Quốc tế kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho Lưu Hiểu Ba

Tú Anh

clip_image001  

Lưu Hiểu Ba khi còn tự do (ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp)

REUTERS/Handout

 

Sau khi Ủy Ban Nobel Hòa bình thông báo trao giải thưởng năm nay 2010 cho giáo sư Lưu Hiểu Ba, tổng thống Mỹ Barack Obama, lãnh đạo ngoại giao châu Âu Catherine Ashton, thủ tướng Úc Julia Gillard, Đức Đạt Lai Lạt Ma và các tổ chức nhân quyền kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho nhà ly khai đang bị án 11 năm tù vì đầu tranh cho dân chủ.

Nhân vật đầu tiên lên tiếng là tổng thống Mỹ Obama, Nobel hòa bình 2009, đã công bố một bản thông cáo kêu gọi Bắc Kinh thả ông Lưu Hiểu Ba “càng sớm càng tốt”. Tiếp đó ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng lên tiếng yêu cầu “trả tự do tức khắc” cho giáo sư Lưu Hiểu Ba, bị kết án 11 năm tù vì ông là một trong những tác giả  của “Hiến Chương 08”.

Người đứng đầu ngoại giao châu Âu, bà Catherine Ashton chia vui với “tân Nobel hòa bình 2010” và hy vọng ông được thả để sang Oslo nhận giải thưởng vào tháng 12. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Jerry Buzek đòi Trung Quốc “trả tự do tức khắc và vô điều kiện” nhà trí thức dấn thân vì nhân quyền và dân chủ trong khi ngoại trưởng Pháp Bernard Kouchner nhấn mạnh, Pháp cũng như Liên Hiệp Châu Âu đã nhiều lần kêu gọi tự do cho ông Lưu Hiểu Ba.

Các chính phủ Canada, Đức đều tỏ ý hy vọng Bắc Kinh sẽ sớm trả tự do cho nhà tranh đấu bằng biện pháp bất bạo động này. Từ Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-Moon đánh giá giải thưởng Nobel 2010 trao cho ông Lưu Hiểu Ba cho thấy có “sự đồng thuận quốc càng ngày càng mạnh hỗ trợ cho việc cải thiện nhân quyền trên khắp thế giới”.

Tại châu Á, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Nobel hòa bình 1989 cũng thúc giục Trung Quốc thả ông Lưu Hiểu Ba và tất cả tù nhân chính trị khác. Thủ tướng Nhật Naoto Kan, trong bối cảnh quan hệ hai bên căng thẳng từ sau vụ va chạm trên biển Hoa Đông, bình luận rằng Ủy Ban Nobel Hòa Bình đã gửi tới chính quyền Trung Quốc một thông điệp quan trọng về nhân quyền, một vấn đề “phổ quát”.

Từ Sydney, thủ tướng Úc cũng nhận định tương tự. Theo bà Julia Gilla thì phần thưởng này rất xứng đáng và Úc đã đề cập đến số phận của nhà ly khai với chính phủ Trung Quốc. Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cữu cũng khen ngợi “phần thưởng lịch sử” dành cho một nhà dân chủ Trung Quốc.

Riêng tại Pháp, đảng Xã hội, đảng Xanh và đảng Cộng Sản đều lên tiếng khen ngợi sự lựa chọn của Ủy Ban Nobel Hòa Bình. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xem đây là “thông điệp mang lại hy vọng cho tất cả các tù nhân chính trị trên khắp thế giới và cho nhân dân Trung Hoa”.

Trong khi đó, chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc lại lên tiếng chỉ trích quyết định của Ủy Ban Nobel Hòa bình Na Uy là khinh mạng Trung Quốc và đe dọa trả đũa Na Uy. Theo thông tin từ giới ly khai, đêm qua công an đã bắt giử hàng chục nhà ly khai chào mừng giải thưởng cao quý mang lại vinh dự cho Trung Quốc. Nhưng bất chấp đe dọa, một nhóm 7 nhà trí thức đã ký một bức thư vinh danh ông Lưu Hiểu Ba mà họ gọi là “ngọn cờ đấu tranh bất bạo động”.  Trên mạng internet, người dân bắt đầu đặt câu hỏi : Chính quyền hay Lưu Hiểu Ba, ai là thủ phạm?
T. A.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn