Bi hài "Trước và sau"

Nguyên Đình tổng hợp

Từ nhiều năm nay, dư luận trong ngành xây dựng cầu đường cho biết, làm đường nhựa là khoản thi công béo bở nhất, chỉ cần vài ba km thôi đã đủ tiêu xài gần một phần ba đời người. Mà đây lại là làm đường nhựa trong đại lễ nghìn năm Thăng Long, ôi chao, nghìn năm mới có một dịp! Trí thức, chuyên gia, dân chúng có không tán thành quy hoạch đại lộ Thăng Long đến mấy cũng mặc, các quan cứ lo làm lấy được, làm cho xong. Cho nên hễ cứ người đứng đầu đất nước vẫy tay cho một cái là mọi sự răm rắp tiến hành ngay, đúng quy trình đã định, cũng giống như... quả đấm thép Vinashin lúc mới khởi sự, nó mới hoành tráng làm sao!

Thì nay “bánh tráng nhựa” rải mặt đường đã xong rồi, cờ quạt trống chiêng cũng đã rước xách inh ỏi, tiền thầy bỏ túi đâu vào đó, còn kêu, trách được ai nữa? Mà “cứ cách hết đi” những kẻ trót tham nhũng chút xíu (chút xíu thôi mà)... thì lấy ai ra mà làm việc (nhận thầu dự án) cho cấp trên nữa? Phải xét kỹ lý lịch ba đời mới được bấy nhiêu người đó, đừng có mà tưởng dễ! Các bạn hay thóc mách so sánh với nước người để chê trách nước mình là chẳng sâu sát gì về hoàn cảnh của Việt Nam ta cả. Khéo mà lại “ăn đòn” như TS Cù Huy Hà Vũ từ “hai cái bao cao su đã qua sử dụng” đến “vi phạm điều 88 Bộ Luật hình sự” như chơi đấy.

Bauxite Việt Nam

Đại lộ Thăng long, được coi là hiện đại nhất Việt Nam, chỉ sau 6 tháng đưa vào sử dụng đã bị "xẻ rãnh".

Xa lộ Great Kanto ở thành phố Naka bị cơn sóng thần ụp xuống ngày 11/3/2011 cũng bị xẻ rãnh, nhưng rãnh ở con lộ này thì thật kinh khủng nếu nhìn vào hình dưới đây. Và cũng chỉ có 6, nhưng là 6 ngày sau khởi công (Ngày 17/3, tức là 6 ngày sau khi bị sóng thần phá hủy, con đường được khởi công phục hồi, cho đến đêm 24/3/2011, đã sẵn sàng phục vụ), nó đã trở lại phẳng phiu không một tì vết!

Không biết con "sóng thần" nào đã làm cho "siêu" đại lộ Thăng Long, với mức chi phí 7527 tỷ đồng chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động thì "bỗng dưng" bị xẻ rãnh? Còn ma thuật nào làm cho con đường "địa ngục" Great Kanto do sóng thần gây ra, chỉ trong 6 ngày trở thành nguyên vẹn "như chưa hề có cuộc chia ly"?

Xa lộ Great Kanto, Thành phố Naka, Nhật (*)

clip_image002

Ngày 11/03/2011, xa lộ Great Kanto bị sóng thần "xẻ rãnh"

clip_image004

Ngày 24/03/2011 (Sau 6 ngày khởi công, từ 17/03/2011), xa lộ này được trả về nguyên trạng, "như chưa hề có cuộc chia ly"!

Đại lộ Thăng long, Thủ đô Hà nội, Việt Nam

clip_image005

Ngày 3/10/2010, khai trương đại lộ Thăng long, trị giá trên 7 nghìn tỷ, hiện đại nhất Việt Nam

clip_image006

Ngày 24/03/2011, sau 6 tháng khai trương, không biết "sóng thần" nào đã "xẻ rãnh" siêu đại lộ này!

Hà An - Mai Hà

(*) Ảnh và tin trích từ Dailymail

Tin đọc thêm

1. Ngày 3/10, Thủ tướng phát lệnh thông xe Đại lộ Thăng Long

Quỳnh Anh

(Dân trí) - Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, sáng 3/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chính thức phát lệnh thông xe Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc, gắn biển đặt tên công trình Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) sau 5 năm thi công.

Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm được Ban chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chọn là công trình hoàn thành chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Đại lộ Thăng Long được tính bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các huyện Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh.

clip_image005[1]

Đại lộ Thăng Long sẽ chính thức thông xe từ ngày 3/10

Đây là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn ngân sách trung ương: 1.840 tỷ đồng và nguồn vốn của TP Hà Nội là 5.687 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 3/2005. Giai đoạn I của Dự án (Km1+800 - Km4+100) đã được các đơn vị hoàn thành vào tháng 10/2006 để phục vụ Hội nghị APEC năm 2006.

Đại lộ Thăng Long có chiều dài 29,264 km, điểm đầu là Km1+800 (giao cắt giữa vành đai 3 Hà Nội với đường Láng - Hòa Lạc tại nút giao Trung Hòa) và điểm cuối là nút giao Hòa Lạc Km31+064 (giao cắt với QL21 - đường Hồ Chí Minh).

Chiều rộng tuyến đường là 140m bao gồm: 2 dải đường cao tốc riêng biệt quy mô 6 làn xe (rộng 16,25m); 2 dải đường đô thị 2 làn xe cơ giới rộng 10,5m; dải phân cách giữa 2 đường cao tốc rộng 20m; 2 dải đất dự trữ giữa hai dải đường đô thị...

Ngoài ra, trên Đại lộ có dải trồng cây xanh và vỉa hè. Trên tuyến đường có 51 cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt sông, vượt nút giao... đạt tiêu chuẩn đường cao tốc đô thị.

Xét trong mạng lưới giao thông tổng thể, Đại lộ Thăng Long hòa với các quốc lộ: QL6, QL32, QL37, QL2… góp phần hoàn thiện mạng đường xuyên tâm kết nối khu vực Việt Bắc, Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.

Đối với Thủ đô Hà Nội, tuyến đường này nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh, đang trong quá trình phát triển như: Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giầu tiềm năng như: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai…

Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc - một trong những dự án có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.

Đối với ngành giao thông vận tải, Đại lộ Thăng Long là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, được xây dựng hoàn toàn bằng nội lực: do các kỹ sư và các nhà thầu trong nước tự thiết kế, thi công bằng nguồn vốn trong nước.

Với quy mô xây dựng, kết cấu hiện đại có tính thẩm mỹ cao và có ý nghĩa quan trọng tới việc phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Tại kỳ họp thứ 21, ngày 14/7/2010, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất đặt tên đường là Đại lộ Thăng Long với sự nhất trí cao.

Nguồn: Dantri.com.vn

Sáu tháng sau:

Đại lộ Thăng Long lại bị xẻ rãnh

Là một trong những công trình trọng điểm được hoàn thành để chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tuy nhiên, chỉ chưa đầy 6 tháng thông xe, đại lộ Thăng Long dài 29,264 km, được xem là đại lộ dài nhất và hiện đại nhất VN đã có những dấu hiệu của sự xuống cấp.

Tại đoạn Km8+600, Km9+189 hay Km9+700, mặt đường liên tục xuất hiện những vết “nổ” sâu, miệng rộng cỡ gần bằng chiếc bát ăn cơm, cùng những gờ “sóng” gập ghềnh có thể nhìn rõ. Thậm chí, đã bắt đầu có biểu hiện của rạn nứt, tạo thành một khe hở sâu hoắm có thể đút lọt bàn tay của người lớn, chạy cắt ngang lòng đường.

clip_image006[1]

Vết xẻ trên đại lộ Thăng Long - Ảnh: Minh Sang

Nguy hiểm hơn, nhiều điểm, mặt đường bị lún, võng xuống, tạo thành những con lươn, sống trâu.  Tương tự, tại đoạn Km8+472, gần 15m mặt đường bị lõm, lún xuống, cho dù trước đó đã được gia cố.

Ngoài ra, tại Km10+815, mặt đại lộ còn xuất hiện… ổ gà. Theo ghi nhận, quanh miệng “ổ gà” có độ sâu gần một gang tay, để lộ phần đất nền này, thì lớp nhựa đường đang tiếp tục rạn nứt, có hướng phát triển rộng ra ở bốn phía. Hay tại Km15+046, liên tục nhiều mét đường bị nổ, tạo thành hàng loạt những điểm lồi lõm, gồ ghề, lớp thảm nhựa bê tông bị biến dạng. Chưa kể, dọc theo địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất thường xuyên xuất hiện những lớp đất, đá sỏi vương vãi dọc khắp hai bên lòng đường.

Đại lộ Thăng Long đã được bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý. Tuy nhiên, những vướng mắc từ thời cơ quan quản lý cũ (Bộ GTVT) vẫn chưa được xử lý hết như chất lượng công trình, độ bằng phẳng, lớp nhám chưa thi công hoàn chỉnh. Bộ GTVT cho biết đã yêu cầu Ban quản lý dự án Thăng Long (BQL) chỉ đạo các đơn vị tư vấn kiểm tra lại hiện trạng cao độ mặt đường, độ bằng phẳng và xem xét số liệu theo dõi lún; chỉ được thi công tạo lớp nhám khi đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đầy đủ với các thông số này.

Nguồn: Thanhnien.com.vn

2. “Siêu công trình gắn biển 1.000 năm” bây giờ ra sao? (Kỳ 1)

Thiên Minh

Để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hàng loạt dự án đã được đầu tư xây dựng và rốt ráo bàn giao trước ngày diễn ra Đại lễ. Đại lễ đi qua gần 6 tháng, các “siêu công trình gắn biển 1000 năm” bây giờ ra sao....?

Bài 1: “Ổ gà” bôi xấu Đại lộ Thăng Long...

Đại lộ Thăng Long dài 29,264 km, tổng đầu tư lên tới 7.527 tỉ đồng từng được ca ngợi là “con đường đẹp nhất Việt Nam”. Kể từ thời điểm thông xe (3/10/2010) chưa đầy 6 tháng, nhưng đường đã sớm xuất hiện những “ổ gà”.

“Ổ gà”, “tổ ong” trên món quà mừng Thủ đô

Sau hơn 7 năm thi công, vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, Đại lộ Thăng Long được chủ đầu tư, nhà thầu “xuất sắc” cắt băng thông xe vào đúng dịp Đại lễ.

clip_image008

Tuy nhiên, tiến hành khảo sát tuyến đường vào thời điểm giữa tháng 3/2011, sau 6 tháng thông xe, chúng tôi vẫn chứng kiến nhiều hạng mục công trình còn đang dang dở, bao gồm cả những phần quan trọng như cầu vượt cơ giới, cây xanh, thảm cỏ, hàng rào chắn... Đặc biệt, mặt đường dù mới hoàn thành và đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đến nay đã có dấu hiệu sụt lún.

Dọc theo trục đường từ ngã tư giao cắt Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đến nút giao với đường Hồ Chí Minh, có rất nhiều đoạn đường đã xuất hiện nhiều điểm bị gập gềnh tạo thành những con lươn, con trạch. Mặt đường bị nhiều “vết chém”, khiến các phương tiện đi lại cũng nảy từng nhịp theo mức độ lồi lõm. Dù mới thông xe chưa đầy 6 tháng, phần đường này đã xuất hiện nhiều “ổ gà”, “ổ voi” gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tại Km số 9, hiện nay có một chiếc “ổ voi” ngay giữa làn đường cao tốc dành cho xe ô tô. Một lái xe tải tên Quang, hàng ngày chạy xe trên con đường này cho hay: “Con đường đại lộ Thăng Long được hoàn thiện và đi vào sử dụng không lâu nhưng đã có rất nhiều điểm trên trục đường đã xuống cấp. Có nhiều điểm mặt đường nhấp nhô khi xe chạy qua bập bềnh không khác gì như ngồi trên con tàu đang lướt sóng”.

Quan sát của phóng viên cho thấy, trên nhiều điểm thuộc làn đường cao tốc dành cho ô tô, mặt đường đã bị lún. Có nhiều nơi mặt đường bị bong rộp tạo thành những “tổ ong”, như đoạn km 8 + 600 hay km9+700. Tại km 9 +189, một cầu chui dân sinh qua đã có biểu hiện của rạn nứt, lún sâu tạo thành một khe hở lớn nơi tiếp giáp từ trục đường với cầu.

Bụi bặm, hố ga mất nắp và chốn chăn bò

Với chiều dài chưa đầy 30km, chỉ mất gần một giờ đồng hồ, với làn đường rộng và vắng phương tiện tham gia giao thông. Thế nhưng bụi mù mịt, đất đá, cát sỏi vương vãi khắp mặt đường. Mặc dù đã chính thức đưa vào khai thác sử dụng từ nhiều tháng qua, tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, Đại lộ Thăng Long vẫn đang trong cảnh nhếch nhác và tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm đối với người tham gia giao thông.

Dọc theo hai bên đường chạy qua địa phận huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất lòng đường bị “xâm nhập” bởi một lớp đất cát lẫn đá sỏi và rác dại. Hai bên đường dành cho xe máy, xe thô sơ hầu hết các hố ga phía lề đường đều không có nắp. Tại khu vực gần các công trường xây dựng, những xe ô tô trọng tải lớn chở vật liệu xây dựng “thoả sức” rơi vãi đất đá ra lòng đường.

Ngoài ra, trên Đại lộ Thăng Long dù đã có lệnh cấm việc chăn thả gia súc, nhưng dường như người dân vẫn cố tình “phớt lờ” quy định này, thản nhiên lùa hàng đàn bò vào khoảng trống giữa hai làn đường chính chăn, thả. Hàng ngày có hàng chục con bò của người dân đang được chăn thả ngay giữa làn cỏ ở giữa làn đường cao tốc. Nếu như những chiếc xe tải đang chạy bị một con bò bất ngờ đi qua đường không biết hậu quả sẽ ra sao.

T.M.

Kỳ sau: “Con lươn” trên cầu Thanh Trì

Nguồn: Phapluatvn.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn