Tấn công UB Nobel Hòa bình, Trung Quốc tự làm mất uy tín một nước lớn

Tú Anh

clip_image001  

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland trong lễ trao giải Nobel Hòa bình 2010 tại Oslo ngày 10/12/2010. Ảnh: REUTERS/Heiko Junge

 

Từ khi Ủy Ban Nobel Hòa bình thông báo quyết định chọn nhà tranh đấu ôn hòa Lưu Hiểu Ba để trao giải thì Bắc Kinh phản ứng một cách giận dữ. Là một nước lớn, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc lại huy động mọi phương tiện lớn từ an ninh đến tuyên truyền để trấn áp người được tẩo giải và tấn công vào Ủy ban Nobel, một định chế tư nhân và độc lập.

Bằng mọi giá, Bắc Kinh ngăn chặn lễ trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2010 cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba. Trong nước, bộ máy an ninh bao vây gia đình của người tù chính trị, bộ máy tuyên truyền vội vã thành lập và tổ chức trao giải Hòa Bình Khổng Tử. Ngoài nước, Trung Quốc gây áp lực với Na Uy và các quốc gia có quan hệ chính trị hoặc là bạn hàng thương mại chặt chẽ với Bắc kinh để tẩy chay lễ phát thưởng.

Các thủ đoạn chính trị này dù có mang lại một số kết quả nào đó nhưng cũng  đã gây một hậu quả tiêu cực cho đảng Cộng Sản Trung Quốc: Hình ảnh của anh khổng lồ châu Á bị suy thoái trầm trọng không kém gì chế độ Hitler.

Giải thưởng Nobel hòa bình là một phần thưởng vô giá, một niềm hãnh diện vô cùng cho người được chọn và quốc gia của mình. Thế nhưng, lễ trao giải Nobel Hòa bình 2010 năm nay không diễn ra một cách trọn vẹn vì thái độ bất hợp tác của chính quyền Trung Quốc.

Quốc gia có sức mạnh kinh tế hạng nhì trên thế giới và tự cho là có vai trò quan trọng trên các hồ sơ quốc tế đã có thái độ thiếu tương xứng trong việc ứng xử với các lân bang như Việt Nam, Nhật Bản trong hồ sơ tranh chấp lãnh hải. Bắc Kinh cũng đã tỏ thái độ thiếu khách quan trong vụ pháo kích của Bắc Triều Tiên. Nhưng trong hồ sơ Nobel Hòa bình, chính quyền Trung Quốc còn để lộ một thái độ đang bị công luận nước nhỏ Bắc Âu gọi là “trẻ nít”.

Là một nước lớn, thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc lại huy động mọi phương tiện đồ sộ từ an ninh đến tuyên truyền để trấn áp một nhà giáo không một tấc sắt trong tay. Cường quốc này còn tấn công vào Ủy ban Nobel, một định chế tư nhân và độc lập.

Từ khi Ủy Ban Nobel Hòa bình thông báo quyết định chọn nhà tranh đấu ôn hòa Lưu Hiểu Ba để trao giải thì Bắc Kinh phản ứng một cách giận dữ. Đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, thì giáo sư Lưu Hiểu Ba, đồng tác giả Hiến Chương 08, kêu gọi dân chủ hóa chính trị chỉ là một kẻ “phạm pháp” xứng đáng với bản án 11 năm tù.Thân nhân của nhà ly khai, từ vợ cho đến anh em bạn hữu đều bị quản thúc hoặc cấm xuất ngoại.

Ủy ban Nobel Hòa bình đã giải thích cặn kẽ là giải thưởng này không phải là để chống Trung Quốc mà là để “vinh danh dân tộc Trung Hoa” và trong một chừng mực nào đó “tương lai thế giới tùy thuộc vào cường quốc này”. Ủy ban nhận định một cách không thiên vị là kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh nên tham gia vào lãnh vực chính trị cũng trở thành quan trọng hơn. Với vị thế mới, Trung Quốc phải có trách nhiệm nhiều hơn. Ủy ban kêu gọi Trung Quốc phải tôn trọng các quyền tự do căn bản của người dân như … Hiến pháp quy định”.

Chỉ có thế mà Bắc Kinh đã trịch thượng lên án Ủy ban là “bọn hề”, đe dọa trả đũa Na Uy và huy động bộ máy ngoại giao gây sức ép với các nước kêu gọi họ tẩy chay lễ phát giải. Thứ tư vừa qua, Trung Quốc còn khẩn cấp tổ chức trao giải “Khổng tử Hòa bình” mà người được chọn là cựu phó tổng thống Đài Loan Liên Chiến cũng phải ngạc nhiên và từ chối nhận giải của Trung Quốc.

Thất bại này làm cho Bắc Kinh không khỏi bối rối và “tịt ngòi” trước các câu hỏi của phóng viên quốc tế: ai bầu? ai chọn? người sử dụng internet? có thể kiểm chứng được chăng? Dù cho Trung Quốc có lôi kéo được 16 hay 19 nước không gởi đại sứ dự lễ trao giải Nobel, thì con số này cũng quá thấp so với tuyên bố “thắng lợi” của bà Khương Du hôm thứ ba tuần này. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc đoan chắc là có “trên 100 nước” ủng hộ Bắc Kinh.

Nếu như Trung Quốc có chính nghĩa thì tại sao phải dùng mọi thủ đoạn để cô lập “một tên tội phạm hình sự vô danh tiểu tốt” và phải huy động một chiến dịch trên toàn thế giới để chống lại Ủy ban Nobel hòa bình? Xét về “tuổi đời” thì ủy ban tư nhân này đã được thành lập từ năm 1901 còn chế độ “Cộng hòa nhân dân” của Mao chào đời bằng “mũi súng” năm 1949.

Phải công nhận là Trung Quốc Đã thành công cô lập thân nhân của nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba và qua đó ngăn chặn Ủy ban Nobel trao giải thưởng. Đây không phải là lần đầu tiên người được giải thưởng bị nhốt trong tù. Nhưng từ Andrei Sakharov của Liên Xô năm 1975 thời cực thịnh của Liên Xô, đến Lech Walesa của Ba Lan năm 1983, hay bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện năm 1991, các chế độ độc tài này đều để cho ít nhất một người thân của người bị quản chế đi lãnh giải thưởng.

Từ khi giải Nobel hòa bình đầu tiên năm 1901, chỉ có hai lần xảy ra sự kiện người được giải thưởng bị tù và thân nhân hoàn toàn bị cô lập. Trường hợp thứ nhất là nhân vật phản chiến người Đức Carl von Ossietzky năm 1935 thời chế độ phát-xít Đức. Trường hợp thứ hai là nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba trong chế độ "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa".

Dường như đã ý thức hình ảnh chế độ bị xấu đi, Trung Quốc đã gởi hai phái đoàn sang châu Âu để tìm hiểu giải pháp cải thiện.

T. A.

Nguồn: RFI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn