Đừng vì TKV rà soát hồ chứa bùn đỏ mà ung dung!

GS Đặng Hùng Võ

clip_image004

 

GS Đặng Hùng Võ

 

Hoan nghênh Tập đoàn Than và Khoáng sản VN (TKV) đặt ra vấn đề rà soát thiết kế toàn bộ các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên, nhưng GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường lưu ý, Chính phủ, các bộ ngành phải thanh, kiểm tra và Quốc hội vào cuộc giám sát.

Bee.net.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS Đặng Hùng Võ:

Gần đây, thảm họ bùn đỏ ở Hungary xảy ra khiến dư luận một lần nữa lại bày tỏ những băn khoăn về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Không ai có thể phủ nhận rằng, thảm họa xảy ra tại nước bạn là một lời cảnh báo cho nước ta và lời cảnh báo đó cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Ngày 12/10, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam cho biết, Tập đoàn đang rà soát lại toàn bộ các thiết kế, đề xuất các biện pháp để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa bùn đỏ theo chỉ đạo của Bộ Công thương.
Đây là việc làm rất đáng hoan nghênh, thể hiện trách nhiệm của TKV với dự án họ đang thực hiện và cũng phần nào thể hiện họ đã có những phản ứng tích cực trước nỗi băn khoăn và lo lắng của dư luận sau thảm họa bùn đỏ ở Hungary. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một kênh thông tin từ phía doanh nghiệp.

Đừng nghĩ TKV làm mà chúng ta ung dung, đừng coi đó là việc cơ quan quản lý nhà nước đã làm. Hai câu hỏi tiếp theo là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc kiểm tra thanh tra thế nào và cơ quan giám sát thực hiện việc giám sát tới đâu? Đó mới là nhiệm vụ chính của các cơ quan của Nhà nước đang chịu trách nhiệm trước dân.

Giao quyền rõ ràng, minh bạch thông tin

Việc khai thác bauxite ở Việt Nam mấy năm nay được dư luận hết sức quan tâm. Sở dĩ như vậy là vì vấn đề này đang thể hiện quan điểm về sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tác động của việc khai thác tài nguyên lên môi trường. 
Vấn đề ở đây là chúng ta phải đánh giá cho đúng hiệu quả của việc khai thác tại Nhân Cơ và Tân Rai. Đồng thời, cũng phải đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc và chặt chẽ tác động của hai dự án này tới môi trường. Từ đó, có thể rút ra kết luận chính xác về hiệu quả của việc khai thác thí điểm, quyết định có tiếp tục khai thác nữa không?

clip_image006

Một con thỏ rừng to lớn nằm chết trong đám bùn độc hại ở Hungary.

TKV thuần túy là một doanh nghiệp, họ nhân dự án từ Chính phủ, triển khai theo đúng pháp luật và các chính sách điều hành hiện nay của các cơ quan quản lý. Vì đây là một chuyện hết sức phức tạp, nhạy cảm nên theo tôi, việc giao quyền cho các cơ quan quản lý phía Chính phủ Việt Nam cần phải rành mạch, rõ ràng, cụ thể, để không thể xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, cũng như không chỉ quy trách nhiệm cho TKV.

Mặt khác, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, từ những nhà khoa học đầu ngành tới công chức, từ công sở tới quán trà đá vỉa hè, đều đang bàn luận tới vấn đề bauxite Tây Nguyên. Trong hoàn cảnh này, đòi hỏi công khai minh bạch thông tin về kỹ thuật, hiệu quả, tác động môi trường của những dự án trên là cần thiết và chính đáng. Quốc hội có thể yêu cầu công khai minh bạch thông tin, kể cả khai thác ra làm sao, ảnh hưởng tới môi trường ở mức nào, còn vấn đề gì vướng mắc… đáp ứng yêu cầu chính đáng này.
Thực tế đã chứng minh, kể cả những người vĩ đại nhất trong lịch sử cũng có thể mắc sai lầm nếu không quan tâm tới ý kiến của người dân. Đảng ta có khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, có nghĩa là phải công khai thông tin để dân biết, phải mở cửa tiếp nhận ý kiến của dân để dân bàn, phải tạo điều kiện để cho dân làm và khuyến khích để dân tham gia kiểm tra.
“Kiểm toán” kỹ thuật độc lập

Hệ thống hành chính của Việt Nam hiện nay có thể nói là rất hạnh phúc vì có rất nhiều cơ quan có thể thực hiện chức năng giám sát: Hệ thống Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, sự giám sát của từng người dân.
Cao nhất và được kỳ vọng thực hiện tốt nhất và đầy đủ nhất chức năng giám sát là Quốc hội. Đây là hệ thống có quyền và có đủ sức mạnh để thực hiện giám sát. Vấn đề là thực hiện giám sát như thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng, với lực lượng hiện nay, Quốc hội chưa thực hiện đầy đủ chức năng giám sát, phụ thuộc quá nhiều vào các báo cáo Chính phủ?

Tôi cũng biết, có những Ủy ban của Quốc hội đã ấp ủ mong muốn có một số cơ quan kỹ thuật trực thuộc Quốc hội để có một kênh giám sát kỹ thuật độc lập với các báo cáo của Chính phủ. Hiện nay Quốc hội mới cơ quan Kiểm toán nhà nước về tài chính, chưa có cơ quan Kiểm toán nhà nước về kỹ thuật. Nhưng không ngại vì chúng ta vẫn có đủ trí tuệ để giám sát việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên sao cho tốt nhất.

clip_image008

Khai thác bauxite. Ảnh Tintuconline

Với dự án bauxite Tây Nguyên, Quốc hội có thể liên kết với các tổ chức xã hội nghề nghiệp để có thể thu nhận được những thông tin về mặt kỹ thuật một cách độc lập với các báo cáo của Chính phủ. Các tổ chức xã hội nghề nghiệp thuần túy về mặt kỹ thuật như Tổng hội Mỏ, Hội Môi trường, Tổng hội Địa chất… đang có lực lượng kỹ thuật mạnh, có thành viên là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu ngành, giúp việc cho Quốc hội sẽ rất đắc lực.

Nếu họ được ủy quyền giám sát về mặt kỹ thuật, và nếu cơ quan quản lý lắng nghe, chắc chắn họ sẽ đóng góp được rất nhiều ý kiến tốt. Việc giám sát này chắc chắn chỉ có tốt hơn cho TKV, là những người thực hiện khai thác và tốt hơn cho các cán bộ quản lý thực thi chính sách. Tất cả sẽ có thêm thông tin để biết vấn đề kỹ thuật, giải pháp công nghệ còn vướng mắc ở đâu…
Cũng có thể giám sát trực tiếp bằng công nghệ ảnh thu nhận từ vệ tinh. Hiện nay chúng ta đã có trạm thu ảnh vệ tinh hiện đại với một đội ngũ các nhà khoa học có thể đọc ảnh, phân tích các số liệu để biết chuyện gì đang xảy ra, báo cáo kết quả với Quốc hội và các cơ quan liên quan. Quốc hội có thể thông qua đó giám sát bất cứ dự án nào, không chỉ riêng dự án bauxite Tây Nguyên.
Việc khai thác tài nguyên thiên nhiên hiện nay đang đối mặt với nhiều vấn đề: khả năng cạn kiệt trong tương lai gần, những nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và trước hết là trách nhiệm của chúng ta với con cháu mai sau.

Khá nhiều nước lớn đang thực hiện chính đóng cửa việc khai thác khoáng sản nội địa, đi mua khoáng sản của các nước nghèo để chôn xuống. Chúng ta có đầy đủ quyền lực và phương cách để thực hiện tốt nhất các dự án khai thác khoáng sản hiện nay, vấn đề còn lại chỉ là chúng ta có sẵn sàng sử dụng triệt để các phương cách đó hay chưa?
Đ.H.V.

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn