Nhà báo tự kiểm…

http://houseofdistinction.files.wordpress.com/2009/10/paparazzi600x399.jpgNguyễn Trọng Tạo


Ngày nhà báo thì toàn dân toàn đảng chúc mừng nhà báo. Đó là một truyền thống đẹp. Báo chí là “quyền lực thứ tư” như các nhà chính trị đã chỉ; còn dân thì coi báo chí như “quyền lực vạn năng”.

Trước ngày nhà báo mấy hôm, tôi ghé tạp chí Sông Hương, thấy một lẵng hoa cao lớn thật đẹp của PA25 công an Thừa Thiên Huế chúc mừng các nhà báo Sông Hương đặt ngay phòng khách. Đây là lẵng hoa sớm nhất chúc mừng cơ quan báo chí này. Và tôi nhớ, tạp chí Sông Hương nhiều lần bị bóc bài, bị “tạm ngưng”, bị thay Tổng Biên tập… vì những bài viết động vào những “vấn đề nhạy cảm”. Từ đó tôi đâm ghét hai từ “nhạy cảm” mà đáng lẽ nó phải được yêu mến.
“Thế là tôi kiểm duyệt tôi trước khi anh kiểm duyệt. Những người chết không biết nói. Tiếng quạ kêu nhắc nhớ mấy chiến trường. Tiếng chim sơn ca trong lồng hót theo ý chủ. Nay tế nhị mai nhạy cảm mốt tinh ý tinh vi tinh tường tinh tướng. Còn nhiều nữa những cảm từ ngụy biện. Thế là bao che thế là trừng phạt. Thế là ta mà chẳng phải ta. Thế là đối thoại một chiều hội thảo ngợi ca bỏ phiếu theo đáp án. Đêm giật mình sám hối vì đã trót có ý nghĩ thầm kín trong đầu” (Phác họa – NTT).

Quả thật, làm báo viết báo thời nay vừa dễ vừa khó. Dễ là được viết sự thật, khó là viết sự thật như nó vốn có, và viết như thế nào cho thuyết phục.

Chống tiêu cực có thể thành anh hùng cũng có thể vào tù. Hình ảnh tướng Nguyễn Việt Thanh là một hình ảnh đẹp mà nếu không có những nhà báo và tờ báo dũng cảm thì chắc đã mấy ai biết. Và hình ảnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến vào tù lại cũng chính vì hai từ “nhạy cảm”.

Viết báo yêu nước cũng phải thận trọng. Báo Du lịch hay mạng Bô xít cũng chỉ vì yêu nước mà lên bờ xuống ruộng.

Người ta luôn nhắc nhau “Đừng bẻ cong ngòi bút” nhưng có khi chưa bẻ bút đã cong!
Và quả thật, có nhiều bài báo đã đi ngược lại nhân phẩm nhà báo dù vô tình hay hữu ý. Nhiều “con rắn vuông” xuất hiện trên báo giấy, báo hình, báo mạng và trên cả những blog cá nhân.

Tính quá đà “tô hồng, bôi đen” là hết sức kiêng kị. Nó biến các tờ báo thành “lá cải” lúc nào không hay. Dẫu biết làm báo cần hấp dẫn mới cạnh tranh được, nhưng những bài báo giật gân gần đây quá bị báo chí lạm dụng.

Có lần ra nước ngoài, tôi hỏi một số người Việt vì sao thiếu thiện cảm với đất nước, vì sao sợ về nước khi đất nước quê hương vẫn đang từng ngày muốn vươn tới văn minh giàu mạnh? Họ trả lời giống nhau: Sáng nào mở mạng ra đọc báo cũng thấy những tin tức phát khiếp: con giết cha, trò đánh thầy, quan tham nhũng… Thì ra những tin giật gân luôn được đưa lên trang chính để… câu khách, còn người đọc thì cũng thích được… câu!
Câu chuyện thầy Khoa hay câu chuyện Hồ Ngọc Hà gần đây khiến nhà báo phải suy ngẫm về thiên chức nhà báo. Đẩy quá đà một sự thật lại chính là đã chống lại sự thật. Báo chí có thể làm cho người tốt thành người bị huyễn hoặc, bị phản cảm.

Dẫu biết ngành nào cũng có người hay người vừa người kém, nhưng cái ngành báo mà kém thì thực là nguy hại, vì báo là “quyền lực… vạn năng”.

Thiết nghĩ trong ngày vui cũng nên tự kiểm lại mình. Và mong, ngày càng có nhiều nhà báo hay, nhiều bài báo hay và nhiều tờ báo hay…

Mùa nóng mất điện trước Ngày Nhà Báo VN

N. T.T.

Nguồn: http://nguyentrongtao.org/nha-bao-tự-kiểm….xml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn