Nguy cơ "xóa sổ" Vinashin Đà Nẵng

image (Tin tuc 24h) - Về chuyện tập đoàn Vinashin thua lỗ đến nguy cơ "sụp đổ", Chính phủ đang tính toán cơ cấu lại bộ máy quản lý của Tập đoàn. Trong khi đó tại TP Đà Nẵng, hàng trăm công nhân của Nhà máy đóng tàu (thuộc tập đoàn vinashin) bị mất việc làm cũng đang đòi quyền lợi do không được giải quyết chế độ vì hoạt động, sản xuất kinh doanh suốt 2 năm qua án binh bất động. Và nhiều khả năng Vinashin Đà Nẵng sẽ bị giải thể…

Người lao động khiếu nại, kêu cứu khắp nơi

Mất việc kéo dài, những ngày qua, tập thể người lao động (NLĐ) tại nhà máy đóng tàu (NMĐT) Đà Nẵng gửi đơn khiếu nại kêu cứu từ Vinashin, đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, HĐND, Sở LĐTBXH cùng một số cơ quan báo chí… về việc lãnh đạo đơn vị này chây ì, không giải quyết quyền lợi cho họ.

Tiếp xúc với phóng viên, hàng chục NLĐ bức xúc: Từ giữa tháng 6-2009 đến cuối tháng 5-2010, ông Nguyễn Văn Bằng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Nhà máy đã liên tục ra thông báo cho hàng trăm NLĐ đang công tác tại nhà máy nghỉ việc không lương và tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ). Cụ thể, ngày 1-6-2009, cho 34 NLĐ tạm nghỉ việc 3 tháng. Đến ngày 11-2-2010 tiếp tục cho 40 NLĐ nghỉ việc cũng với thời gian 3 tháng không lương. Sau thời gian chờ đợi như thông báo, NLĐ trở lại làm việc thì giám đốc nhà máy lại bất ngờ ra quyết định tạm hoãn HĐLĐ của 277 LĐ (trong đó có cả những người nằm trong danh sách 2 thông báo lần trước) kèm theo thông báo tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) với số LĐ này.

Chị N.T.T bức xúc: Theo đúng luật LĐ thì trước khi ra quyết định cho nghỉ việc, lẽ ra lãnh đạo nhà máy phải mời các bộ phận có liên quan của đơn vị như Công đoàn cùng với NLĐ họp, thông báo lý do cho nghỉ việc mới phải, đằng này, cả 3 lần cho NLĐ nghỉ việc, hoãn HĐLĐ, lãnh đạo nhà máy không hề tổ chức cuộc họp để giải thích lý do vì sao mà toàn ra thông báo “khẩn”, sau đó áp dụng ngay.

Việc làm của lãnh đạo nhà máy rõ ràng sai sót với Luật LĐ. Đứng trước tình thế này, nhiều LĐ đành phải lang thang khắp nơi đi tìm việc làm tạm thời sống qua ngày, thậm chí có những người phải làm thợ hồ, bốc vác…

Từ ngày thông báo tạm hoãn HĐLĐ, ngưng đóng BHXH gây nhiều bức xúc, cuối tháng 5-2010, hàng chục LĐ đã làm đơn kiến nghị, khiếu nại khắp nơi trong đó có Đảng ủy, giám đốc nhà máy, tuy nhiên sau đó lãnh đạo nhà máy chỉ mời đại diện vài người đến trình bày lý do nhưng không thỏa đáng, đại khái là vịn lý do nhà máy gặp khó khăn một cách chung chung, còn tình hình của nhà máy khó khăn đến mức nào, có nằm trong tình trạng giải thể không thì không giải thích rõ ràng.

Anh D. một công nhân từng làm việc cho nhà máy hơn 20 năm qua, ấm ức: Nếu nhà máy thực sự khó khăn do khách quan, phải giải thể thì nhà máy phải nộp hồ sơ xin giải thể theo luật định để NLĐ được hưởng chế độ chứ không thể có chuyện một lúc xa thải gần 300 NLĐ dễ dàng như vậy được. Còn do nguyên nhân chủ quan gây ra thì NLĐ chúng tôi quá thiệt thòi.

Cũng theo phản ánh của NLĐ thì trong số 277 trường hợp đã bị nhà máy hoãn HĐLĐ, có rất nhiều người có trình độ chuyên môn cao, có bằng cấp kỹ sư, đại học, tuy nhiên hiện nay nhà máy vẫn giữ lại gần 100 LĐ khác, trong đó nhiều người có trình độ thấp. Liệu những người ở lại phải chăng có thân thế với lãnh đạo nhà máy hoặc vì lý do nào khác?

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, tháng 4-2010, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã ký quyết định phê duyệt kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng để hỗ trợ ngừng sản xuất kinh doanh cho 431 NLĐ đang làm việc tại NMĐT Đà Nẵng sau khi giải tỏa dự án Kè gia cố bờ Đông cầu sông Hàn. Đến tháng 8-2010, nhà máy đóng tàu đã nhận được số tiền trên, tuy nhiên đến thời điểm này, tiền vẫn chưa đến tay NLĐ.

Nguy cơ “khai tử”?

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc NMĐT Đà Nẵng thừa nhận: Khoảng 2 năm trở lại đây, nhà máy không hề có việc gì làm. Vì vậy đời sống của CBCNV và NLĐ gặp khó khăn chồng chất. Được hỏi, ngoài 277 NLĐ đã tạm hoãn HĐLĐ, nhưng Cty vẫn còn gần 100 CBCNV, NLĐ khác đang làm việc, vậy hằng tháng tiền lương phải trả lấy từ đâu? Ông Bằng trả lời ấp úng sau một hồi lâu suy nghĩ: “Thì gắng gượng thu gom những việc vặt còn lại và thu nợ những đơn vị khác đang nợ Cty để duy trì đời sống cho số cán bộ, NLĐ còn lại”.

Nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến việc nhà máy đình trệ sản xuất, NLĐ mất việc, ông Bằng cho rằng là do TP Đà Nẵng “đuổi đi đuổi lại hoài”, trước tiên là di dời nhà máy từ khu vực cầu Nguyễn Văn Trỗi về Vịnh Mân Quang và sau đó khi xây dựng cầu Thuận Phước lại tiếp tục thông báo cho di dời và không có nơi hoạt động tiếp, phải xin chủ trương dời nhà máy ra Cửa Việt (Quảng Trị) dẫn đến khâu sản xuất kinh doanh của nhà máy đình trệ (!?).

Với việc 2 lần ra thông báo cho 74 NLĐ nghỉ việc và sau đó là tạm hoãn HĐLĐ đối với tổng cộng 277 NLĐ, ông Bằng khẳng định đều có thông báo trước đó và giải thích với NLĐ chứ không như NLĐ phản ánh với báo chí. Về khoảng hơn 3,2 tỷ đồng hỗ trợ ngừng sản xuất kinh doanh của thành phố, ông Bằng giải thích: “Do năm 2006, nhà máy ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn với Cty Tài chính công nghiệp tàu thủy thi công 2 tàu 3.000 tấn cho Cty CP vận tải biển và thương mại Nghĩa Thái Sơn với hạng mục 30 tỷ đồng và nhà máy đã phải vay hơn 18 tỷ đồng. Và theo hợp đồng tín dụng thì khi khách hàng trả tiền đóng mới cho sản phẩm thì nhà máy phải trả nợ vay cho Cty tài chính công nghiệp và tàu thủy.

Trong khi đó, để trả lương cho CBCNV, nhà máy đã dùng các khoản thu của Cty Vận tải biển và thương mại Nghĩa Thái Sơn để trả lương. Vậy nên số tiền của thành phố, nhà máy đã bù đắp trả nợ cho Cty Tài chính công nghiệp tàu thủy và một phần trích nộp cho BHXH”. Như vậy, số tiền hơn 3,2 tỷ đồng, nhà máy đã chi sử dụng sai mục đích? Một lần nữa ông Bằng ấp úng: “Thì cũng là chi trả lương cho NLĐ đó thôi”. Nói là nói vậy, song trong quyết định của UBNDTP, số tiền trên phải là để hỗ trợ 70% của 6 tháng lương cơ bản cho 431 NLĐ, trong khi đó hàng chục NLĐ đại diện cho 277 NLĐ ngày 16-11 khẳng định với chúng tôi rằng, họ chưa có ai nhận được khoản hỗ trợ này.

Với những gì đang diễn ra tại Vinashin Đà Nẵng, chúng tôi thiết nghĩ cần thiết phải có sự thanh kiểm tra kịp thời của các ban ngành, các cấp có liên quan, qua đó làm rõ những sai phạm của Cty này, trả lại sự công bằng cho NLĐ.

Nguồn: 24h

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn