Hoàng Sa 1956, khi “đường luỡi bò” chưa ra đời!

Thiên Triều

clip_image001  

(Chú thích ảnh: Lính thủy đánh bộ Trung Quốc tập đổ bộ lên đảo
Chigua Skerry trong dải Trường Sa ngày 24.4.2010)

 

Việc Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc khơi khơi dựng bản đồ trực tuyến Map World thể hiện “đường luỡi bò” bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, trong một góc nhìn nào đó, chẳng qua là “thuyền lên, nước lên” khi nay đã mạnh vì gạo, bạo vì tiền… Chứ nếu giở lại chuyện cũ năm 1956, khi các tác giả của “đường luỡi bò” còn chưa hoặc mới ra đời, sẽ thấy thế hệ cha chú họ lúc đó còn lén lút mò lên… khu vực Hoàng Sa như những đạo chích.

Cầu cứu từ đảo Pattle

03 giờ 15 phút chiều chủ nhật 10/6/1956, giờ Wagshinton D.C., trợ lý phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông - Howard P.Jones - đang nghỉ ngơi với gia đình, một cú điện thoại của trực ban Bộ Ngoại giao báo tin có một bức điện khẩn cấp từ tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn. Bức điện số 4798 đó báo cáo việc Bộ Ngoại giao Sài Gòn mới chuyển qua một bức điện của trạm khí tượng của họ đặt trên đảo Pattle (tên tiếng Việt là đảo Hoàng Sa) trong quần đảo Paracels (Hoàng Sa). Bức điện vỏn vẹn mấy chữ: “Quân Trung Cộng đổ bộ lên đảo Robert (đảo Hữu Nhật). Sinh mạng tất cả chúng tôi bị đe dọa. Xin được di tản ngay”.

Trợ lý phụ tá ngoại trưởng Jones vô ngay văn phòng, liên lạc với phụ tá ngoại trưởng Hoover, và được lênh đến ngay nhà ông này. Một cuộc họp cấp tốc diễn ra với Paul Kattenburg của Vụ Đông Nam Á và McAuliffe, trực ban của Bộ, xoay quanh các chi tiết và bối cảnh tình hình. Phụ tá ngoại trưởng Hoover cho biết rằng đô đốc Burke, tư lệnh hành quân của Hải quân vừa mới ra lệnh cho máy bay của hạm đội 7 bay thám thính khu vực nói trên. Sau cuộc họp bỏ túi này, tất cả cùng đến nhà Ngoại trưởng Dulles họp. Cố vấn pháp lý Phleger và cố vấn chính trị MacArthur được triệu tập. Mac Arthur qua năm sau sẽ sang Nhật làm đại sứ. Thành phần tham dự cuộc họp đủ cao cấp để tin rằng những ý kiến nêu ra hay đề xuất trong cuộc họp này là rất nghiêm túc. Ngoại trưởng Dulles cho rằng đây là một sự kiện tối quan trọng buộc Hoa Kỳ phải hành động ngay và hiệu quả. Theo ông, “đây là một chiến dịch thăm dò của Trung Cộng, có quan hệ sinh tử với vấn đề các đảo Kim Môn và Mã Tổ, mà Hoa Kỳ có lợi ích gắn chặt”. Ông chỉ thị cho các cộng sự viên cao cấp tiếp xúc thêm với các lãnh tụ Quốc hội (1).

“Kỷ niệm” Kim Môn - Mã Tổ

Điều gì khiến ngoại trưởng Dulles “gắn chặt” vụ Trung Quốc đổ bộ lên đảo Hoàng Sa (Pattle) với vụ Kim Môn-Mã Tổ và lợi ích của Hoa kỳ? Năm 1956 ấy, Trung Hoa lục địa và Đài Loan mới vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng quân sự Kim Môn và Mã Tổ lần thứ nhất kéo dài từ 11/9/ 1954 đến 1/1955. Hai hòn đảo “quái ác” của Đài Loan chỉ cách bờ biển Đại lục có tám hải lý, tức hoàn toàn trong tầm bắn của pháo binh. Chính sách của Mỹ với Đài Loan những năm 1950 ấy khác hẳn ngày nay. Thoạt đầu, ngày 5/1/1950, Tổng thống Harry Truman loan báo “Hoa kỳ sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp ở eo biển Đài Loan”, tức sẽ không can thiệp khi hai bên đụng độ. Song, chỉ 6 tháng sau, khi chiến tranh Triều Tiên đã bùng nổ hôm 25/6/1950, Tổng thống Truman bèn nói lại: "Trung lập hóa eo biển Đài Loan”, trong thực tế là để bảo vệ Đài Loan. Không chỉ nói suông, Truman đưa hạm đội 7 đến đây án ngữ che chắn cho Đài Loan. Trong mấy năm trời núp bóng hạm đội 7, Tưởng Giới Thạch tập trung được 58.000 quân trên đảo Kim Môn và 15.000 quân trên đảo Mã Tổ trong ý đồ sử dụng hai hòn đảo cận bờ này thành hai pháo đài, đầu cầu đổ bộ cho một mai tái chiếm lục địa. Ngày 17/8/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố giải phóng Đài Loan. Hai ngày sau, Mỹ "cảnh cáo": “Chớ đụng đến Đài Loan”. Hai tuần sau, vào ngày 3/9/1954, Trung Hoa lục địa bắt đầu pháo kích Kim Môn. Đến tháng 11 thì sử dụng đến máy bay để thả bom. Vào thời đó, Trung Quốc đã có một lực lượng không quân mạnh: trong chiến tranh Triều Tiên, có lúc đã huy động đến 1830 chiếc, trong đó có đến 1.000 chiến đấu cơ Mig-15 quần thảo ngày này qua ngày khác với các chiếc F-84 của Mỹ. Ngày 2/12, Mỹ và Đài Loan ký hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Ngày 20/1/1955, quân đội Trung Quốc chiếm hòn đảo nhỏ Yijiangshan sau khi loại khỏi vòng chiến toàn bộ 720 binh sĩ Đài Loan đồn trú ở đây. Ba ngày sau, Quốc hội Mỹ thông qua “nghị quyết Đài Loan” cho phép tổng thống Mỹ sử dụng quân đội bảo vệ Đài Loan. Tháng 1 còn lại bảy ngày, tháng 2 chóng vánh kết thúc, vừa vặn để Trung Quốc thôi pháo kích. Và đến ngày 1/5/1955, thì phía Trung Quốc đơn phương ngưng bắn (2). Mỹ phải vất vả bảo vệ phe Quốc Dân đảng Đài Loan trong cuộc xung đột Kim Môn- Mã Tử là do trong cái nhìn của Mỹ, đây sẽ là một đột phá khẩu vào “phòng tuyến chống cộng” kéo dài từ quần đảo Aleutians, Nhật Bản, Hàn Quốc… xuống đến tận Úc, New Zealand (3).

Vụ khủng hoảng trên giải thích tại sao ngoại trưởng Mỹ Dulles cho rằng việc Trung Quốc đổ bộ lên đảo Pattle (Hoàng Sa) có liên hệ sinh tử đến hai đảo này và lợi ích của Mỹ. Một khi đảo Pattle (Hoàng Sa) rơi vào tay Trung Quốc, pháo đài cực Nam của “Trung Hoa Cộng sản” (Chicom) sẽ không còn là đảo Hải Nam, mà là Hoàng Sa.

Hoàng Sa, Trường Sa và hòa ước San Francisco 1951

Trong cuộc họp khẩn chiều chủ nhật 10/6/1956 ấy, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bảo các cộng sự của mình xem xét khả năng viện dẫn hiệp định kết thúc chiến tranh với Nhât Bản, theo đó Hoa Kỳ có quyền hạn và trách nhiệm kế thừa đối với tất cả các lãnh thổ của Nhật (chiếm đóng) trước đây (4). Ông cũng chỉ thị các cộng sự của mình xem xét khả năng đơn phương ra tay hành động chiếu theo tinh thần điều 8 hiệp ước SEATO (Liên phòng Đông Nam Á, kiểu như NATO của Đông Nam Á). Về vấn đề đầu tiên mà Ngoại trưởng Mỹ Dulles nêu, Mỹ kế thừa các lãnh thổ mà Nhật chiếm đóng trước kia, có thể thấy đây là một “thực tế hiển nhiên” như qua phần trả lời của Ngoại trưởng Úc Nigel Hubert Bowen cho câu hỏi của dân biểu Hạ viên Gough Whitlam (qua năm sau sẽ kế vị ngoại trưởng Bowen) trong phiên họp ngày 15/9/1971 (5):

-Dân biểu Whitlam: Nước nào giữ chủ quyền trên quần đảo Spratly (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa) mà Nhật Bản từ bỏ mọi quyền lợi, chủ quyền cùng yêu sách trong hòa ước San Francisco ngày 8/9/ 1951?

-Ngoại trưởng Bowen: Câu trả lời cho ngài Dân biểu như sau: … Qua hòa ước 1951, Nhật Bản từ bỏ mọi quyền lợi, chủ quyền, yêu sách trên các quần đảo Spratly và Paracels cùng các lãnh thổ khác… Theo điều 3 hòa ước này, Nhật Bản đồng ý đặt các hòn đảo trên dưới sự quản lý của Mỹ.

Khẩn trương tiếp ứng

Trở lại với cuộc họp giải cứu đảo Pattle (Hoàng Sa). Có ý kiến nêu khả năng rủ Philippines tham gia hành động. Ngoại trưởng Dulles bác bỏ mọi đề xuất hãy tham khảo các chính phủ thuộc SEATO, do lẽ Hoa Kỳ phải ra tay nhanh và lãnh trách nhiệm ra tay. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên chỉ sau khi máy bay thám thính của hạm đội 7 xác nhận nguồn tin từ phía Sài Gòn và sau khi đã thăm dò đánh giá tính hiệu quả mọi khả năng đã nêu ra (6). SEATO, tức Liên phòng Đông Nam Á, là một anh em sinh đôi với khối NATO, nhằm chung nhau phòng thủ giữa các nước Đông Nam Á. Điều 8 của hiệp ước Liên phòng Đông Nam Á mà ngoại trưởng Mỹ Dulles viện dẫn làm cơ sở cho một cuộc hành quân tái chiếm đảo Pattle ấn định khu vực phòng thủ như sau: "là khu vực Đông Nam Á nói chung, bao gồm toàn bộ lãnh thổ các nước này, và cả trên Thái Bình Dương ngoại trừ khu vực từ bắc vĩ tuyến 21o 30’ trở lên”. Với điều 8 này, Mỹ có nhiệm vụ phòng thủ khu vực chung nêu trên với các nước Đông Nam Á khác, thậm chí đơn phương ra tay. Kết thúc cuộc họp, Ngoại trưởng Dulles chỉ thị thảo ngay một công điện cho tòa đại sứ tại Sài Gòn yêu cầu luôn khẩn cấp cập nhật tình hình và thông báo rằng Hoa Kỳ đang xem xét trục xuất bọn Cộng sản (TQ) ra khỏi các hòn đảo ấy. Trợ lý phụ tá Jones Jones hoàn tất ngay bức điện mang mã số Deptel 4011, cụ thể như sau:

"Các cấp cao nhất của Chính phủ đang xem xét khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm quét sạch Cộng sản ra khỏi khu vực, cả trên đảo Woody lẫn trên đảo Pattle và đảo Robert, nếu đảo này sau này cũng bị tấn công. Mọi quyết định tự hậu sẽ tùy thuộc nơi kết quả các thông tin thám thính của không lực hải quân đã được phép cất cánh từ sáng sớm ngày 11/6” (giờ Sài Gòn).

Đài Loan và Sài Gòn phối hợp tái chiếm Hoàng Sa?

Ngày hôm sau, thứ hai 11/6, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi tiếp bức điện Deptel 4021 cho tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn và tại Đài Loan, cho biết chi tiết hơn về “hai khả năng hành động khả dĩ đang được Washington xem xét trong mục đích tống khứ quân Cộng sản Trung Hoa khỏi Hoàng Sa” như sau:

"1. Các lực lượng khả dụng của Mỹ trong khu vực sẽ đơn phương hành động buộc Cộng sản Trung Hoa rút lui sau khi đã dành cho một thời gian cảnh cáo. Về mặt pháp lý, hiện chưa dứt khoát dựa trên điều 8 Hiến chương SEATO hay hiêp định (đầu hàng của) Nhật Bản.
2. Nỗ lực đạt đến môt thoả thuận giữa Trung Hoa Dân Quốc (cách gọi trước đây chỉ Đài Loan) và Sài Gòn về một hành động hỗn hợp của lực lượng của họ, lực lượng Hoa Kỳ sẽ cung cấp tiếp liệu hậu cần khi cần thiết. Trong trường hợp thỏa thuận trên đạt được, hãy đảm bảo sẽ không nảy sinh vấn đề pháp lý nào. Các tòa đại sứ Mỹ liên quan được yêu cầu đưa ra nhận xét về hai phương án trên, trong tinh thần là “khảo sát thái độ của các chính phủ liên hệ (tức Đài Loan và Sài Gòn) cùng các chính phủ khác ở châu Á, về tác động của việc sử dụng binh sĩ Mỹ thay vì binh sĩ châu Á, và về khả năng giải quyết vấn đề chủ quyền qua một thỏa hiệp dung hòa giữa Trung hoa Dân quốc (tức Đài Loan) và Việt Nam Cộng hòa”.

Đáp ứng yêu cầu của Bộ Ngoại giao Sài Gòn, hạm đội 7 phái ngay hai tuần dương hạm và một số máy bay thám thính đến khu vực Hoàng Sa. Quân lực Mỹ đã thực hiện các cuộc thám thính trên biển, trên không và cả trên bộ ở đảo Robert trong hai ngày 12/6 và 13/6. Trong bức điện sau đó gửi Cincpac, tổng tư lệnh quân lực Mỹ tại Thái Bình Dương, phó đô đốc Ingersoll, tư lệnh hạm đội 7 kiêm tư lệnh bộ chỉ huy lực lượng Mỹ phòng vệ Đài Loan, loan báo các kết quả thám thính: "Thay đổi duy nhất ở Hoàng Sa trong mấy tháng qua chỉ là việc Trung Hoa Cộng sản tăng nhân sự trên đảo Woody (đảo Phú Lâm)(7). Hoạt động hầu như chỉ là thu gom phân chim. Không thấy binh sĩ hay vũ khí”. Phó đô đốc Ingersoll kết luận: "Trong những điều kiện trên, hiện chưa đến lúc Mỹ phải quét sạch bọn Cộng sản ra khỏi đảo Phú Lâm… Một nỗ lưc chung giữa Đài Loan và (Nam) Việt Nam cũng không tiện…”.

Bức điện này được sao gửi cho các tòa đại sứ Mỹ trong khu vực để cùng bàn bạc. Đại sứ Mỹ tại Đài Loan Rankin, trong bức điện số 1122, cho biết ông nhất trí với các kết luận của đô đốc Ingersoll. Ông cũng lưu ý thêm rằng nếu khuyến khích Đài Loan đơn thân ra tay dọn dẹp khu vực Hoàng Sa, điều đó sẽ có tác đông còn lớn hơn là Mỹ ra tuyên cáo sẽ chống lại sự bành trướng của Cộng sản Đỏ ở khu vực này.

Về phần mình, đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Reinhardt cũng đánh đi bức điện số 4897 nhấn mạnh rằng hành động đơn phương của Trung hoa Dân quốc (tức Đài Loan) nhằm dẹp Trung Hoa Cộng sản trên đảo Woody (Phú Lâm) sẽ gây tổn thương quan hệ giữa Đài Loan và Sài Gòn”. Đề xuất liên kết Đài Loan và Sài Gòn dẫn đến đâu? Bức điện của ngoại trưởng Dulles trả lời:

“Đoạn 4. Vấn đề Hoàng Sa- Trường Sa (trên) đối với Bộ dường như minh họa cho việc thiếu các tiếp xúc thích ứng giữa hai chính phủ Đài Loan và Sài Gòn. Yêu cầu (các tòa đại sứ Mỹ) tại Sài Gòn và Đài Bắc thông báo với cac chính phủ liên quan trên rằng Mỹ xem việc Đài Loan và Sài Gòn tăng cường quan hệ cấp cao nhất là một tối ưu tiên của mình”. Ký tên Dulles. (8)


Rượu Mao đài 1972 và Hoàng Sa 1974

Năm 1956 là năm mà Trung Quốc còn bị Mỹ và “Thế giới Tự do”, trong đó có Đài Loan và Sài Gòn, xem là “Trung Cộng”`cần phải chế ngự tuyệt đối. Thế cho nên, chỉ cần Sài Gòn “ho” là Mỹ đáp ứng ngay. Với thời gian, các chính phủ Mỹ có những thay đổi chính sách, từ chiến tranh Việt Nam đến quan hệ với Trung Quốc. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một Tổng thống Mỹ, Richard Nixon từ 21 đến 28/2/1972, với hình ảnh Nixon nâng chén rượu Mao Đài, đã là một bước ngoặc lịch sử. Gần hai năm sau, Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc, cho dù Sài Gòn có yêu cầu hạm đội 7 cứu viện. Còn Đài Loan, mà vào năm 1956 ấy còn là đồng minh của Mỹ cùng với Sài Gòn, đã phải nhận nghị quyết 2758 ngày 25/10/1971, theo đó CHND Trung Hoa mới là đại diện chính thức tại Liên Hiệp Quốc, để khăn gói rời khỏi đây, như là một trong những điều kiện tiên quyết cho chuyến công du Trung Quốc của Nixon, dưới sự dàn xếp của Cố vấn Kissinger.

Câu chuyện, mà trợ lý phụ tá ngoại trưởng đặc tránh Viễn Đông Howard P. Jones tường thuật lại trong các báo cáo của mình tháng 6/1956 nêu trên, là một bằng cớ của một giai đoạn mà Hoàng Sa còn do chính quyền Sài Gòn trấn giữ, hạm đội 7 bảo vệ, và người Trung Quốc mới chỉ thấp thoáng như những kẻ trộm đêm… Các ‘tác giả” của “đường lưỡi bò” còn chưa hoặc mới chào đời.

T. T.

Nguồn: http://thientrieu2010.blogspot.com/
---------------------------
1./ Department of State, Central Files, 790.022/6–1056. Top Secret. (Foreign Relations of the United States, 1955–1957 - Volume III, China, Document 186.)

2./ The First Taiwan Straits Crisis

3./ The Taiwan Strait Crisis of 1954-55 – by HI MATSUMOTO -2010
4./Memorandum for the Files, by the Deputy Assistant Secretary of State for Far Eastern Economic Affairs (Jones) [Washington ,] June 10, 1956.

5./ ANSWERS TO QUESTIONS UPON NOTICE - Former Japanese Islands: Sovereignty (Question No. 3670) - House of Representatives Hansard - 15 September 1971.

6./ Source: Department of State, Central Files, 790.022/6–1056. Top Secret.
7./ TQ chiếm đảo Phú Lâm , vào cuối tháng 12/1955, đầu tháng 12/1956.

8./ Foreign Relations of the United States, 1955–1957 Volume III, China, Document 187

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn