Như một kết luận, một vài suy nghĩ còn đọng lại trong tôi (Bài thứ 3)

Hồ Cương Quyết/André Menras

image Tuy nhiên, tôi không có ý định dựng lên hai bức tranh song song của Việt Nam và nước Pháp «dân chủ» để làm mất tinh thần của các bạn độc giả và nuôi dưỡng một suy nghĩ bi quan rằng «ở đâu cũng giống nhau». Ngược lại, không hề có ý định lý thuyết hóa hoặc dạy đời, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một vài ý nghĩ, theo tôi là chủ yếu, mà chúng ta cần ghi nhớ để đạt được sự rõ ràng, minh bạch về chính trị và xã hội, để cùng nhau tiến bộ và sống tốt hơn trong một xã hội hòa bình, tôn trọng con người và pháp quyền. Đối với tôi, những điều này có giá trị ở bất cứ thời kỳ nào và trong tất cả các nước.

1) Trước tiên phải nói rằng, nhìn lại lịch sử, chưa bao giờ tồn tại một tấm gương cụ thể về một chế độ độc đảng mà mang đến dân chủ. Thực trạng của Việt Nam cũng không đi ngược lại chân lý đó. Nhưng đối với chế độ đa đảng thì, nếu như về mặt lý thuyết nó cho thấy những yếu tố khả thi về mặt quản lý kinh tế và xã hội một cách dân chủ hơn thì đó cũng chưa phải là một sự đảm bảo cho nền dân chủ ấy. Nó cũng có thể là một sự lừa mị che chở cho một số kẻ độc tài.

Khi một chế độ giao quyền hành cho các tài phiệt ngân hàng thì trong thực tế đó cũng là một chế độ độc đảng – đảng của đồng tiền, một chế độ độc tài giả dạng, chế độ bóc lột đại đa số của một thiểu số người càng ngày càng ít: đó là điều đối cực với dân chủ. Đó cũng là sự kết thúc của đặc trưng dân tộc vì tư bản không biết Tổ quốc. Nền «văn hóa» của nó thường hủy hoại mọi thứ bằng cách biến mọi điều thiêng liêng nhất, riệng tư nhất, độc đáo nhất, kể cả bản thân con người, trở thành hàng hóa. Vậy thì, vấn đề cần tranh luận cho sự phát triễn của một xã hội tích cực sẽ không phải là : «độc đảng hay đa đảng» mà là «quyền lực theo Hiến pháp hoặc là phản thực quyền», «Nhà nước tư bản vô hạn hoặc nhà nước pháp quyền bảo vệ dân».

2) Dân chủ là một thực tế cụ thể hoàn toàn mang tính tương đối và đa dạng. Bất luận các biệt ngữ chính trị như thế nào, nó luôn được đánh giá trong mỗi nước trên nhiều bình diện chủ yếu sau: đó là mức độ và tiềm năng phát triển kinh tế và xã hội, tỷ lệ thật giữa những người nghèo so với toàn xã hội, sự quan tâm cụ thể và sự bảo vệ mà Nhà nước mang đến cho họ, khả năng thực tế của mỗi công dân được thụ hưởng nền văn hóa, giáo dục, y tế, thông tin, việc quản lý cộng đồng, sự đảm bảo tôn trọng cuộc sống cá nhân và hoàn cảnh sinh sống, việc tôn trọng sự khác biệt, sự bảo vệ an ninh công dân và nhất là sự tự do cho mỗi con người…

3) Những thành quả của nền dân chủ không phải tự nhiên mà có. Nó đều là kết quả của các cuộc đấu tranh của dân và nó chỉ được bảo vệ và tiến bộ hơn thông qua các cuộc đấu tranh mới của dân. Không thể trông chờ gì ở những lời than thở: những sự đổi thay chỉ có thể đạt được trong hành động tập thể và đoàn kết. Không có một hành động mang tính trách nhiệm, mang tính công dân, sẽ không có một sự thay đổi tích cực mà ngược lại sẽ là bước thụt lùi chắc chắn.

4) Một đảng CS trước tiên phải là một đảng bác ái. Tính ưu việt của nó chỉ có thể đạt được thông qua năng lực bảo vể quần chúng, sự gần gũi thực tế của đảng với nhân dân của nước họ, thông qua những hoạt động tích cực, có thể đo được dành cho quyền lợi của những người nghèo khổ nhất và những người lao động ở từng làng xã, từng thành phố, từng tỉnh. Tính ưu việt sẽ còn được đo thông qua việc tôn trọng thế hệ trẻ và tầng lớp trí thức, thông qua sự quyết tâm cụ thể bảo vệ toàn bộ chủ quyền lãnh thổ, văn hóa và độc lập dân tộc. Trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu này, khi mà tính ăn cướp của chủ nghĩa tư bản lan tràn trên khắp trái đất, nếu như ta muốn phát triển lâu dài thì trước hết, phải biết bảo vệ các giá trị văn hóa, di sản của mình, lãnh thổ, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân lực của mình, môi trường của đất nước… Người bảo hộ ngày nay là người hiện đại, tiến bộ, chứ không phải bảo thủ.

5) Sự trường tồn lành mạnh của một đảng CS và bất kỳ một bộ máy chính trị nào, cũng không thể dựa trên nền tảng chủ yếu của một hệ thống cảnh sát và quân sự để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế. Mô hình «theo kiểu Trung Quốc» ấy được xây dựng dựa trên việc đàn áp, bạo lực và bóc lột, có thể có hiệu quả trong một giai đoạn lịch sử nhất định để đạt được chỉ số thu nhập quốc dân bình quân (GDP) tăng cao nhưng sẽ không tránh được một sự tỉnh ngộ thê thảm và đau đớn. Kiểu mô hình này sẽ không bao giờ mang lại hạnh phúc cho người lao động.

Sự trường tồn của một đảng CS chân chính cũng bắt buộc phải kinh qua sự đổi mới thường xuyên và toàn diện đội ngũ cán bộ của đảng trên cơ sở của sự chọn lọc xã hội có sự kiểm soát thực sự, thường xuyên của toàn đảng mang trách nhiệm trước dân chúng. Không có một hệ thống gia đình, áp-phe, hay bè cánh nào có thể được tha thứ khi nhanh chóng mở cửa cho chế độ ma-phi-a điều khiển, một khi đảng đã bị thối rữa từ bên trong bởi một số lãnh đạo trước đây đã lột xác thành những người «dân chủ», «đổi mới» và kéo dài hệ thống cũ dưới một «bộ mặt mới». Lịch sử mới đây đã chứng kiến kịch bản này: nó đang chuẩn bị cho những thảm kịch mới.

HCQ/AM

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn