Kiện đòi bồi thường thiệt hại do xả lũ gây ra

clip_image002

Hàng nghìn ha rau màu của nông dân huyện Đơn Dương bị nhấn chìm trong nước khi hồ thủy điện Đa Nhin xả lũ. Ảnh: Quang Sáng

 

SGTT.VN - Quá bức xúc trước cảnh người chết, nhà bị cuốn trôi, hàng ngàn ha hoa màu bị mất trắng... do thuỷ điện xã lũ gây, dân yêu cầu ngành điện bồi thường thiệt hại. 

Chiều ngày 5.11, ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết sẽ lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các Ban quản lý thủy điện trên địa bàn bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng do các thủy điện xả lũ gây ra.

Trong các ngày từ 29.10 đến 2.11, vùng rau trọng điểm của huyện Đơn Dương và một phần của huyện Đức Trọng đã hứng chịu cảnh lũ lụt do hồ Đa Nhim xả lũ với lưu lượng lớn 500m3/s. Theo thống kê chưa đầy đủ, riêng huyện Đơn Dương đã có 640ha rau màu và gần 190ha lúa nước bị ngập úng, thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng.

Không thể chịu đựng mãi

Trước tình hình thiệt hại nặng do các hồ thủy điện xả lũ gây ra, Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng vừa phối hợp với các sở, ngành trong tỉnh tổ chức cuộc họp bất thường nhằm tìm cách giải quyết những thiệt hại cho người dân.

Ông Đinh Ngọc Hùng, phó chủ tịch UBND huyện Đơn Dương nói:“Theo quy định, hồ Đa Nhim sẽ xả lũ khi mực nước trong hồ vượt cao trình 1.042 mét, nhưng các ngày qua đã thực hiện xả lũ trước mức quy định này”.

Theo ông Hùng, khi hồ Đa Nhim xả lũ, nước đã đổ về vùng hạ lưu với tốc độ rất nhanh nên người nông dân không kịp trở tay, trong khi vì đảm bảo tính mạng của người dân chính quyền địa phương kiên quyết không để bà con thu hoạch theo kiểu vớt vát.

“Việc thủy điện xả lũ gây thiệt hại hoa màu của người dân năm nào cũng diễn ra, nhưng công tác hỗ trợ, đền bù lâu nay chưa được tình đến. Đã đến lúc buộc ngành điện phải có trách nhiệm chia sẻ những thiệt hại này”, ông Hùng nhấn mạnh.

“Năm nào các hồ thủy điện cũng xả lũ để bảo vệ tài sản của họ, trong khi người dân thì bất lực, chỉ biết cắn răng gánh chịu thiệt hại do xả lũ gây ra. Đành rằng phải hi sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung, nhưng không phải vì thế mà bắt người dân cứ phải chịu đựng thiệt thòi mãi được. Sự chịu đựng bao giờ cũng có giới hạn”, ông Trần Duy Việt, chủ tịch Hội nông dân tỉnh Lâm Đồng bức xúc.

Cũng theo ông Việt, trước tiên ngành điện cần có những động thái tích cực để hỗ trợ, về lâu dài phải đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của ngành điện và lợi ích của nhân dân. Không chỉ đề cập đến những thiệt hại do xả lũ mà việc tích nước trong mùa khô, gây hạn hán cũng cần phải tính đến.

Yêu cầu bồi thường là có cơ sở

clip_image004

Hoa màu bị hư hại do xã lũ. Ảnh: Quang Sáng

Theo cảnh báo của ông Mai Nam Dương, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phó Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng, sắp tới sẽ còn có nhiều thủy điện khác đưa vào hoạt động như: ĐaSiar, Đa Dâng 2, Văn Minh… chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong việc tích nước mùa khô và xả lũ mùa mưa.

Riêng thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, ông Dương cho biết: Năm 1993, hồ Đa Nhim đã xả lũ không đúng quy trình và xả đột ngột với lưu lượng nước lên tới 1.800m3/s. Hậu quả là người chết, nhà trôi, hàng nghìn ha hoa màu bị mất trắng nhưng thiệt hại này chỉ có người dân là hứng chịu hoàn toàn.

“Lợi ích của ngành điện là tích được nước càng nhiều thì sản lượng điện sản xuất càng lớn, do đó thiệt hại không chỉ đến khi xả lũ mà tại thời điểm mùa khô, sông Đa Nhim luôn trong tình trạng chết khát, nông dân không có nước tưới nên mức độ thiệt hại là vô cùng lớn. Mặt khác, vùng hạ lưu đập Đại Ninh luôn cạn khô mà đến nay vẫn chưa khắc phục được là những hệ lụy thấy rõ từ công trình thủy điện này mang lại”.

Ông Dương cho rằng đã đến lúc ngành chức năng của tỉnh lên tiếng đề nghị ngành điện lực phải đảm bảo đến sự hài hòa lợi ích giữa nhà kinh doanh điện và người nông dân. Ông Dương Thành Hưng, phó chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi tỉnh Lâm Đồng nói trong phòng chống lụt bão cần sự phối hợp giữa các ban, ngành và chính quyền địa phương: “Nếu các hồ vận hành đúng quy trình sẽ giảm thiệt hại cho hạ du”.

Trao đổi với chúng tôi về việc khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại do xã lũ gây ra, ông Nguyễn Đức Hưng, giám đốc sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho rằng, một khi thủy điện xả lũ trái pháp luật thì yêu cầu bồi thường thiệt hại là có cơ sở.

Ông Hưng nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ nông dân thiệt hại là trách nhiệm của nhà kinh doanh, tức ngành điện và cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương”.

Quang Sáng

Thực hiện nghiêm túc việc xả lũ sẽ tránh được thiệt hại

Tổng cục thủy lợi, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đề nghị các địa phương phải thực hiện đúng quy trình xả lũ để tránh thiệt hại như vừa qua xảy ra tại các tỉnh Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên. Đồng thời, bộ Công Thương cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện phải tăng cường kiểm tra hồ đập, tuân thủ quy định vận hành liên hồ và từng hồ để tránh thiệt hại và tham gia giảm lũ cho hạ du. Đặc biệt, phải chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước và của địa phương về xả lũ, điều tiết hồ.

Liên quan đến tình trạng ngập lụt tại Phú Yên, ông Nguyễn Bá Lộc, phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiêm trưởng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn cho rằng, thiệt hại của việc xả lũ do các hồ thủy điện tại Phú Yên gây ra hoàn toàn có thể tránh được nếu quy trình vận hành xả lũ và điều tiết hồ được thực hiện nghiêm túc. Hiện việc xả lũ đã được siết chặt và thực hiện theo đúng quy trình.

Q.S

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn