chứa đầy mầm bệnh vi khuẩn tả, lỵ và nhiều mầm bệnh khác phát tán vào gió, vào mưa, vào khí trời. Những người có trách nhiệm ngành đường sắt đưa ra đủ mọi lý do để bào chữa: Nào là mỗi thùng vệ sinh tự hoại lắp phía dưới sàn toa không dưới 200 triệu đồng, ấy là chưa tính đến các chi tiết phần trên toa và các thiết bị kèm theo. Rồi nước xả tốn gấp hai lần so với cách xả thẳng xuống đường ray. Có người bảo hiện nay Ý, Đức đâu có khá hơn mình, họ cũng xả phân thẳng xuống đường ray như mình đấy chứ. Khoa học tiên tiến của thế giới cũng chưa có nghiên cứu nào về tác hại môi trường do vận tải đường sắt gây ra cơ mà. Thế thì mình chưa nghiên cứu đâu phải là chậm, là yếu kém. Dân mình đâu có lạ gì ngụy biện kiểu Chí Phèo của mấy ông quan chức này. Giả sử người Đức, người Ý lạc hậu xả phân xuống đường ray thì cũng là vùng đồi núi, ngoại thành. Đường tàu của họ đâu có gắn chặt vào đường trục, đâu có xuyên thẳng vào khu dân cư hàng ngàn km. Dân của họ đâu có áp sát, lấn chiếm hành lang an toàn của đường sắt mà xây nhà cửa, buôn bán sinh sống đông nghẹt lộn xộn như ở xứ ta?

Chả lẽ dân tộc mình nghèo đến mức không có tiền để lắp một cái thùng vệ sinh tự hoại trên mỗi toa tàu. Hiện Cục Đường sắt Việt Nam đang quản lý hơn 1000 toa xe khách. Xin ông đường sắt công bố công khai nếu trang bị thùng vệ sinh tự hoại cho tất cả các toa xe khách chi phí bao nhiêu? Chi phí vận hành bảo trì một năm bao nhiêu? Ngành đường sắt liệu có kham nổi không? Nếu không kham nổi, hãy đem vấn đề này trình Chính phủ. Đây không hề là một việc nhỏ. Nó là văn hóa của một dân tộc, là bộ mặt của ngành đường sắt, ngành du lịch, bộ mặt của Bộ Giao thông Vận tải, thưa ông Bộ trưởng.

Vâng, ông Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải có bức xúc. Ông bức xúc đến độ kêu gọi các đại biểu Quốc hội hãy đồng thuận “phải đi vào hiện đại ngay” với tàu cao tốc. Ông đâu cần bức xúc chuyện một cái thùng vệ sinh tự hoại vặt vãnh tiền triệu đồng Việt Nam.

Nói công bằng, ngành đường sắt cũng bức xúc. Năm 2006 họ đã lập đề án giảm thiểu ô nhiễm đường sắt trình lên Bộ Giao thông Vận tải. Nghe nói nếu được Bộ Giao thông Vận tải cho phép triển khai ngay đề án thì cũng phải đến năm 2020 mới có thể lắp đặt mỗi toa xe khách một thùng vệ sinh tự hoại. Nghĩa là các thượng đế lên tàu cứ tự nhiên thả “bom bẩn” thêm mười mấy năm nữa. Năm 2001 ngành đường sắt đã thử nghiệm dùng thùng chứa tự hoại Microphor của Mỹ trên khoảng 80 toa xe thế hệ mới. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức ấy mà thôi. Có người cho rằng thiết bị này không “hòa mạng” ta được vì giá thành cao, bảo trì khó và chất khử mùi thì nồng nặc.

Được biết ông Phan Trí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Petech rất bức xúc trước hiện trạng mất vệ sinh trên tàu hỏa Việt Nam. Tháng 10.2008, ông đề nghị được giải quyết triệt để tình trạng phóng uế xuống đường ray ngay trong năm 2009 bằng công nghệ xử lý Biofast của Công ty ông. Bể tự hoại Biofast đã được dùng thử nghiệm trên tàu hỏa năm sao Sài Gòn - Nha Trang cho kết quả tốt. Giá cung ứng lắp đặt Biofast bằng 60% Microphor, chi phí vận hành nhỏ hơn nhiều lần, thời gian sửa chữa ngắn và không có mùi hôi. Sản phẩm này còn được lắp đặt trên các du thuyền Vịnh Hạ Long và Nha Trang và các điểm lễ hội lớn khác. Thực hư chuyện này thế nào, tại sao không tiếp tục, ai rành rẽ chuyện lên tiếng cho dân tình biết có cơ sở mà đề nghị chính quyền xem xét sớm.

Chỉ có đường sắt cao tốc là nóng sốt sồn sột. Tại phiên họp Quốc hội vừa qua, dự án Đường sắt cao tốc được ông Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng ủng hộ mải miết, say đắm nhưng đã bị Quốc hội bác bỏ. Ông Bộ trưởng có buồn nhưng khi trả lời phỏng vấn báo chí ông bảo rằng không buồn lắm. Để giải buồn, xin ông hãy giả dạng thường dân đến tất cả các phòng trọ ổ chuột bé tin hin của hàng triệu công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp trên cả nước hỏi xem những ngày nghỉ, dịp lễ, Tết họ về quê bằng phương tiện gì, để thấy cái tàu cao tốc cần đến mức nào.

Xin ông hãy đến gặp gỡ nông dân đồng bằng sông Hồng, miền Trung và miền Tây Nam Bộ xem họ có cần tàu cao tốc không? Hàng ngàn đời nay, nông dân Việt Nam là lớp người thiệt thòi nhất, nghèo khổ nhất, bị đối xử bạc bẽo nhất. Không người Việt Nam nào không có gốc gác dây mơ rễ má với nông dân. Làm gì có người Việt Nam nào không cần đến hạt cơm, dù có đủ cao lương mỹ vị Tây Tàu. Nhưng cũng không có một người Việt Nam nào mơ ước trở thành nông dân cả. Đừng quàng vào cổ họ cái món nợ của Tàu cao tốc mà họ không bao giờ dám đặt mông lên chiếc ghế nệm êm của nó.

Trước khi nói đến tàu cao tốc, xin đừng coi chuyện đi vay được tiền người khác là tài giỏi, là một thứ nghệ thuật, một minh chứng cho sự uy tín. Xin đừng hàm hồ rằng người ta cho mình vay đã là tốt rồi, cứ vay đi, mang về lẹ đi. Đâu phải chủ nợ nào cũng thật lòng chia sẻ giúp đỡ. Thiếu gì chủ nợ cứ mong cho con nợ lụn bại, ngắc ngoải, sống không ra sống, chết không được, biến thành vật tế thần, thành con tin trên bàn cờ thế sự. Cái giá phải trả cho sự vay mượn có ai mà không biết, có nước nghèo nào lại không thấm thía? Cái giá phải trả cho việc sử dụng không hiệu quả hàng triệu, hàng tỉ đô la vốn vay nước ngoài còn ngổn ngang chưa thể quét dọn được sờ sờ ra kia kìa. Tàu cao tốc bị bác bỏ, đâu phải dân mình không thích tiện nghi sang trọng. Dự án tàu cao tốc là một ca đẻ non, đẻ vội vã. Đẻ non quá không có thứ lồng kính nào cứu được thì… chết. Vậy thôi.

Hãy nâng tốc độ con tàu hiện nay lên 150 – 200km/h như phân tích của hàng trăm chuyên gia kỹ thuật và kinh tế uy tín nặng lòng với đất nước. Hãy chấm dứt tình trạng thả “bom bẩn” của ngành đường sắt.

Đó là những việc làm thực tế cấp thiết và hoàn toàn nằm trong tầm tay của chúng ta.

Sài Gòn, 23.6.2010

V.D.C

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn