Thiếu điện vì dùng công nghệ nhiệt điện Trung Quốc?

N.Yến

clip_image003

Ông Đậu Đức Khởi, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ảnh: TTX.

Thưa ông Phó tổng giám đốc, thực chất EVN thế nào dân chúng tôi biết hết cả. Tại sao các ông chọn đúng những ngày Hà Nội nóng như lò thiêu để “trùng tu thiết bị”? Tại sao miền Nam không thiếu điện mà Sài Gòn cũng cắt điện liên miên? Các ông có độc quyền đâu, các ông chỉ hưởng cái lợi thế là một trong những con cưng của Nhà nước mà đằng sau các ông là những nhóm lợi ích con ông cháu cha xúm vào chia nhau ăn phần, thế thôi. Dân chúng được cung cấp điện sinh hoạt với một tỷ lệ chẳng đáng là bao trong khi Nhà nước thì đủ thứ ưu tiên, dùng điện thả cửa, hỏi sao không thiếu điện? Hãy nghe những lời của GS Phạm Duy Hiển: “Đương nhiên, xóa bỏ độc quyền EVN, đưa điện ra thị trường tự do, sẽ tạo ra mặt bằng cung - cầu mới lành mạnh hơn. Nhưng việc này phải kèm theo thay đổi cả hệ thống; có thị trường điện tự do mà các tập đoàn nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài vẫn được bao cấp, ưu đãi dưới những hình thức khác nhau, các cơ quan nhà nước vẫn xài điện bằng “tiền chùa”, thì rất khó chờ đợi những đột phá lớn. Vả lại theo lộ trình của Chính phủ, còn lâu mới có thị trường điện tự do” (Thiếu điện là lỗi của nền kinh tế). Thế đấy. Một khi đời sống 70-80% dân chúng còn ở dưới mức nghèo khổ thì làm gì có cái gọi là “tư duy giá điện cao”, sao mà nghe mấy chữ ấy như lời của tiền bạc đang chuyện trò rủng rỉnh! Xin được nói thẳng, chỉ khi nào cái Nhà nước này thật sự vì dân, đem tài sản riêng của các ông ra công khai cho mọi người cùng biết thì lúc đó mọi cải tiến điện, nước, y tế, giáo dục... may ra mới có chút hữu hiệu.

Bauxite Việt Nam

“Một trong những nguyên nhân khiến cho sản lượng điện năm nay thiếu hụt trầm trọng và tình hình trong tháng 7 này cũng không mấy khả quan, là do sự chậm tiến độ của hai nhà máy nhiệt điện Hải Phòng và Quảng Ninh” - Ông Đậu Đức Khởi, Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trao đổi với phóng viên Bee.

Thắng thầu chỉ vì giá rẻ

Hiện nay, lượng nước tại một số hồ thủy điện đã tăng lên so với hồi tháng 6, vậy tình hình cung cấp điện trong thời gian tới có biến chuyển gì không, thưa ông?

Mặc dù lượng nước tại hồ Hòa Bình có khá hơn, khoảng 3.000 m3/s, tăng hơn so với mức trước đây là dưới 1.000 m3/s, nhưng thực sự tình hình cung cấp điện vẫn chưa có khả quan. Hiện tại, một số hồ như Tuyên Quang, Thác Bà nước chưa về, còn tại hồ Yaly, Trị An vẫn đang thiếu nước.

Trong khi đó, nguồn nhiệt điện cũng không nhiều, hai nhà máy có công suất lớn là Hải Phòng, Quảng Ninh, công suất 2.400 MW thì do chậm tiến độ xảy ra sự cố hỏng hóc nên đến giờ vẫn chưa vận hành ổn định và cung cấp nguồn nhiệt điện lớn được.

Tổ máy 2 của nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh hiện đang tân trang, nên chưa ổn định, còn tổ máy số 1 Hải Phòng thì đang bị hỏng hệ thống tải xỉ, muốn khắc phục cũng phải mất hàng tháng.
Lẽ ra nếu hai nhà máy này thi công và hoàn thành đúng tiến độ thì cứ cho là có trục trặc thì cũng vẫn sẽ cung cấp được một lượng điện khá lớn cho cả nước. Nhưng do chậm trễ, khiến cho việc thiếu điện năm nay diễn ra khá trầm trọng.

Hiện nay vẫn đang thiếu khoảng 20 triệu kWh. Tình hình cung ứng điện từ nay đến hết tháng 7 khó lường hết được, có thể sẽ vẫn phải sa thải công suất giờ cao điểm từ 1.000 – 2.000 kWh.
Vậy thưa ông, vấn đề đặt ra là chất lượng các công trình của nhà đầu tư Trung Quốc liệu có đảm bảo chất lượng không và vì sao họ vẫn thắng những gói thầu lớn?

Đây là một trong những vấn đề lớn, vì chúng ta quá thiếu vốn, trong khi các gói thầu của Trung Quốc thường rẻ hơn so với các nước khác vì họ có thể vay nguồn vốn ưu đãi.

Các nhà thầu Trung Quốc sau khi thắng thầu sẽ giao cho nhiều nhà thầu nhỏ hơn, trung ương có, địa phương cũng có. Vì vậy, rất khó đảm bảo chắc chắn các nhà thầu này sẽ thi công đảm bảo chất lượng.

Nguồn điện của chúng ta không muốn tiếp nhận nhà thầu Trung Quốc cũng không được. Điện thì không có, vốn lại thiếu nên nhà thầu Trung Quốc đưa ra giá rẻ thì vẫn phải làm.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư muốn tài trợ như Nhật Bản và Hàn Quốc, chất lượng máy móc, thiết bị của họ chắc chắn sẽ tốt hơn nhưng đi kèm là giá đắt hơn rất nhiều.
Ví dụ dự án Nhà máy điện Nghi Sơn, Nhật Bản trúng thầu, nhưng giá cao hơn thị trường tới 1,7 lần. Do vậy, sau gần 2 năm đàm phán mà vẫn không khởi công được. Vì vậy chỉ có hủy thầu, hoặc đấu thầu lại, hoặc để Chính phủ chỉ định.
Mặt khác, việc đấu thầu ở Việt Nam thì hồ sơ các nhà thầu đều rất đẹp, nên nếu chọn nhà thầu đắt hơn, tốt hơn thì cũng rất khó có căn cứ xác định. Trong khi đó, nhiều nhà thầu giá rẻ hơn sẽ “đâm”. Bên an ninh kinh tế vào cuộc vì sao chất lượng tốt, giá rẻ lại thua anh đắt hơn. Vì vậy, để an toàn, không ai lại đi lựa chọn nhà thầu giá cao.
Một nguyên nhân nữa là do các nhà thầu Trung Quốc sau khi thắng thầu sẽ giao cho nhiều nhà thầu nhỏ hơn, trung ương có, địa phương cũng có. Vì vậy, rất khó đảm bảo chắc chắn các nhà thầu này sẽ thi công đảm bảo chất lượng. Chứ cũng không hẳn là nhà thầu Trung Quốc thi công kém chất lượng vì nhà máy điện Tam Hiệp (Trung Quốc), nhà máy điện lớn nhất thế giới, mỗi tổ máy lên đến 1.000MW đi vào hoạt động đâu có trục trặc gì.

clip_image004

Toàn cảnh nhà máy nhiệt điện Quảnh Ninh 1. Ảnh: Tuổi trẻ.


Độc quyền chỉ vì không có ai?

Vậy theo ông làm thế nào để có thể giải quyết được bài toán thiếu điện hiện nay?

Việc xây dựng nhà máy điện hiện nay ngay cả đối với các tập đoàn Nhà nước lớn như EVN, Dầu khí thì cũng chỉ làm được vài công trình. Còn hệ thống ngân hàng Nhà nước cũng không đủ sức đầu tư điện, mỗi công trình lên đến hàng nghìn tỷ đô la, các ngân hàng không đủ nguồn vốn cho vay. Còn các công ty cổ phần thì họ sẽ không bao giờ đầu tư điện vì không thể có lãi.

Theo tôi, cách tốt nhất là phải kêu gọi đầu tư nước ngoài mới mong thay đổi được. Tuy nhiên với cơ chế điện hiện nay như nước ta thì sẽ không có nhà đầu tư nước ngoài nào dám ném hàng tỷ đô la vào vì đầu tư phải có lãi, nhưng thị trường điện nước ta vẫn còn nặng tư duy bao cấp, người dân chưa có thói quen dùng điện giá cao.

Cần phải thấy rằng, phát triển nguồn điện là để phát triển công nghiệp, chứ không phải là bàn về vấn đề giá điện. Điện thiếu sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vì đầu tư vào mà không có điện thì không ai dám vào.

Bàn về giá điện hiện nay cũng có nhiều ý kiến, thực chất muốn có tiền đầu tư điện thì chỉ còn cách người dân làm quen điện thị trường, đối tượng chính sách chúng ta sẽ bóc tách ra, trợ cấp riêng. Chứ hiện nay phân phối theo bậc thang sàn sàn nhau, người giàu và người nghèo như nhau. Tiền điện đối với người giàu là không đáng kể, và vì vậy họ sẽ lại càng dùng nhiều hơn, gây lãng phí. Chính Phủ phải cho phát triển thị trường điện nhưng quy định giá trần để tránh các nhà đầu tư bắt tay nhau làm giá.

Ví dụ như giá xăng dầu, thả ra cho hoạt động theo thị trường thì mặc dù người tiêu dùng có cãi những vẫn phải mua. Ở VN có nhiều người đủ sức gánh vác giá điện cao.
Chúng ta cùng nên giải quyết khó khăn chung của ngành điện, chứ đừng nên quay lưng lại với EVN. EVN rất muốn làm nhưng vì không có tiền nên đành chịu. Còn độc quyền thì chỉ vì không có ai. Con độc thì lấy đâu mà cạnh tranh.

Nổ Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng

Lúc 7h30 ngày 17/7, tại Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng (Công ty cổ phần nhiệt điện Hải Phòng - tại xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã xảy ra vụ nổ khí ga công nghiệp khiến 2 người chết, 2 người bị thương. Cả 4 người này đều mang quốc tịch Trung Quốc
Hai công nhân bị thiệt mạng là Fu Fung Wey (43 tuổi) chết ngay tại chỗ; công nhân Hoang Cao Xun (39 tuổi) bị thương nặng, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, do vết thương quá nặng đã tử vong vào hồi 14 giờ cùng ngày. Hai nam công nhân bị thương đang được cấp cứu, chưa rõ danh tính.
Được biết, tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng mới đi vào hoạt động, hòa vào lưới điện quốc gia từ tháng 12/2009, sau đó xảy ra sự cố khiến tổ máy phải ngừng hoạt động. Tháng 6/2010, tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng mới vận hành trở lại thì xảy ra sự cố.
Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng có hai giai đoạn vẫn đang trong quá trình xây dựng.


N.Y

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn