Tuyên bố chính sách Internet của Mỹ gây bực bội cho Trung Quốc

Peter Lee, Asia Times Online, ngày 19-2-2011

Trần Ngọc Cư phỏng dịch

Peter Lee được biết đến như một cây bút thường có những lập luận thân Trung Quốc trong nhiều bài viết của ông trên Asia Times về quan hệ đối ngoại với Mỹ và của Mỹ trong vùng Đông và Nam Á. Bài sau đây không phải hoàn toàn là một ngoại lệ, nhưng chứa đựng một vài luận điểm đáng suy nghĩ về ảnh hưởng khá phức tạp của Internet và mạng xã hội trong tiến trình thúc đẩy dân chủ tại các quốc gia độc tài. Vì mục đích chuyển tải các thông tin đa chiều, BVN xin giới thiệu bài viết sau đây như một phản biện đối với tuyên bố quyền tự do nối kết mà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã đưa ra hôm 15-2-2011, và bản dịch của nó cũng đã được đăng trên BVN (http://boxitvn.blogspot.com).

Bauxite Việt Nam

Nhiều nguyên nhân, hậu quả và ý nghĩa tiềm ẩn của các cuộc nổi dậy của dân chúng xảy ra đều khắp thế giới Á-rập và Iran là những đề tài tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, một hậu quả không cần tranh cãi là: “tự do nối kết” đã trở thành cái gai cộm lên trong quan hệ Mỹ-Trung.

Ngày 15 tháng Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã đọc một bài diễn văn tại Đại học George Washington lặp lại lời tuyên bố của Mỹ rằng “tự do nối kết” là quyền tự do thứ năm, được thêm vào với bốn quyền tự do (tự do ngôn luận và tôn giáo, tự do thoát khỏi cảnh thiếu đói và sợ hãi) được tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đưa ra năm 1941:

Nói chung, các quyền tự do phát biểu ý kiến, hội họp, và lập hội trên mạng cấu thành điều mà tôi từng gọi là tự do kết nối. Hoa Kỳ hậu thuẫn tự do này cho mọi người trên thế giới, và chúng tôi kêu gọi các quốc gia khác cũng làm như vậy…”[1].

Thật ra, năm 1948 Bản tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc - một bản tuyên ngôn bao gồm các quyền tự do mà Roosevelt đưa ra, cũng như các quyền tự do khác thường bị Hoa Kỳ và Trung Quốc vi phạm hơn là tôn trọng – đã chứa đựng trong qui định cần thiết của Điều 19.

Mọi người có quyền tự do tư tưởng và phát biểu; quyền này bao gồm tự do bảo lưu ý kiến của mình mà không bị can thiệp và quyền tìm kiếm, tiếp thu và chia sẻ thông tin và ý kiến qua bất cứ phương tiện nào và bất chấp biên giới quốc gia.[2]

Trong tuyên bố của mình, bà Clinton đã chịu khó (và một cách khổ sở) cố gắng lèo lái giữa những đòi hỏi có tính cưỡng bách chính trị cho tự do Internet và nỗ lực ngoại giao cần thiết để trấn an các đồng minh độc tài rằng Hoa Kỳ không đi vào công việc thay đổi chế độ bằng cách thường xuyên chống phá các nhà nước qua Internet;

Tự do và an ninh quốc phòng. Tính minh bạch và việc bảo mật. Tự do phát biểu và tính khoan dung. Có nhiều khi những nguyên tắc này sẽ gia tăng xung đột và đặt ra thử thách, nhưng chúng ta không nhất thiết phải lựa chọn nguyên tắc này và bỏ nguyên tắc kia. Và chúng ta không nên làm như thế.

Trên mặt trận đạo đức giả (the hypocricy front), nhiều người nhận xét rằng trong khi Clinton bêu riếu chính quyền Iran về thái độ thù nghịch với Internet, thì chính quyền Barack Obama lại ra tòa đòi hỏi hồ sơ lưu lượng truy cập của mạng xã hội Twitter (Twitter traffic) như một cách trả thù Julian Assange và WikiLeaks.

Bài diễn văn của bà Clinton tiêu biểu cho một nỗ lực khẩn trương nhằm biến một tình hình bất lợi cho Mỹ tại Trung Đông thành một cơ hội tốt đẹp [dùng chanh Trung Đông để làm nước chanh]. Nếu chương trình tự do thông tin được xét một cách nghiêm chỉnh, thì việc ứng dụng nó lần đầu vào tình hình thực tế tại Trung Đông đã sản sinh ra hai trường hợp phản tác dụng (blowback): hạ bệ hai chế độ thân Mỹ tại Tunisia và Ai Cập thay vì những chính phủ độc tài chống Mỹ tại Iran và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mà chương trình này nhắm đến.

Những biến cố tại Tunisia và Ai Cập nêu lên một vấn đề quan trọng, một vấn đề được phân tích cặn kẽ trong một cuốn sách vừa mới xuất bản đúng lúc, đó là cuốn The Net Delusion (Ảo tưởng Internet) của Evgeny Morozov, một nhà nghiên cứu gốc Belarus vốn có thái độ chán nản và hoài nghi đối với Internet. Quan điểm của Morozov là, Internet không có ích lợi phổ quát và cũng không trung lập, nỗ lực tránh kiểm duyệt (censorship circumvention) không phải là một liều thuốc trị bá bệnh, và các chế độ độc tài thường có thể khai thác Internet như một công cụ hữu hiệu để phản bác lại các luận điệu bất đồng chính kiến thay vì chỉ chận đứng dư luận trái chiều.[3]

Một minh họa đáng lưu ý và đáng học hỏi về sự thiển cận đã che mờ tầm nhìn của cả những nhà nghiên cứu có công tâm nhất, đó là thời gian trước khi biến động xảy ra tại Tunisia và Cairo, cả tác giả Morozov lẫn Bộ Ngoại giao Mỹ gần như không biết đến vấn đề gió thổi ngược (the issue of blowback) [tác dụng ngược lại] mà chỉ tập trung vào vai trò của việc cổ vũ tự do Internet và những phản ứng đối với nỗ lực này trong việc dí nó vào mũi của những đối thủ của Hoa Kỳ tại Iran và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bằng thái độ thách thức những kết luận của Morozov, đồng thời dựa vào những lời cảm ơn gửi đến Facebook từ các nhà bất đồng chính kiến đang ca khúc khải hoàn tại Ai Cập và Tunisia, Bộ Ngoại giao Mỹ có thể khoe thắng lợi của chương trình tự do Internet trong việc lật đổ hai chế độ độc tài tại Trung Đông.

Wolf Blitzer của CNN hỏi Wael Ghonim, ông “Gandhi của Google” về cuộc cách mạng Ai Cập: “Thoạt đầu là Tunisia, bây giờ là Ai Cập, nước nào kế tiếp?”

Ghonim trả lời: “Xin hỏi Facebook”.[4]

Mặt khác, sự sụp đổ của chế độ Mubarack đặc biệt phơi bày thái độ dè dặt đáng ngại của các viên chức trong guồng máy đối ngoại Mỹ, bên trong cũng bên ngoài Bộ Ngoại giao. Sự ra đi của Mubarak được coi là bất lợi cho Israel, chí ít đối với chính phủ bảo thủ của Israel, một quốc gia lâu nay đã dựa vào nền hoà bình với Ai Cập để tăng cường những chính sách thô bạo với dân Palestine và các nước Á-rập láng giềng.

Vả lại, Facebook không hiện hữu tại Trung Quốc, một nơi mà nó bị cấm thẳng thừng. Mạng xã hội vĩ đại của Trung Quốc là Renren (Nhân nhân), một trang mạng thân chính quyền và rêu rao có đến 170 triệu người đăng ký sử dụng. [5]

Nếu, Facebook hóa ra chỉ ích lợi cho việc lật đổ các đồng minh của Mỹ, và là một vũ khí vô dụng trong việc chống lại những kẻ thù ngoan cố của Mỹ, thì cũng khá khen cho luận điểm của Morozov, vì giả thuyết cơ bản cho rằng Internet là ích lợi cho tất cả những người có thiện tâm thiện chí có khả năng bị thách thức nghiêm trọng.

Tuy nhiên, có những chỉ dấu cho thấy rằng “quyền tự do kết nối” không được đặc biệt coi trọng – và ý nghĩa tiềm ẩn cũng như hệ quả của nó cũng không được coi trọng ngay trong thời điểm này. Như Morozov lo ngại, những viện dẫn về “tự do kết nối” có vẻ như là một khẩu hiệu nghe để tự sướng (a feel-good slogan) hơn là một chiến lược được điều nghiên cẩn thận.

Xét từ những diễn biến gần đây tại Washington, điều được các giới chức coi là nghiêm trọng chính là nguy cơ bị cắt ngân quĩ và mất quyền lực khi chính sách ngoại giao công khai (public diplomacy) chịu những bước thoái bộ về chính trị và ngân sách. Nghị trình “quyền tự do nối kết” tạo cơ hội cho một cuộc phản công chính trị và quan hệ quần chúng tại Mỹ.

Phe Cộng hòa trong quốc hội rất hoài nghi Bộ Ngoại giao khi bộ này nâng chủ nghĩa thực dụng của mình cao hơn cả khoa thần học giải phóng chính hiệu. Richard Lugar, thượng nghị sĩ Cộng hòa từ bang Indiana, đã đưa ra đề nghị truất bỏ một phần quyền quản lý của Bộ Ngoại giao đối với các hoạt động chống kiểm duyệt Internet và giao những hoạt động này cho Ban quản trị Phát sóng Quốc tế (the Broadcast Board of Governors), [một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ, còn gọi tắt là BBG - dịch giả].

Cơ quan BBG, như nhiều người biết đến, là ủy ban giám sát trông coi các hoạt động của Đài Âu châu Tự do, Đài Á châu Tự do, và một số nỗ lực khác nhằm truyền thông điệp của Hoa Kỳ đến người dân dưới các chế độ độc tài qua làn sóng điện và qua Internet.

Bẽ bàng là, bản thân BBG cũng bị đưa lên tấm thớt cắt xén ngân sách, như một mũi tấn công của cuộc thánh chiến do phe Cộng hòa lãnh đạo nhằm chống lại một chính phủ có quá nhiều quyền lực (big government).

Sự kiện này đã tạo ra một trò hề cổ điển của chính quyền Washington.

Trong khi bà Clinton đang đánh bóng uy tín của Bộ Ngoại giao như là ngọn cờ đầu trong cuộc thánh chiến nhằm cống hiến cho thế giới “quyền tự do nối kết”, thì cũng trong ngày 15 tháng Hai, cơ quan BBG lại triệu tập một màn trình diễn tại Washington nhằm vận động thêm ngân quĩ và nhận thêm trách nhiệm trình làng công nghệ tránh kiểm duyệt (circumvention technology).

Buổi thuyết trình này, vừa mang tính khuyến mãi vừa chuyển tải thông tin, được chủ trì bởi viên chủ tịch của BBG – một nhân vật có tầm cỡ trong ngành truyền thông, từng giữ các chức vụ quản lý cấp cao tại tạp chí Time và đài CNN – đó là Walter Isaacson.[6]

Trong khi rêu rao những thành tựu của công nghệ thông tin và công nghệ tránh kiểm duyệt của BBG, Isaacson đã biện hộ cho tổ chức của mình vì đã tập trung mũi nhọn vào sứ mệnh giúp người sử dụng Internet tránh tường lửa và coi đó là một nỗ lực chuyển tải nội dung thông tin (đồng thời đánh lạc hướng những chỉ trích trên một tờ báo thuộc cánh hữu, tờ Washington Times, vì BBG đã cho ngưng các buổi phát thanh bằng tiếng Quan thoại trên làn sóng ngắn của Đài VOA vốn nhắm vào nông thôn Trung Quốc để dành ưu tiên cho hằng trăm triệu thị dân Trung Quốc đang sử dụng Internet).[7]

Isaacson đã công khai so sánh sự tương phản giữa quyết tâm của BBG với thái độ hàng hai (divided loyalties) của Bộ Ngoại giao (vì lo ngại gây bất bổn cho các đồng minh độc tài của Mỹ) và của các tập đoàn kinh tế Hoa Kỳ (vì không muốn làm thương tổn các hợp đồng thương mãi khắp thế giới với các chế độ độc tài bằng hành động công khai hậu thuẫn nghị trình tự do Internet của Hoa Kỳ).

Lập trường của Isaacson chắc sẽ thu hút phe bảo thủ, những người cho rằng sở dĩ có trở ngại trong việc thay đổi chế độ tại Iran và Trung Quốc là do thái độ hèn nhát của Bộ Ngoại giao, không chịu đưa nguồn lực vào công nghệ thông tin để phục vụ các công cụ chống kiểm duyệt hiện nay (existing circumvention tools) nhằm buộc các đế quốc ma quỉ phải quị gối.

Mark Landler đã cung cấp các chi tiết liên quan khi mô tả bối cảnh [của các mâu thuẫn giữa Bộ Ngoại giao và phe bảo thủ] trong một bài viết trên tờ New York Times:

Các người chỉ trích cho biết chính quyền Obama đã giữ lại 30 triệu đôla do Quốc hội tài trợ, một nố tiền có thể dùng để phát triển công nghệ chống kiểm duyệt (circumvention technology), một phương pháp được chứng minh là có thể cho phép người sử dụng Internet tránh các tường lửa của chính phủ bằng cách chuyển lưu lượng thông tin qua các máy phụ (proxy servers) nằm tại các quốc gia khác.

Một số dịch vụ thuộc dạng này đã nhận được tài trợ khiêm nhường từ chính phủ, nhưng những người hậu thuẫn các dịch vụ này cho rằng họ cần thêm thật nhiều tiền để cài đặt những mạng lưới có khả năng phục vụ hằng triệu người sử dụng Internet tại Trung Quốc, Iran và những quốc gia khác.

Một báo cáo do thiểu số Cộng hoà trong Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, sẽ được công bố vào thứ Ba tới, nói rằng thành tích hoạt động của Bộ Ngoại giao là quá thiếu sót, nên việc tài trợ các nỗ lực tự do Internet – chí ít các nỗ lực nhằm đối phó với Trung Quốc - cần phải được chuyển qua một cơ quan khác, đó là Hội đồng Quản trị Phát tuyến Quốc tế (BBG),[8]

Landler cũng mô tả sự tài trợ của chính phủ Mỹ đối với công cụ chống kiểm duyệt bằng máy phụ ở ngoài Trung Quốc của giáo phái Pháp Luân Công, tức Sáng hội Tự do Internet Toàn cầu (the Global Internet Freedom Foundation), qua trung gian của BBG, với ngân quĩ khoảng 1,5 triệu Mỹ kim.

Một điều dễ hiểu là, Bộ Ngoại giao Mỹ rất ngại tạo thêm rối rắm cho chính sách Trung Quốc của mình bằng cách công khai liên kết với một nhóm có quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản, vì vậy bộ này đã tạo thêm một lý cớ nữa (nếu không phải lý cớ chủ yếu) để phe bảo thủ trong khi vận động bênh vực quyền lợi của Pháp Luân Công đã sách động đòi tướt bỏ hồ sơ chống tường lửa (the Internet circumvention brief) từ tay Bộ Ngoại giao.

Mazorov lên án Pháp Luân Công và các người ủng hộ nhóm này là đã đưa ra một đòi hỏi quá ngây ngô, cường điệu, và phản tác dụng - rằng họ cần thêm nhiều tiền và nhiều máy chủ:

Shiyu Zhou, người sáng lập nhóm chuyên gia công nghệ Pháp Luân Công…, cho rằng “toàn bộ trận chiến trên Internet rốt cuộc cũng chỉ là một trận chiến về nguồn lực” và rằng cứ mỗi đôla chúng ta [Hoa Kỳ] tiêu ra, thì Trung Quốc phải tiêu đến 100 đôla, có lẽ cả hằng trăm”.

Mazorov phản bác đường lối này, một đường lối có lẽ được thúc đẩy bởi lòng hoài niệm có động lực chính trị về thời Chiến tranh lạnh, khi người Mỹ chi tiền vào chương trình lá chắn tên lửa khiến cho Liên Xô phải quị gối vì cạn kiệt nguồn lực. Mazorov lý luận rằng con tinh chống tường lửa (the circumvention genie) đã ra khỏi miệng bình, và các chế độ độc tài đang đầu tư vào các chiến thuật phòng chống (bằng cách theo dõi người sử dụng Internet) và chiến thuật tiến công (bằng đường lối tuyên truyền), những chiến thuật này cần được Hoa Kỳ tìm hiểu và đối phó vì chúng nằm ngoài nỗ lực chặn đứng và thanh lọc thông tin.

Bám vào chủ trương lấy Internet làm trung tâm - một chủ trương tai hại nhằm đặt các chính sách Internet trước cả môi trường [quốc gia] mà chúng được áp dụng - tạo cho người làm chính sách một cảm giác thoải mái giả tạo, một hi vọng sai lầm rằng chỉ bằng cách thiết kế một công nghệ phù hợp mọi kích cỡ [không phân biệt đối tượng], một công nghệ hễ thấy tường lửa là phá, là họ có thể giải quyết được vấn đề nhà nước kiểm soát Internet.

Rebecca MacKinnon, một chuyên gia lão luyện trong lãnh vực nghiên cứu tự do Internet, cũng xuất hiện trong bàn hội luận của Isaacson. Bà bắt đầu đặt vấn đề là hiện có một sự tập trung quá đáng vào việc tài trợ các máy phụ (proxy servers) - những máy này thường làm chức năng chiếc phểu đơn giản cho các phim ảnh khiêu dâm. Theo bà, sự tập trung này đã đi ra ngoài một mục tiêu quan trọng hơn nhiều, đó là tạo một môi trường an toàn cho “cuộc thảo luận [dân chủ]” – bao gồm một cảm thức về tình chí hữu, về sức mạnh đối lập, và hành động hiệp đồng có khả năng biến những nhà bất đồng chính kiến rải rác thành một phong trào quần chúng.

Có lẽ vì cách đặt vấn đề này đã lèo lái chính sách Internet xích gần với “chính sách ngoại giao công khai” của Bộ Ngoại giao, một lãnh vực mà phe bảo thủ dị ứng, Isaacson liền nhảy vào để đưa “cuộc hội luận” trở lại với chủ đề sức mạnh phá tường lửa đáng nễ sợ của BBG.

Quân đội Mỹ cũng giành một phần chủ quyền đối với chiếc bánh tự do Internet, hứa cung cấp kỹ thuật kết nối trong trường hợp Internet bị ngưng hoạt động tại một quốc gia liên hệ, bằng cách cung cấp các nhà bất đồng chính kiến những điện thoại vệ tinh (satellite phones) và gửi máy bay không người lái (drones) có trang bị trạm tiếp vận điện thoại di động bay rầm rì trên đầu họ - và nhiều thứ khác.

Trên nhật ký mạng Wired’s The Danger Room, Spencer Ackerman đã viết dưới tiêu đề “Hoa Kỳ có phương tiện bí mật để áp đặt Internet lên các nhà độc tài”:

Hãy xét đến khả năng lợi hại của chiếc Commando Solo (Chiến sĩ biệt kích đơn độc), một trung tâm phát tuyến không vận của Không quân Hoa Kỳ. Là một máy bay vận tải được thiết kế lại, chiếc Commando Solo phát tuyến các chương trình chiến tranh tâm lý trên tần số AM và FM cho radio và trên tần số UHF và VHF cho TV. [Nhà tiên đoán tương lai quân sự] Arquilla không muốn đi vào chi tiết làm thế nào mà một chiếc máy bay bí mật có thể đưa một mạng lưới Internet bị đình chỉ trở lại hoạt động bình thường, nhưng ông cho biết nếu chiếc máy bay này bay qua một vùng bị từ chối dịch vụ Internet, thì các đường biểu thị cường độ Wi-Fi cho thấy các máy vi tính bỗng nhiên được nối mạng mạnh mẽ.[9]

Người ta có thể tưởng tượng được chính phủ Iran, đừng nói chi đến chính phủ Trung Quốc, sẽ phản ứng như thế nào trước khả năng này.

Nếu Morozov nói đúng, thì chủ trương của Isaacson cương quyết dùng máy phụ ở nước khác để giúp người sử dụng tránh tường lửa tại Trung Quốc gần như là không có hiệu quả, mà trái lại có thể bị những thành phần dân tộc chủ nghĩa bài Mỹ tại Trung Quốc khai thác tuyên truyền, và liên tục bị suy yếu do lập trường hàm hồ của Hoa Kỳ về quyền tự do Internet và do sự thiếu cộng tác của các tập đoàn công nghệ thông tin Mỹ vì họ sợ gây tổn thất cho các mô hình doanh nghiệp của họ tại các thị trường thuộc các quốc gia độc tài.

Khi các chính phủ khắp thế giới lo ngại nhìn vào ý nghĩa tiềm ẩn của sự bùng nổ dân số sử dụng Internet và tham gia mạng xã hội, họ đi đến một quan niệm chính thức rất giống nhau, không phải về tự do Internet nhưng về một xu hướng nghịch lại: đó là kiểm soát Internet.

Chính phủ và các tập đoàn doanh nghiệp Mỹ đang phát triển cùng một loại công cụ dùng để tóm cổ bọn khủng bố giống hệt loại công cụ Trung Quốc và Iran dùng để theo dõi những nhà bất đồng chính kiến: theo dõi người sử dụng, phân tích lưu lượng thông tin và khai thác dữ liệu, với mục đích phối kiểm thông tin để nhận ra căn cước đích thực của các cá nhân liên quan.

Như vậy, sự che chắn chủ yếu cho các nhà bất đồng chính kiến – tính vô danh (anonymity) – đang bị tấn công bởi các chính sách của ngành an ninh mạng Hoa Kỳ và của chính phủ Trung Quốc…cũng như của mạng xã hội Facebook.

Facebook đã thực sự đá Wael Ghonim - người được mệnh danh là “Gandhi của Google” - khỏi Facebook vì ông này điều hành trang mạng của nhóm ông dưới một tên giả.

Có những dấu hiệu về một sự tương đồng trong chính sách Internet tại Hoa Kỳ và tại Trung Quốc.

Những lố bịch của “bè lũ 50 xu [nửa đồng Nguyên]” - tức bọn bồi bút được thuê với giá rẻ mạt để xâm nhập và phá hoại các diễn đàn Internet “lề trái” bằng cách đưa ra những luận điệu thân chính quyền – là điều ai cũng biết.

Tại Hoa Kỳ, các hoạt động tấn công mạng (black-hat) cũng như an ninh mạng (white-hat) đang trở nên một thuộc tính gắn liền với Internet. Có tin phổ biến rộng rãi cho biết một công ty an ninh mạng tại Mỹ, hãng HBGary, đã soạn thảo một bản đề xuất cho ngân hàng Bank of America nhằm chống lại một sự tiết lộ đáng sợ gồm những tài liệu gây bối rối cho ngân hàng này do WikiLeaks đưa ra.

[Luật sư nhân quyền] Glenn Greenwald, người cộng tác với trang mạng Salon.com, một cảm tình viên của WikiLeaks, đang nằm trong tầm nhắm của chiến lược do HBGary đưa ra, đã cho biết kế hoạch đó như sau:

gồm có âm mưu cài đặt các tài liệu giả với nhóm [WikiLeaks] rồi quay ra công kích những tài liệu này khi chúng được công bố; “tạo một mối quan ngại về an ninh của website [WikiLeaks]; mở “những cuộc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng để lấy dữ liệu về các người cung cấp tài liệu cho WikiLeaks”; và mở “một chiến dịch trên các phương tiện truyền thông để đẩy các hoạt động của WikiLeaks đến chỗ cực đoan và liều lĩnh”. Nhiều trong số những đề xuất ấy cũng là những gọng kềm được trình bày trong một kế hoạch bí mật năm 2008 của Lầu Năm góc nhằm triệt hạ nhóm WikiLeaks.[10]

WikiLeaks bị giới bình luận an ninh quốc gia coi như là một mối đe dọa cần được xử lý. Nhưng, kỳ lạ hơn nữa, một số email lấy được của HBGary tiết lộ rằng hãng này cũng đề nghị cung cấp dịch vụ cho Phòng Thương mại Mỹ (dưới ban quản lý hiện nay là một công cụ giàu ngân sách và có quyết tâm chống Obama) với mục đích sử dụng thông tin ngụy tạo và các hồ sơ giả trên mạng xã hội để tạo sức ép lên các tổ chức vô vị lợi được công đoàn hậu thuẫn, tức những tổ chức đang chống lại Phòng Thương mại Mỹ.

ThinkProgess, một tổ chức vô vị lợi cánh tả và nằm trong tầm nhắm của Phòng Thương mại Mỹ, đã đọc những emails và thấy được ý đồ của HBGary:

Theo một văn kiện được Toán Themis [của HBGary] soạn thảo, chiến dịch này gồm có một kế hoạch giăng bẫy. Bản đề xuất của HBGary yêu cầu trước hết là phải tạo ra một “tài liệu giả, có lẽ nêu bật những thông tin tài chính định kỳ,” rồi cung cấp tài liệu này cho một nhóm tiến bộ đang chống Phòng Thương mại, và sau cùng vạch trần tài liệu này là giả nhằm phá hoại uy tín của những tổ chức chống Phòng Thương mại. Ngoài ra, toán này còn đề nghị ngụy tạo một “người trong cuộc” để “tạo ra thư từ liên lạc” với Change to Win, [một liên minh các công đoàn, ND], trong một âm mưu đánh lạc hướng và phá hoại các công đoàn này. Đáng lo ngại hơn nữa, các email còn tiết lộ rằng HBGary, công ty đề xuất công tác với Phòng Thương mại, rõ ràng đã coi vợ con của các đối thủ là đối tượng trừng phạt, như một viên chức quản lý của hãng đã lưu hành nhiều email và văn bản đưa ra những thông tin chi tiết về vợ con và sinh hoạt riêng tư của các đối thủ chính trị, chẳng hạn như nơi họ tham dự các nghi lễ tôn giáo.

Các thành viên trong Toán Themis còn khoe khoang với nhau về việc khai thác những yếu kém của các mạng xã hội như LinkedIn và Facebook – một hành động có khả năng vi phạm các điều lệ trong chính sách dành cho người sử dụng – để thu thập tin tức của các đối tượng nằm trong tầm nhắm của họ.[11]

Lệ phí mà HBGary đòi hỏi cho công tác này: 2 triệu đôla.

Nếu so sánh giá cả, thì dịch vụ của bè lũ 50-xu của Trung Quốc có vẻ quá rẻ.

Về vấn đề Ai Cập, các đại công ty Internet và mạng xã hội Mỹ có thái độ gần giống như Trung Quốc là họ rất ngại nhắc đến những hò reo cách mạng.

Facebook, mặc dù mô hình doanh nghiệp của nó có mục đích kết nối mọi người, rõ ràng không muốn sự phát triển của mình bị bóp nghẹt tại các nước độc tài chỉ vì gắn liền nhãn hiệu của mình với các nỗ lực thay đổi chế độ. Facebook đã không tỏ ra hồ hởi với các cuộc cách mạng tại Tunisia và Ai Cập – mặc dù thành phần cốt lỏi của cả hai cuộc cách mạng là những nhóm sử dụng Facebook.

Vào ngày 14 tháng Hai, Jennifer Preston đã viết trên New York Times như sau:

Với việc Facebook đóng một vai trò sáng chói trong các cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền tại Tunisia và Ai Cập, bạn có thể nghĩ rằng những người lãnh đạo công ty sẽ dùng những giây phút lịch sử này để làm rạng danh vai trò đã tạo ra một diễn đàn thúc đẩy sự chuyển hóa dân chủ. Thay vì như vậy, họ lại không muốn nói đến chuyện đó…Facebook không muốn bị coi như đã thiên vị vì sợ rằng một số quốc gia – như Syria chẳng hạn, nơi Facebook vừa mới chân ước chân ráo giành một chỗ đứng -- sẽ áp đặt những hạn chế về việc sử dụng dịch vụ của công ty này hoặc theo dõi người sử dụng nghiêm ngặt hơn, theo nguồn tin của một vài viên chức quản lý đã tiết lộ với điều kiện danh tính được giữ kín vì họ đã bàn đến công việc nội bộ của công ty.[12]

Giới quan sát viên Hollywood có thể đang nghĩ ngợi về sự thể, mặc dù phim The Social Network (Mạng xã hội) chịu số phận hẩm hiu trong cuộc chạy đua giải Oscar, nhưng phim trường của nó, Columbia Pictures, cũng không chịu tung ra một chiến dịch quảng cáo gắn liền Facebook (và cuốn phim nói về nó) với những biến cố sôi nổi tại Tunisia và Ai Cập. [Phim The Social Network nằm dưới dạng tuồng tích bán tiểu sử (semi-biographical drama) mô tả sự hình thành mạng xã hội Facebook, ND]

Google cũng đi theo con đường khá lặng lẽ [đối với những biến động tại Trung Đông], mặc dù trước đây công ty này có vụ tranh chấp nổi tiếng với Trung Quốc và đang đóng vai trò đầu não trong lãnh vực Internet cho chính quyền Obama (phó giám đốc công nghệ thông tin trong chính quyền Obama là cựu giám đốc chính sách công cộng toàn cầu của Google). Thay vì ca ngợi Wael Ghonim, Google chỉ tuyên bố rằng, nếu anh ta tham gia lật đổ chính phủ, anh ta đã làm việc đó trong thì giờ riêng của mình, như chính Ghonim đã trả lời với Katy Couric:

Trên hồ sơ, Google không bàn luận về Ghonim hay vấn đề nhân viên của mình tham gia tranh đấu. Về phần mình, Ghonim đã trả lời Katie Couric của hãng tin CBS trong cuộc phỏng vấn hôm Thứ Sáu rằng việc tha anh tham dự vào các cuộc biểu tình không liên hệ gì với công ty anh đang phục vụ.

“Họ không hề hay biết gì về việc này và thật ra khi tôi xin nghỉ phép và đi Cairo, họ không biết là tôi đi tham dự biểu tình”, Ghonim nói. “Nhưng khi mọi chuyện trở thành công khai, tôi đã nói chuyện với công ty và họ đề nghị tôi nên xin nghỉ không lương và chính bản thân tôi cũng có gợi ý này với họ và tôi cho đó là một quyết định tốt cho tình huống. Google không hề liên can vào vụ này.”

Khi được hỏi liệu anh có định trở lại với sở làm không, Ghonim nói rằng anh rất hân hạnh được trở về với Google “nếu tôi không bị đuổi việc”[13]

Những diễn biến tại Ai Cập – toàn bối cảnh “của một giới trẻ hăng say đứng lên kêu đòi tự do trong một quảng trường to lớn” – đã gây nhiều bồn chồn lo lắng cho chính phủ Trung Quốc.

Thay vì nói đến cách mạng và dân chủ, báo chí của nhà nước Trung Quốc chỉ nhấn mạnh những nguy cơ về hỗn loạn và bất ổn do các cuộc biểu tình gây ra.

Nhưng, Ai Cập trước hết là cơn nhức đầu của Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Israel Benjamin Netayahu.

Trong nội bộ của Trung Quốc, hẵn nhiên có nhiều người đang còn tranh luận rằng chính phủ Mubarak đã quá nhượng bộ trước những đòi hỏi dân chủ của chính quyền Obama.

Một hành động mà chính Thủ tướng Ai Cập Shafiq cũng thú nhận không phải là một việc làm hoàn hảo, đó là việc ông đã nhượng bộ trước sự dàn xếp trung gian của một trong những người giàu có nhất của Ai Cập và cả thế giới, Naguib Sawiris, một đại gia trong ngành viễn thông tại Davos, khi ông trả tự do cho Wael Ghonim, một nhân viên của Google đang bị chính phủ giam giữ. Liền sau đó Ghonim đã trả lời một cuộc phỏng vấn sôi nổi trên Đài Dream TV, tạo ra một luồng điện làm phấn kích đám biểu tình đang xuống tinh thần tại Quảng trường Giải Phóng (Tahrir Square). Hai ngày sau, Mubarak cuốn gói ra đi.

Người ta cũng có thể cho rằng việc trả tự do riêng lẻ cho chỉ một cá nhân bất đồng chính kiến– mà người đó cũng không hề kinh qua những tra tấn dã man dành cho những nhà bất đồng chính kiến thiếu may mắn hơn trong lúc bị giam giữ--là do việc chính phủ Hoa Kỳ và công ty Google đã kín đáo bày tỏ nguyện vọng của mình với chính phủ Ai Cập vừa trực tiếp vừa thông qua trung gian của đại gia Sawiris.

Quân đội Ai Cập cũng chịu nhượng bộ trước tình hình vì phải lệ thuộc vào viện trợ quân sự Mỹ và vì những nỗ lực tranh thủ nhân tâm liên tục của Hoa Kỳ nhằm phân hoá lòng trung thành của quân đội trong những cuộc trao đổi quân sự cấp cao (đang diễn ra tại Hoa Kỳ trong khi tình hình Cairo bùng nổ). Rốt cuộc, quân đội Ai Cập không chịu tuân lệnh của Hosni Mubarak, mà lại chọn con đường làm vừa lòng Hoa Kỳ -- và dẫn đến một hội đồng quân nhân đang chấp chánh tại Ai Cập.

Ở một mức độ nào đó, Trung Quốc có thể nhìn vào hậu quả của nghị trình tự do Internet mà Hoa Kỳ đưa ra với lòng tự mãn vì, theo cách nói của người Trung Hoa, đây là trường hợp một “kẻ thù nhặt hòn đá để ném người khác nhưng hòn đá đã rơi trúng chân mình”.

Đối với Trung Quốc, thuốc thử chiến lược tự do Internet của Hoa Kỳ -- hay thiếu tự do đó -- sẽ là tình hình Iran.

Nếu Iran có thể tránh được sự lây lan của phong trào chống đối và kềm hãm được sự bất mãn đang diễn ra đều khắp của dân chúng, một sự bất mãn đã hình thành chung quanh các lãnh tụ đối lập chính trị trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh chắc sẽ rút ra kết luận là chính chủ nghĩa độc tài thân Mỹ của chính phủ Mubarak, chứ không phải tự thân chủ nghĩa độc tài, đã kết thúc chế độ đó.

Trái lại, nếu chính quyền Iran gặp khó khăn nghiêm trọng, thì Trung Quốc chắc chắn phải lấy làm lo lắng khi nhìn thấy những điểm tương đồng của mình với Ai Cập: sự căm thù âm ỉ của người dân đối với tình trạng bất công kinh tế và nạn tham nhũng; một quân đội không tham chiến, ở trong doanh trại qua nhiều thập kỷ nhưng vẫn được chuẩn bị vai trò bảo vệ nhân dân; và một giới doanh nghiệp biết làm giầu nhờ chế độ nhưng lòng trung thành của họ đối với chế độ ấy cũng có giới hạn – khiến họ phải tự vấn về khả năng một sự căm phẫn tập thể, được nối kết trên mạng vì một vụ việc nào đó, có thể châm ngòi cho một cuộc bùng nổ kéo dài chỉ 18 ngày nhưng đủ sức triệt hạ một chế độ đã tồn tại trên 60 năm.

Với cảnh giác cao, chính phủ Trung Quốc có thể theo đuổi một đường lối quản lý Internet tế nhị hơn trước. Đó là điều có thể quan niệm được. Trung Quốc có đủ lý thuyết, phương tiện, và tiền bạc để thực hiện điều này.

Khả năng này có thể dẫn đến một tình trạng khá kỳ thú nếu Trung Quốc dứt khoát kết luận rằng những thiệt hại xã hội, ngoại giao và tài chính cũng như những rủi ro chính trị do việc duy trì bức Đại tường thành lửa (the Great Firewall) trong dạng thức khắc nghiệt hiện nay là không thể chấp nhận, và đi đến quyết định kiểm soát sự bất đồng chính kiến bằng cách kết hợp những công cụ trực tiếp và gián tiếp như đang được sử dụng tại phương Tây.

Nhưng, Hoa Kỳ đã đi một bước khiêu khích bằng cách định nghĩa tính nối kết Internet là một “quyền tự do”, điều mà Trung Quốc coi chỉ là một hành vi tự lợi (self-serving) và đạo đức giả nhằm biến lợi ích của Hoa Kỳ -- và sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc – thành một giá trị phổ quát mà Trung Quốc có bổn phận phải chấp nhận.

Dường như sự lên tay múa ngón (finger wagging) và thái độ hiếu chiến hiện nay sẽ trở thành cơm bữa trong lời qua tiếng lại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về chính sách Internet.

Trong tình trạng hỗn mang do các lợi ích kình chống, mâu thuẫn, và bổ túc nhau đang cùng lúc diễn ra, có lẽ thái độ đó không phải là một điều tốt lành.

Mozorov kết luận:

Trung Quốc và Iran…muốn kiểm soát Internet chặt chẽ, không những chỉ vì họ sợ rằng người dân của mình có thể tìm hiểu thực trạng đất nước, mà còn vì họ tin rằng Internet là một khí cụ sở trường của Hoa Kỳ trong việc gây ra những cuộc nổi loạn chống chính phủ…

…chính ý niệm tự do Internet, cũng như cuộc chiến chống khủng bố trước đó, sẽ dẫn đến vũng lầy tri thức trong đầu óc những người chủ xướng và sự đa nghi quá đáng trong đầu óc của phía thù nghịch. Đây không phải là một sự thay đổi mà chính sách đối ngoại Mỹ cần đến…

Thay vì chỉ tự do hóa mạng lưới Internet của mình và quản lý nó kỹ càng hơn qua các phương tiện gián tiếp, rất có thể Trung Quốc ít ra cũng tập trung vào các biện pháp phòng chống (counter-measures) tương đương: tăng cường nỗ lực theo dõi những nhà bất đồng chính kiến đang sử dụng Internet, tập trung quá đáng vào việc phát triển công cụ phần mềm cho mạng lưới Internet trong nước, dùng những biện pháp thô bạo hơn để kiểm soát và thay đổi phẩm chất của dòng thông tin đi qua mạng lưới Internet Trung Quốc, nghiên cứu các biện pháp chiến tranh mạng phi qui ước để sẵn sàng trả đũa… đồng thời ve vãn các chế độ độc tài hiện coi Hoa Kỳ là một nước bạn cực kỳ cao thượng nhưng đầu óc ngây ngô trong việc cổ vũ “tự do nối mạng”.

Peter Lee chuyên viết trên Asia Times về các vấn đề Đông và Nam Á có liên quan đến chính sách đối ngoại Mỹ.

Ghi chú:

1. Clinton: Sự đàn áp Internet đã "gieo mầm cách mạng", Politico, Feb 15, 2011.
2. Tuyên bố phổ quát về quyền con người, LHQ
3. Ảo tưởng Internet: Mặt đen tối của Tự do Internet, Amazon.com
4. Mạng xã hội đóng một vai trò tại Ai Cập mà một số người từng chờ đợi tại Iran Yahoo!, Feb 11, 2011.
5. Các đối thủ cho rằng Facebook khó có đất đứng tại Trung Quốc Yahoo!, Feb 13, 2011.

6. Webcast: Cuộc cách mạng thông tin mới và sự dấn thân của Hoa Kỳ trên toàn cầu BBG, Feb 9, 2011.
7. Các buổi phát thanh của đài VOA vào Trung Quốc đã gián đoạn, trong khi Bắc Kinh vẫn gia tăng mặt trận tuyên truyền, Washington Times, Feb 15, 2011.
9. Mỹ có công cụ bí mật để áp đặt Internet lên các nhà độc tài, Wired, Feb 7, 2011.
10. Chiến dịch rò rĩ nhằm tấn công WikiLeaks và các cảm tình viên, Salon.com, Feb 11, 2011.
11. Tai tiếng về rò rỉ của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Cherry Creek News, Feb 14, 2011.
12. Các viên chức Facebook im hơi lặng tiếng về vai trò của trang mạng xã hội trong các cuộc nổi dậy, New York Times, Feb 14, 2011.
13. Wael Ghonim: Một trường hợp duy nhất đối với Thung lũng Silicon?, CBS News, Feb 11, 2011.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn