Trí tuệ và trách nhiệm của quý vị Đại biểu Quốc hội

(Vài suy nghĩ tản mạn từ các phiên thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII)

Nguyễn Chính (bauxite)*

image Cách đây hơn 50 năm, trong thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường, Cụ Hồ đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu.” Vâng! Nước ta lúc ấy đất không rộng, người không đông, vừa giành được độc lập (1945) đã phải tuyên chiến ngay với giặc đói, giặc dốt. Nước ta còn nghèo nàn lạc hậu, là điều mà Cụ Hồ biết rất rõ. Toàn dân biết rõ. Cả thiên hạ đều biết rõ. Nước ta cũng không có tàu ngầm nguyên tử, không có hàng không mẫu hạm, máy bay siêu âm, tên lửa vượt đại châu. Vậy là trong lá thư ấy, Cụ Hồ đã kỳ vọng và chỉ rõ cho các thế hệ con cháu mai sau rằng, non nước Việt Nam ta chỉ có thể vẻ vang, sánh vai được với các cường quốc năm châu bằng trí tuệ, nhất thiết phải bằng trí tuệ.

Đến nay, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Nước ta, đất không đẻ ra (có dư luận còn cho là bị co hẹp lại), nhưng dân số đã tới ngót trăm triệu. Bốn chữ nghèo nàn, lạc hậu đã biến mất. Thay vào đó là hai chữ tụt hậu và khẩu hiệu “xóa đói, giảm nghèo” đã thành câu cửa miệng. Vâng! Lạc hậu hay tụt hậu, rồi đói và nghèo, tất cả đều liên quan trực tiếp đến trí tuệ của người Việt Nam mình. Vâng! Trí tuệ người Việt mình qua các kỳ thi quốc tế (toán, lý, hóa, sinh) kể cả Chopin… là nhất rồi. Đó là niềm tự hào dân tộc, là điều không còn phải bàn cãi. Nhưng điều mà người viết bài này muốn lạm bàn ở đây là, tại sao niềm tự hào trí tuệ Việt Nam sau hơn nửa thế kỷ vẫn không vực dậy nổi đất nước này, để chỉ sánh vai được với Thái Lan, Hàn Quốc thôi, thì biết đến khi nào mới sánh vai được với các cường quốc năm châu, như kỳ vọng và mong ước của Cụ Hồ. Vậy phải tìm nguyên nhân ở đâu và từ cái gì? Có người bảo vì chiến tranh. Có người bảo vì cái này, vì cái kia, từ cái này, do cái nọ, vân vân và vân vân… Nói chung là có nhiều nguyên nhân, phân tích ra thì đều có lý cả. Tuy nhiên, trong bài viết nhỏ này, chỉ xin được mạn phép thử tìm nguyên nhân ở trí tuệ, ở trách nhiệm của quý vị Đại biểu Quốc hội và từ chính kiến của quý vị Đại biểu Quốc hội thể hiện qua các kỳ họp.

Quốc hội nước ta đã trải qua 12 khóa. Về mặt trực quan, các Đại biểu Quốc hội đều được bầu từ lá phiếu của cử tri với tỷ lệ người đi bầu rất cao, trúng cử với số phiếu cũng rất vẻ vang. Nghĩa là, về mặt trực quan, về mặt lý thuyết, người trúng cử là người đại diện cho trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Trí tuệ đó, ý chí đó được người Đại biểu Quốc hội thể hiện bằng hoạt động thực tiễn trong suốt nhiệm kỳ của mình, đặc biệt là trong các kỳ họp, trong các buổi thảo luận, chất vấn.

Là cơ quan lập pháp, có quyền lực cao nhất, thời gian qua Quốc hội nước ta đã ban hành rất nhiều bộ luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, an ninh, quốc phòng, v.v. Cùng với dân trí ngày càng được nâng cao, các bộ luật đã từng bước đi vào cuộc sống. Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, không chỉ là khẩu hiệu mà đã dần trở thành ý thức của người dân. Tuy nhiên câu “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” tưởng là rất tự nhiên, rất bình thường, thì lại có vấn đề liên quan đến trí tuệ và trách nhiệm của các nhà lập pháp. Vấn đề đó là, quyền “được miễn trừ” không bị pháp luật chế tài đối với các công dân có cương vị từ cao hơn cấp bộ trưởng trở lên. Đáng ngạc nhiên là “quyền được miễn trừ” này không hề được ghi trong Hiến pháp cũng như trong bất cứ một văn bản pháp luật nào. Càng đáng ngạc nhiên hơn, là suốt 12 khóa Quốc hội không có một trí tuệ đại biểu dân cử nào nêu vấn đề tối quan trọng và rất cần thiết này trước diễn đàn Quốc hội. Còn chính bản thân Quốc hội suốt 60 năm, hết khóa này đến khóa khác cũng không “ý kiến” gì, không thấy đó là lỗ hổng pháp luật lớn, không thể có ở một quốc gia dân chủ văn minh. Vì thế mới có chuyện, công dân Cù Huy Hà Vũ khởi kiện công dân Nguyễn Tấn Dũng (đương kim thủ tướng), mà cơ quan bảo vệ pháp luật (tòa án) có muốn cũng không thể thụ lý được. Lẽ ra, trách nhiệm và trí tuệ của các đại biểu Quốc hội ta phải sớm phát hiện ra vấn đề bất cập đó, để bổ sung kịp thời nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Việc này không khó. “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, đã được Cụ Hồ long trọng tuyên cáo với cả thế giới, với toàn thể nhân loại trong bản Tuyên ngôn Độc lập và cũng đã ghi trong Hiến pháp. Lâu nay chưa được cụ thể hóa bằng văn bản, thì nay bổ sung thêm có gì đâu mà khó? Pháp luật sáng ngời. “Công pháp bất vị … quan”, hợp với đạo người, đạo trời cũng là một trong những tiêu chí để Việt Nam ta sánh vai được với các cường quốc năm châu.

Ngân sách được hình thành chủ yếu từ tài nguyên quốc gia và tiền thu thuế của dân. Chính phủ chi tiêu, sử dụng thế nào Quốc hội phải biết rõ. Muốn biết rõ thì đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm quan tâm, rồi bằng trí tuệ của mình mà đặt câu hỏi sắc sảo, chuẩn xác yêu cầu Chính phủ phải trả lời. Cũng bằng trách nhiệm và trí tuệ mà đại biểu Quốc hội sàng lọc, nhận biết được nội dung trả lời đúng, sai, để chất vấn tiếp cho đến khi có được câu trả lời thuyết phục. Qua báo chí, cử tri cả nước bàng hoàng vì món nợ (thua lỗ) khổng lồ đến ngót 100 ngàn tỷ đồng của tập đoàn Vinashin. Khi biết sự suy sụp của tập đoàn doanh nghiệp nhà nước khổng lồ này liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cử tri rất muốn biết hư thực ra sao và mong sự việc sáng tỏ sau phát biểu thể hiện trách nhiệm và trí tuệ của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cùng một số Đại biểu Quốc hội khác. Và, khi sự việc đã sáng tỏ, làm rõ được trách nhiệm cá nhân rồi, thì việc xử lý phải rất cụ thể đối với từng cá nhân cụ thể. Cử tri cả nước mong ở những vị đại diện cho trí tuệ và quyền lợi của mình câu trả lời rõ ràng, chứ không phải chung chung vô trách nhiệm.

Cũng về chuyện chi tiêu ngân sách. Tại kỳ họp trước, cử tri cả nước đã được thấy hơn nửa đại biểu Quốc hội bằng trách nhiệm và trí tuệ của mình đã “bấm nút” không tán thành dự án đường sắt cao tốc. “Bấm nút” bác bỏ là vì các vị đại biểu trí tuệ và đầy trách nhiệm này hiểu được, nhận thức được những con số lợi, hại, hiệu quả kinh tế và những hệ lụy của việc thực hiện dự án vừa kéo dài vừa rất tốn kém, do các nhà chuyên môn căn cứ vào thực lực kinh tế nước ta, vào kinh nghiệm của nước ngoài, để phản biện, chỉ ra với tinh thần xây dựng. Mấy năm gần đây, Chính phủ liên tiếp đưa ra hết dự án này đến dự án khác, lại toàn là những đại dự án cả. Nước ta là nước đang phát triển, âu đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng sẽ là bất bình thường, nếu các đại biểu Quốc hội không bằng trách nhiệm và trí tuệ của mình lắng nghe các ý kiến phản biện khoa học của các học giả tâm huyết, nhằm thẩm định, phân biệt được “giả, chân” để cân nhắc kỹ, trước khi bấm nút tán thành hay bác bỏ.

Lại vẫn là chuyện chi tiêu ngân sách liên quan đến nợ công. Là một cử tri “ếch ngồi đáy giếng”, tôi không biết lâu nay Quốc hội ta giám sát (quản lý) nợ công như thế nào. Chỉ thấy cả khối châu Âu tá hỏa vì nợ công của một nước thành viên Hy Lạp, mà mất hồn. Nước ta nhỏ. Đồng tiền của ta yếu. Quản lý nhà nước của ta cũng hơi bị kém. Mỗi khi vàng sốt, vàng rét, “đô” lên, “đô” hạ, việc xử lý cứ lúng túng như gà mắc tóc. Kìm hãm lạm phát, kìm hãm tăng giá, xem ra vẫn còn hơi hướng duy ý chí. Đó là những thực tế, dù có lạc quan đến mấy cũng không thể phủ nhận. Trong kỳ họp thứ 8 này, các đại biểu Quốc hội: Lê Quốc Dung (Thái Bình), Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên); Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn); Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng); Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang)… đã đề cập đến một trong những vấn đề sinh tử của đất nước. Đó là bội chi ngân sách và nợ công. Chỉ nghe con số đã giật mình: bội chi ngân sách chiếm tới 10% GDP và nợ công năm 2011 dự kiến ở mức gần 10 ngàn triệu USD. Điều đó cho thấy, nếu quý vị Đại biểu Quốc hội của ta không bằng trí tuệ và trách nhiệm của mình giám sát thường xuyên, liên lục lạm phát, nợ công để “thổi còi” kịp thời, thì không biết điều gì sẽ xảy ra và lúc nào bất hạnh khốn đốn kiểu Hy Lạp sẽ ụp xuống đầu cử tri cả nước. Rồi nợ nần sẽ còn phải cõng đến cả đời con, đời cháu.

Hàng năm ngân sách chi cho giáo dục không nhỏ, nhưng hiệu quả thực tế lại không to. Thực trạng giáo dục và đào tạo ở nước ta hiện nay thế nào, từ cấp phổ thông đến đại học và trên đại học, ai cũng biết cả. Chuyện bằng giả, hay bằng thật nhưng học giả đã thành chuyện thường ngày ở xã. Về số lượng, tính tỷ lệ bình quân đầu người, thì số người có học vị tiến sỹ ở ta có lẽ đứng hàng đầu thế giới, khiến cả nhân loại phải bái phục. Còn về chất lượng, không biết có nên sát hạch lại không, nếu sát hạch thử, mà các vị tiến sỹ đang có tên ngự trên lưng rùa ở Quốc Tử Giám được mời làm giám khảo, chắc các vị khoa bảng tiền bối cũng phải nhìn nhau mà… khóc ròng. Để trở thành “ông Nghè”, “ông Cống”, các cụ ta ngày xưa phải lều chõng vất vả, khổ sở lắm. Nhưng đó là ngày xưa. Vâng! Là ngày xưa.

Từ hơn một năm qua, đại dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên đã thu hút tâm huyết nghiên cứu và phản biện của nhiều trí thức người Việt Nam cả trong và ngoài nước. Đây cũng là dự án ngày càng được nhiều cử tri cả nước lo lắng, quan tâm. Nhất là từ sự cố “bùn đỏ” ở Hungari và vừa qua ở Cao Bằng. Vẫn biết việc quyết thực hiện bằng được dự án này, là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ. Câu hỏi đặt ra là, chủ trương lớn đó có mang lại lợi ích lớn về: kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và môi trường, v.v. không? Các quan chức của Đảng và Chính phủ, cụ thể là các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, v.v. phải có trách nhiệm trả lời trước hiện tại và lịch sử. Các nhà khoa học vì lo lắng cho sự an nguy của đất nước, của tương lai con cháu mai sau, đã đưa ra các phản biện không chỉ bằng tâm huyết mà cả bằng những chứng minh khoa học, những dự báo khoa học để kiến nghị dừng ngay cái dự án vô bổ này. Cũng có những hội thảo ở cấp này, cấp khác, nhưng chỉ là hình thức. Vậy mà, trong khi các nhân sỹ, trí thức, và đông đảo cử tri cả nước đang chờ đợi trí tuệ và trách nhiệm của những người đại diện cho mình, nhận biết lợi hại để có phán quyết cuối cùng, thì rất tiếc vấn đề nóng bỏng này ở diễn đàn của Quốc hội ta lại kém sôi nổi quá. Nạn bùn đỏ ở Hungari, rồi ở ta (Cao Bằng) đã nhỡn tiền rồi, nếu các vị đại biểu không bằng trí tuệ và trách nhiệm của mình “bấm nút” yêu cầu Chính phủ dừng ngay đại dự án khai thác bauxite, thì sẽ là quá muộn.

Có lẽ chưa bao giờ cử tri cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài quan tâm đến vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn như tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII này. Trong không khí cởi mở, dân chủ, Quốc hội ta như được thổi một luồng không khí mới. Rất thẳng thắn và bản lĩnh, chất vấn của các đại biểu đều xoáy vào những vấn đề nóng bỏng, bức xúc mà cử tri quan tâm. Tất cả đều với tinh thần xây dựng. Chất vấn, để làm rõ vụ việc liên quan đến trách nhiệm điều hành, quản lý nhà nước đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 80 triệu con người. Chất vấn, để làm rõ trách nhiệm cá nhân, tách trách nhiệm cá nhân khỏi cái biển trách nhiệm chung chung, mà rốt cục là không ai chịu trách nhiệm cả. Chất vấn, để phát hiện cái sai, để sửa sai, nhìn thẳng vào yếu kém để sửa sai, làm chưa tốt thì phải làm cho tốt và để làm bài học cho những người kế nhiệm. Làm gì có chuyện “góp phần gieo rắc những yếu tố có thể gây nên rối loạn nhân tạo…”, như quy chụp võ đoán bằng câu chữ hũ nút của ông nhà báo Nguyễn chính nào đó trong bài “dân chủ hóa đời sống xã hội và trách nhiệm của những phát ngôn trước công chúng”. Thú thật, tôi đã phì cười khi đọc mấy chữ rối loạn nhân tạo của ông nhà báo trùng tên, trùng nghề với tôi. Nhân thể, với tư cách một cử tri, tôi cũng xin tâm tình với quý vị đại biểu Quốc hội rằng, cái trò dùng câu chữ mù mờ hũ nút để quy chụp, hù dọa đã cũ mèm rồi, thưa quý vị và quý bạn đọc. Trên thế giới từng xảy ra vài trường hợp các “ông nghị” ở hạ viện này, thượng viện kia tranh luận bằng lời nói không xuôi, thì tranh luận với nhau bằng nắm đấm. Mới thấy được tầm cao văn hóa phản biện, chất vấn, thảo luận ở Quốc hội ta. Theo dõi thì thấy, hầu hết các ý kiến phát biểu của các vị Đại biểu trong các phiên thảo luận, chất vấn ở kỳ họp này, đều trí tuệ, đầy trách nhiệm và xác đáng. Ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết về việc đề nghị Quốc hội làm rõ trách nhiệm trong một số vụ việc lớn và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên chính phủ, kể cả ông Nguyễn Tấn Dũng (Thủ tướng) là việc rất bình thường ở Quốc hội các nước dân chủ, văn minh trên thế giới. Ở Quốc hội ta, vấn đề này nếu được cho là “mới”, thì đó vẫn là một ý kiến rất đúng, mang tâm thức của người đại biểu chân chính, đầy trách nhiệm cho quyền lợi và ý chí của dân. Sau khi bôn ba, hiểu rõ thế nào là nền dân chủ đại nghị, chính Cụ Hồ đã từng nói: “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ.” Xin được lưu ý thêm, không nên cho vấn đề ấy là “mới” rồi để đó. Mới, nghĩa là ta chưa có. Vậy thì Quốc hội ta phải thể hiện trách nhiệm của một cơ quan lập pháp, có quyền lực cao nhất, sớm làm cho có, để cả thế giới văn vinh biết rằng vấn đề này cũng là việc rất bình thường ở Quốc hội ta.

Thời phong kiến thực dân tham lam, dốt nát và tàn ác. Để lừa phỉnh, chúng cũng bày ra trò hề dân chủ giả hiệu bằng nghị trường này nọ. Vì thế mà trong văn học mới có những kẻ vong quốc nô, kiểu “nghị Hách”, “nghị Quế” vô cảm với vận mệnh quốc gia, với vận mệnh dân tộc, vô cảm với thân phận oan khuất, thê lương của đồng bào mình. Bọn nghị gật phản dân, hại nước đó, chúng làm gì có trí tuệ và trách nhiệm. Đọc lại “Tắt đèn”, nghe Nghị Quế phát ngôn mà tởm lợm cho thứ trí tuệ lùn và thứ tư duy bợ đỡ sặc mùi nô dịch “đồng hồ Tây không bao giờ sai”. Mới thấy, Ngô Tiên sinh quả là thâm thúy.

Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII này, cũng là lúc nước ta bước vào năm đầu tiên của thập kỷ thứ 2, thế kỷ 21 (2011). Là một cử tri ở tuổi áp 60, có vinh dự nhiều lần được cầm lá phiếu làm nghĩa vụ công dân bầu Đại biểu Quốc hội, tôi không biết phải “tổng kết” thế nào về hiện tình đất nước trong nhiệm kỳ vừa qua của Quốc hội khóa XII. Vậy, xin dẫn ý kiến tại hội trường của Đại biểu Quốc hội Đặng Như Lợi (Cà Mau). Ý kiến này đã được báo Người Cao Tuổi (số 825 ngày 06/11/2010) đăng lại, rằng: Sau khi chỉ ra thực tế những hạn chế yếu kém từ 2006 – 2009 so với 2010 cơ bản vẫn còn nguyên đó. Đó là chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu, cân đối vĩ mô, quản lý và sử dụng nguồn lực lãng phí, chưa hiệu quả, hạ tầng, môi trường, giáo dục lãng phí, tham ô, tiêu cực, đời sống nhân dân kém. Đại biểu Đặng Như Lợi nói: “Chẳng lẽ 5 năm rồi mà ta vẫn còn nguyên những hạn chế. Tôi có cảm nhận cùng cơ quan nhà nước với nhau mà ta vẫn làm như kiểu đối phó”. Vậy là, bằng trí tuệ và trách nhiệm của mình, với tinh lần “nhìn thằng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” của cố Tổng Bí thư Trường Chinh, trước khi mãn nhiệm kỳ, đại biểu Quốc hội Đặng Như Lợi (Cà Mau), đã tổng kết “sớm” hộ cử tri Nguyễn Văn Chính (Nguyễn Chính) rồi.

Vâng! Quốc hội ta đã qua 12 khóa với biết bao gian lao cùng đất nước. Bằng những gì được thấy, được nghe tại các phiên thảo luận, chất vấn vừa qua ở kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII này, là một cử tri, tôi rất mừng. Thiết nghĩ, trí tuệ và trách nhiệm của một đại biểu, của nhiều đại biểu, rồi của nhiều nữa đại biểu, ắt sẽ làm nên trí tuệ và trách nhiệm của cả Quốc hội ta. Để Quốc hội ta cũng sánh vai được với Quốc hội của các cường quốc năm châu, như kỳ vọng và mong ước của Cụ Hồ. Nếu sớm được như vậy, xin hoan hô Quốc Hội ta./.

N. C.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

(*) Để tránh sự nhầm lẫn, từ nay bút danh của tôi sẽ có thêm mở ngoặc (bauxite).

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn