Dự án bôxit: tiếp hay dừng?

clip_image003  

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên: "Bộ Tài nguyên - môi trường đảm bảo hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên an toàn. Tuy nhiên vì chưa vận hành nên đảm bảo này chỉ là về lý thuyết, mô hình..."

 
TT - Sau sự kiện vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, cuộc tranh luận về các dự án khai thác bôxit ở Việt Nam lại được xới lên với nhiều ý kiến khác nhau.

Ông Dương Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc TKV:

Không nhất thiết dừng

Trước thông tin nhiều trí thức đề xuất dừng khai thác bôxit ở Tây nguyên, ông Dương Văn Hòa, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (TKV), cho rằng sự cố bùn đỏ ở Hungary là lần đầu tiên xảy ra trên thế giới, không nên vì sự cố đó mà dừng hoàn toàn công nghiệp nhôm. Ông Hòa nói:

- Chúng tôi không bình luận về đề nghị dừng nhà máy bôxit ở Tây nguyên. Nhưng rõ ràng nếu dừng nhà máy, thiệt hại lớn, nặng nề là nhãn tiền bởi đã đầu tư trên 400 triệu USD vào dự án bôxit Tây nguyên trong tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỉ đồng (khoảng 600 triệu USD).

Nhưng cái cơ bản, theo tôi, việc dừng là không nhất thiết vì lý do môi trường. Các nhà máy ở VN đã có phương án đảm bảo an toàn, đã tính hết phương án chống thấm, chống tràn, động đất, lũ quét và tiếp tục nghiên cứu để tăng tính an toàn.

Dù sao sự cố vỡ hồ chứa bùn ở Hungary cũng là điều cảnh báo và chúng ta tiếp tục nghiên cứu để cần thiết thì bổ sung biện pháp an toàn, chứ không phải dừng.

* Ông nghĩ sao về thông tin có nhà máy ở Úc đã không tiếp tục dự án khai thác bôxit sau sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary?

- Một nhà máy ở Hungary bị sự cố nhưng trên thế giới có hàng trăm nhà máy khác, chẳng lẽ vì sự cố bảo họ dừng hết hay sao? Rồi các nhà máy đang xây cũng bảo họ dừng? Vả lại, đây là lần đầu tiên trên thế giới có sự cố kiểu này, các nhà máy tương tự đã hoạt động hàng trăm năm qua có vấn đề gì đâu.

Có thể có nơi nào đấy, do đặc điểm riêng, chưa tính được yếu tố an toàn, họ tính tạm dừng hay không khai thác, không xây nhà máy, nhưng không có nghĩa là phải dừng tất. Tôi không nghĩ nên xử lý trường hợp lớn thế này bằng cách nói đơn giản như vậy.

Giàn máy trộn đang được gấp rút lắp đặt để đưa vào phục vụ khai thác bôxit tại mỏ bôxit Nhân Cơ, Đắk Nông (ảnh chụp chiều 22-10) - Ảnh: Thái Bá Dũng

* Nhiều ý kiến cho rằng thử nghiệm mà các nhà máy bôxit Tây nguyên lại nâng công suất lên như hiện nay là quá lớn, cũng chỉ nên thử nghiệm một nhà máy thôi?

- Quy mô đó không hề lớn mà thuộc dạng nhỏ. Ta thử nghiệm mới làm khoảng 600.000 tấn/năm. Thử nghiệm hai nhà máy ở hai nơi vì hai nhà máy thuộc hai tỉnh có giống nhau về phần lớn nhưng cũng có những điểm khác nhau.

Dự án bôxit ở Tây nguyên không phải mới nghiên cứu mấy năm mà là mấy chục năm nay rồi, ngay từ năm 1976, sau giải phóng đã nghiên cứu. Vì nhiều lý do phải dừng lại, sau đó ta khởi động lại.

* Chi phí cho hồ chứa bùn đỏ khoảng 30-50 triệu USD, lại được triển khai sau. Mức chi như vậy có tương xứng không?

- Mức chi cho hồ chứa bùn đỏ 30-50 triệu USD là rất lớn trong chi phí toàn nhà máy. Đó mới chỉ là giai đoạn 1, hơn 10 năm, chứ không phải hết 36 năm. Việc thiết kế hồ chứa bùn được một viện nghiên cứu danh tiếng của Trung Quốc thực hiện. Thi công hồ bùn đỏ thì chủ đầu tư chúng tôi sẽ làm.

Việc giám sát thi công sẽ có cả sự tham gia của chuyên gia Úc. Riêng hồ bùn đỏ sẽ có giám sát kép. Các biện pháp của chúng tôi rất thận trọng, nhưng chúng tôi nhận thức sẽ phải tiếp tục rà soát để đảm bảo nhất.

Nhiều nhà máy trong dự án sắp chạy thử, ngay nhà máy điện cũng sắp chạy thử, giờ bảo ngừng thì ngừng kiểu gì? Những ý kiến đóng góp chúng tôi sẽ nghiêm túc lắng nghe. Nếu có gì chưa yên tâm thì ta suy nghĩ bổ sung biện pháp an toàn chứ tôi không nghĩ nên dừng việc xây nhà máy.

CẦM VĂN KÌNH  thực hiện

______________________

Ngừng sớm ngày nào đỡ tốn kém ngày đó

clip_image005

Giáo sư Chu Hảo - Ảnh: V.Dũng

Sẵn sàng tranh luận với chủ đầu tư dự án bôxit để Chính phủ có chỗ dựa trước khi đưa ra những quyết sách đúng. Đó là quan điểm của ba trong số những người đã ký tên đề nghị dừng dự án khai thác bôxit tại Tây nguyên trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 22-10.

* Thưa các ông, kiến nghị dừng ngay dự án bôxit ở Tây nguyên có làm khó Chính phủ không, bởi chúng ta sẽ phải phá hợp đồng và mất một khoản tiền không nhỏ?

* GS Chu Hảo: Thảm họa bùn đỏ mà người Hungary đang phải gánh chịu là một thời điểm thích hợp, thậm chí là cơ hội tốt nhất để chúng ta rút khỏi dự án một cách hợp lý, trong danh dự.

 

"Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật VN, với đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành của mình, sẽ tiếp tục khảo sát độc lập và đưa ra các nghiên cứu, kết luận mới nhất về dự án bôxit Tây nguyên.

Chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc hội thảo để công bố các kết luận của mình. Chúng tôi cũng mong TKV công khai các báo cáo khoa học của họ và để chúng tôi được tranh luận một cách lành mạnh, cởi mở, thân thiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Qua đó, cộng đồng sẽ tự mình nâng cao hiểu biết và nhận thức để phán xét xem ai đúng, Chính phủ cũng có chỗ dựa để đưa ra những quyết sách đúng" - GS Chu Hảo

Chúng ta có đầy đủ lý do để bàn với đối tác, đặt lên bàn đàm phán những lợi ích và thiệt hại của cả hai bên - xét đơn thuần từ góc độ kinh tế.

Kiến nghị của chúng tôi cũng tạo cơ hội và chỗ dựa để lãnh đạo Nhà nước bình tĩnh xem xét lại và đưa ra những quyết sách hợp lý, hợp lòng dân.

* TS Nguyễn Quang A: Bây giờ không phải là lúc ngồi tiếc những thiệt hại mà chúng ta phải chịu nếu ngừng dự án. Chúng tôi có đầy đủ các luận chứng về kinh tế và kỹ thuật để khẳng định dự án càng làm càng lỗ.

Nếu dừng ngay, chúng ta chỉ mất 35 triệu USD, nhưng nếu tiếp tục, dự án này sẽ chịu chung số phận với Vinashin, mất 4,5 tỉ USD hoặc hơn nữa. Đừng để rơi vào tình trạng “đâm lao phải theo lao”.

Chính phủ hãy suy xét trên lợi ích kinh tế: chỉ chịu “đau” một lần thôi, còn hơn là “đau” dây dưa, càng ngày càng nặng.

* Nhà văn Nguyên Ngọc: Ngừng dự án bôxit có nghĩa là đã giữ lại được diện tích rừng đang được che phủ ít ỏi còn lại ở Tây nguyên. Hãy nhìn những trận lũ kinh khủng vừa qua ở miền Trung: hầu hết là do phá rừng. Nếu đem tính sổ những thiệt hại mà cả xã hội và ngân sách nhà nước phải chịu chỉ qua hai trận lũ vừa qua, sẽ thấy ngay được bài toán đơn giản: nên giữ rừng hay nên làm bôxit.

Tôi vừa đi khảo sát Tân Rai và Nhân Cơ về. Ở Tân Rai thì đã có dây chuyền sản xuất quặng, nhưng chưa có hệ thống đường vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm. Mà kinh phí làm đường thì chúng ta đều biết nó khổng lồ như thế nào. Ngừng bây giờ thì khỏi phải làm con đường tốn hàng chục, hàng trăm triệu USD nữa.

Còn Nhân Cơ chưa có gì hết, mới là một bãi đất hoang, trồng một ít cột điện. Ngừng sớm ngày nào đỡ tốn kém ngày đó.

* Nhưng thưa các ông, TKV khẳng định và Bộ Tài nguyên - môi trường xác nhận là dự án đã tính đến các biện pháp an toàn tuyệt đối, không thể xảy ra tai nạn bùn đỏ như ở Hungary?

* TS Nguyễn Quang A: Nhà máy của Hungary nằm dưới thung lũng, vậy mà bùn đã tràn ra trên diện tích 40km2, cả hai nhà máy dự kiến của VN đều nằm trên cao độ 700m, nếu nó tràn xuống thì không chỉ hạ lưu của các sông miền Đông Nam bộ mà cả vùng đồng bằng Nam bộ chịu ảnh hưởng.

Về công nghệ, theo tôi tìm hiểu, chưa có một nhà máy nào, dù là hiện đại nhất thế giới như Mỹ, đảm bảo về độ bền chịu ăn mòn axit của lớp chống thấm cho bể chứa bùn đỏ.

* GS Chu Hảo: Trải một lớp chống thấm bùn đỏ trên bề mặt lồi lõm, địa hình đồi núi phức tạp như ở Tây nguyên, chẳng ai dám cam kết là lớp vật liệu đó đủ bền vững để không bị ăn mòn, bị đâm thủng bởi đất đá, cây cối mọc xuyên. Trải lớp chống thấm cũng có nghĩa là đã ngăn nước mưa tự nhiên thấm xuống đất.

Nước mưa xuống không ngấm được, sẽ kết hợp với bùn đỏ tạo thành một chất lỏng có thể tràn ra khỏi bể chứa và chảy theo địa hình dốc đứng. Lúc đó, ai cũng hiểu là thảm họa còn lớn hơn ở Hungary nữa.

* Nhà văn Nguyên Ngọc:  Biến đổi khí hậu cộng với việc phá rừng, xây nhà máy thủy điện vô tội vạ đã khiến cả cao nguyên cũng lụt. Không có gì đảm bảo Tây nguyên sẽ không còn ngập lụt trong tương lai.

Và một khi Tây nguyên cũng lụt, có thể hình dung khối nước khổng lồ ấy hòa với bùn đỏ sẽ chảy đi đâu. Một thảm họa môi trường là không tránh khỏi.

THU HÀ  thực hiện

_____________________

 

Công nhân đang xây dựng nhà máy bôxit ở Tân Rai, Lâm Đồng (ảnh chụp tháng 9-2009) - Ảnh: tư liệu

 
Hồ chứa bùn đỏ an toàn về lý thuyết

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định công nghệ chế biến bôxit của VN khác xa với Hungary. Ông Nguyên nói:

- Tôi không giật mình vì sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Hungary, công nghệ của họ khác hoàn toàn của VN.

Qua sự cố ở Hungary, chúng ta có rút kinh nghiệm. Hai khu xử lý bùn đỏ cho hai nhà máy chế biến bôxit ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) chúng tôi đã thẩm định rất kỹ. Chúng tôi đã sang tận Brazil, Úc khảo sát mô hình chứa bùn đỏ để học tập.

Hiện bùn đỏ của các nhà máy tại Brazil, Úc đã chôn 20 năm, không phát sinh hệ quả và cây trồng trên hồ chứa bùn đỏ đã lớn. Hồ chứa bùn đỏ của VN sẽ theo mô hình của Úc, Brazil chứ không theo mô hình của Hungary.

* Bộ Tài nguyên - môi trường đã thẩm định, vậy ông có thể khẳng định về độ an toàn của hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên không?

- Bộ Tài nguyên - môi trường đảm bảo an toàn cho hai hồ chứa bùn đỏ ở Tây nguyên. Tuy nhiên, vì chưa vận hành nên đảm bảo an toàn này là về mặt lý thuyết. Sau sự cố ở Hungary, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu lại hệ số an toàn để đảm bảo an toàn tốt hơn. Tinh thần chỉ đạo là như vậy.

* Trong chi phí xây dựng nhà máy chế biến bôxit ở Tây nguyên đã tính đến chi phí cho khu xử lý bùn đỏ chưa? Nó có tương xứng so với yêu cầu?

- Chi phí đã được tính đến trong đề án. Chúng ta đã tính toán dành từ 30-50 triệu USD để làm khu chứa bùn đỏ. Công nghệ ở Tây nguyên khác Hungary là không cho tất cả bùn đỏ vào một hồ mà chia ra nhiều lô, đầy lô này mới sang lô khác.

Ngoài việc thẩm định kỹ, trong quá trình thực hiện, chúng tôi còn cho thành lập cả một tổ giám sát hằng ngày dự án này, gồm đại diện Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên - môi trường, UBND tỉnh... Tổ này giám sát 24/24 giờ các vấn đề của dự án. Chưa bao giờ một công trình nào có một tổ giám sát quốc gia như thế nên có thể yên tâm.

* Có quan điểm cho rằng với bài học Hungary, nên tính đến việc xem lại dự án hoặc chỉ thí điểm làm một nhà máy trước. Quan điểm của Bộ Tài nguyên - môi trường về đề xuất này thế nào?

- Thí điểm là thế nào? Hai nhà máy đang xây dựng rồi, một sắp đi vào sản xuất rồi, sao lại thí điểm nữa? Trong sản xuất không thí điểm. Bôxit có ba vấn đề về môi trường. Một là hồ chứa bùn đỏ, hai là công nghệ khai thác, khai thác đến đâu phải phục hồi được đến đó. Thứ ba là chất thải từ nhà máy sau chế biến. Trong đề án, các vấn đề này đều đã được tính toán, giải quyết tất cả.

CẦM VĂN KÌNH

Đại tá Võ Văn Đủ (giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông, đại biểu Quốc hội):

“Tôi yên tâm”

clip_image008

Đại tá Võ Văn Đủ

* Ông tin rằng thảm họa như Hungary không có khả năng xảy ra ở Đắk Nông?

- Ít có khả năng xảy ra. Bởi vì hồ chứa của ta nằm sâu trong thung lũng, chúng ta chỉ bàn thế nào cho nó chống thẩm thấu thôi, mà cái này đã nằm trong biện pháp kỹ thuật của TKV.

Tất nhiên, tôi thấy rằng sự lo lắng của một số nhà khoa học, của dư luận, nhân dân là chính đáng. Nhưng khi bàn cái này thì Tỉnh ủy cũng thấy rằng nguy cơ của ta không lớn như Hungary và TKV nói là sẽ đi Hungary để nghiên cứu kinh nghiệm.

* Ông yên tâm với phương án của TKV?

- Tôi yên tâm. Chủ trương khai thác bôxit đã được thống nhất rồi, bây giờ dự án đang triển khai thì vẫn tiếp tục.

"Chủ trương khai thác bôxit đã được thống nhất rồi, bây giờ dự án đang triển khai thì vẫn tiếp tục"

Lê Kiên ghi

* Bà Phạm Chi Lan (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng):

Chỉ đảm bảo trên lý thuyết thì nên dừng

clip_image010

Bà Phạm Chi Lan  (nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng): "Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đảm bảo an toàn hồ chứa bùn đỏ nhưng chỉ trên lý thuyết thì theo tôi, nên dừng dự án bôxit. Giữa lý thuyết và thực tế luôn là khoảng cách xa"

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Phạm Khôi Nguyên đảm bảo an toàn của hồ chứa bùn đỏ nhưng chỉ trên lý thuyết thì theo tôi nên dừng dự án nhà máy bôxit Tây nguyên.

Giữa lý thuyết và thực tế luôn là khoảng cách xa. Và các nhà máy hầu hết đều phải được xây dựng đảm bảo an toàn trên lý thuyết cả, nhưng rồi thực tế phức tạp vẫn xảy ra sự cố.

Tất cả công trình chúng ta làm ở VN, khả năng kiểm soát công trình trên thực tế khác xa bản thảo. Chúng ta không nên quyết định vội vã mà nên để một thời gian sau, khi công nghệ có tiến bộ hơn, con cháu chúng ta có khả năng hơn, khi đó khai thác cũng chưa muộn.

* Ông Nghiêm Vũ Khải (phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ - môi trường Quốc hội):

Đúng ra chỉ nên làm một nhà máy

Việc dừng xây dựng nhà máy bây giờ là rất khó. Tuy nhiên, những băn khoăn về môi trường thì các cơ quan liên quan nên đối thoại với nhân dân. Còn việc thử nghiệm, đúng ra chỉ nên một cái, quy mô vừa thôi. Nhưng nay quy mô tăng lên hơi lớn.

Theo quyết định của Thủ tướng, phải phân vùng, thăm dò, tính toán trữ lượng mới đến khai thác. Nhưng có vẻ ta đang cắt khúc ra, chỗ nào thuận lợi thì làm luôn. Như thế là hơi tắt.

Thử nghiệm, theo quan điểm chúng tôi, phải đặt mục tiêu kinh tế, nhưng không thể vì thế mà chiết khấu quá lớn các chi phí môi trường. Phải tính đúng, chi đủ. Ngoài ra, cần tính toán nội địa hóa công nghệ chế biến nhôm.

C.V.KÌNH ghi

_______________________

Úc hủy dự án bôxit để bảo tồn thiên nhiên

Tại bang Queensland (Úc), Công ty TNHH nhôm Cape (Cape Alumina) vừa hủy dự án khai thác bôxit vì các luật môi trường của bang không cho phép. Việc chính quyền bang tuyên bố đưa vùng lưu vực sông Wenlock trên bán đảo Cape York vào diện được bảo tồn đã đưa toàn bộ khu vực có bán kính 500m  thành khu bảo tồn sinh thái được nhà nước bảo vệ.

Công ty nhôm Cape đã không thể khởi động dự án khai thác bôxit có vốn đầu tư trị giá gần 1 tỉ USD, dù công ty cho rằng dự án sẽ tạo ra hơn 1.000 việc làm cho người dân địa phương.

Chính quyền đã không chấp thuận yêu cầu thu hẹp khu bảo tồn như công ty mong muốn, đặt mục tiêu bảo tồn cuộc sống của các dòng sông và các khu tự nhiên lên hàng ưu tiên.

HẠNH NGUYÊN (Theo The Guardian, SMH)

Slovakia: hiểm họa bùn đỏ cận kề

Ngày 19-10, Hãng thông tấn Hungary (MTI) đưa tin một bể chứa bùn đỏ tại vùng Slovinky (miền đông Slovakia) bị coi là đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ: trong trường hợp mưa kéo dài, đập chắn bùn có thể vỡ, gây thảm họa sinh thái tại quốc gia Đông Trung Âu này.

Sau sự cố tràn bùn đỏ tại Hungary, ngày 6-10 Bộ Nông nghiệp - môi trường & phát triển khu vực Slovakia, quốc gia láng giềng của Hungary, đã ra chỉ thị cấp tốc kiểm tra 28 cơ sở chứa chất thải công nghiệp nguy hiểm.

Kết quả mới công bố cho thấy các bể chứa chất thải ở Slovakia tương đối đảm bảo, ngoại trừ một trường hợp đáng lo ngại ở hạt Spišská Nová Ves (tỉnh Košice), cạnh làng Slovinky.

HOÀNG LINH (Theo MIT)

WHO đưa ra 3 khuyến cáo về bùn đỏ

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong một báo cáo đưa ra ngày ngày 21-10 đã cho rằng nguồn nước tại các làng bị nhiễm bùn đỏ ngày 4-10 vừa qua ở Hungary là ổn, nhưng vẫn khuyến cáo cần thường xuyên kiểm tra không khí, đất đai và thực phẩm.

Dựa trên các kết quả điều tra khu vực thảm họa được thực hiện trong tuần qua, WHO cũng khuyến cáo cần lưu ý nguy cơ lây nhiễm các kim loại nặng, như chì chẳng hạn, đối với các cư dân và đối với 4.000 nhân viên cứu hộ đã được huy động để dọn sạch bùn đỏ.

Một triệu m3 bùn đỏ độc hại đã tràn khỏi bể chứa của một nhà máy, gây ngập lụt ba ngôi làng và làm 9 người thiệt mạng cùng 150 người khác bị thương. “Các thông tin có được cho thấy chất lượng nước sông Danube không bị ảnh hưởng nghiêm trọng” - báo cáo của WHO kết luận.

Tuy nhiên, WHO cũng khuyến cáo các nước cần kiểm tra độ vững chắc của khoảng 150 bể chứa chất thải độc hại là bùn đỏ hiện đang nằm dọc hai bờ dòng sông lớn của Trung và Đông Âu này.

QUANG HƯƠNG (Theo AFP)

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn