Việt Nam: Thiên đường FDI, thiên đường cho ai?

Lê Nhung

clip_image001

"Nhiều khi tôi trộm nghĩ có phải chính vì cái sự "lỗ" này mà Việt Nam trở thành thiên đường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không? Chỉ có thể giải thích là việc kêu lỗ như vậy để trốn thuế và để chuyển giá". Ảnh: Lê Nhung.

Theo ông Trần Đình Thiên, phân nửa số doanh nghiệp FDI [Foreign Direct Investment: Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài] hoạt động ở Việt Nam khai lỗ. Không phải chỉ lỗ 1, 2 năm mà lỗ triền miên. Điều này thật là lạ. Tại sao tại một thiên đường đầu tư mà đa số các nhà đầu tư vẫn kêu lỗ? Mà kêu lỗ triền miên như vậy sao không thấy mấy nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi? Nhiều khi tôi trộm nghĩ có phải chính vì cái sự "lỗ" này mà Việt Nam trở thành thiên đường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không? Chỉ có thể giải thích là việc kêu lỗ như vậy để trốn thuế và để chuyển giá.

LTS: Tuần Việt Nam trao đổi với TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo ông, cơ cấu thu hút FDI vào Việt Nam hiện nay có những vấn đề gì đáng lưu ý?

Ông Trần Đình Thiên: Thành tích lớn nhất của thu hút FDI mấy chục năm qua là thúc đẩy tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu, nâng cao trình độ công nghệ, giúp mang lại phương thức kinh doanh mới cho nền kinh tế.

Nhưng nhìn toàn cục và dài hạn, nếu ta khôn ngoan hơn thì lợi ích có được từ FDI chắc chắn còn lớn hơn, sức lan tỏa phát triển còn mạnh mẽ hơn nữa. Nếu nhìn FDI từ mục tiêu cải thiện cơ cấu công nghiệp, nâng cấp nguồn nhân lực, liên kết với doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu - cái đáng được coi là mục tiêu hàng đầu của việc thu hút FDI - thì chưa làm được bao nhiêu. Nhiều dự án FDI còn tạo ra tranh chấp nguồn lực phát triển gay gắt với các doanh nghiệp trong nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Các dự án nước ngoài đăng ký đầu tư cho đến nay vẫn chủ yếu tập trung vào khai thác tài nguyên, đất đai và một số ngành dịch vụ gắn với lợi thế tự nhiên - như resort và sân golf chẳng hạn. FDI đổ vào các ngành công nghệ cao, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho nền kinh tế còn rất khiêm tốn.

Có thể nói FDI trong thời gian qua chủ yếu đóng vai trò là công cụ thực hiện mô hình tăng trưởng hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP chứ chưa nhằm mục tiêu ưu tiên chiến lược là cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam.

Có vẻ thành tích thu hút FDI những năm qua bây giờ mới bộc lộ rõ hạn chế, giống như mặt trái của tấm huân chương. Để đến mức như vậy, theo ông mọi cái sai bắt nguồn từ đâu?

- Từ việc chúng ta duy trì quá lâu một mô hình tăng trưởng "chiều rộng", đi liền với đó là một hệ thống thể chế mang tính thiên vị, phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc những khu vực kinh tế khác nhau. Từ định hướng ưu tiên "chiều rộng", nặng về tốc độ tăng trưởng, trong điều kiện một nền kinh tế lúc đầu rất khát vốn, việc thu hút FDI được xét duyệt có phần dễ dãi, coi nhẹ các yêu cầu chất lượng và các mục tiêu dài hạn, ít chú ý và chưa khuyến khích đúng mức các dự án FDI có tiềm năng đóng góp cải tạo cơ cấu, tạo hiệu ứng lan tỏa phát triển ra khu vực doanh nghiệp nội địa, giúp tạo lập vị thế "chuỗi toàn cầu" của sản phẩm Việt Nam v.v.

Đây là một thực tế mà hậu quả chỉ bộc lộ sau một thời gian dài. Khi đó thì, ôi thôi, nền kinh tế đã lâm vào tình thế "ăn năn thì đã muộn".

Tận dụng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài những năm qua, các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều ưu đãi nhất, có nhiều khe hở chính sách nhất, nhờ đó, dễ kiếm lợi nhất. Như khai thác tài nguyên, sản xuất xi măng, thép, sử dụng lao động gia công chất lượng thấp. Đó là những ngành công nghệ thường là không cao, được hưởng lợi nhiều nhờ vốn. Nhưng đó cũng thường là những ngành tranh chấp các nguồn lực khan hiếm - điện, nước sạch, nguyên liệu, nhân lực, mặt bằng, thậm chí, cả vốn ngân hàng - với các doanh nghiệp trong nước một cách quyết liệt. Và trong cuộc cạnh tranh này, nói chung các doanh nghiệp trong thường bị yếu thế hơn.

Hậu quả lâu dài là đến khi công nghiệp trong nước phát triển thì tài nguyên cạn kiệt.

Phát triển dễ dãi theo kiểu như vậy liệu có bền vững không? Đây cũng là vấn đề gắn với mô hình tăng trưởng, gắn với tầm nhìn chiến lược.

Vậy ông lý giải thế nào khi có quan điểm cho rằng việc các nhà đầu tư ồ ạt đổ vốn vào Việt Nam có chứng tỏ Việt Nam có môi trường đầu tư tốt, nền kinh tế phát triển ổn định?

- Việt Nam luôn cố gắng để trở thành "thiên đường" đầu tư. Nhiều ý kiến quốc tế đánh giá một cách không khách sáo rằng Việt Nam đang là địa chỉ đầu tư hấp dẫn bậc nhất thế giới. Có vẻ là thiên đường thật. Trên thực tế, Việt Nam có sức cạnh tranh thu hút đầu tư rất mạnh, vượt trội nhiều nền kinh tế khác. Thành tích thu hút dự án và vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam có lẽ ít nước sánh được. Thành tích đó là có thật, không thể phủ nhận.

Nhưng vẫn rất cần "lật" mặt sau của tấm huy chương lên để xem xét. Nghe ai khen quê mình là thiên đường đầu tư thì sướng tai thật. Nhưng cần lưu ý rằng cho đến bây giờ, sau 25 năm thu hút FDI được coi là thành công, với 35 - 40 tỷ USD đã vận hành thực tế, cơ cấu kinh tế của Việt Nam vẫn nặng về khai thác tài nguyên và gia công, lắp ráp. Hãy nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, nơi FDI có vị thế nổi bật nhất mà xem, đến 70 - 75% kim ngạch xuất khẩu vẫn là khoáng sản thô, sản phẩm gia công hay lắp ráp đơn giản. Với cơ cấu kinh tế dịch chuyển như vậy, lực lượng doanh nghiệp bản địa lớn lên chậm như vậy, môi trường bị ô nhiễm nhiều như vậy, sau khi đã thu hút được nhiều chục tỷ USD FDI như phân tích ở trên thì phải đặt ra câu hỏi "Việt Nam là thiên đường đầu tư của ai vậy?".

Còn có câu chuyện khác nữa. Đó là có đến hơn nửa số doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam khai lỗ. Không phải chỉ lỗ 1, 2 năm mà lỗ triền miên. Điều này thật là lạ. Tại sao tại một thiên đường đầu tư mà đa số các nhà đầu tư vẫn kêu lỗ? Mà kêu lỗ triền miên như vậy sao không thấy mấy nhà đầu tư nước ngoài bỏ đi? Nhiều khi tôi trộm nghĩ có phải chính vì cái sự “lỗ” này mà Việt Nam trở thành thiên đường đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không?

Chỉ có thể giải thích là việc kêu lỗ như vậy để trốn thuế và để chuyển giá. Điều này có nguyên nhân từ những sơ hở chính sách.

Vì một mặt họ khai lỗ để tránh thuế (tận dụng ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho họ), để chuyển giá. Mặt khác, họ vẫn tiếp tục "xơi ngon" các thứ tài nguyên khan hiếm mà đáng ra doanh nghiệp trong nước phải được ưu tiên tiếp cận, được ưu đãi khai thác để lớn nhanh. Nên nhớ rằng kể cả trong trường hợp khai lỗ thật, nhưng việc FDI tập trung nhiều vào khai thác tài nguyên vẫn mang lại cho các đối tác nước ngoài những lợi ích chiến lược khác, ngoài mục tiêu lợi nhuận trực tiếp, ngắn hạn.

Chúng ta phải đặt câu hỏi: tại sao số dự án thép lại đổ vào Việt Nam nhiều như vậy? Tại sao dự án khai thác xi măng lại nhiều như vậy? Rồi sân golf, resort v.v. Chỉ riêng vùng đất Vũng Áng - Hà Tĩnh bé nhỏ đã chứa mấy dự án thép khổng lồ, với công suất lên tới 18 - 20 triệu tấn. Hay như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với lợi thế tuyệt vời về du lịch, lại có đến 15 - 18 dự án thép, với công suất lên tới hàng chục triệu tấn. Hình như tỉnh nào cũng tận lực mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài về để khai thác nhanh tài nguyên của địa phương mình, với những điều kiện ưu đãi nhất. Có người gọi đó là cuộc đua cùng xuống đáy. Đúng như vậy đấy. Nguồn thu ngân sách địa phương tăng nhanh, một ít việc làm được tạo ra, một số người giàu lên…, bảng thành tích ngắn hạn đẹp đẽ, có tính "nhiệm kỳ" che lấp mất những tổn hại chiến lược quốc gia dài hạn. Đó là điều phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và khách quan.

Chính phủ đang kêu gọi đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông, thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới cần tái cấu trúc thế nào để bắt nhịp với mục tiêu nói trên?

- Muốn thay đổi chiến lược FDI thì phải thay đổi mô hình tăng trưởng. Nhưng nếu để thay đổi mô hình tăng trưởng thì phải khởi động từ những mảng, những vấn đề cụ thể, ví dụ từ việc thay đổi quan niệm về vai trò và chức năng của các thành phần kinh tế, từ chiến lược FDI và từ những thứ khác nữa.

Thử triển khai cách tiếp cận đó từ trục cốt lõi là xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Rõ ràng, với nội lực trong nước, cũng không có cơ sở nào để xây dựng nhanh nền công nghiệp hiện đại. Mà nền công nghiệp hiện đại thì lại có nền tảng là các ngành công nghiệp hỗ trợ. Vậy mà đối với Việt Nam, sau mấy chục năm chuyển đổi và tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cho đến nay, công nghiệp phụ trợ vẫn không phát triển, cơ bản vẫn dừng lại ở vạch xuất phát.

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam có mục tiêu tối cao là lợi nhuận, chứ không phải sang để giúp Việt Nam xây dựng nền công nghiệp hiện đại. Vì vậy, họ muốn tận dụng lợi thế của Việt Nam khi phát triển công nghiệp phụ trợ để kiếm lợi nhuận tối đa. Tuy nhiên, Việt Nam loay hoay mãi vẫn không xây dựng và phát triển nổi các ngành công nghiệp hỗ trợ. Mà không có công nghiệp hỗ  trợ thì doanh nghiệp Việt Nam không thể kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trên thực tế, cho đến nay, chúng ta chưa tạo lập được những cơ sở kết nối đó. Có nghĩa là chúng ta đã không hội nhập được từ ngay trên đất nước mình, ngay cả khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tận nơi để tạo sự kết nối như vậy.

Mười năm trước, khi ta đang thu hút nhiều vốn đầu tư bằng mọi giá, mọi cách có thể được thì chiến lược FDI khác. Nhưng rõ ràng, không thể áp dụng chiến lược đó vào Việt Nam tại thời điểm này.

Kết quả sau 10 năm đầu tiên thu hút FDI có thể nói là thắng lợi. Nhưng 10 - 15 năm tiếp sau đó là những cảnh báo nguy cơ thua cuộc trong chiến lược FDI với nhiều hệ quả khác nhau.

Thời gian tới, chúng ta cần thay đổi những điểm mấu chốt nào để phát huy vai trò của FDI?

Trước hết là phải thay đổi mấy quan niệm lớn. Một là quan niệm về khu vực kinh tế chủ đạo mà không có nguyên tắc rõ ràng, dẫn tới chỗ phân biệt đối xử "theo lý lịch" giữa các thành phần kinh tế, tạo ra bất bình đẳng trong phát triển. Hai là thay đổi quan niệm về nền công nghiệp hiện đại với cấu trúc nền tảng chính là công nghiệp hỗ trợ. Tiếp theo đó, chức năng của các khu vực kinh tế phải được định rõ - kinh tế nhà nước có chức năng gì là chính, kinh tế tư nhân và FDI có những vai trò chức năng gì? Từ đó mới xác định đầu tư theo hướng nào cho hiệu quả. Đừng để lợi ích trước mắt, cục bộ làm mờ mắt. Nếu hướng trọng tâm vào phát triển công nghệ cao thì phải hạn chế khai khoáng. Chức năng FDI là gì trong quan hệ với các khu vực phải xác định rõ để đưa ra điều kiện lựa chọn, đánh giá và thẩm định chiến lược.

Ví dụ, các địa phương có nhiều titan phải đứng trước hai lựa chọn, nếu khai thác titan thì thôi làm du lịch. Chọn lựa phương án nào cho hợp lý để tránh xung đột, mâu thuẫn về lợi ích.

Phải đưa ra những quy tắc trò chơi phù hợp định hướng chứ không thể chỉ nói chung chung. Chẳng hạn, chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp dùng đến một ngưỡng bao nhiêu điện, bao nhiêu nước để sản xuất một lượng xác định tài sản trong bối cảnh phát triển mới.

Về mặt chức năng, ít người không biết rằng FDI có những lợi thế hơn hẳn nguồn vốn trong nước về công nghệ, về quản lý và về thị trường. Với những lợi thế đó, không nên ban thưởng thêm quá mức cho loại khen này. Ngược lại, phải chú trọng hơn đến tính cảnh báo sớm về thiên tai, địch họa. Nói chung, Chính phủ và Nhà nước nên dành cho các doanh nghiệp FDI những chức năng để khai thác được lợi thế cao nhất. Đổi lại, ta cho họ những ưu đãi sòng phẳng khác.

Có mấy nguyên tắc định hướng phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn tới thế này:

+ Những gì mà doanh nghiệp trong nước có lợi thế làm được thì dứt khoát phải dành sân chơi cho doanh nghiệp trong nước.

+ Chống độc quyền dưới mọi hình thức.

+ Căn cứ theo lợi thế của các khu vực doanh nghiệp để phân bổ nguồn lực, tuy nhiên, không nhất thiết theo những quy định hay nguyên tắc cứng nhắc.

+ Tạo thể chế tốt nhất (vượt trước) để đón nhận các cơ hội lớn và thách thức lớn từ bên ngoài.

+ Việc của nhà nước là tạo môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh. Khung khổ thể chế phải vượt trước, để những doanh nghiệp trình độ cao sẽ vào và phát huy hiệu quả, chứ không phải khuyến khích các doanh nghiệp có công nghệ làng nhàng

Ông có biết hiện địa phương nào thu hút FDI hiệu quả nhất?

- Bình Dương làm tương đối tốt.

Thời gian đầu, việc xây dựng KCN VSIP đã giúp Bình Dương bùng nổ kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ thấp kéo theo hệ lụy dùng nhiều lao động; đô thị phát triển không tương xứng với công nghiệp hóa, nên ngay sau đó xuất hiện những áp lực xã hội nặng nề. Nên tuy FDI thúc đẩy tăng trưởng mạnh nhưng cũng gây áp lực tăng trưởng rất mạnh.

Vì thế, sau đó, Bình Dương phải chuyển hướng sang thu hút đầu tư xây dựng Tổ hợp Đô thị - Công nghiệp - Thương mại hiện đại. Bằng cách đó, Bình Dương chuyển gọn gàng từ trình độ công nghiệp cơ khí sang Hiện đại hóa, chuyển sang đẳng cấp đô thị - công nghệ cao, giải toả được áp lực nhân lực. Đây là cách chuyển hướng rất nhanh, hiệu quả.

Có coi Đồng Nai là một ví dụ khác, ngược lại. Đồng Nai là địa phương có khu công nghiệp đầu tiên của VN. Thế nhưng đến bây giờ, Đồng Nai vẫn chưa chuyển sang được đẳng cấp công nghiệp mới, cao hơn. Thực tế, Đồng Nai vẫn giẫm chân tại chỗ trong khung khổ thể chế phát triển FDI quá cũ kỹ.

Rõ ràng, bài học của Bình Dương cũng là một kinh nghiệm cho VN. Những tỉnh đi sau có thể học và rút kinh nghiệm từ Bình Dương về thu hút đầu tư để làm tốt hơn.

Xin cảm ơn ông.

LN

Nguồn: Tuanvietnam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn