Mỹ, Trung Quốc và ASEAN: Tam giác chiến lược mới

The Nation

27/9/2010

Kavi Chongkittavornimage 

 

ừng nghĩ người Trung Quốc đã tận hưởng không khí tưng bừng của lễ hội Trung Thu ở Bắc Kinh. Trong suốt kỳ nghỉ cuối tuần rồi, các quan chức tại Triêu Dương Môn - văn phòng Bộ Ngoại giao - đã làm việc ngày đêm, theo dõi từng động tác cơ thể, lắng nghe từng từ ngữ một trước, trong và sau cuộc họp thứ hai của các nước ASEAN và Hoa Kỳ tại New York, ngày 24/9. Bắc Kinh muốn biết liệu các nước này có đang kết bè chống lại Trung Hoa hay không.

Các tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh hôm thứ Sáu giữa Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo các nước ASEAN đã thay đổi cục diện và một cách tích cực, thể hiện thiện chí cao của các bên mà không làm mếch lòng các đồng minh và bạn bè của họ. Tuyên bố chung đưa ra 2 thông điệp rạch ròi.

Trước hết, từ nay trên nguyên tắc và đường lối chung, Hoa Kỳ và các nước ASEAN là đối tác chiến lược của nhau. Điều này cho thấy bước nhảy vọt trong cam kết mà Washington từng có với các nhóm và đồng minh của mình trong các vấn đề toàn cầu. Đây là nỗ lực hợp tác, tuy vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhưng sẽ ảnh hưởng sâu rộng trong việc định hình các chiến lược trong tương lai ở châu Á. Để thực hiện nhiệm vụ này, một nhóm các nhân vật kiệt xuất sẽ được thành lập để chuẩn bị một kế hoạch hành động 5 năm (2011-2015) vào cuối năm tới, khi họ gặp lại nhau ở Indonesia.

Thứ hai, quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ không có ý nhắm vào Trung Quốc, mà là cho mục tiêu hòa bình và ổn định trong khu vực. Tránh đề cập đến các vấn đề Biển Đông và các quan điểm mà Hoa Kỳ đã tuyên bố tại Hà Nội vào tháng Bảy vừa qua. Dự thảo được đề xuất trước đó của Hoa Kỳ, quy định cụ thể tranh chấp và cách thức để giải quyết, cuối cùng đã bị bác theo yêu cầu của các nhà lãnh đạo ASEAN. Các lãnh đạo Đông Nam Á đã chứng tỏ sự đoàn kết và đối kháng mạnh mẽ trong việc phòng ngừa áp lực từ phía Hoa Kỳ. Dự thảo đã được thay thế bằng một tuyên bố chung, trong đó khoản 18 nhằm mục đích tái khẳng định tầm quan trọng của tự do thương mại, tự do hàng hải và các điều luật quốc tế liên quan, bao gồm việc giải quyết các tranh chấp trong hòa bình. Theo các nhà phân tích chính sách đối ngoại, chỉ nghe qua thôi cũng đủ biết điều khoản này nhắm vào Biển Đông và tập hợp các quy tắc ứng xử hiện tại được thúc đẩy bởi các nước ASEAN.

Sau khi bản thảo tuyên bố chung được tiết lộ cho giới truyền thông Hoa Kỳ trước cuộc họp ở New York, guồng máy ngoại giao của Trung Quốc đã hoạt động hết công suất. Bắc Kinh đã ban hành một chỉ thị cho đại sứ quán của mình ở tất cả các nước ASEAN kêu gọi các nước sở tại từ chối các văn kiện đã được Hoa Kỳ chuẩn bị, bằng không họ sẽ phải gánh những hậu quả nghiêm trọng cho mối quan hệ với đại lục. Về phần mình, Trung Quốc cho rằng mục đích chính của những xung đột - vốn được họ xem là không liên quan gì đến Hoa Kỳ - tương đương với một nỗ lực nhằm quốc tế hóa vấn đề nhạy cảm này.

Ít nhất trong thời gian này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã sáng suốt lưu ý đến mối quan tâm ở mức độ nghiêm trọng của Trung Quốc. Tương tự như vậy, Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò nhất định. Sau hết, cuộc họp đã thành công trong việc đề cao tình hình tại Biển Đông và tầm quan trọng của quan hệ chiến lược ASEAN-Hoa Kỳ. Dựa vào những nỗ lực hiện nay của Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhằm ráo riết tháo gỡ mối quan hệ mong manh của họ trong vấn đề tiền tệ và các vấn đề kinh tế khác, nếu nhấn mạnh về tranh chấp hàng hải sẽ gây ra tác động tiêu cực cho các mối quan hệ song phương trọng yếu nhất thế giới.

Trong vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cố gắng thảo luận về các vấn đề liên quan một cách dè dặt, với “hiểu biết đầy đủ” rằng bất kỳ biểu hiện vội vàng nào cũng sẽ khiến “lông mày” người Trung Hoa liên tục nhướng lên. Singapore và Thái Lan - hai quốc gia giữ ghế chủ tịch tiền nhiệm và cả hai đều là những nước không có tranh chấp trực tiếp - thì đã hoàn toàn né tránh. Điều thú vị là ngay cả khi Hà Nội đã hết sức thận trọng, thì quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục bị tổn thương. Mặc dù, trong năm nay, một vài lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc nhân kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ngược lại, không một ai trong số các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã đặt chân đến Việt Nam.

Trong 15 năm qua, sau biến cố xảy ra vào tháng 3 năm 1995 liên quan đến khu vực Đá Vành Khăn (Mischief Reefs, thuộc quần đảo Trường Sa), ASEAN và Trung Quốc đã khá thành công trong việc kiểm soát xung đột như một vấn đề song phương đơn thuần. Tuy nhiên, sau đó, chính xác là cách đây đúng 64 ngày (bài đăng trên The Nation ngày 27/9/2010), Hoa Kỳ đã chính thức bước vào cuộc xung đột lãnh thổ lâu đời này bằng bình luận trên phương diện quốc tế: tự do và an toàn hàng hải. Mối quan tâm này không mới, nhưng thời điểm và cách thể hiện của Mỹ thì đáng lạ. Khi xác định ủng hộ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (2002) giữa ASEAN và Trung Quốc, quả thực Washington đã vẫy một lá cờ đỏ quốc tế - không phải đề cập đến những tranh chấp gần đây giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hai quyết định kép gần đây của Washington - ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào cuối tháng Bảy và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á - đã san bằng sân chơi chiến lược ra hàng ngang, đe dọa ưu thế lâu nay của Trung Quốc. Điều đó giải thích tại sao Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ như chúng ta thấy. Mối quan hệ thân mật ASEAN-Trung Quốc hiện đã có điểm tối - không có tiến bộ nào đạt được trong sự hợp tác liên quan đến Biển Đông.

Từ “cuộc trình diễn” của các nhà lãnh đạo ASEAN, cho thấy họ nghĩ họ có thứ mà các nước lớn cần khi chơi trò chính trị sân sau của họ. Trong bốn thập kỷ qua, ASEAN đã vui vẻ để phục vụ như một “sân chơi” cho các “đấu thủ” này trao đổi quan điểm và xây dựng niềm tin. Họ thích ASEAN, vì nó là một thực thể không đe dọa, không gây hại. Bây giờ, ngọn gió đã đổi chiều đến Đông Á, ASEAN muốn tăng vai trò của mình và cũng muốn trở thành một “đấu thủ” - không còn là một con vịt ngồi như trong Chiến tranh lạnh nữa. Mục tiêu chung của họ là có khả năng định hướng một môi trường chiến lược trong tương lai ảnh hưởng đến khu vực.

Khi các quyền hạn lớn nhỏ khác nhau được nhúng hoàn toàn vào bên trong cơ cấu văn hóa chính trị của ASEAN, các câu hỏi thường được đặt ra vào lúc này là ASEAN có thể điều khiển tất cả các “đấu thủ” cùng lúc? ASEAN là một “đấu thủ” chủ chốt hay chỉ là người ngoài cuộc? Liệu sự hợp tác và cạnh tranh với Mỹ-Trung sẽ phá hoại tình đoàn kết ASEAN? Làm thế nào ASEAN có thể thoát khỏi nguy cơ cao là trở thành công cụ trong tay Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc?

Với các nước ASEAN, Trung Quốc và Hoa Kỳ “bận rộn” với các mối quan hệ hình tam giác, nên khó mà nói trước được chuyện gì. Ví dụ, trong tương lai gần, nếu ASEAN và Trung Quốc một lần nữa không vượt qua được sự khác biệt giữa họ trong các nguyên tắc định hướng để thực thi đề xuất của các bên ở vùng biển tranh chấp, thì đó có thể là do yếu tố Hoa Kỳ. Điều đó sẽ tiếp tục đào sâu khoảng cách giữa ASEAN và Trung Quốc. Tương tự như vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của mình tại Biển Đông, một trong những lợi ích cốt lõi quốc gia.

Nên có cái nhìn thoáng hơn, rằng kết quả của cuộc họp tại New York vừa qua có thể tạo ra một động lực cần thiết cho Trung Quốc và ASEAN hợp tác chặt chẽ hơn để phá vỡ bế tắc và đạt được một số tiến bộ trong tương lai.

Cả hai bên phải thỏa hiệp và đồng ý những nguyên tắc hướng dẫn chung để có thể cùng nhau tiến về phía trước. Thật vậy, để giảm đi những rắc rối phát sinh trong vụ tranh chấp này, hai bên sẽ phải chứng tỏ ảnh hưởng của mình trong việc ngăn ngừa, kiểm soát và cùng nhau giải quyết những thách thức chung trong khu vực.

Nguồn: Nationmultimedia

Quốc Ngọc dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn