Thư ngỏ gửi quý vị Đại biểu Quốc hội Khoá 12

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---o0o---

 

Hải Phòng, ngày 14 tháng 3 năm 2011

Thư ngỏ gửi quý vị Đại biểu Quốc hội Khoá 12

Nhân dịp Quốc hội Khoá 12 họp phiên thứ 9 từ ngày 21/3/2011 đến 29/3/2011

để thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2007 - 2011 và chuẩn bị bầu Quốc hội khoá 13

Tôi là Bùi Như Thủy, 84 tuổi, số nhà 18 gác 2 Phạm Bá Trực - Hải Phòng. Tôi đã 12 lần đi bầu cử Quốc hội nhưng chưa bao giờ được tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội; có nhiều điều bức xúc muốn đề đạt với Quốc hội nhưng không được. Tôi đã gửi 21 lá đơn đến Quốc hội mà không được trả lời; viết bài gửi cơ quan ngôn luận thì họ không dám đăng tải, sợ bị phạt 40 triệu đồng như Nghị định ngày 16/2/2010 của Chính phủ.

Nhờ đến cơ quan báo chí không được, tôi phải trông cậy vào trang Bauxite Việt Nam, hy vọng rằng nhiều vị Đại biểu Quốc hội sẽ biết được tiếng nói của dân. Với tinh thần Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, tôi xin nêu 3 vấn đề một cách nghiêm túc.

- Ban hành Siêu Luật đất đai 2003 là sai lầm thứ nhất.

- Phá bỏ Hội trường Ba Đình là sai lầm thứ hai.

- Một vài ý kiến về bầu cử Quốc hội khoá 13.

1. Ban hành Siêu Luật đất đai 2003 là sai lầm thứ nhất

Siêu Luật đất đai 2003 là nguyên nhân chính của tình trạng khiếu kiện liên tục, gay gắt, quyết liệt, bạo lực, chết người kéo dài suốt 5 năm qua mà chưa có điểm dừng.

Phải thẳng thắn nghiêm túc nhận ra một vấn đề là: Từ khi nhà nước Việt Nam thiết lập chế độ dân chủ cộng hoà nay là cộng hoà xã hội chủ nghĩa chưa bao giờ có cuộc khiếu kiện liên tục kéo dài, gay gắt quyết liệt, bạo lực chết người như suốt từ năm 2006 đến nay. Thực chất đó là cuộc đấu tranh chống lại Siêu Luật đất đai 2003.

Năm 2006 mới có 1.872 lượt người đi khiếu kiện.

Năm 2007 đột biến 240.584 lượt người đi khiếu kiện.

Theo tài liệu của Thanh tra Chính phủ 5 năm (2006 - 2010) đã có 1.574.750 lượt người đi khiếu kiện: có 1.515 đoàn đông người, có đoàn đông tới 600 người. Họ mang theo cờ, khẩu hiệu đến ngăn cản nơi giải phóng mặt bằng, bao vây trụ sở tiếp dân của Quốc hội để tỏ rõ thái độ phản đối quyết liệt đối với chính sách đất đai. Họ biết rằng cuộc đấu tranh khiếu kiện này là vô cùng gian khổ, tốn công, tốn của, bị xua đuổi, giam cầm, bị đánh đập mang thương tích, kể cả bị bắn chết. Huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên năm 2010 đã 53 lần tổ chức đoàn đông người có lúc tới 600 người đến trụ sở tiếp dân của Quốc hội đấu tranh. Ngày 30/01/2011, Thanh tra Chính phủ cảnh báo 835 đơn khiếu kiện của dân về dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi nếu không giải quyết dứt điểm có nguy cơ trở thành điểm nóng. Đại biểu Quốc hội, Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng đi khiếu kiện về đất đai. Hôm nay, nghệ sĩ danh hài Tự Long cũng phải vác đơn đi khiếu kiện về đất đai rồi.

Trong 5 năm, nhà nước đã giải toả thu hồi đất 500.000 ha đất đai, đẩy 2 triệu 60 vạn dân khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, 87,5% người bị thu hồi đất đều bị giảm thu nhập, nhiều người không có nơi định cư, màn trời chiếu đất. Nhiều khu vực định cư cũng là cuộc sống đầy đọa, nhà cửa chật chội, không đất canh tác, không nước, không nhà vệ sinh, chết không có chỗ chôn... nợ nần chồng chất, tệ nạn xã hội phát triển, gia đình lục đục, con cái không được chăm sóc.

Với tình cảnh đó, trên 1 triệu 50 vạn người dân kéo nhau đi khiếu kiện là tất yếu khách quan.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đi thị sát nhiều nơi về tình hình khiếu kiện của dân cũng chỉ biết than thở với báo chí là: "...về phía người dân khiếu kiện tố cáo họ cũng rất cực, rất vất vả, không phải bà con có ý xấu muốn chống lại chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước. Cực chẳng đã vì quá bức xúc nên họ phải đội nắng, đội mưa khi khiếu kiện thế này".

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng am hiểu được lòng dân, thông cảm với dân, nhưng Phó Thủ tướng cũng bó tay nhìn dân đi khiếu kiện ngày càng đông hơn, quyết liệt hơn, đơn thư khiếu kiện ngày càng dày theo năm tháng.

Nhà nước bất lực bó tay, không giải quyết được làn sóng khiếu kiện đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ khắp đất nước nhưng lại tìm mọi cách cấm đoán, gây khó khăn cho người dân đi khiếu kiện, hy vọng sẽ dập tắt được ngọn lửa đấu tranh đó. Thật là một ảo tưởng.

Chính phủ đã ban hành một rừng văn bản: 11 nghị định (bình quân mỗi năm 2 nghị định), hàng nghìn văn bản hướng dẫn nhằm tháo gỡ cho Luật đất đai 2003, nhưng càng sửa càng bế tắc, dân khiếu kiện ngày càng nhiều hơn. Theo báo cáo của Chính phủ ngày 29/10/2010 trước Quốc hội, người khiếu kiện năm 2010 tăng 23,7% so với năm 2009.

Sửa mãi không được, Quốc hội và Chính phủ liều lĩnh tìm mọi cách cấm đoán gây khó khăn cho những người dân đi khiếu kiện.

Chính phủ phải vội vàng di chuyển trụ sở tiếp dân của Quốc hội ra Cầu Giấy, buộc dân khiếu kiện không tập trung vào trung tâm thành phố, gây bức xúc và phản cảm đối với nhân dân thủ đô và khách nước ngoài.

Chính phủ và Thanh tra Chính phủ ra lệnh cấm không được khiếu kiện đông người, không tiếp đoàn khiếu kiện đông người và không chấp nhận nhiều người cùng ký vào một đơn khiếu kiện, phạt tiền tới 40 triệu đồng đối với báo chí có bài viết, có tính chất nhạy cảm đi sâu vào nội vụ các cơ quan Trung ương và các vị lãnh đạo cấp cao.

Ngay trong kỳ họp thứ 38 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá 12, chắc kỳ họp này có nhiều điều gay cấn nên không dám cho phóng viên báo chí được dự phiên họp bàn về nội dung báo cáo tổng kết nhiệm kỳ năm 2006 - 2011 của Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, và việc chi tiêu 3.500 tỷ của Tập đoàn Dầu khí. Thôi thì bưng bít được đến đâu hay đến đấy. Nếu để nội vụ lọt ra ngoài thì Quốc hội, Chính phủ càng khó giải thích, khó làm ăn.

Đó cũng chỉ là hạ sách, thô bạo và trắng trợn. Quốc hội và Chính phủ đang "lấy thúng úp voi". Trong lời nói và các bài diễn văn quan trọng thì Quốc hội, Chính phủ không bao giờ quên đề cập đến từ "dân chủ, công bằng"; trong việc làm thì tìm mọi biện pháp "trói chân, dán băng dính vào mồm người đi khiếu kiện".

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nay lại có thêm chức vụ to hơn – Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – đã nói "Luật chỉ sai một chữ đã khó thực hiện rồi". Thế mà Khoản 1 Điều 116 Luật đất đai 2003 có 4 câu 96 từ mà đã có 12 vấn đề sai. Chính phủ còn quy định Điều 116 Luật đất đai 2003 đến ngày 31/10/2010 thì hết hiệu lực thi hành.

Sau một tháng Luật đất đai có hiệu lực thi hành, ngày 18/6/2004 tôi đã gửi lá đơn thứ nhất đến Quốc hội và tiếp theo 20 lá đơn nữa vừa là khiếu nại, vừa là phản đối, vừa là xin đối thoại về Khoản 1 Điều 116 Luật đất đai 2003. Nhưng Quốc hội không trả lời.

Điều 36 Luật khiếu nại tố cáo quy định "Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày".

Tôi đã phải chờ đợi Quốc hội trên 2.300 ngày rồi, thế mới biết rằng Quốc hội ta cũng lì vào tốp đứng đầu thế giới.

Quốc hội, Chính phủ có một bộ máy chính trị, hành chính, tư pháp to lớn như thế mà không dám đối thoại với dân.

Họ xoen xoét nói rằng "Lắng nghe ý kiến của dân", thực ra họ chỉ làm theo cái bụng chỉ huy của họ.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, cũng phải than thở: "...Trong vòng 10 năm thử hỏi không mấy người liên quan đến khiếu kiện".

Chương trình phát triển Liên hiệp Quốc UNDP làm việc với Việt Nam đã kết luận: "Chỉ có 1% người khởi kiện thoả mãn được kết quả giải quyết".

Còn lại 1.350.000 người khiếu kiện thì Quốc hội Khoá 12 lại bàn giao cho Quốc hội Khoá 13 giải quyết. Đó là Quốc hội được lòng dân ư?

2. Phá hội trường Ba Đình là sai lầm thứ hai

Đã nhiều năm nay Đảng tiến hành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Những lời nói, việc làm và đồ dùng cá nhân của Hồ Chủ tịch được khai thác, gìn giữ, bảo quản để chứng minh cho tấm gương đạo đức của Người. Bà con Việt kiều và bè bạn trên thế giới cũng sưu tầm những hình ảnh, tư liệu về Bác khi hoạt động ở nước ngoài gửi về cho Tổ quốc. Những lời nói của Bác đối với công nhân, nông dân, thợ thủ công, người đánh cá, người làm rừng, các nhà khoa học, nhân sĩ, các nhà hoạt động tôn giáo, bộ đội, biên phòng, dân quân, những người có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ, thương bệnh binh, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, nhi đồng, học sinh đến các cụ phụ lão... thể hiện sự am hiểu, sự quan tâm và trách nhiệm của Bác đối với các tầng lớp nhân dân.

Hội trường Ba Đình là một cơ sở kiến trúc mang màu sắc chính trị, văn hóa sau giải phóng miền Bắc. Đã nhiều thập kỷ qua, nó gắn liền với công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và quan hệ bạn bè quốc tế. Hội trường Ba Đình cũng gắn nhiều kỷ niệm và dấu ấn về Hồ Chủ tịch. Nhân dân ta ai cũng biết khi phát hiện ra Hoàng thành Thăng Long, chúng ta đã trân trọng giữ gìn từng viên gạch vỡ, từng mảnh gốm sứ vỡ, để làm vật chứng cho thế giới và các thế hệ sau này tự hào về tổ tiên ta.

Thế mà Quốc hội Khoá 12 – những người đại diện cho nhân dân – lại bỏ phiếu phá bỏ Hội trường Ba Đình mặc cho các tầng lớp nhân dân kể cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối.

Hội trường Ba Đình đã phá đi, bây giờ mới thấy thiếu vắng, hụt hẫng, gián đoạn mối liên kết lịch sử trong các giai đoạn cách mạng không bù đắp được.

Quốc hội Khoá 12 đã làm một việc có tội lỗi với dân tộc với Bác Hồ.

3. Một vài ý kiến về việc bầu cử Quốc hội khoá 13

- Quốc hội với cử tri

Chúng ta nhớ lại Đại biểu Quốc hội Khoá 11 phần rất lớn là mang họ “Hứa”. Khi gặp cử tri thì hứa nhưng không trả lời. Một Đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã sáng tác thành thơ và phổ nhạc “Hứa rồi, nhớ nhé!” vừa là nhắn nhủ các vị Đại biểu Hội đồng Nhân dân và Đại biểu Quốc hội đừng hứa suông. Nếu bài hát “Hứa rồi, nhớ nhé!” được phổ cập rộng rãi như bài “Hát cho đồng bào tôi nghe” thì có lẽ cũng bớt đi được những Đại biểu Quốc hội mang họ “Hứa”.

Quốc hội khoá 12 phần đông “chỉ như ông bưu điện đóng dấu rồi kính chuyển”. Thôi thì sống chết mặc bay, ông bà vẫn cứ là đại biểu Quốc hội, không vẻ vang lắm sao.

Báo mạng Vietnamnet ngày 14/2/2011 có đánh giá về các vị Đại biểu Quốc hội Khoá 12: “sau khi được bầu vào Quốc hội thì họ quên cử tri... Có những Đại biểu Quốc hội không bao giờ phát biểu gì, mà lúc nào cũng giơ tay đồng ý”. Thật là buồn, buồn nẫu ruột, lại tiếc công đi bỏ phiếu nữa.

Thế mà Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 12 Nguyễn Đức Kiên cũng chỉ mong: “Quốc hội Khoá 13 ít nhất cũng giữ được phong độ như khoá hiện tại”. Nghĩa là Đại biểu Quốc hội Khóa 13 sẽ vẫn làm ông bưu điện đóng dấu và kính chuyển, không phát biểu gì chỉ giơ tay đồng ý? Còn những Đại biểu hay chất vấn Quốc hội, Chính phủ những điều hóc búa thì sẽ bị loại ra cuộc chơi?

- Kiên quyết xoá bỏ chế độ cử tri chuyên nghiệp

Đại biểu cử tri là các vị đại biểu được cử tri bầu vào Hội đồng Nhân dân các cấp và Đại biểu Quốc hội. Người ta nhầm lẫn và mạo nhận những người thường xuyên có giấy mời đi tiếp xúc với Đại biểu Quốc hội mỗi năm hai lần là đại biểu cử tri. Thực chất họ là cử tri chuyên nghiệp của Quốc hội, chẳng đại diện cho ai cả.

Việc tiếp xúc Đại biểu Quốc hội với cử tri chuyên nghiệp là dân chủ hình thức và giả dối, phải được kiên quyết xoá bỏ.

Gần đây người ta lại vụng về biện bạch với cử tri một cách ngụy biện là cử tri đi họp đông thì không có ghế ngồi, không có thời gian!

Điều quan trọng là Quốc hội có thực sự tôn trọng cử tri và kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của cử tri hay không, đâu phải là chuyện cái ghế hay thời gian. Các vua chúa ngày xưa còn dành thời gian “vi hành”, chả lẽ các ông Nghị bà Nghị thời kỳ dân chủ, đổi mới lại chỉ một năm hai lần tiếp xúc với cử tri chuyên nghiệp và làm ông bưu điện?

Nếu Quốc hội muốn lắng nghe ý dân thì hãy xoá bỏ chế độ cử tri chuyên nghiệp, vừa bớt đi cái dân chủ hình thức đỡ tốn công tốn của. Mỗi khi Quốc hội tiếp xúc với cử tri thì thông báo cho mọi cử tri biết. Nếu ai muốn đến nghe Quốc hội nói hoặc ai muốn hỏi Quốc hội điều gì thì đăng ký với Ban Tổ chức, để được mời dự. Đó là quyền lợi bất khả xâm phạm của cử tri.

- Quân đỏ quân xanh

Nhiều cử tri cũng ngán cái chuyện bầu quân đỏ hay quân xanh làm Đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng ra hiệp thương cử người ứng cử Quốc hội chắc cũng quan tâm chọn người là vợ, chồng, con, cháu, anh, em... các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước làm Đại biểu Quốc hội. Vì Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 cũng đã có lệ mới rồi: cha và con đều là Ủy viên Trung ương Đảng, cha nghỉ thì con kế thừa. Đầu xuôi thì đuôi lọt đã có tiền lệ rồi. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, cứ thế mà làm, còn gì mà bàn cãi nữa.

Nói thật thì mất lòng.

Kính mong quý vị Đại biểu Quốc hội lượng xét.

Kính thư

Bùi Như Thuỷ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn