Số liệu thống kê: Thật - giả khó phân!

Vũ Thành Tự Anh (*)

clip_image001

(TBKTSG) - Thâm hụt ngân sách của Việt Nam so với GDP trong năm 2009 là bao nhiêu? Bộ Tài chính nói 6,9%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra con số 8,9%, còn Economist Intelligence Unit (EIU) ước tính 9,6%. Thật khó để có thể khẳng định trong những con số này, con số nào phản ảnh đúng nhất thực trạng cán cân ngân sách của Việt Nam. Tương tự như vậy, đối với nhiều chỉ báo vĩ mô cơ bản khác như nợ công và dự trữ ngoại hối, mỗi nguồn số liệu đưa ra một khác. Nguyên nhân của tình trạng này nằm ở đâu?

Trong công tác thống kê kinh tế, Việt Nam hay tự “sáng tạo” ra những định nghĩa riêng, không nhất thiết tương đồng với thông lệ quốc tế. Lấy ví dụ như nợ công chẳng hạn. Mặc dù doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thuộc khu vực công, có nghĩa là nếu DNNN không trả được nợ thì đương nhiên Nhà nước phải chịu thay trách nhiệm, thế nhưng theo định nghĩa của Bộ Tài chính nợ công lại không bao gồm nợ của DNNN.

Cách cân đối thu - chi ngân sách của ta cũng khác thế giới ở hai điểm quan trọng. Thứ nhất, phần trả nợ gốc được tính vào chi ngân sách; và thứ hai, các khoản thu, chi ngoài dự toán (còn gọi là ngoài ngân sách) không được đưa vào cân đối ngân sách tổng hợp. Điều này có nghĩa là phần lớn các khoản hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn thu từ trái phiếu chính phủ bị đưa ra ngoài ngân sách. Ví tiền của Chính phủ vì vậy có hai ngăn, một ngăn là trong ngân sách, một ngăn là ngoài ngân sách. Việc không công bố “ngăn” ngoài ngân sách một mặt đi ngược lại điều 3 của Luật Ngân sách 2002 về công khai-minh bạch, mặt khác đưa ra một bức tranh không trung thực về sức khỏe của nền tài khóa quốc gia.

Các tổ chức quốc tế khi tính toán các chỉ báo thống kê luôn phải căn cứ vào một định nghĩa thống nhất. Nhưng vì một số định nghĩa của ta khác người nên để tránh việc “so sánh cam với táo”, họ thường phải tính toán lại các chỉ báo thống kê theo một định nghĩa chung. Với nguồn số liệu không đầy đủ và nhiều khi tù mù, thậm chí bí mật (như số liệu về dự trữ ngoại hối chẳng hạn), không thể tránh khỏi tình trạng ước tính của các tổ chức quốc tế vênh sai đáng kể so với thống kê chính thức của Chính phủ như đã minh họa ở trên.

Thị trường luôn cần thông tin để ra quyết định. Khi thiếu thông tin chính thức, hoặc thông tin mỗi nguồn một phách, các tác nhân tham gia thị trường buộc phải tự phán xét nên sử dụng thông tin nào. Trong nhiều trường hợp, điều này chắp thêm cánh cho những thông tin đồn thổi, thôi thúc thêm hành vi “bầy đàn” khiến tầm kiểm soát các biến số vĩ mô tuột nhanh khỏi tầm tay của Chính phủ.

Các nhà làm chính sách cũng cần thông tin chính xác để có thể hiểu thực trạng của nền kinh tế, từ đó đưa ra các chính sách thích hợp. Quốc hội đang phải thẩm tra việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 cũng như sắp phải quyết định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Với tình trạng số liệu thống kê thiếu minh bạch, không đầy đủ và kém tương thích với thông lệ quốc tế, thật quá khó để các đại biểu có thể hoàn thành trách nhiệm của mình.

Một thước đo tốt là điều kiện cần để ra quyết định đúng đắn. Trái lại, một thước đo tồi đem lại rủi ro cho người ra quyết định. Thiếu thước đo tốt vì nó không tồn tại là một lẽ, nhưng cố tình chối bỏ thước đo tốt để sử dụng thước đo sai lại là một lẽ khác. Đất nước đã trải qua gần một phần tư thế kỷ đổi mới và hội nhập, đến bao giờ chúng ta mới có một hệ thống thống kê kinh tế công khai, minh bạch, hài hòa với thông lệ quốc tế và theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước?

V. T. T. A.

Nguồn: Thesaigontimes

_____________________

(*) Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn