10 câu hỏi Bộ GD & ĐT chưa trả lời cho Trường ĐH Phan Châu Trinh

Thanh Tùng
Câu hỏi 1:
Tại Điều 9 Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 về ban hành quy chế làm việc của Chính phủ, có ghi rõ: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm giải quyết các đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình và phải trả lời bằng văn bản trong thời gian kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị là không quá 10 ngày làm việc…”
Ủy ban nhân tỉnh Quảng Nam gửi Công văn 4024/UBND-VX ngày 14/12/ 2007 xin thi tuyển, nhưng đến ngày 31/12/2007, tức là 17 ngày sau Bộ mới có Công văn số 13677/BGD&ĐT-ĐH&SĐH gửi UBND tỉnh Quảng Nam, trong đó ghi nội dung không cho thi tuyển.
Sự chậm trễ trả lời này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm phát sinh mâu thuẫn, gây khó khăn, hoang mang trong nhà trường mà lâu nay Bộ đã không đặt thành vấn đề để quan tâm làm rõ.
Bộ đã đúng hay sai trong việc trả lời chậm trễ này? Nói cách khác Bộ có thừa nhận đã vi phạm Nghị định số 179/2007/NĐ-CP của Chính phủ hay không?
Câu hỏi 2:
Trước bằng chứng đính kèm theo Công văn Kháng nghị số 224/ PCT-TCHC ngày 01/4/2010 của nhà trường về bút tích của Trần Văn Chính, một cán bộ của Bộ - trong bút tích đó, Trần Văn Chinh đã ghi rõ: dùng 10 triệu đồng chi cho Bộ xin quyết định thành lập Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh; 5 triệu đồng để xin được quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng; 15 triệu đồng để xin 700 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2007; 13 triệu đồng để xin được công văn của Bộ cho phép thi tuyển…
Vì sao đến bây giờ (8/2010) Bộ vẫn không hề lên tiếng? Hoặc ít nhất cũng có văn bản cho Trường được biết là đang điều tra vụ này để trả lời?
Câu hỏi 3:
Tại Điều mục I.1 trong Quyết định số 1870/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2010 có ghi rằng: ý kiến của nhà trường đó chỉ là ý kiến một phía. Bộ đang đứng về phía nào khi ra phản bác những giải trình trong Công văn Kháng nghị số 224/PCT-TCHC ngày 01/4/2010 của Trường Đại học Phan Châu Trinh (một trường đại học có đủ các tổ chức đảng, công đoàn, đoàn thanh niên, trực tiếp chịu sự chỉ đạo của Thành ủy Hội An, Tỉnh ủy Quảng Nam về mặt đoàn thể), để nói điều đó. Tất nhiên ai cũng hiểu phía bên kia là những kẻ buôn bán giáo dục rất có thế lực ở Bộ và họ có rất nhiều tiền.
Chỉ dựa vào những lập luận của nhóm tố cáo trong các đơn thư nặc danh để phản bác ý kiến Trường bằng Quyết định 1870, có nghĩa là Bộ đang đứng về phía nào?
Câu hỏi 4:
Tại Công văn số 108/KL-BGĐT ngày 12 tháng 3 năm 2010 về việc "Kết luận Nội dung tố cáo đối với ông Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT và ông Phan Ngọc Thu, Hiệu trưởng Trường Đại học Phan Châu Trinh" do ông Chánh thanh tra Nguyễn Văn Chiến; thừa ủy quyền của Bộ trưởng ký, trong rất nhiều điểm Bộ đồng tình với nội dung mà nhóm tố cáo đưa ra, có một nội dung là: Chủ tịch Hội đồng quản trị đã không ký Quy chế tổ chức hoạt động của Trường (trong đó có nội dung “vốn góp cổ đông được nhân 2 nhân 3 lần”), Bộ cho rằng nhóm tố cáo đã tố cáo điều đó là đúng.
Nếu vậy, để Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Phan Châu Trinh có thể làm căn cứ ký ngay cái Quy chế này, đề nghị Bộ cho biết điều nào của Bộ Luật tài chính (hoặc bất cứ Bộ Luật nào) cho phép được nhân 2, nhân 3 số vốn góp của cổ đông sau ba năm hoạt động?
Câu hỏi 5:
Nội dung đơn tố cáo của nhóm tố cáo có 4 vấn đề, trong đó đã có 2 vấn đề vu khống Hiệu trưởng nhà trường, đó là vu khống:
1…. ông Thu mở cơ sở tuyển sinh tại thành phố Hồ Chí Minh…
2…. ông Thu có nhiều sai phạm trong thu chi tài chính.
Tại sao Bộ không dùng ngôn từ quy trách nhiệm cho nhóm tố cáo những điều vu khống sai sự thật này, như đối với những ngôn từ kết luận về Chủ tịch Hội đồng quản trị tại Kết luận 108? Thậm chí còn lơ đi cái điều vu khống “mở cơ sở tuyển sinh tại thành phố Hồ Chí Minh”, không hề đề cập đến trong Công văn kết luận thanh tra số 108/KL-BGĐT?
Câu hỏi 6:
Sau lời phát biểu ngày 10/01/2010 của ông Chánh thanh tra Bộ trên cầu truyền hình tuyển sinh đại học cả nước, tại Trường đã xuất hiện nhiều tờ rơi kích động sinh viên đứng lên đòi lại tiền học, tự cứu lấy mình… làm mất an ninh nhà trường, làm hoang mang trong sinh viên. Thành ủy Hội An đã kết luận vụ việc này là hết sức nguy hiểm, có tính chất vi phạm an ninh quốc gia và đang truy tìm gắt gao thủ phạm. Trường đã có Công văn số 211//PCT-TC-HC-ĐN ngày 14/01/2010 gửi lãnh đạo Bộ báo cáo và đề nghị can thiệp. Văn bản này nhà trường đã gửi Bộ nhưng đến nay (8/2010) đã hơn 7 tháng Bộ không trả lời.
Đề nghị Bộ cho biết lý do vì sao không trả lời?
Câu hỏi 7:
Trường Đại học Phan Châu Trinh do Bộ GD & ĐT thành lập, trực thuộc Bộ về chuyên môn, nhưng trực thuộc địa phương về tổ chức Đảng, Đoàn thể, mọi hoạt động của trường đều có sự giám sát chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Quảng Nam, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hội An, riêng nhà trường cũng có các tổ chức đoàn thể chính trị hoạt động ngay từ lúc thành lập,
Vì sao lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ không hề tham khảo ý kiến của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể nhà trường (Theo điểm 6. Điều 26 Luật Thanh tra về Nhiệm vụ của Chánh Thanh tra Bộ), mà chỉ nhất nhất nghe theo đơn tố cáo của một nhóm người ở Hà Nội và nhóm người này lại hoàn toàn tách rời hoạt động giáo dục hàng ngày của nhà trường và cũng hoàn toàn không giữ quan hệ gì với địa phương Quảng Nam?
Câu hỏi 8:
Quyết định số 1870/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2010 khi trả lời Trường về ý kiến “Sau khi thanh tra xong, Nhà trường chỉ được mời họp, thông báo miệng vội vàng… không có một văn bản nào của Đoàn thanh tra gửi lại để nhà trường có thể giải trình thêm”, Thanh tra Bộ viện dẫn lý do không gửi cho Trường (ở trang 2 của Quyết định) là: “Tại Khoản 4, Điều 12, Luật thanh tra quy định nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung thanh tra trong quá trình thanh tra khi chưa có kết luận chính thức, do đó Đoàn xác minh nội dung không thể gửi lại dự thảo báo cáo kết quả xác minh cho Nhà trường”.
Tại sao Thanh tra Bộ biết viện dẫn Khoản 4 Điều 12 này mà bỏ qua Khoản 3 cũng tại Điều 12 này, đó là nghiêm cấm “Cố ý kết luận sai sự thật, quyết định, xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.” Hay là Khoản 3 này quá bất lợi cho hành vi của Thanh tra Bộ?
Chưa hết, Thanh tra Bộ đã biết viện dẫn những điều có lợi cho mình, thì Bộ sẽ nghĩ sao về sự thiếu trung thực của cơ quan tham mưu này, khi Trường cung cấp thêm cho Bộ nội dung sau đây:
“Trước khi có kết luận chính thức, nếu xét thấy cần thiết thì người ra kết luận thanh tra có thể gửi dự thảo kết luận thanh tra cho đối tượng thanh tra. Đối tượng thanh tra có quyền giải trình về những vấn đề chưa nhất trí với nội dung của dự thảo kết luận thanh tra. Việc giải trình của đối tượng thanh tra phải thực hiện bằng văn bản và có các chứng cứ để chứng minh cho ý kiến giải trình của mình”.
Nội dung này trích từ Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 41/2005/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.
Bộ nghĩ sao về sự lừa lọc thiếu trung thực này của Thanh tra Bộ?
Câu hỏi 9:
Điều 36 của Luật khiếu nại tố cáo (1998) và Điều 39 Luật sửa đổi bổ sung (2004) có ghi: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 36 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của pháp luật”.
Trường Đại học Phan Châu Trinh có văn bản khiếu nại số 240/PCT-TC-HC-ĐN ngày 07/5/2010 gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa hết thời hạn 30 ngày để Bộ giải quyết, thì ngày 17/5/2010 nhà trường lại nhận được Quyết định số 1870/QĐ-BGDĐT ngày 13/5/2010 của Bộ, trong đó yêu cầu nhà trường là ngày 15/5/2010 (!) phải báo cáo Bộ việc thực hiện Kết luận 108/KL-BGĐT ngày 12 tháng 3 năm 2010 nói trên. Về Quyết định 1870 này, nhà trường đã có tiếp văn bản số 246/PCT-TC-HC-ĐN ngày 18/5/2010 nhận xét rằng:“Chúng tôi cũng ngạc nhiên thấy một văn bản có tính pháp quy do Bà thứ trưởng ký lại có thể cẩu thả đến như vậy”.
Đề nghị Bộ cho biết văn bản hết sức cẩu thả đó có còn hiệu lực không? Và nếu không còn hiệu lực thì văn bản nào là văn bản thay thế?
Đây là câu hỏi rất quan trọng bởi vì Trường Phan Châu Trinh không muốn bị vấp phải trở ngại khi triển khai Điều 36, 39 của Luật Khiếu nại tố cáo ở cấp Thanh tra Chính phủ hoặc ở Tòa án. Vậy đề nghị Bộ sớm trả lời về tính hiệu lực của văn bản 1870 này.
Câu hỏi 10:
Quyết định số 1870/QĐ-BGDĐT có nói: ”Trường Đại học Phan Châu Trinh không đưa ra được văn bản nào chứng minh nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực địa phương”. Ngày 19/5/2010 nhà trường đã có Công văn số 247/BC-PCT về “những căn cứ khẳng định Trường Đại học Phan Châu Trinh là trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương” gửi Bộ.
Vậy đề nghị Bộ trả lời cho biết: những văn bản công nhận Trường Đại học Phan Châu Trinh là trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực địa phương của Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển (Văn bản số 10393/TTrBGD&ĐT ngày 09/11/2005), Vụ phó Ngô Văn Khôi (Công văn 8311/BGDĐT-GDĐH ngày 09/9/2008), Thứ trưởng (nay là Bộ trưởng) Phạm Vũ Luận (Công văn số 7022/ BGDĐT-GDĐH ngày 14/8/2009) là đã đủ chứng minh chưa, hay là Bộ còn yêu cầu văn bản chứng minh nào nữa?
clip_image001
Câu hỏi phụ:
Trong văn bản Khiếu nại tố cáo số 240/PCT-TC-HC-ĐN ngày 07/5/2010 của Trường Đại học Phan Châu Trinh có nêu rõ ở Phần B (Nhận xét chung): “Đoàn thanh tra vào làm việc ở trường (ngày 21/1/2010) gồm có 6 người. Chúng tôi không hiểu lý do vì sao trong cuộc làm việc giữa Trường với Thanh tra Bộ ngày 16/4/2010 tại Hà Nội lại chỉ có 3 người, và theo chúng tôi được biết, có người đã vắng mặt không được triệu tập vì những người ấy không đồng nhất với quan điểm và ý muốn của lãnh đạo Thanh tra”.
Tại Điều 41 (Báo cáo kết quả thanh tra hành chính) của Nghị định số 41/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, có nói rõ: Báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau đây:…c) Ý kiến khác nhau giữa thành viên Đoàn thanh tra với Trưởng Đoàn thanh tra về nội dung báo cáo kết quả thanh tra (nếu có);
Đề nghị Bộ cho biết Báo cáo kết quả thanh tra của Thanh tra Bộ có ghi lại những ý kiến khác nhau đó không? và lý do vì sao Thanh tra không mời những người này dự cuộc họp hôm 16/4/2010 tại Phòng Thanh tra Bộ?
clip_image002

TT
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn