Dự án vĩ cuồng đã bị Quốc hội bác bỏ

Nguyễn Huệ Chi
Chiều nay, 19-6-2010, với 37,53% số đại biểu tán thành, 42,19% không tán thành và 20,28% không bỏ phiếu, chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc trị giá 56 tỷ USD do Chính phủ trình ra Quốc hội đã bị phiên họp toàn thể Quốc hội bác bỏ. Trong cái nóng như nung của nhiệt độ ngoài trời Hà Nội lên đến 40 độ, phòng họp Quốc hội cũng trở nên nóng bỏng vì lá phiếu chọn lựa của các đại biểu. Và tại các quán trà, quán cà phê, nơi hóng mát... không ai là không chờ đợi với tâm trạng nghẹt thở lo lắng. Nhưng cuối cùng thì tất cả đều vỡ òa lên sung sướng, nỗi lo đất nước gánh thêm những món nợ khổng lồ và biết đâu sẽ rơi vào vòng nô lệ nước ngoài vì cuồng vọng của những kẻ một tấc đến trời đè lên ngực trong một tháng nay thế là được cất hẳn. 

Dư luận mọi tầng lớp kể cả ngay trong một số đại biểu Quốc hội đều hết sức ngạc nhiên, không tin nổi cái kết quả lội ngược dòng ngoạn mục có thể nói là có một kể từ ngày Quốc hội nước CHXHCNVN ra đời. Tuy nhiên, ngẫm nghĩ một chút, sự việc hôm nay vốn có nguyên nhân của nó, là kết quả của cả một tiến trình vận động của một loạt những sự kiện nóng hổi trong thời gian gần đây.

Chỉ tính từ đầu năm 2009 trở đi, mới có hai năm thôi mà trên đất nước chúng ta diễn ra bao nhiêu chuyện dồn dập làm người bàng quan nhất cũng không thể thờ ơ được nữa – những chuyện có phần do khách quan đưa tới nhưng cũng có cả nhân tố chủ quan, mà về mặt tác động chúng đều gây nên rất nhiều mối ưu tư xung quanh phạm trù độc lập dân tộc và phồn vinh của quốc gia, khiến cho không ít mâu thuẫn lâu nay được che khuất bỗng nhiên hé lộ. 

Biển Đông rúng động mạnh vì sự hoành hành ngang ngược, hùng hổ của Hải quân Trung Quốc, liên tiếp bắt giết, cướp bóc, cầm tù hàng trăm tàu cá của ngư dân nước ta, bất chấp mối tình hữu hảo “4 tốt” và “16 chữ vàng” mà Đảng CS Trung Quốc cam kết với Đảng CSVN. Đây là một tình thế khó xử, đẩy nhà nước Việt Nam vào chỗ lúng túng bị động, trở thành một thử thách nghiêm khắc cho việc giữ được hay không lòng tin của người dân đối với chính quyền (vốn trước nay vẫn nêu ngọn cờ “không có gì quý hơn độc lập tự do” của Hồ Chủ tịch), và vô hình trung cũng là một câu trả lời đầy hài hước cho các hành động đàn áp mà trước đấy ít lâu chính quyền từng mạnh tay thi hành với nhiều tốp thanh niên tự động giương biểu ngữ “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” trên các đường phố, tỉnh thành để phản đối Trung Quốc. 

Trong không khí sôi bỏng ấy thì việc Chính phủ đề xuất đại dự án khai thác bauxite Tây Nguyên vào đầu tháng 5 năm 2009, theo kiểu cắt xén nguồn vốn khổng lồ ra nhiều phần để khỏi phải thông qua Quốc hội, nhằm thực thi một bản tuyên bố chung vô nguyên tắc ký từ năm 2001 giữa người đứng đầu Đảng CSVN và người đứng đầu Đảng CSTQ, không những làm dấy lên một cao trào phản đối mạnh mẽ trong giới trí thức, giới cách mạng lão thành và nhiều tầng lớp nhân dân khác mà ở nhiều vị đại biểu Quốc hội còn có lương tri và biết nghĩ đến vận mệnh đất nước cũng là một nỗi hổ thẹn phải nuốt vào lòng. Có thể nói dự án bauxite Tây Nguyên với tất cả những mặt trái tồi tệ nhất được giới chuyên gia hình dung từ đầu, sau một năm thực hiện đang phơi bày những khó khăn chồng chất khiến nhiều người đến tận nơi thẩm tra xem xét cũng phải lắc đầu, đã như một ám ảnh tâm lý không những không phai nhạt đi mà ngày càng lan tỏa rộng rãi hơn trong lòng xã hội.

Và giữa tình hình ngổn ngang như vậy lại nẩy sinh thêm chuyện cho nước ngoài thuê rừng phòng hộ và rừng đầu nguồn trong 50 năm, một việc làm rất tai hại đối với sinh thái thảm thực vật rừng Việt Nam và nguy hiểm cả đối với an ninh từ vùng biên giới vào sâu nội địa, phản ánh tình trạng hỗn loạn, mất kỷ cương trong điều hành chính sự và trong ý thức về trọng trách hàng đầu của người cầm quyền, mà chỉ khi các vị lão thành cách mạng phát hiện và các trang mạng loan tải thì bộ máy nhà nước mới biết đến và buộc phải đối phó bằng cách cử một đoàn quan chức cấp tốc đi thanh tra khắp từ Bắc vào Nam. Ấy thế mà ông Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về sự việc nói trên vẫn lúng túng, không nhận thức nổi tính chất nghiêm trọng của sai lầm xẩy ra, đến nỗi trả lời chất vấn các đại biểu ông nói chỉ có 10 tỉnh cho thuê rừng trong khi thực chất là 18 tỉnh.
Tỉnh táo mà nhìn thì cả về chất lượng cán bộ lãnh đạo các cấp cũng như trên nhiều bình diện hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội do đội ngũ cán bộ đó quản lý, đất nước quả đang chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đó là một mối lo nặng trĩu, nhưng cũng chính nó thổi lên trong đầu óc mọi người một luồng gió mới của sự năng động, tỉnh táo, không còn nhắm mắt giáo điều như xưa. Vì thế, khi mà những người đứng đầu Chính phủ lại hăm hở đưa ra một đại dự án đường sắt cao tốc được chuẩn bị hấp tấp và không tính hết mọi hậu quả khôn lường, thì như giọt nước tràn ly, nó là thử thách cuối cùng, vượt qua lòng kiên nhẫn của các đại biểu Quốc hội. Dù đảng viên chiếm 92%, những người mang danh đại biểu của nhân dân cũng không thể làm trái với lương tâm đang được thức tỉnh bởi luồng gió mới mẻ ấy. Kết quả của việc nói không với Đại dự án phiêu lưu đường sắt cao tốc nói lên rất rõ, luồng gió cởi mở và tỉnh thức của lý trí đã thấm vào lòng người ở khắp mọi nơi, biểu hiện tập trung nhất là tại nghị trường Quốc hội chiều nay. May chăng đây là thắng lợi của một chiều hướng mới trong Quốc hội của chúng ta – chiều hướng dám nói thẳng nói thật vì công lý, vì tương lai của dân tộc và vận mệnh của quốc gia chứ không phải vì những nguyên tắc chết cứng áp đặt lên đầu các đại biểu. Nhưng không chỉ có thế. Biết đâu vận may dun dủi, đây còn là một báo hiệu cho sự thắng lợi của một hiện tượng lớn hơn: một xã hội dân sự đã bước đầu hình thành như một xu thế khách quan. Hãy còn quá sớm để đoán định, song đã gọi là xu thế lịch sử thì trước sau cái phải đến thế nào cũng đến, không gì có thể cản đường.

Một tháng qua, cùng với nhiều báo chí và trang mạng trong cả nước, BVN đã góp sức mình vào công cuộc đấu tranh cho cái đúng, cái thiện, giúp các đại biểu Quốc hội có thêm luận cứ để nhìn rõ thực chất vấn đề khi quyết định lá phiếu của mình. Cho phép chúng tôi bày tỏ ở đây lòng biết ơn đối với các cộng tác viên trong ngoài nước, các trí thức chuyên gia đầu ngành cũng như các nhà văn, nhà báo, dịch giả đã tích cực cộng tác để làm cho trữ lượng của những tiếng nói vì nước vì dân thêm giàu thiết chứng và nhờ đó thêm phần thuyết phục.

NHC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn