Thể chế kinh tế và môi trường pháp lý với vấn đề quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay

Luật gia Vũ Xuân Tiền (*)

“QTDN, là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát mọi hoạt động của DN, bao hàm những quan hệ nội bộ DN như các đồng sở hữu, giám đốc điều hành; HĐQT, các kiểm soát viên và những quan hệ với các bên có lợi ích liên quan bên ngoài: cơ quan QLNN, các đối tác KD và môi trường, cộng đồng, xã hội”.

I- QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VÀ NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP

1.    Khái niệm và nội dung quản trị doanh nghiệp

Thế nào là quản trị doanh nghiệp? Đó là câu hỏi rất quan trọng và đã có khá nhiều cách lý giải khác nhau tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu. Một cách lý giải đơn giản nhất, xuất phát từ định nghĩa về quản trị theo Từ điển Tiếng Việt phổ thông như sau: Quản trị là quản lý và điều hành một tổ chức, một công việc nhất định. Trong đó, Quản lý là tổ chức và điều khiển các hoạt động theo những yêu cầu, mục tiêu nhất định; Điều hành là điều khiển mọi bộ phận và quy trình hoạt động theo những nguyên tắc nhất định. Từ đó: Quản trị doanh nghiệp là việc tổ chức và điều khiển mọi bộ phận và hoạt động của doanh nghiệp theo những yêu cầu, nguyên tắc nhất định để đạt những mục tiêu được đặt ra từ trước đối với doanh nghiệp.

Ngoài cách lý giải nêu trên, cách lý giải sau đây có nội dung cụ thể hơn và được sử dụng nhiều hơn: “Quản trị doanh nghiệp, là một hệ thống các thiết chế, chính sách, luật lệ nhằm định hướng, vận hành và kiểm soát mọi hoạt động của doanh nghiệp, bao hàm những quan hệ nội bộ doanh nghiệp như các đồng sở hữu, giám đốc điều hành; Hội đồng quản trị, các kiểm soát viên và những quan hệ với các bên có lợi ích liên quan bên ngoài: cơ quan quản lý Nhà nước, các đối tác kinh doanh và môi trường, cộng đồng, xã hội”.

Với những cách hiểu trên, quản trị doanh nghiệp có những nội dung cơ bản sau đây:

-  Hình thành một cơ cấu tổ chức và quản lý hợp lý, đảm bảo sự công khai, minh bạch để vận hành doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt nhất hoạt động kinh doanh và thu được lợi nhuận tối đa.

- Giải quyết mâu thuẫn quyền lợi giữa người quản lý doanh nghiệp với chủ sở hữu ( Cổ đông, thành viên góp vốn)

- Giải quyết  mâu thuẫn giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số//thành viên góp vốn lớn,bé.

- Vai trò của quản trị viên độc lập, các tổ chức kiểm toán độc lập.

- Chính sách đãi ngộ với các nhà quản lý.

- Thủ tục phá sản doanh nghiệp;

- Quyền tư hữu;

- Việc thực thi các điều khoản luật và hợp đồng so sánh hai mô hình quản trị doanh nghiệp phổ biến trên thế giới Quản trị doanh nghiệp hoạt động thông qua cơ chế bên trong và cơ chế bên ngoài. Cơ chế bên trong bao bồm: (1) Cổ đông và Đại hội đồng cổ đông/thành viên góp vốn, (2) Hội đồng quản trị/hội đồng thành vêin và các nhà quản lý công ty, (3) Các hệ thống kiểm soát nội bộ và (4) Chế độ lương, thưởng và khuyến khích khác.

Những nội dung nêu trên được thực hiện với những chuẩn mực, biện pháp khác nhau và mức độ tiên tiến, hiệu quả cũng khác nhau.

2.    Những nhân tố ảnh hưởng

Từ khái niệm và nội dung được trình bày khái quát trên, quản trị doanh nghiệp và việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của hai nhóm nhân tố sau đây:

Nhóm 1: Những nhân tố bên trong của từng doanh nghiệp. Nhóm này bao gồm những nhân tố cơ bản sau:

a.    Những đặc điểm riêng của từng doanh nghiệp như: Thời gian tham gia hoạt động kinh doanh trên thị trường; loại hình; quy mô, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp…

b.    Quan hệ giũa các cổ đông, thành viên góp vốn: Doanh nghiệp gia đình có phương thức quản trị và nhu cầu nâng cao năng lực quản trị hoàn toàn khác với doanh nghiệp đại chúng (Công ty TNHH nhiều thành viên không có quan hệ gia đình; Công ty cổ phần đại chúng…);

c.    Trình độ nhận thức của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

Nhóm 2: Những nhân tố bên ngoài doanh nghiệp. Nhóm này bao gồm:

a.    Thể chế kinh tế như sự phân biệt đối xử, các thiết chế để bảo vệ quyền tự do, dân chủ, quyền sở hữu tài sản….

b.    Môi trường pháp lý: sự minh bạch trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp;

c.     Môi trường tự nhiên như: bão, lũ, lụt, biến đổi khí hậu…

d.    Môi trường xã hội: Cấu trúc xã hội, dân số, dân cư, văn hóa, đạo đức xã hội…
Tham luận này chỉ phân tích tác động của hai nhân tố đầu trong nhóm những nhân tố bên ngoài doanh nghiệp là thể chế kinh tế và môi trường pháp lý.

II-TÁC ĐỘNG CỦA THỂ CHẾ KINH TẾ TỚI VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM HIỆN NAY.

Thể chế kinh tế là gì? Là những luật chơi trong hoạt động kinh doanh được qui định bởi luật pháp. Vì vậy, với những luật chơi khác nhau thì mô hình quản trị doanh nghiệp và việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cũng khác nhau.

Có thể khẳng định rằng, thể chế kinh tế của nước ta hiện nay đã tạo cho đại bộ phận doanh nghiệp, trong đó, chủ yếu là các doanh nghiệp do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ (Sau đây gọi là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) không thật sự quan tâm đến quản trị doanh nghiệp và lại càng không quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Kết luận như trên xuất phát từ những luận cứ sau đây:

1. Mặc dù trên văn bản, các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đều có những “chủ sở hữu” như Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, UBND cấp tỉnh… nhưng về thực chất, các doanh nghiệp này là những doanh nghiệp không có chủ sở hữu. Bởi lẽ, những “chủ sở hữu trên giấy” sẽ không thể đủ điều kiện (ít nhất là về thời gian) để thực hiện quyền của  chủ sở hữu. Hơn nữa, quy định chủ sở hữu doanh nghiệp là Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND…là một sự áp đặt khiên cưỡng vì đó là những chính khách, đang hoạt động trên chính trường, không thể là một doanh nhân. Là chính khách, quan chức, công chức họ chỉ được phép làm những gì pháp luật cho phép, ngược lại, là một doanh nhân thì được làm những gì pháp luật không cấm. Đó là một mâu thuẫn không thể dung hòa. Vì vậy, quan tâm đến công tác quản trị doanh nghiệp và việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp đối với các “chủ sở hữu” này có lẽ chỉ là câu chuyện hình thức mà thôi.

2. Những người được cử làm Đại diện ủy quyền của Chủ sở hữu trong các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước không phải là chủ sở hữu. Họ cũng không thật sự quan tâm đến công tác quản trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp vì hai lý do: Một là, nếu làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp thì lợi nhuận thu được có cao hơn cũng không phải của họ và thứ hai, lý do quan trọng hơn, nếu làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch hơn thì hành vi tham nhũng, lãng phí sẽ khó thực hiện hơn. “ Nước không đục thì cò không béo”! Đó là lẽ thường tình.

Để chứng minh cho những luận cứ trên, xin nêu một thông tin quan trọng sau đây:
Ngày 12-11-2010, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Thảo luận kết quả điều tra về quản trị doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), giám sát tập đoàn kinh tế nhà nước và khuyến nghị chính sách". Ðiều tra này được thực hiện để làm cơ sở cho việc xây dựng đề án ‘Ðổi mới quản trị doanh nghiệp theo thông lệ kinh tế thị trường và cam kết gia nhập WTO‘ do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư thực hiện, sẽ được trình Chính phủ vào cuối năm 2010.

CIEM đã thực hiện điều tra tại 400 DNNN bao gồm cả 12 tập đoàn kinh tế và các tổng công ty 90, 91. Kết quả điều tra cho thấy, đến nay vẫn chưa có sự thống nhất trong cách hiểu và nhận thức về bản chất và vai trò của quản trị doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp trong các tập đoàn, DNNN hiện nay đang cách xa với các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến quản trị doanh nghiệp và cách xa thông lệ thị trường, chưa đáp ứng thông lệ về minh bạch thông tin... Việc giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước và DNNN quy mô lớn gặp nhiều khó khăn và khó thực hiện khi chưa có mục tiêu giám sát tổng thể...Báo cáo cũng cho rằng, với các DNNN, Giám sát nội bộ bị buông lỏng do: 100% số DN được điều tra thiếu công khai, minh bạch thông tin; thiếu quy chế quản lý nội bộ và giám sát từ bên ngoài kém hiệu quả do Thanh tra, kiểm toán không kết luận được sai phạm; đại diện chủ sở hữu chỉ tồn tại về hình thức!

3.Với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, quản trị doanh nghiệp và nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cũng chưa được quan tâm đúng mức. Lý do cơ bản thuộc về thể chế kinh tế là ở sự phân biệt đối xử vẫn còn rất nặng nề.

Trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế Việt Nam tồn tại các doanh nghiệp thuộc 5 loại: Doanh nghiệp Nhà nước; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp dân doanh; các Hợp tác xã và các Doanh nghiệp thuộc các Tổ chức chính trị, Chính trị- xã hội, các Hội nghề nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Sau khi gia nhập WTO và đặc biệt là từ 1/7/2010, về lý thuyết, nền kinh tế nước ta chỉ còn các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã (một loại hình doanh nghiệp đặc biệt). Song, trên thực tế, vẫn còn nguyên vẹn các loại doanh nghiệp như trước đây. Quan trọng hơn nữa, cho đến nay, theo quy định của pháp luật, các doanh nghiệp đang hoạt động trên thương trường là bình đẳng. Song, Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: "Phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội. Mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Khi Nghị quyết Đại hội Đảng đã chỉ đích danh một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp là "chủ đạo" thì việc "các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và văn minh..." sẽ không thể trở thành hiện thực. Điều đó có nghĩa là sự phân biệt đối xử vẫn tồn tại. Khi đã bị phân biệt đối xử, các doanh nghiệp thuộc diện “không ở vị trí chủ đạo” sẽ yếu thế trong việc huy động các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, lao động, nguồn vốn… phục vụ kinh doanh. Trong một cuộc cạnh tranh không cân sức, các doanh nghiệp “không chủ đạo” chỉ có thể hoạt động cầm cự, cố gắng duy trì hoặc chụp giật chớp nhoáng. Do đó, việc cải tiến quản lý, tiếp cận đến việc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế sẽ chỉ là… “ước mơ xa”!

III- TÁC ĐỘNG CỦA MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ TỚI VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.

Môi trường pháp lý là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng tới vấn đề quản trị doanh nghiệp. Qua hơn 20 năm đổi mới, do đòi hỏi của thực tiễn khách quan và sức ép khi gia nhập WTO, môi trường pháp lý của nước ta đã có những tiến bộ đáng kể. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bàn về tác động của môi trường pháp lý tới vấn đề quản trị doanh nghiệp, có thể khẳng định rằng, hiện nay môi trường pháp lý của nước ta chưa tạo ra động lực để các doanh nghiệp phải quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hướng tới những chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế.

Trước hết, doanh nghiệp sinh ra là để kinh doanh và săn tìm lợi nhuận. Để đạt được mục đích đó, các doanh nghiệp có nhiều cách khác nhau, ít nhất có thể nêu ba cách sau đây:

1. Lách luật để trốn thuế, gian lận thuế, trốn tránh các nghĩa vụ đối với người lao động và bảo vệ môi trường;

2. Liên kết và hoạt động dưới sự bảo kê của cá nhân hoặc những nhóm quyền lực để thu được những khoản lợi nhuận siêu ngạch;

3. Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường.

Trong ba cách đã nêu trên, cách thứ ba phức tạp hơn, đòi hỏi những điều kiện khắt khe hơn và với một thời gian dài. Vì vậy, chỉ khi nào môi trường pháp lý không cho phép hoặc bản thân chủ doanh nghiệp không đủ điều kiện để áp dụng cách thứ nhất và thứ hai, thì doanh nghiệp mới tìm đến cách thứ ba. Đáng  tiếc là, môi trường pháp lý ở nước ta hiện nay đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho khá nhiều doanh nghiệp áp dụng cách thứ nhất và thứ hai. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta rất đồ sộ nhưng thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, rất dễ bị vô hiệu bằng những công văn – một trong những văn bản dưới luật – và việc thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt hiện nay là môi trường vô cùng thuận lợi cho những hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Còn vi phạm nghĩa vụ nộp các loại bảo hiểm bắt buộc cho người lao động và xả thải ra môi trường thì gần như các doanh nghiệp đang vô tư thực hiện mặc dù văn bản cấm thì không ít! Liên kết và hoạt động dưới sự bảo kê của cá nhân hoặc những nhóm quyền lực để thu được những khoản lợi nhuận siêu ngạch cũng là phương thức rất hữu hiệu (và cũng không ít) của các doanh nghiệp hiện nay.

Thứ hai, dấu ấn của cơ chế quản lý hành chính, tập trung quan liêu, bao cấp trước đây vẫn còn rất nặng nề trong mối quan hệ giữa cơ quan công quyền thuộc bộ máy Nhà nước. Cho đến nay, Nhà nước ta vẫn chưa thực sự là “Nhà nước dịch vụ” với nhiệm vụ cung cấp cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp những dịch vụ công thuận tiện nhất. Ngược lại, các cơ quan công quyền vẫn chủ yếu thực hiện việc kiểm tra, giám sát với tư cách của một “Nhà nước cai trị”. Điều đó thể hiện ở hệ thống khổng lồ những thủ tục hành chính, giấy phép con vô lý… gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã triển khai khá rầm rộ và cho biết, với 258 thủ tục ưu tiên cắt giảm đợt đầu, người dân và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 30.000 tỷ đồng/năm. Song, con số đó mới chỉ là “tính cua trong lỗ”. Bởi lẽ, để kết quả của Đề án đi vào thực tế phải  sửa trực tiếp 14 luật, 3 pháp lệnh, 44 nghị định, 8 quyết định của Thủ tướng và gần 100 quyết định cấp bộ.Ông Daniel Trnka, chuyên gia phân tích của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người chấp bút bản Báo cáo đánh giá về Đề án 30, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, nói  “Người dân và giới doanh nghiệp đòi hỏi phải cụ thể hóa các tính toán này bằng các thực thi thực tế”. Điều đó có nghĩa là, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa có kết quả trên thực tế. Hệ thống các thủ tục hành chính nhiêu khê, phiền hà và thiếu tính khả thi đã bắt buộc nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phải “đối phó” bằng nhiều cách để được việc. Và, tất nhiên, những “bài đối phó” đó không bao giờ trở thành chuẩn mực của quản trị doanh nghiệp tiên tiến.

Thứ ba, tham nhũng – một trong những “ kẻ thù” của việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp – vẫn đang là quốc nạn của nước ta. Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhận định: "Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí…. ". Tham nhũng là vật cản vô cùng lớn đối với việc thiết lập một hệ thống quản trị doanh nghiệp tiến tiến theo thông lệ quốc tế. Bởi lẽ, tham nhũng sẽ thủ tiêu sự công khai, minh bạch; làm rối loạn sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp; tham nhũng “cạnh tranh” gay gắt với các Nhà tư vấn – vốn được coi là “Bác sĩ” của doanh nghiệp; tham nhũng cũng có thể đưa một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng thành những gương điển hình với những danh hiệu cao quý; tham nhũng có thể tôn vinh một số cá nhân vi phạm pháp luật đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thành anh hung lao động, v.v… Với những tác động như trên của tham nhũng thì việc cải tiến, áp dụng những biện pháp cần thiết để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp là một thách thức lớn.

III- VÀI KIẾN NGHỊ

Với những nội dung đã trình bày trên, trong phạm vi đánh giá tác động của hai nhân tố thể chế kinh tế và môi trường pháp lý đến vấn đề quản trị doanh nghiệp, xin có một vài kiến nghị sau:

Một là, nhanh chóng thực hiện chủ trương cổ phần hóa để giảm đến mức thấp nhất số lượng các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Đây là vấn đề quan trọng nhất để chuyển một bộ phận lớn các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước – vốn không thật sự quan tâm đến vấn đề quản trị doanh nghiệp – thành những doanh nghiệp phải quan tâm và đầu tư cho công tác quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này, trước hết phải xác định lại nội dung về “Chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước XHCN”. Nhà nước XHCN có chức năng quản lý kinh tế. Điều đó không ai phủ nhận. Song, chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước không đồng nghĩa với việc Nhà nước phải trực tiếp làm kinh tế, phải kinh doanh và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Nhiệm vụ quan trọng nhất để thực hiện chức năng quản lý kinh tế của Nhà nước là hình thành một hành lang pháp lý minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho nhân dân kinh doanh và thu thuế. Tất nhiên, với vai trò “nhạc trưởng” của mình, Nhà nước phải đầu tư, quản lý một số lĩnh vực quan trọng có liên quan đến an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội. Đó là những hoạt động đầu tư không vì mục đích lợi nhuận và nhân dân, các doanh nghiệp không thể làm hoặc không làm. Và cần có một lực lượng chuyên trách với năng lực quản trị doanh nghiệp đủ điều kiện dể quản lý những doanh nghiệp này.

Thứ hai, xóa bỏ nguyên lý “Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí chủ đạo”- nguyên lý đã tồn tại trong một thời kỳ rất dài từ trước năm 1986 đến nay và tạo ra những biệt lệ với các DNNN, cái nôi của tham nhũng, lãng phí. Khi đó mọi doanh nghiệp trong nền kinh tế sẽ bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh; kinh tế tư nhân sẽ thực sự được coi trọng và phát triển. Với một môi trường thông thoáng và minh bạch, quản trị doanh nghiệp sẽ được các doanh nghiệp thực sự quan tâm và đầu tư cho lĩnh vực quan trọng này. Điều đó sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp – điều kiện quan trọng nhất để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản khi ban hành, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng công văn để sửa hoặc bổ sung nội dung thuộc phạm vi của văn bản quy phạm pháp luật và nhanh chóng sửa đổi những nội dung không phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được “chỉ đích danh” trong kết quả bước đầu của Đề án 30. Vấn đề quan trong hơn cả trong nội dung này là đảm bảo chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành. Một trong những điều kiện để đáp ứng được yêu cầu đó là triển khai thực hiện phân tích đánh giá tác động pháp luật (RIA) trong quá trình làm luật. Từ tháng 3-2009, việc đánh giá RIA là bắt buộc khi ban hành các văn bản luật. Theo tính toán của OECD, việc thực hiện RIA sẽ làm phát sinh chi phí cho Chính phủ khoảng trên 10.000 đô la hàng năm, nhưng lại có thể giúp tiết kiệm được 300.000 đô la do giảm được thời gian dành cho việc ban hành các quy định không cần thiết cũng như thời gian soạn thảo. Song, chưa có thông tin nào cho thấy việc thực hiện các quy định về RIA được thực hiện. Bộ Tư pháp có trách nhiệm báo cáo đánh giá nhưng chưa có báo cáo nào được công bố.

Thứ tư, thực hiện quyết liệt hơn nữa cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Đây là cuộc đấu tranh âm thầm nhưng quyết liệt, lâu dài và gian khó đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Việc cần làm trước hết là tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đã được ban hành và có hiệu lực trong 5 năm qua. Tuy nhiên, có thể đánh giá rằng trong 5 năm qua, khá nhiều quy định quan trọng trong luật PCTN đang…bị “treo”. Chẳng hạn, có thể nêu những nội dung đang bị “ treo” – “treo” toàn bộ hoặc “treo” từng phần – gồm: quy định về Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định về kiểm tra và xử lý vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; quy định về chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; quy định về cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý và phương thức thanh toán nhằm phòng ngừa tham nhũng…

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trong bốn kiến nghị trên sẽ góp phần tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch. Khi và chỉ khi đó, công tác quản trị doanh nghiệp mới được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, các biện pháp, chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp mới được các doanh nghiệp Việt Nam tôn trọng và ứng dụng.

V. X. T.

Bài tham luận tại Hội thảo "Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp".

(*) Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

Nguồn: Nhaquanly

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn