Việt Nam có thể có động đất, sóng thần lớn

Thanh Tuyền

clip_image001

Theo chu kỳ, Việt Nam có thể sẽ hứng chịu nhiều động đất, dư chấn và sóng thần lớn trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ (AP)

 

SGTT.VN - Vỏ trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn. Tại Hà Nội, đới đứt gãy sông Hồng dịch chuyển khoảng 2mm/năm, về lâu dài các đứt gãy tích lũy năng lượng thì khi xảy ra động đất sẽ rất lớn.

Theo chu kỳ, Việt Nam có thể sẽ hứng chịu nhiều động đất, dư chấn và sóng thần lớn trong thời gian tới. TS Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu – Viện KHCN Việt Nam) cho biết ngày 25.3.

Dư chấn tại Hà Nội: chưa có thiệt hại nào

Khoảng 9h tối ngày 24.3, tại Hà Nội một trận dư chấn cấp 5 đã xảy ra, tuy nhiên theo Viện Vật lý Địa cầu, đến thời điểm này chưa ghi nhận thiệt hại nào từ dư chấn trận động đất này. TS Minh cho biết, trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại những hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như: đứt gãy Lai Châu - Điện Biên, đứt gãy sông Mã, đứt gãy Sơn La, đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Cả… do vậy động đất cũng thường xuyên xảy ra.

Theo số liệu thống kê cho thấy, cứ 20 - 30 năm lại xuất hiện động đất trên 6 độ Richter. Cụ thể, năm 1923 động đất mạnh 6,1 độ Richter ở ngoài khơi Vũng Tàu - Phan Thiết, năm 1935 động đất mạnh 6,5 độ Richter ở đới đứt gãy sông Mã và năm 1983 động đất mạnh 6,8 độ Richter ở Tuần Giáo, Điện Biên. Như vậy, không loại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện động đất mạnh.

Viện Vật lý Địa cầu cũng đã có những khuyến cáo về việc kiểm tra các công trình xây dựng. Hiện nay tại Hà Nội và TP HCM, mới chỉ có một số công trình lớn có đầu tư nước ngoài yêu cầu Viện nghiên cứu kháng chấn tại khu vực xây dựng. Còn lại hầu hết các chủ đầu tư đều tránh vấn đề này bởi nếu làm đúng theo dự báo kháng chấn thì đầu tư sẽ tốn kém.

Trạm địa chấn chưa đồng bộ

Vẫn theo TS Lê Huy Minh, trên thế giới cứ khoảng 40 - 50 năm, động đất cực mạnh lại xảy ra. Cụ thể, động đất mạnh 9 độ Richter xảy ra ở Nga vào năm 1952, một trận động đất mạnh 9,5 độ Richter xảy ra vào năm 1960 ở Chile và tại Nga cũng ghi nhận một trận động đất mạnh 9,6 độ Richter năm 1964. Đầu thế kỷ XXI, động đất mạnh hơn 9 độ Richter và sóng thần đã xảy ra ở Sumatra (Indonesia) năm 2004, và động đất và sóng thần cực mạnh đã xảy ra ở Nhật Bản ngày 11.3 vừa qua. Vì thế, không loại trừ lại xảy ra những trận động đất lớn trên thế giới trong thời gian tới.

clip_image002

Nguy cơ sóng thần cao 10 m tràn vào bờ biển Việt Nam là hiện hữu nếu xảy ra động đất mạnh 9,2 độ Richter ở rãnh nước sâu Manila. Ảnh: sóng thần tràn vào thành phố Miyako (Nhật) ngày 11.3.2011 (Reuters)

Bên cạnh những lo lắng về tình hình địa chấn thế giới, TS. Minh cho biết, hiện các trạm địa chấn tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, kinh phí duy trì hoạt động còn hạn chế. Hiện ông đã có báo cáo với Viện Vật lý Địa cầu về mạng lưới trạm động đất tại Việt Nam. Đây là các trạm đo xa lắp đặt từ 1994 hợp tác với Pháp, hoạt động kém; các trạm độc lập chủ yếu lắp đặt các thiết bị của Đài Loan.

Cũng trong ngày 25.3, ông cũng đã trình đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần VN 2009 - 2013”. Trong đó, sẽ có 30 trạm phân bố khắp cả nước và 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục. Đề án này nhằm xây dựng hệ thống trạm địa chấn quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm xử lý số liệu có khả năng ghi nhận đầy đủ và nhanh chóng xác định các thông số của các trận động đất trên 3,5 độ Richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Đông gần bờ, các trận động đất trên 6,5 độ Richter trên toàn vùng biển Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện con người vẫn chưa thể dự báo chính xác các trận động đất sẽ diễn ra khi nào.

Nguy cơ sóng thần 10 m hiện hữu

clip_image004

clip_image006

Sơ đồ sóng thần của Viện Vật lý Địa cầu

Theo các kết quả nghiên cứu thực hiện tại Viện Vật lý Địa cầu, các vùng nguồn động đất ở khu vực Biển Đông và lân cận có thể gây nên sóng thần ảnh hưởng tới vùng bờ biển Việt Nam như: Riukiu – Đài Loan; đới hút chìm Manila; Biển Sulu; Biển Celebes; vùng Biển Ban Đa; bắc Biển Đông; Palawan và tây Biển Đông.

Theo các kịch bản của Bộ Tài nguyên - Môi trường, nếu một trận động đất cường độ 8,3 độ Richter xảy ra ở khu vực rãnh nước sâu Manila thì có thể tạo nên sóng thần cao 6,2 mét ở Quảng Ngãi và 2,1 mét ở Nha Trang. Động đất có cường độ 9,2 độ Richter ở cùng khu vực có thể tạo ra sóng thần cao 10,6 mét ở Quảng Ngãi và 5 mét ở Nha Trang và thời gian sóng thần đi từ vùng rãnh nước sâu Manila tới vùng bờ biển Việt Nam sau khoảng 2 giờ đồng hồ. Về mặt khoa học, các trận động đất có cường độ lớn hơn 6,5 độ Richter ở các vùng biển có khả năng gây ra sóng thần.

Động đất ở Nhật Bản có thể đã kích thích các trận động đất khác

GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho hay, trận động đất ngày 24.3 (ở biên giới Lào, Thái Lan, Myanmar) được hình thành dưới tác động của mảng Ấn Độ xô vào mảng Âu - Á. Trong khi đó, động đất ngày 11.3 ở Nhật Bản nằm ở đới hút chìm do mảng Thái Bình Dương xô vào mảng Bắc Mỹ. Hai trận động đất xảy ra ở hai đới đứt gãy khác nhau nên động đất ở Nhật Bản không tác động vào trận động đất ngày 24.3. Tuy nhiên, trận động đất ở Nhật Bản ngày 11.3 đã làm dịch chuyển cả trục Trái Đất, làm thay đổi trạng thái trong lòng đất, vì thế ít nhiều nó sẽ tác động gián tiếp đến những trận động đất khác khiến chúng xảy ra nhanh hơn.

T.T

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn