Đôi điều về nợ nước ngoài

clip_image001

Đồng yên lên giá khiến gánh nặng trả nợ của các nước đi vay bằng yên thêm nặng.

Báo cáo của Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy nợ nhà nước (nợ công), bao gồm cả nợ nước ngoài, tăng tới mức 52% so với GDP.

Vào tuần trước Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến cáo Chính phủ nên giảm đi vay nước ngoài để tránh rủi ro liên quan tới tỷ giá hối đoái.

Vào năm ngoái Nhật Bản nắm hơn 40% khoản mà Việt Nam vay nợ nước ngoài với ODA chiếm khoảng ba phần tư.

Vậy nợ nước ngoài như hạng mục ODA chẳng hạn có ý như thế nào, BBC đã phỏng vấn chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành từ Hà Nội.

Bùi Kiến Thành: ODA có nhiều khi cho vay với thời hạn 30-40 năm, với lãi suất 1-2%/năm, thậm chí có thời gian không phải trả lãi 10-15 năm…. đó là các khoản cho vay ưu đãi.

Trên giấy tờ thì trông mềm hơn. Tuy nhiên vấn đề là ở chỗ thường thì ODA của Nhật lại có các điều kiện ràng buộc, bắt mua hàng Nhật, thuê Kỹ sư hay chuyên gia Nhật, có trường hợp đắt hơn giá thị trường 20-30%. Tức là lãi suất thấp nhưng kể như nhập cuộc là phải trả trước một khoản 20-30% rồi thì cũng như trả lãi ngay lúc đầu rồi.

Cho nên phải xem lại cái gọi là “viện trợ” hay cho vay lãi suất thấp mà người ta tưởng.

Do đó Nhà nước Việt Nam phải cân nhắc trong trường hợp nào thì cần tới ODA và cần để làm gì vì có thể nó cũng không hẳn là ưu đãi.

BBC: Khi Nhật cho VN vay ODA thì cho vay bằng đồng yên, biến động tỷ giá đồng yên trong vài năm qua rất mạnh. Vậy tỷ giá hối đoái ảnh hưởng thế nào?

Cái này có ảnh hưởng nhiều vì khi đồng yên lên giá 5-10% thì tiền đi vay về đổi ra tiền đồng để đầu tư bị mất 5-10%. Rồi khi kinh doanh xong muốn trả nợ thì phải đổi ra tiền yên để trả nợ. Nếu giá trị đồng yên mạnh thì tức là mình đổi được ít.

Cũng có trường hợp các công ty làm ăn tưởng có lời nhưng tới cuối năm tính toán lại thấy lỗ do tỷ giá. Do đó tỷ giá đồng yên nó có ảnh hưởng tới nợ công cũng như nợ tư của các tập đoàn.

BBC: Khi Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế thì có nghĩa là Chính phủ đi vay. Rồi khi huy động được tiền rồi thì lại giao cho các tập đoàn lớn như Vinashin chẳng hạn. Vậy khi các tập đoàn đổ bể thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về Chính phủ?

Khi Nhà nước Việt Nam đi bán trái phiếu thì Nhà nước Việt Nam đi vay chứ không phải Vinashin. Khi Nhà nước chuyển tiền sang cho Vinashin thì cái đó là chuyện nội bộ của phía Việt Nam. Tức là Chính phủ nợ nước ngoài chứ không phải Vinashin nợ.

Tuy nhiên Vinashin là doanh nghiệp của Nhà nước 100%. Ông chủ của Vinashin là Nhà nước, nên nợ của Vinashin cũng là nợ của ông chủ, trừ phi trong hợp đồng vay nợ nói khác.

Vinashin ngoài khoản đi vay của Chính phủ (từ tiền huy động trái phiếu quốc tế) thì còn vay thêm của những nơi khác khoảng 600 triệu đôla nữa từ các định chế tài chính quốc tế mà không có bảo lãnh của Nhà nước Việt Nam. Cái đấy mới là vấn đề.

Tức là ở đây có hai việc, Nhà nước Việt Nam đi vay, rồi về cho Vinashin vay, là một chuyện, còn Vinashin đi vay riêng thêm lại là một việc nữa.

BBC: Khi nói tới nợ công thì cũng không thể không nói tới ngân sách Chính phủ. Ông thấy có gì đáng chú ý trong việc hạch toán ngân sách?

Ngân sách của Chính phủ không chỉ bao gồm thuế mà còn cả doanh thu của các tập đoàn lớn như dầu khí hay khoáng sản (than). Tức là tập đoàn không được giữ doanh thu mà phải nộp vào ngân sách, hay Nhà nước Việt Nam nhập vào ngân sách để tiêu dùng. Cái này phải xem lại vì theo thông lệ quốc tế cái đó là doanh thu của tập đoàn, là tài nguyên chứ không phải là ngân sách.

Chẳng hạn thu nhập của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đóng góp tới 20% ngân sách Nhà nước. Tức là nếu không có khoản này thì số công nợ mà Nhà nước phải bù vào là tới 20% ngân sách. Nói cách khác đi nếu Nhà nước không đưa 66 ngàn tỷ đồng doanh thu của PetroVietnam vào ngân sách thì Nhà nước bị thâm hụt 66 ngàn tỷ đồng theo cách tính theo thông lệ quốc tế.

Cái này nó tạo vấn đề ở chỗ không tính được tổng số nợ trong ngân sách là bao nhiêu. Tức là nếu ta tách thu nhập của các tập đoàn kinh tế ra thì thâm hụt của ngân sách sẽ rất lớn. Vấn đề này chắc cũng sẽ có lúc nào đấy các nhà lãnh đạo Việt Nam phải suy nghĩ lại và tính xem có nên sử dụng như thế hay không và nếu sử dụng phải ghi chép ra sao cho đúng thông lệ quốc tế.

Nguồn: BBC

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn