Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch khai thác Hoàng Sa bất chấp phản đối của Việt Nam

Trọng Nghĩa

clip_image001
Trung Quốc đã mở rộng cảng trên đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc Hoàng Sa (Google Earth)

Hoàng Sa tiếp tục là một điểm nóng trong quan hệ Việt Trung. Vào hôm qua, 06/08/2010, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc một lần nữa xác định “chủ quyền không thể chối cãi” của Trung Quốc đối với khu vực “quần đảo Tây Sa và vùng biển xung quanh”. Tây Sa là tên được Bắc Kinh sử dụng để chỉ quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.

Bắc Kinh đưa ra tuyên bố này nhằm bác bỏ lời tố cáo của Việt Nam về những hoạt động dồn dập của Trung Quốc từ hơn hai tháng nay tại vùng Hoàng Sa nhằm khai thác vùng biển đảo mà họ đã chiếm của Việt Nam từ năm 1974. Ngày 05/08 vừa qua, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc cho tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đồng thời cho san lấp và mở rộng hòn đảo này. Tri Tôn là hòn đảo có tên quốc tế là Triton Island, tiếng Hoa gọi là Trung Kiến đảo.

Bộ Ngoại giao Việt Nam ghi nhận nguyên văn như sau: “Từ cuối tháng 5 năm 2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này”.

Đối với phía Việt Nam, “Những việc làm trên… đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo các quy định của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982”, trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông…”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tố cáo thái độ thiếu hợp tác của Bắc Kinh trên vấn đề này khi cho biết là bất chấp các phản đối chính thức từ phía Hà Nội, “đến nay phía Trung Quốc vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động nói trên”. Việt Nam đồng thời xác định trở lại chủ quyền của mình tại Biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt các hành động “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông…”.

Áp đặt chủ quyền: Trung Quốc tiến thêm một bước 

Theo giới quan sát, như vậy là Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa trong việc áp đặt chủ quyền của họ trên một khu vực mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng. Việc cho thăm dò dầu khí tại vùng còn đang tranh chấp đã nối tiếp theo một loạt những quyết định khác về mặt hành chánh, quân sự và kinh tế mà mục tiêu là nhằm thiết lập một “sự đã rồi”.

Về mặt hành chính, Quần đảo Hoàng Sa được Trung Quốc biến thành một phần của tỉnh Hải Nam, nằm trong cùng một đơn vị cấp gọi là "biện sự xứ", bao gồm cả ba quần đảo “Tây Sa (tức Hoàng Sa), Nam Sa (tức Trường Sa) và Trung Sa”. Ngay từ năm 1997, họ cho tiến hành kế hoạch phát triển ngành du lịch, đưa du khách đến quần đảo này. Mới đây Ủy ban Cải cách và Phát triển Nhà nước Trung Quốc đã thông qua một bản «Cương yếu Quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020», khiến cho phía Việt Nam phải lên tiếng phản đối vào ngày 25/06/2010.

Để củng cố sự hiện diện tại Hoàng Sa, Trung Quốc liên tiếp cho xây dựng những công trình kiên cố trên một số hòn đảo, cụ thể là mở rộng những cảng nhỏ ở đảo Phú Lâm (Woody Island) và đảo Quang Ánh (Money Island). Trên đảo Phú lâm, hòn đảo lớn nhất của Hoàng Sa, Trung Quốc đã cho xây dựng một sân bay với phi đạo dài hơn 1000 m.

Đối với Trung Quốc, Hoàng Sa có một vị trí rất quan trọng. Đây là một ngư trường đánh cá rất dồi dào, lại có vùng nước sâu thuận tiện cho tàu ngầm quân sự ra thẳng Biển Đông. Về kinh tế, ngoài tiềm năng du lịch, vùng biển Hoàng Sa còn được cho là có trữ lượng dầu khí phong phú.

Bên cạnh đó, vị trí sát cạnh Việt Nam là một yếu tố chiến lược quý giá đối với Trung Quốc. Nếu chính thức giành được chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc có thể giành luôn quyền kiểm soát vùng biển lân cận và mặc nhiên khóa được các tuyến thông thương hàng hải của Việt Nam.

Chính vì các lý do kể trên mà Việt Nam kiên quyết bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, trong lúc Bắc Kinh thì sẵn sàng dùng các biện pháp mạnh để buộc Hà Nội chấp nhận yêu sách của họ.

TN

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn