Đòn bẩy mới của Trung Quốc về ảnh hưởng toàn cầu

Bruce Stokes/ New Asia Sentinel, 14 tháng 7, 2010

Phương Mai phỏng dịch

clip_image001

Sức mạnh hàng hải: thành công kinh tế đã thúc đẩy Trung Quốc giễu võ dương oai.

Sức mạnh kinh tế càng ngày càng thúc đẩy Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ.

Trung Quốc có phải là thị trường đang phát triển, ôn hòa với những khát vọng khu vực có tính hạn chế như Bắc Kinh thường mau mắn diễn tả? Hay Trung Quốc là một quyền lực kinh tế và chiến lược càng ngày càng mạnh, thách thức châu Âu, Mỹ và các nước láng giềng châu Á?

Phương Tây có một lịch sử dài trong việc báo động về Trung Quốc, kể từ khi lo sợ Hiểm họa Da Vàng vào thế kỷ XIX. Gần đây hơn, những lo ngại về Trung Quốc phản ánh hoài nghi về khả năng bảo trì mức sống hiện hành của Âu châu và Mỹ khi đối mặt với cạnh tranh của Trung Quốc. Lo ngại này được thúc đẩy bởi nhu cầu của giới bảo thủ cần có một kẻ thù để huy động sự ủng hộ của dân chúng đối với chi tiêu quốc phòng và tiếp tục ảnh hưởng bá quyền toàn cầu của nước Mỹ. Hơn nữa, những lo sợ này không chú ý tới nhu cầu phát triển to lớn của Trung Quốc, gồm cả vấn đề hàng trăm triệu người dân vẫn sống trong cảnh nghèo đói gay gắt.

Dầu vậy, có nhiều dấu ấn trong những tháng gần đây là Trung Quốc ngày càng thêm tự tin, với khả năng và ý chí chưa từng thấy để sẵn sàng sử dụng đòn bẩy ảnh hưởng trên thế giới. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Lịch sử cho ta biết rằng những quyền lực đang lên thường dương oai giễu võ để thử ảnh hưởng của mình. Người Âu, người Mỹ, và các láng giềng của Trung Quốc không nhất thiết phải sợ hãi nhưng phải cảnh giác.

Tính quyết đoán mới của Bắc Kinh được nung đốt bởi thành công kinh tế chưa từng thấy. Nền kinh tế Trung Quốc đã lớn mạnh gấp đôi trong bảy năm qua và thu nhập đầu người đã tăng gấp đôi trong sáu năm qua. Thành công kinh tế này đã khiến người dân Trung Quốc thành người tự mãn nhất trên thế giới theo khảo sát gần đây của Pew về Thái độ Toàn cầu. Chín trên 10 người Trung Quốc hài lòng với đường hướng quốc gia của họ, về hiện trạng và tương lai kinh tế của quốc gia họ. Và thế giới ngày càng nhìn Trung Quốc như một siêu cường kinh tế đang vươn lên. Cũng trong cuộc khảo ý của Pew với người dân tại 22 quốc gia, đa số người dân trong tám quốc gia đã chọn Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu, so với cuộc khảo ý năm 2009 khi chỉ có hai quốc gia là người dân đã chọn như vậy. Bây giờ tại Đức, Jordan, Nhật Bản, Pháp và Mỹ một nửa số người cho rằng Trung Quốc đứng đầu bảng.

Kể từ năm 2009, trong 21 nước có thống kê thăm dò xu thế xã hội, thì tại 13 nước, tỷỉ số công chúng xem Trung Quốc là cường quốc kinh tế hàng đầu đã gia tăng rõ rệt; như tăng 29 điểm ở Nhật Bản, 23 ở Đức, và 21 ở Jordan.

Và Trung Quốc dường như ngày càng sẵn sàng sử dụng tầm vóc đang lên của mình để áp đặt ảnh hưởng trong các vấn đề ngoại giao, an ninh và kinh tế.

Không còn có vấn đề ‘’khấu đầu” trước Hoa kỳ nữa. Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama viếng thăm Trung Quốc trong tháng Mười một năm 2009, cuộc họp với sinh viên ở Thượng Hải, một sự kiện công cộng chủ yếu, chỉ được phát sóng trên đài truyền hình địa phương chứ không phải toàn quốc như cuộc họp nổi tiếng với sinh viên của Bill Clinton trong chuyến thăm đầu tiên của ông với tư cách là Tổng thống Mỹ. Hơn nữa, báo chí Trung Quốc đã kiểm duyệt nội dung trong cuộc phát sóng này và trong cuộc đàm thoại với báo chí ông Obama thực hiện vào cuối tuần ở miền Nam Trung Quốc.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Copenhagen trong tháng Chạp 2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã không tham dự cuộc họp đầu tiên với Obama mà lại gửi một quan chức cấp dưới đến họp thế. Có lần viên quan chức này đã đưa tay chỉ trỏ giảng dạy Obama, một sự cố ngoại giao quốc tế nếu có một người Mỹ đối xử như vậy với nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Bắc Kinh đã trở thành quyết đoán trong các vấn đề thương mại và đầu tư, đòi hỏi công ty nước ngoài đăng ký bản quyền kỹ thuật tại Trung Quốc và phải dùng những tiêu chuẩn Trung Quốc nếu muốn buôn bán tại Trung Quốc. Họ cũng gây ra những kiện tụng thương mại chống giới sản xuất phương Tây bán hàng ở Trung Quốc.
Trên mặt trận chính trị, quan chức Trung Quốc bắt đầu khẳng định mở rộng chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố Tây Tạng và Đài Loan là "lợi ích cốt lõi quốc gia" và người nước ngoài phải tránh xa những "vấn đề nội bộ” này. Giờ đây Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng thuật ngữ ngoại giao này cho biển Nam Trung Hoa, một vùng biển rộng 3 triệu cây số vuông, là đường biển vận chuyển ít nhất một phần ba hàng hóa toàn cầu và hơn nửa năng lượng nhập khẩu vào Đông Bắc Á Châu. Sự khẳng định của Bắc Kinh đe dọa lợi ích đánh bắt cá và thăm dò dầu khí của Việt Nam, Đài Loan, Phi Luật Tân, Nam Dương và Mã Lai. Nó cũng đe dọa lợi ích hàng hải của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đồng thời Bắc Kinh đã tái khẳng định những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và đã hỗ trợ lập trường này bằng cách đem thêm quân tới biên giới Đông Bắc của Ấn Độ.

Trung Quốc cũng muốn có một vai trò lớn hơn ở Nam Á. Bắc Kinh cung cấp cho Chính phủ Sri Lanka vũ khí sử dụng nhằm dập tắt cuộc nội chiến lâu nay với nhóm Hổ Tamil. Họ đã mở rộng hoạt động hải quân ở Ấn Độ Dương, đồng thời xây dựng các hải cảng dân sự cho một số nước trong khu vực - từ Miến Điện đến Pakistan. Trung Quốc triển khai sâu hơn mối liên kết kinh tế với Miến Điện và Afghanistan, đồng thời gia tăng quan hệ chiến lược chặt chẽ với Pakistan bằng cách trợ giúp về năng lượng hạt nhân dân sự. Họ đã loại trừ Ấn Độ ra khỏi các cơ cấu ngoại giao Đông Á mà Bắc Kinh đề xướng cổ võ.

Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ được thông cảm khi họ lo ngại về sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc khi nó được nối kết với các rêu rao của Trung Quốc về lợi ích quốc gia cốt lõi, chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. Bắc Kinh hiện nay dành 4.3 phần trăm GDP cho quốc phòng, một số tiền rất lớn so với các nước láng giềng là Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hoặc Việt Nam.

Nhưng Trung Quốc cũng tận dụng chiến thuật đòn bẩy ảnh hưởng bằng cách không hành động. Bắc Kinh từ lâu đã chống lại áp lực tăng giá đồng Nguyên (Nhân dân tệ). Quyết định vào tháng Sáu (2010) không buộc chặt đồng Nguyên với đồng đô la Mỹ nữa vẫn chưa dẫn đến gia tăng đáng kể nào về giá của đồng Nguyên. Trung Quốc cũng rõ ràng không muốn gây áp lực với Bắc Triều Tiên mới đây bị cáo buộc đánh chìm một tàu hải quân Nam Triều Tiên. Và trước khi bỏ phiếu thuận, Bắc Kinh đã đòi hỏi giảm bớt các biện pháp chế tài của Liên hiệp quốc chống lại chương trình vũ khí hạt nhân của Iran. Việc này cho thấy lợi ích kinh tế của Trung Quốc tại Iran được coi là cao hơn mối quan tâm chiến lược của châu Âu và Mỹ về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.

Bắc Kinh rõ ràng đã đưa tín hiệu rằng Trung Quốc không còn chấp nhận nguyên trạng trên bàn cờ quốc tế. Họ đã đưa ra một số dấu mốc và làn ranh, và quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác đã vĩnh viển thay đổi.

Tuy nhiên, trong quá khứ Trung Quốc đã nhiều lần thử nghiệm ranh giới ảnh hưởng của họ và thách thức sự kiên nhẫn của phương Tây và các láng giềng châu Á, chỉ để thoái lui. Nếu các động thái đã xảy ra cho đến nay chứng minh được mức độ hành xử của Trung Quốc, ta vẩn có thể quản lý được tình hình.

Nguy cơ gia tăng căng thẳng quốc tế và tính toán sai lầm chỉ sẽ xảy ra khi sự quyết đoán của Trung Quốc gia tăng trong những tháng tới.

Còn có những khu vực hoặc vấn đề nào khác Trung Quốc sẽ định nghĩa là "lợi ích quốc gia cốt lõi" của họ và do đó không cho phép nước ngoài chỉ trích họ? Chính sách nhân quyền trong nước của họ? Số lượng khí thải carbon của họ? Các tuyên bố chủ quyền lảnh thổ ở Trung Á?

Liệu các công ty Trung Quốc có tránh né các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran, khiến các công ty Đức, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản cũng làm theo? Liệu Bắc Kinh có sử dụng số tiền khổng lổ họ có trong công trái kho bạc Mỹ để ảnh hưởng trực tiếp hơn đến cách hành xử của người Mỹ?

Sẽ không thực tế nếu ta mong rằng một Trung Quốc thành công về kinh tế, càng ngày càng tự tin, sẽ không đóng một vai trò bành trướng hơn trên thế giới. Nhưng thực tế không cho phép Bắc Kinh tung trọng lượng ảnh hưởng quanh họ một cách vô phạt vô can, ngay cả khi có quốc gia khác đã làm như vậy trong quá khứ.

Châu Âu, Mỹ và châu Á phải cảnh giác. Trung Quốc đang trỗi dậy. Và lịch sử cho thấy những quyền lực đang lên đã làm xáo trộn trật tự quốc tế.

Bruce Stokes là phóng viên về kinh tế quốc tế của National Journal, một tạp chí về chính sách quốc gia, có trụ sở tại Washington. Ông cũng là chuyên viên nghiên cứu xuyên Đại Tây Dương cho German Marshal Fund của Hoa kỳ. Bài này được in lại có phép của YaleGlobal, tạp chí xuất bản bởi Trung tâm Nghiên cứu về Toàn cầu hoá của đại học Yale.

PM

PLĐ hiệu đính

HT Mạng Bauxite việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn