Tập đoàn kinh tế nhà nước: Tại sao sẽ phá sản? Có thể tái cấu trúc được không?

Trần Thành Nam

Trong bài Tập đoàn kinh tế Nhà nước: từ đâu ra và đi về đâu? tôi đã trả lời hai câu hỏi đã nêu ra, rằng tập đoàn kinh tế nhà nước Việt Nam hình thành theo và từ mô hình các tổng công ty đầu ngành của các nước xã hội chủ nghĩa cũ vốn đã làm các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đó sụp đổ, nên cũng sẽ làm nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của Việt Nam sụp đổ.

Với bài này tôi muốn phân tích tiếp, tại sao mô hình kinh tế này sẽ sụp đổ ở Việt Nam và nếu thế thì nó sẽ sụp đổ như thế nào? Liệu có cách nào “tái cấu trúc” chúng để tránh sự sụp đổ được báo trước đó không?

Ở Việt Nam hiện nay, kinh tế Nhà nước năm 2010 chỉ góp 21% GDP nhưng chiếm trên 40% vốn đầu tư quốc gia và chỉ tạo công việc cho chưa tới 4% lực lượng lao động. Đó là các con số của Chính phủ. Còn theo ước tính của các nhà quan sát kinh tế độc lập thì, nếu tính cả các đơn vị làm kinh tế của Đảng, của các đoàn thể Công đoàn, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, của các lực lượng vũ trang và an ninh, kinh tế Nhà nước tại Việt Nam chiếm đến trên 80% nguồn vốn đầu tư của quốc gia [?] và vì thế nó phải được coi là lực lượng kinh tế chủ đạo.

Nhìn sơ qua ai cũng thấy ngay tính không hiệu quả trầm trọng đến vô lý của mô hình kinh tế Nhà nước. Hậu quả kinh tế thua lỗ thất thoát sẽ làm nó phá sản và chính những người hỗ trợ nó là Chính phủ cũng không chịu được và càng không bao biện được. Chính phủ càng bơm nhiều vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, càng mất hết.

Hậu quả thứ hai là đạo đức kinh doanh xấu xa của mô hình kinh tế nhà nước: tính hình thức, sự hoang phí, tệ tham nhũng, nạn báo cáo giả dối, sự vô trách nhiệm tràn lan, sự kém cỏi và kém chất lượng dịch vụ, sự thiếu vắng văn hoá và đạo đức kinh doanh… tất cả tạo nên và làm cho văn hoá kinh doanh và văn hoá xã hội nói chung ngày càng xuống cấp… Càng hô hào thi đua, càng mất văn hoá hơn.

Hai hậu quả trên khi được biểu hiện kết hợp trên diện rộng, mức độ sâu xa, thời hạn lâu dài nhiều năm và trong khắp mọi ngành kinh tế với số lượng đầu tư vật chất lớn… sẽ làm nên tình trạng: về văn hoá thì cả xã hội ghê tởm và căm ghét, về kinh tế thì cả nền kinh tế bị khủng hoảng “vạ lây”, về xã hội thì làm mất hết cơ hội vươn lên cuộc sống giàu có cho đất nước, cuối cùng cả xã hội sẽ phải xoá bỏ mô hình kinh tế nhà nước này.

Tại sao hai hiện tượng “hậu quả” trên sẽ nhất định sẽ xảy ra với mô hình kinh tế nhà nước?

Đó là một phép qui nạp: vì chúng đã và đang xảy ra…, và vì mô hình kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa vốn đã chứa những hạt giống, mầm mống mâu thuẫn sẽ gây đổ vỡ đó là bắt nguồn từ cơ sở triết học và lý thuyết kinh tế sinh ra chúng: lý thuyết kinh tế kế hoạch tập trung xã hội chủ nghĩa! Vâng, cha mẹ tinh thần, hay cái gen gốc, của mô hình kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện nay vẫn là lý thuyết kinh tế kế hoạch tập trung xã hội chủ nghĩa!

Chúng ta lại phải giật lùi một chút đến những năm 50, xem lại về lịch sử hình thành từ đầu các hình thái tổ chức công ty nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung.

Chúng ta (và các nước cựu xã hội chủ nghĩa trước kia) tưởng mình đã cắt đuôi và đoạn tuyệt dứt khoát với lý thuyết kinh tế kế hoạch tập trung từ khi giải tán các Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước từ Trung ương đến địa phương! Không hề! Chúng ta đã chỉ không “làm kế hoạch tập trung” tại Trung ương hay các UBND Tỉnh, mà chỉ “lập” và “giao” chỉ tiêu cho các ngành theo đó tự làm kế hoạch thực hiện, từ Trung ương đến địa phương, mà thôi. Đó chỉ là tự dối chính mình, còn bản chất sự việc vẫn như cũ: các chỉ tiêu vẫn được xác lập từ Trung ương và rồi “phân chia”, “giao” về các địa phương, các đơn vị kinh tế chủ đạo là các tập đoàn kinh tế nhà nước, để họ “làm kế hoạch”. Các kế hoạch đó liệu có thể được chấp nhận nếu làm không theo các chỉ tiêu “trên giao”?

Bước “cải tổ” trên, mà bản chất như một trò lưu manh vặt, từng được ca ngợi như bước tiến lớn về lý luận và lý thuyết của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa khắp Âu Á Mỹ! Theo tôi, dù có gọi tên thế nào, hiện nay thành phần kinh tế nhà nước của ta vẫn là kinh tế kế hoạch tập trung.

Yếu tố cơ bản sống còn trong lý thuyết kinh tế kế hoạch tập trung là đại diện và bảo vệ sở hữu nhà nước trong các mô hình kinh tế sản xuất, kinh doanh và phân phối dạng nông trường, công ty, tổng công ty, hợp tác xã mua bán…, đến nay hoàn toàn chưa được Lênin và các lý thuyết gia kinh tế xã hội chủ nghĩa sau ông giải quyết. Đó là, quyền sở hữu toàn bộ tài sản quốc gia đã được tập trung vào sở hữu nhà nước bằng bạo lực cách mạng rồi, làm sao phân chia lại quyền sở hữu nhà nước đó ra cho các đơn vị kinh tế nhà nước xã hội chủ nghĩa đây? Thành ra, các công ty Nhà nước xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ và chưa ở đâu thực chất là một pháp nhân độc lập và có thể sống độc lập pháp lý với chủ của chúng như các công ty tư bản (corporate) được. Ví dụ: nhà nước xã hội chủ nghĩa sụp đổ thì các công ty nhà nước lập ra có còn tồn tại được không? Trong khi các công ty tư bản tồn tại pháp lý độc lập vài trăm năm sau khi chủ thành lập ra chúng đã qua đời? Hay: Vinashin có thể độc lập “chết” mà không liên can gì đến Chính phủ Việt Nam không? Không!

Lúc đầu (những năm 50, 60, 70) người ta phân chia quyền đại diện sở hữu Nhà nước theo ngành dọc cùng lúc cho các bộ ngành, Bộ Tài chính, Đảng Cộng sản và các đoàn thể cùng đại diện. Như vậy, trong một công ty hay xí nghiệp xã hội chủ nghĩa luôn luôn có 5-6 thành phần cùng đại diện quyền sở hữu nhà nước đối với các tài sản vật chất: ban giám đốc, kế toán trưởng, bí thư Đảng, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ… Bên trên mỗi Công ty cũng có chừng đó các ông chủ sở hữu nhà nước cấp tổng công ty, đến các sở địa phương, rồi các bộ chủ quản, rồi Trung ương…

Hệ thống đại diện sở hữu nhà nước chồng chéo và tầng tầng lớp lớp này đã tự kiểm soát và kiềm chế bớt tham nhũng nhưng hậu quả là người ta chỉ lo bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa (mà vẫn không bảo vệ được khi 5-6 đại diện cùng thông đồng tạo nên những cái gọi là quyền lợi tập thể), nhưng không còn ai lo vì không còn sức, nhiệt huyết và thời gian làm cho tài sản nhà nước đó sinh sôi theo kế hoạch được…

Từ những năm 70,80 và 90, khi các liên hiệp xí nghiệp và tổng công ty toàn ngành hình thành, người ta đã tập trung quyền hành (thực chất là quyền đại diện sở hữu nhà nước) vào hai thành phần chính: giám đốc và đảng uỷ công ty, giai cấp lao động bị loại hẳn khỏi quyền đại diện sở hữu nhà nước hay quyền hành nói chung. Từ đó, các kế toán trưởng chỉ là cái bóng “cánh hẩu” với Đảng và chính quyền – tài chính không thể minh bạch nữa, còn các đoàn thể chỉ là “để làm cảnh” hay “lũ chầu rìa” cho vui xã hội.

Trong công ty hay tổng công ty thì người ta phải trọng tài năng và trình độ chuyên môn để làm việc, trong khi các bí thư đảng cộng sản cơ sở thì thường rất yếu kém mặt này nên thường không có uy tín và quyền lực, do đó các giám đốc tổng công ty luôn có quyền lực tuyệt đối: vừa là đại diện sở hữu nhà nước vừa là người điều hành kinh doanh và chịu trách nhiệm với nhà nước về tài sản nhà nước trong công ty của mình... hay vừa đã bóng, vừa thổi còi cho quân mình đá.

Đại diện sở hữu nhà nước lúc đầu giống như một trách nhiệm trước một ông vua. Nhưng vì ông vua này không tồn tại, không có bóng hình, không hiện ra bao giờ, lại rất dễ lừa, dễ mua chuộc, còn các “đại diện” của vua thì rất tham lam (tiền và “hoa”) và ngu dốt, thích nịnh, thỉnh thoảng đến “cưỡi rượu” xem “hoa”, nên rất dễ điều khiển… Thế là rất nhanh sau đó các giám đốc thấy mình mới chính là vua thật có toàn quyền sinh sát với công ty, số tài sản và con người mình đang quản lý…, họ nhanh chóng trở thành các “vua con”.

Còn tâm lý tham nhũng của các ông “vua con” hình thành từ “đạo đức cộng sản trong sáng” thế này: Các “vua con” chỉ được Nhà nước giao nhiệm vụ bảo toàn tài sản nhà nước thôi vì được “tin cậy”, nhưng thời gian đầu chưa có kinh nghiệm và thường ít tài năng nên thường kinh doanh bị lỗ. Vì mê chiếc ghế “vua con” và không nỡ làm thất vọng cấp trên nên đành báo cáo láo là công ty kinh doanh “huề”, rồi tính sau. Xoay xở vài năm, được nhà nước hỗ trợ đủ điều ưu ái vốn và độc quyền thị trường vì là “lực lượng chủ đạo”, có kinh nghiệm hơn, các “vua con” bắt đầu làm ăn có lãi, nhưng vẫn “phải” báo cáo “huề” để bù lại phần lỗ trước đó đã nỡ giấu nhẹm. Sau đó, việc kinh doanh có lãi tiếp thì các “vua” lại “phải tiếp tục” báo cáo “huề” để dự phòng nhỡ lỗ về sau và cho các “chi phí ngoài luồng” ngày càng tăng cao cho các đại diện “vua trên” và cho chính các “vua trên”… [Có một tình hình phổ biến không kém: Báo cáo lãi để tạm lừa cấp trên – BVN] Số tài sản để ngoài sổ sách để “dự phòng” đó “phải để tạm” trong các tài khoản do người nhà các “vua con” trông hộ ngày càng lớn thì cảm giác tự tin của “vua con” ngày càng lớn… đến một lúc “tự nhiên” “vua con” tin nó là của riêng mình, vì có ai “tranh chấp” đâu? Đó là chưa kể tài sản người ta cứ mang đến cảm ơn lòng tốt của “vua con” trong việc ban phát quyền lợi cho đám “cận thần” và “xin làm cận thần”…

Hiệu quả kinh tế phá hoại, đạo đức tồi tệ, tập trung quyền hành, tham nhũng tràn lan, tổ chức chính trị xã hội mất uy tín và tan rã… đã nhanh chóng làm sụp đổ hệ thống kinh tế rồi hệ thống nhà nước của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu những năm 80.

Việt Nam từ những năm 90 bắt đầu thí điểm mô hình tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước với sự vô hiệu hoá hoàn toàn các tổ chức Đảng, chỉ để lại “làm vì”. Thay vào đó, Việt Nam áp dụng mô hình hội đồng quản trị để đại diện quyền sở hữu nhà nước, học từ mô hình kinh tế Tư bản thị trường, để kiểm soát Ban giám đốc.

Vẫn có ít nhất vài điều không ổn trong mô hình “thí điểm” này:

Thứ nhất, đây là mô hình được “cải tiến - hà hơi” từ lý thuyết công ty nhà nước xã hội chủ nghĩa và kinh tế kế hoạch tập trung mà châu Âu đề xướng và đã thất bại, đã là xác chết hoàn toàn, nay Việt Nam ta thí điểm “tô vẽ - hà hơi lại xác chết”, mà làm tràn lan khắp các ngành kinh tế, thì thật không khác dựng các thây ma dậy trong khắp mọi nhà!

Thứ hai, việc “tô vẽ - hà hơi xác chết” có phần vụng về: Đại diện sở hữu nhà nước trước kia nằm đông đảo trong từng công ty mà còn không kiểm soát được Ban Giám đốc, nay tách ra và giao cho Hội đồng quản trị đại diện thì phải có Luật đặc biệt tương xứng cho Hội đồng Quản trị như thanh “bảo kiếm” chứ? Thế mà Hội đồng Quản trị đã không có thanh bào kiếm là quyền hành bổ nhiệm Ban Giám đốc, lại cũng chả có luật nào tương xứng nhiệm vụ đại diện sở hữu nhà nước của Hội đồng Quản trị, mà Hội đồng Quản trị lại còn “được” Ban Giám đốc trả lương thì “há miệng mắc quai” hay chủ sở hữu nhà nước bị “làm nhục quốc thể” quá, còn kiểm soát sao được!

Thứ ba, Hội đồng Quản trị giám sát công ty và Ban Giám đốc bằng Luật Doanh nghiệp, là bằng các qui chế và tài liệu báo cáo có tính pháp lý, nhưng ở các tập đoàn và tổng công ty nhà nước Việt Nam việc báo cáo và làm việc giữa Hội đồng Quản trị với Ban Giám đốc lại có tính “nội bộ”, không minh bạch, nên công việc của Hội đồng Quản trị chỉ là hình thức và vô tác dụng. Thực tế ở Việt Nam thường là Chủ tịch Hội đồng Quản trị có quyền “bao cả sân” của Tổng Giám đốc nên coi như đá hai sân; đó là sự bắt đầu của tham nhũng như tôi đã phân tích tâm lý “vua con” ở trên, thậm chí là hiện tượng “hai vua”: Chủ tịch và Tổng Giám đốc chia nhau quyền lực. Kết quả thì vẫn là một: kinh doanh không hiệu quả, tham nhũng, thoái hoá đạo đức…

Thứ tư, đến nay 2010 thì về lý thuyết kinh tế và pháp lý quốc tế, một công ty nhà nước hay tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn không phải một pháp nhân độc lập mà chỉ là một bộ phận phụ thuộc của một pháp nhân khổng lồ là nhà nước mà thôi.

Đến đây, câu hỏi tại sao mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước nhất định sẽ thất bại dường như đã được trả lời: tô vẽ và hà hơi không làm các “xác chết” công ty nhà nước xã hội chủ nghĩa sống thực được.

Dường như, là vì còn một nguyên nhân khách quan nữa sẽ góp phần làm nó thất bại nhanh hơn mà các tổng công ty nhà nước xã hội chủ nghĩa Châu Âu ngày xưa chưa gặp: đó là nền kinh tế thị trường cạnh tranh với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác. Sự cạnh tranh này sẽ đẩy các tập đoàn kinh tế nhà nước yếu kém nhất đến phá sản nhanh hơn, và các tập đoàn này sẽ kéo các tập đoàn kinh tế nhà nước khác chết theo vì chúng là bình thông nhau, cùng một chủ. Hiện tượng Vinashin là một báo hiệu “thử nghiệm” cho “cái chết đầu tiên” đó.

Với câu hỏi “Liệu có cách nào tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước để chúng thành công?”, câu trả lời của tôi là: Không. Chưa có. Loài người chưa nghĩ ra. Chưa có lý thuyết kinh tế xã hội chủ nghĩa nào thành công từ năm 1917 đến nay, 93 năm thử nghiệm trên 12 nước và 3 châu lục với khoảng trên ¼ dân số loài người đã tham gia.

Các công ty và tâp đoàn kinh tế nhà nước theo mô hình kinh tế kế hoạch tập trung như nước ta đang “nuôi” vẫn chỉ tiếp tục là những thây ma thí nghiệm “dũng cảm” – thây ma thì sợ gì chết nữa! Chính phủ ta vẫn nói là họ đang tiếp tục làm thí nghiệm đó thôi!? Chỉ có điều cái giá phải trả cho những thí nghiệm này rất đắt, sẽ do nền kinh tế ọp ẹp của ta phải chịu, tức là do dân Việt ta cùng trả thôi mà.

Còn một câu hỏi trong cuối bài trước dường như tôi chưa trả lời, tuy thực ra là đã trả lời ngay rồi, là: “Ai sẽ có lợi khi các tập đoàn kinh tế nhà nước cùng nhau sụp đổ?”

Tôi đã nói: “Người biết chuyện gọi đó là cuộc cách mạng ĐỔI MÀU SỞ HỮU CHỦ”, không phải như một số báo đăng lại và hiểu nhầm thành: “người biết chuyện gọi đó là cuộc cách mạng ĐỔI CHỦ SỞ HỮU”. Ở đây, chủ sở hữu chính của phần lớn các công ty nhà nước phá sản sẽ không thay đổi, họ chỉ đổi màu “áo” của mình thôi. Trước khi công ty sụp đổ họ “mặc áo” màu đỏ – đại diện sở hữu nhà nước –, sau khi công ty sụp đổ họ sẽ ra tay “cứu vớt” mua lại công ty NN thành “của mình”, lại trở thành chủ của công ty đó. Nhưng họ là các nhà tư bản mặc áo vàng, thế thôi, vẫn là họ hay con cháu họ hàng anh em chiến hữu của họ…

Đỏ là màu cách mạng – là máu dân lành. Vàng là vàng, Dân thì vẫn là dân đen…

T. T. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn