Nghĩa chữ Dân

Huỳnh Thúc Kháng, Tiếng Dân 20/8/1928
Nguyễn Q. Thắng, "Huỳnh Thúc Kháng, con người & thơ văn", NXB Văn học, 2001.

Chữ dân ai ai lại lạ gì, song danh hiệu thì rất là tầm thường, mà nói đến ý nghĩa thì có hơi phức tạp, vì theo thời đại, cùng đối với cái phương diện mà thành ra giới hạn có rộng hẹp, vị trí có sang hèn, trình độ có cao thấp. Người ta thấy thế, phân loài, chia hạng, là lạc lối sai đường, mà cái hại nhất là ở bên Á Đông ta, bởi những học thuyết ô mị, cùng thói quen bó buộc, in vào trong não người, đến mấy trăm lớp.

Ngày nay là ngày dân quyền phát đạt, khắp trong thế giới chữ dân đã hiện thành một chữ rất to lớn, nét ngang sổ dọc, đá ngược, vác xiên, sáng chói rõ ràng như mặt trời treo giữa khoảng không, gần tóm cả loài người trên mặt địa cầu, thâu vào dưới bóng sáng đó. Thế mà còn có một đôi nơi mây che mù đậy, vẫn chưa trông thấy được. Bởi cái cớ đó mà hình ma dạng quỷ, bịt mắt phủ tai khiến cho lòng người nghi hoặc. Thậm chí cùng một cục máu xắn ra mà trở lại ghen ghét nhau, hại lẫn nhau, diễn những tấn tuồng xấu xa trong nhân quần xã hội, xét cái ác nhân các điều ấy chính vì cái nghĩa chân chính chữ dân không được rõ ràng mà hư tệ đến thế. Thế thì ta theo những cái thuyết xưa nay đông tây nói về chữ dân mà lược giải thêm vào đôi chút cho phân minh, cũng coi cái nghĩa vụ kẻ học giả đối với đồng bào vậy.

Nghĩa chữ dân là thế nào?

Theo nghĩa chân chính thì dân là người thì là rất đúng đắn, đấy là nghĩa chính. Song vì theo thời đại mà nghĩa có khác nhau như là:

a. Đầu tiên mới là loại người thì ai cũng như nấy, không phân biệt ai là ai, lúc đó thì dân tức là người, nói rộng ra tức là loài người.
b. Từ có tư tưởng vua chúa, quý tộc và quan lại, tự nhận tôn quý về phần mình, không nhận tên hiệu mình là dân mà liệt dân ra cho vào hạng hèn hạ.
c Quân quyền sập xuống, dân quyền thạnh lên thì dân lại trở lại tôn quý.
d. Qua thời đại dân quyền mà đến thời đại đồng thì chúng sinh bình đẳng, ai cũng là chữ dân, chữ dân hồi đó choán cả trên thế giới không có hạng người nào lọt ra ngoài phạm vi đó.

Nghĩa là chữ dân lại đối với các phương diện mà thanh có khác nhau như là:

e. Đối với vua, với quan, với quý tộc v.v. thì dân là hèn hạ.
f. Đối với nước thì dân là quý, vì không có dân thì không thành nước, nên trên thế giới có nước không có vua mà không nước nào không có dân.
g. Đối với trong nước thì có chia rẽ hạng này, hạng nọ, đối với nước khác hoặc đối với thế giới thì người trong nước không chia được, ví như nước Nam ta ở trong nước thì có phân vua, quan, dân v.v. mà thế giới xem mình thì chỉ cho một tiếng dân tộc Việt Nam.

Chữ dân đó gồm cả người nước Nam, vua quan, cũng không đứng ngoài được.

Đó là theo thời đại cùng các phương diện mà chữ dân có lắm nghĩa. Song tóm lại dân sang hèn là cốt tại trình độ thế nào, mà chính ở thời đại dân quyền này, dân tộc nào mà dân đức hoàn toàn, dân trí khai thông, dân khí không có thì dân tộc ấy phải tiêu diệt, lệ chung đó không sao tránh được.

Nay ta lấy mấy thuyết trên mà xét cái nghĩa chân chính chữ dân thì thấy rõ ràng bên Á Đông ta từ đời Tần về trước, chưa sai bao nhiêu, nhà Châu làm vua mấy trăm năm mà con cháu kể chuyện ông bà nói rằng: "Lúc đầu sinh dân”. Ông tể ngã đối với loài chim loài thú mà nói: "không những là dân. Theo nghĩa đó thì dân là loài người không phân biệt giai cấp nào cả. Lại còn những câu "dân nên ở trên, không nên hạ xuống”, “dân vi quý” v.v. xem thế thì cá nghĩa chữ dân, chưa bị che đậy cho lắm. Từ đời Tần lấy cái thuật "ngu kiềm thủ” mà dối thiên hạ, những học thuyết chân chính ngày xưa truyền lại, cho là có hại cho sự chuyên chế của mình, phó cho một.

(K.D thời Pháp thuộc bỏ)

1. Danh từ: vẫn từ đời trước là của chung, ai cũng dùng được cả, đời Tần chiếm một ít để dùng riêng một mình. như chữ Trẫm đời xưa ai cũng xưng được, từ đời Tần trở xuống, cấm người ta không được dùng. Lại như chữ Bê hạ, chiếu, chỉ, chế, sắc v.v. cũng thế. Ấy là luật cấm đời Tần mà ngày nay còn thịnh hành trong mấy nước chuyên chế.

2 . Luật pháp: Đời Tần về trước, quốc chánh có chỗ sai lầm, dân gian được nghị luận, từ đời Tần đặt ra cái luật "yêu ngôn ngẫu ngữ" (làm sách hoặc hai người nói chuyện với nhau) cấm dân gian không được nói đến chính trị. Cái luật nghiêm khắc vô nhân đạo đó, ông Cao Tổ nhà Hán đã trừ bỏ rồi mà mấy đời sau, cho là lợi về chính thể chuyên chế của mình, vẫn cứ bo bo mà giữ mãi. Như nước Tàu về triều Càn Long, vì cái ngục văn tự mà chính nhân hiền sĩ mang cái thảm họa đó biết là bao nhiêu. Lại như triều Nguyễn đời Gia Long, khai quốc công thần như ông Nguyễn Văn Thành mà lấy cớ vì một bài thơ của người con mà đến nỗi bị thảm họa. Những chuyện như vậy, không phải di độc của nhà Tần hay sao? Ấy là kể qua đại khái, còn ngoài ra chế độ chánh lệnh, từ nhà Tần bày đầu ra mà đời sau bắt chước. Cái nghĩa chân chính chữ dân của thánh hiền đời trước vẫn còn sót lại một đôi câu như dân vi quý, dân khả thương v.v. Song nhành lau trôi trên nước lụt, nước gáo tưới giữa xe lửa, không sao cứu được. Cái nghĩa chữ dân không rõ, mà thảm họa đến thế, cái kiếp của loài người, nói tới càng đau lòng vậy. Người Âu có câu rằng: "sự sai lầm là mẹ chân lí”. Lại có câu rằng "chân lí là trận chiến thắng cuối cùng”. Thật thế, nghĩa chữ dân bị mấy mươi đời chính thể chuyên chế làm đến sai lạc như vậy. Thật là một cái họa kiếp của loài người như trên đã nói, song cái chân lí ở trong trời đất, không cái gì làm cho tiêu diệt được dầu có thế lực nghiêng trời đổ đất đến thế nào địch với chân lí cũng chỉ là đè nén được trong một hồi, rút cục lại những câu: nhân loại bình đẳng, chúng sinh thành Phật của các nhà tôn giáo, những câu "dân quý", "dân quyền" của các nhà chính trị dần dần sáng ra từ thế kỷ 18 lại đây. Mấy tay triết học lại phát minh thêm, mà cái chính nghĩa chữ dân, không bị vùi lấp như trước nữa. Ta thử xem trong thế giới từ cuộc Âu chiến tới nay, thế lực đế vương sa sút xuống mười phần đến tám chín mà dân quyền càng ngày càng tiến lên, tức như nước Tàu là chính nơi nguồn gốc chính thể chuyên chế nhà Tần thạnh hành thuở nay, mà bây giờ chữ dân cũng chiếm cả toàn thể thì sức mạnh của chân lí ra thế nào, ai cũng trông thấy vậy.

Cái trận chân lí chiến thắng nay chưa biết ngày nào là hoàn toàn thành công. Song lá cờ nhân đạo đã phất phơ trước mắt mà cái kèn binh cũng đã văng vẳng bên tai, nói riêng từng xứ sở, từng dân tộc, vẫn còn so le, song tóm lại toàn cuộc trong thế giới hiện tại mà suy nghiệm cái cuộc tương lai thì trên địa cầu này, dân chính là vị chủ nhân ông, không ai giành được, mà không ai cãi được. Ấy là một điều ta dám đoán trước vậy.

Cái sai lầm ngày trước như thế, cái cơ cuộc ngày sau như thế, cái nghĩa chân chánh chữ dân từ đây về sau, như mặt trời mới mọc, rồi ra không mây mù gì che đậy cả. Thế mà còn có kẻ toan trái với thời thế, chống với phong triều chung trong thế giới mà muốn bo bo giữ cái dị tộc nhà Tần để cho tiện cái lợi riêng mình không muốn cho cái nghĩa chính chữ dân bày tỏ ra, không những ngăn đường tấn hóa mà về phần lợi riêng cũng chưa chắc là giữ được. Ai là người có nhân tâm xin hãy mở mắt mà trông ra hoàn cảnh ngoài mình ra thế nào.

H. T. K.

Nguồn: Chungta

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn