Vụ án Vedan: ô nhiễm trong guồng máy lãnh đạo

Lê Quốc Trinh, Canada

image Theo lẽ thường tình, một chính phủ do dân lựa chọn và bầu lên công khai, là một tập thể những người có khả năng điều hành và chịu trách nhiệm trước toàn dân về những vấn đề liên quan đến sức khoẻ, an ninh, an toàn của người dân. Thế mà vụ án Vedan kéo dài suốt 10 năm trời đằng đẵng, bây giờ mới đi đến bồi thường thiệt hại chứng tỏ rằng công ty này có một cái ô dù rất chắc che chở trên đầu, đến nay vì lẽ gì đó chiếc dù bị lủng mà bị mất bảo kê, thế thôi. Đại hội ĐCS sắp diễn ra trong một bối cảnh căng thẳng từ trong ra đến ngoài, ai cũng thấy dư luận phản hồi càng ngày càng bực bội, gay gắt hơn, nhiều tiếng nói phê bình thẳng từ trong hàng ngũ đảng viên, cho đến những bác nông dân bị oan khiên, bị đàn áp, trù dập trong bóng tối, những nhà trí thức đấu tranh dân chủ liên tục bị bắt bớ giam cầm, là một trong những yếu tố cho thấy dân tộc Việt Nam muốn đứng lên giành lại quyền sống.

Một câu hỏi quan trọng cần phải đặt ra: "Nhà Nước VN có thật sự làm việc với công ty Vedan để bảo đảm rằng cơ sở sản xuất bột ngọt đã giải quyết dứt điểm vấn đề xử lý chất thải cực độc (có chứa hoá chất cyanure), từ nay dứt khoát không còn gây tác hại ô nhiễm trong môi trường sống xung quanh (đất, nước, không khí)?". Đây là vấn đề mấu chốt của hiện tại và tương lai, bảo đảm cho đời sống dân cư xung quanh nhà máy. Thế nhưng chưa hề nghe ông Bộ Trưởng Phạm Khôi Nguyên lên tiếng xác nhận điều này trên báo chí truyền thông.

Tôi tự hỏi phải chăng Nhà Nước muốn phủi tay sau khi thành công trong việc dàn xếp đòi bồi thường. Thiết tưởng đây chỉ là cách giải quyết cho những thiệt hại gây ra trong quá khứ, hãy để yên cho các hộ dân nghèo làm việc với những người hiểu biết khoa học kỹ thuật để thẩm định chính xác mức độ thiệt hại. Đọc báo nghe nói các quan chức tỉnh Đồng Nai hãy còn lay hoay trong quá trình thẩm định, khi xưa thì muốn thúc đẩy người dân kiện tụng, nay thì lại muốn ngăn cản họ vì không thể đòi hỏi Vedan trả tiền nhiều hơn. Lúc đầu con số chỉ là 15 tỷ đồng, kỳ kèo mãi Vedan mới chịu nâng lên thành 120 tỷ, Nhà Nước cảm thấy "thế là đủ" nhưng người dân thì cứ đòi nhiều hơn, gấp chục lần (1000 tỷ). Vedan sau cùng đưa ra lời tuyên bố "dứt khoát không tranh luận những gì nằm ngoài ký kết với Nhà Nước". Sự kiện này chứng tỏ Nhà Nước chỉ biết bàn luận về tiền bạc, phong bì, mà không hề nghĩ gì đến trách nhiệm bảo đảm môi trường sống trong tương lai.

Trên phương diện kỹ thuật, một khi công ty Vedan đăng ký đầu tư xây nhà máy tinh chế bột ngọt trên bờ sông Thị Vải (Đồng Nai) cách đây 15 năm, là họ đã có đầy đủ hồ sơ kỹ thuật trong đó xác định phương pháp vận hành tinh chế bột ngọt, đây chẳng là bí mật gì mới mẻ trên thị trường quốc tế. Vấn đề mấu chốt là quan chức kỹ thuật của Bộ Tài Nguyên Môi Trường có đủ khả năng để kiểm tra thẩm định hồ sơ kỹ thuật của Vedan hay không, ví dụ: hoạ đồ vận hành (FlowSheet), tiêu chuẩn kỹ thuật (Technical Specification), chi tiết kỹ thuật (Data Sheet), thiết kế, thiết bị, nguyên liệu, v.v. Các ông Nhà Nước đã nhắm mắt cho phép Vedan xây dựng nhà máy đi vào sản xuất, đương nhiên khi Vedan gây ra thảm hoạ môi trường thì các ông cũng có một phần trách nhiệm liên đới trong đó. Chúng ta hãy lật lại hồ sơ Bauxite Tây Nguyên thì sẽ hiểu ngay từ khởi đầu nhiều tiếng nói trí thức vang lên chính là muốn cảnh tỉnh Nhà Nước trong bổn phận và trách nhiệm mà họ phải làm, nhưng rốt cuộc Nhà Nước và Quốc Hội vẫn bưng tai bịt mắt.

Đứng trước những thái độ ù lỳ của quan chức Nhà Nước, người dân bắt buộc phải tự đặt câu hỏi: Chính quyền này có thật sự do dân bầu và vì dân mà làm việc không?.

Báo chí VN hay đem sự kiện Vedan ra so sánh với sự cố tràn dầu (vịnh Mexico) của cty BHP bên Hoà Kỳ để ca tụng tài lãnh đạo của Đảng, phát động "chiến tranh nhân dân" tẩy chay sản phẩm Vedan. Tuy nhiên sự so sánh khập khiễng này càng chứng tỏ thế yếu kém rõ rệt của chính quyền VN. Chúng ta thử quan sát kỹ thì thấy:

Tổng Thống B. Obama do toàn dân Hoa Kỳ bầu lên trong một cuộc vận động tranh cử quyết liệt và cam go, cực kỳ tốn kém, nhưng hoàn toàn dân chủ và tự do. Vì thế mà uy tín cuả ông lên rất cao, tuy ông mang giòng máu da đen trong người. Nhờ lòng tin của đại đa số dân chúng Mỹ mà ông đã thực hiện được nhiều cải cách trong nội bộ, từ việc cách chức chủ tịch tập đoàn GM để cứu vãn công nghiệp xe hơi Mỹ, cho đến thành công trong chương trình cải tổ y tế toàn quốc, ông dám quyết định rút quân đội Mỹ ra khỏi vũng lầy Iraq trước hạn kỳ, sau cùng ông đã làm áp lực mạnh để công ty BHP phải giải quyết dứt điểm sự cố tràn dầu, và chủ tịch công ty này phải từ chức sau đó. Dĩ nhiên nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cơn khủng hoảng tài chính, nhưng nếu không có lòng tin của toàn dân đặt vào lãnh đạo thì nội tình Hoa Kỳ đã rối loạn từ lâu rồi, nguy cơ sụp đổ trước mắt.

Chừng nào lãnh đạo VN mới học được những bài học của xứ người? Bài học của đế quốc Mỹ!

L. Q. T.

Quebec 25-08-2010

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn