Dân Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đấu tranh chống khai thác titan

Miền Cát Trắng

Bình Định đang là điểm nóng về khai thác titan vô tội vạ. Trên tổng diện tích khoảng 1.400 hecta có 20 doanh nghiệp đang khai thác titan (xem loạt bài “Đi công trường” khai thác titan ở Bình Định dưới đây). Công nghệ khai thác rất đơn giản, chỉ lấy quặng thô để xuất khấu, chủ yếu qua Trung Quốc. Điều đáng lưu ý là các doanh nghiệp trên có giấy phép đàng hoàng, của tỉnh Bình Định hay của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong nền hành chính nặng về xin – cho này, dẫu không nói ra nhưng mọi người đều hiểu đằng sau mỗi giấy phép là những ai được hưởng lợi. Rừng phòng hộ bị đốn hạ, môi trường bị ô nhiễm, bị hủy hoại, mặc!

Ngày 31-3, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố quyết định thanh tra toàn diện hoạt động khai thác titan trên địa bàn tỉnh. Nhưng mới cách đây vài ngày, liên quan đến chuyện khai thác titan, đã xảy ra vụ người dân xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bắt giam 17 cán bộ trong hai ngày một đêm.

Trong một chừng mực nào đó, việc khai thác titan ở Bình Định khiến ta nghĩ đến chuyện bauxite Tây Nguyên. Cũng khai thác thô, cũng bất chấp tác hại về môi trường, cũng có yếu tố Trung Quốc, cũng… Nếu không xử lý đúng đắn, rất có thể việc khai thác bauxite Tây Nguyên có thể gây ra những xung đột kiểu Mỹ Thắng với quy mô lớn hơn.

Bauxite Việt Nam

Dọc ven biển duyên hải miền Trung có nhiều bãi cát trắng trải dài và một bãi cát rộng nhất đó thuộc địa phận xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Thế nhưng, những ngày qua 20 - 21 tháng 4, 2011, miền cát trắng đó không yên bình, bởi một đoàn khai thác titan do huyện Phù Mỹ hỗ trợ, đến vùng biển này khai thác. Dân ở đó không đồng ý, họ đấu tranh quyết liệt, và những kết quả ban đầu thật khích lệ. Một cán bộ xã đã đánh một thanh niên ở thôn 9, Mỹ Thắng trọng thương, và một cuộc đấu tranh của người dân bao gồm phụ nữ, đàn ông, người già, người trẻ thật sự bắt đầu (phần lớn là phụ nữ).

Sau khi đánh trọng thương người thanh niên đó, đoàn cán bộ gồm: 3 công an huyện, 2 bộ đội biên phòng, 12 cán bộ xã đã áp giải người thanh niên đó vào trụ sở thôn 11, xã Mỹ Thắng họp và lập biên bản. Thật bất ngờ, với một số đông dân chúng từ thôn 9 tiến vào trụ sở thôn 11, họ chuẩn bị ổ khóa, và nhốt 17 cán bộ (bao gồm công an huyện, công an xã, bộ đội biên phòng và cán bộ xã) trong vòng 2 ngày một đêm và chờ cán bộ cấp cao xuống thương lượng, giải quyết vụ việc.

Trong thời gian nhốt những cán bộ đó trong trụ sở thôn, người dân vẫn cho phép tiếp tế lương thực gồm bánh mì, nước cho các vị đó nhưng tiểu tiện tại chỗ chứ không được ra ngoài. Ủy ban nhân dân huyện Phù Mỹ đã được thông báo vụ việc, điều động công an xuống, nhưng những cán bộ kia vẫn chưa được thả. Và cán bộ huyện Phù Mỹ thừa biết rằng dân xã Mỹ Thắng có truyền thống đấu tranh trong kháng chiến chống Mỹ (danh hiệu anh hùng) nhưng cũng đấu tranh quyết liệt với quan tham, sách nhiễu dân lành, họ từng lật xe của Chủ tịch huyện Phù Mỹ và cho xuống đầm (BCC từng đưa tin vệ sự kiện này).

Và huyện biết rằng không thể giải quyết vụ việc nên họ nhờ đến tỉnh Bình Định. Cán bộ tỉnh bắt đầu xuất hiện (đích thân phó Chủ tịch tỉnh) và cảnh sát 113 xuất hiện hàng loạt ở hiện trường thôn 11, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, và cuộc thương lượng để thả 17 cán bộ đang bị dân nhốt bắt đầu diễn ra. Trước khi thả những cán bộ đó, người dân yêu cầu:

1. Gỉai thích cho họ rõ tại sao đánh người thanh niên kia, xác định thủ phạm đánh chính, xử lý người đánh đó, bồi thường thiệt hại, đưa đi bệnh viện, và xin lỗi trước dân.

2. Ký giấy xác nhận chấm dứt khai thác titan trên địa phận xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Những yêu cầu đó nhanh chóng được đáp ứng và 17 cán bộ đó được thả. Cán bộ giải thích rằng họ đang làm nguồn nước sạch cho dân, nhưng tại sao việc làm đó lại lén lút, diễn ra ban đêm.  Người dân thừa biết đây là dự án khai thác titan, nhưng họ lừa bịp người dân dưới chiêu bài dự án nước sạch. Dân nói họ không cần nguồn nước đó và nước uống của họ đang sạch, đừng làm ô nhiễm. Một chi tiết thú vị là ông Phó Chủ tịch tỉnh Hồ Nghĩa Dũng (trùng tên với ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải) lên phát biểu, thuyết phục nhưng người dân không tin nữa, không một tràng vỗ tay, nhưng người dân lại dành một tràng vỗ tay vang lên sau bài phát biểu của một chị bán cá ở làng chài thôn 9.  Dân Mỹ Thắng đang hân hoan, miền cát trắng trở lại yên bình, nhưng chưa biết chắc sau này sẽ ra sao, công ty khai thác đó có còn quay lại nữa không, đó là một câu hỏi lớn.  Một bài học rút ra từ sự kiện này là sự đấu tranh quyết liệt, đoàn kết của người dân từ dưới cơ sở mới có thể làm thối lui tham nhũng, cửa quyền, khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên quốc gia.

M. C. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

“Đi công trưng” khai thác titan Bình Đnh

Bài 1: Cấp phép thoải mái!

Trên 1.000 ha đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác titan.

Khu vực ven biển tỉnh Bình Định đang bị tận thu khai thác titan - loại khoáng sản được xem như vàng đen. Đời sống người dân ngày càng bị đảo lộn vì kiểu khai thác hủy hoại môi trường, còn nhà nước cũng bị thất thoát tài nguyên.

Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cho biết tổng diện tích do Bộ TN&MT cấp phép cho các doanh nghiệp được khai thác tại hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát lên đến 945 ha; tổng diện tích do UBND tỉnh Bình Định cấp phép hơn 360 ha. Việc khai thác titan ở Bình Định diễn ra ở hầu hết các xã ven biển của hai huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội.

Xới tung bờ biển

Một cán bộ Phòng TN&MT huyện Phù Mỹ cho biết chỉ riêng địa phương này hiện có hơn 20 dự án khai thác, thăm dò titan. Thậm chí vị cán bộ này dù đã lục lọi nhiều sổ sách cũng không biết hết, nhớ hết tên các doanh nghiệp đang khai thác titan trên địa bàn mình!

Chỉ riêng tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ - một trong những địa phương có trữ lượng titan lớn nhất Bình Định, hiện có hơn 10 doanh nghiệp đang đua nhau xới tung bờ biển với vài chục giàn hút titan. Chỉ riêng thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành đang có đến bảy doanh nghiệp đào xới lòng đất để lấy titan. Các thôn Vĩnh Lợi, Hưng Lạc, Hòa Hội của xã Mỹ Thành cũng diễn ra cảnh tương tự.

Giàn hút titan ở thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Khắp các xã ven biển Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát)... đâu đâu cũng nghe ầm ầm tiếng vít khoan titan chạy hết công suất. Nhiều nơi hàng chục dãy vít khoan titan chưa lắp đặt nằm ngổn ngang. Cùng với đó là những núi cát khổng lồ đang ngày càng phình to.

Làm du lịch kèm tận thu titan

Không chỉ Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Định cấp 28 giấy phép khai thác, thăm dò, tận thu titan. Tại Khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), hoạt động khai thác titan hết sức rầm rộ. Từ khi UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp được khai thác tận thu titan trước khi san lấp mặt bằng triển khai các dự án đầu tư, các doanh nghiệp hối hả đua nhau lắp đặt các giàn khoan hút titan. Tại khu A rộng 630 ha được giao cho Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Nhơn Hội, một số dự án khu kinh tế hầu như chỉ tập trung khai thác loại khoáng sản này.

Việc khai thác titan khá đơn giản: bốc hết lớp cát vàng là đến lớp cát đen - dấu hiệu của mỏ titan, xong lắp vít khoan, cứ thế titan trồi lên theo các rãnh xoáy, dồn thành từng đống khổng lồ nằm ngổn ngang trên đường. Ngay bãi biển Trung Lương (thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) được xem là bãi biển đẹp nhất Bình Định cũng đang bị đào xới. Đầu năm 2008, Công ty TNHH Mỹ Tài là doanh nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh giao 30 ha đất tại bãi biển Trung Lương để xây dựng khu du lịch với vốn đăng ký đầu tư 5 triệu USD. Thế nhưng theo phản ánh của người dân địa phương, từ đó đến nay, doanh nghiệp này chỉ tập trung tìm titan. Ông Cao Văn Tấn, người thôn Trung Lương, bức xúc: “Trong khi khu du lịch vẫn còn nằm trên giấy thì cả bãi biển trước đây đẹp như tranh giờ bị băm nát, ngổn ngang”.

Khi lập dự án, các doanh nghiệp đều không đăng ký khai thác titan nhưng sau khi được giao đất, họ báo cáo có trữ lượng titan dưới mặt bằng được giao nên xin khai thác tận thu. Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Bình Định, cũng thừa nhận: “Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc lập dự án phát triển du lịch hay các lĩnh vực khác để đăng ký bổ sung ngành nghề nhằm khai thác titan”. Tuy nhiên, ông Vinh cho rằng đây là việc làm bình thường nhằm tận thu nguồn khoáng sản, không để thất thoát tài nguyên trước khi triển khai các dự án.

Theo kết quả thăm dò, khảo sát của các liên đoàn địa chất, Bình Định có trữ lượng titan hơn 10 triệu tấn, tập trung tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp khai thác ở Bình Định 400.000 tấn quặng tinh, 400 tấn quặng thô. Đây chỉ mới là con số kê khai của các doanh nghiệp.

Cấp phép lố?

Bộ TN&MT đã cấp 14 giấy phép, trong đó có năm giấy phép khai thác, chín giấy phép thăm dò. Trong khi đó, theo Quyết định 104 ngày 13-7-2007 của Thủ tướng, Bộ TN&MT chỉ cấp năm giấy phép khai thác, thăm dò. Bộ TN&MT nên xem xét lại việc cấp giấy phép mới, đảm bảo quy hoạch khai thác, chế biến titan của tỉnh Bình Định.

Ông NGUYỄN KIM PHƯƠNG, Giám đốc Sở Công thương

tỉnh Bình Định

Tỉnh Bình Định chỉ cấp phép các điểm ngoài khu vực mỏ mà Bộ TN&MT đã cấp phép và các điểm tận thu. Gần đây số giấy phép và sản lượng titan khai thác vượt quy hoạch là do các dự án tận thu quá mức tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Những điểm khai thác dưới 10 ha do tỉnh cấp phép sẽ chấm dứt khai thác vào năm 2011. Sắp tới, tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại các điểm khai thác ngoài khu vực mỏ, các điểm tận thu.

Một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định

TẤN LỘC

Nguồn: Phapluattp.vn

Bài 2: Bờ biển mất rừng, nước ngọt cạn kiệt

Mỗi giấy phép khai thác titan có thể triệt hạ vài hecta rừng.

Những cánh rừng dương phòng hộ dày đặc ven biển được trồng từ những năm đầu những năm 1980 nay đang bị các dự án khai thác titan triệt phá không thương tiếc.

Bức tử rừng ven biển

Ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, những cánh rừng dương ven biển dần dần bị đốn hạ. Bãi biển ở Mỹ Thành giờ trống trơn, chỉ còn những hố hầm có chu vi hàng trăm mét, sâu đến 20-30 m, chứa những bè hút cát, giàn lọc titan. Ông Lê Văn Thanh (thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành) bức xúc: “Thôn Vĩnh Lợi như một bán đảo mà giờ không còn rừng phòng hộ. Họ ồ ạt đặt máy hút cát rất sâu khiến bờ biển như bị rỗng ruột. Nay mai nước biển xâm thực sâu vào, chúng tôi biết ở đâu?”.

Hàng loạt cánh rừng phòng hộ, rừng sản xuất ven biển tại các xã Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (huyện Phù Mỹ), Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (huyện Phù Cát) đã và đang bị khai tử. Ông Trần Văn Thông ở xã Cát Hải, huyện Phù Cát nói: “Khi những dự án khai thác titan đến đâu, rừng dương chắn cát lần lượt gục ngã đến đó. Nghe đâu nhiều doanh nghiệp đang xin mở rộng diện tích khai thác. Không biết bao nhiêu rừng sẽ bị triệt hạ khi bên dưới những cánh rừng này vẫn còn các mỏ titan”. Một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Phù Mỹ thừa nhận chưa thống kê hết diện tích rừng ven biển bị chặt để khai thác titan nhưng mỗi giấy phép khai thác titan có thể triệt hạ vài hecta rừng.

Một giàn lọc titan ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Ai phải trồng lại diện tích rừng bị triệt hạ nói trên? Ông Huỳnh Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên khoáng sản - Sở TN&MT Bình Định, cho biết: “Theo thỏa thuận, sau khi khai thác, doanh nghiệp phải trồng lại toàn bộ diện tích rừng bị chặt phá, trả lại nguyên trạng mặt bằng”. Thế nhưng ông Vinh cũng thừa nhận hiện tỉnh chưa kiểm soát được những vấn đề hậu khai thác titan. Nhiều doanh nghiệp chỉ lo khai thác mà không trồng lại rừng nên hầu hết diện tích đất sau khi khai thác trở nên hoang hóa với đầy hầm hố, núi cát.

Dân sống chung với cát bay

Do không còn rừng dương chặn cát nên gặp mùa nắng nóng, người dân càng khốn khổ hơn với nạn cát bay, cát tràn. Bà Nguyễn Thị Hai (thôn Hưng Tân, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) kể: “Mỗi khi có gió biển, cát bay mịt mù. Nhiều khi đang ăn cơm, cát bay rào rào vào mâm, phải bỏ bữa. Nhiều nhà phải chui vào mùng ngồi ăn cơm, thảm lắm! Ngay cả giặt giũ quần áo cũng không biết phơi đâu vì chỗ nào cát cũng bay rát mặt”.

Xung quanh nhiều khu khai thác titan có những khu đất sản xuất bị bỏ hoang do cát tràn lấp dày. Người dân chỉ cho xem những khu đất sản xuất bị bỏ hoang do cát tràn, lấp dày, không cây gì sống nổi. Ông Đặng Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, xác nhận người dân nơi đây đang rất bức xúc trước nạn cát bay, cát tràn.

Đóng phạt rồi vi phạm

Song song đó, người dân ở xã Mỹ Thành đang rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hằng ngày, hàng trăm chiếc máy thi nhau khoan hút nước ngầm để lọc titan. Ông Phan Văn Thìn ngụ ở đây cho biết: “Trước đây giếng nhà tôi đủ cung cấp cho hàng chục gia đình nhưng gần năm nay đã trở nên cạn kiệt”.

Sau khi khai thác titan, các doanh nghiệp để lại những hầm hố cát khổng lồ ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Theo ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định, các doanh nghiệp sử dụng rất nhiều nước ngọt để tách titan. Tuy nhiên, hiện nhà nước không quản lý được lượng nước cần dùng khi khai thác một tấn quặng là bao nhiêu để thu thuế tài nguyên. Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân cho biết: “Thực tế, sản lượng titan khai thác rất lớn nhưng hiện mức thuế tài nguyên còn thấp, chỉ 50.000 đồng/tấn. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở địa phương hư hỏng rất nhanh do lượng xe chở titan quá tải ra vào các mỏ”.

Ông Nguyễn Văn Lịch, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, thừa nhận: “Trước khi tiến hành khai thác, các doanh nghiệp đều cam kết bảo vệ môi trường. Nhưng khi khai thác, họ không thực hiện đúng yêu cầu đề ra”. Ông Huỳnh Quang Vinh cho biết lần nào kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng xử phạt các doanh nghiệp vi phạm nhưng đâu lại vào đó. Doanh nghiệp sẵn sàng đóng phạt rồi tiếp tục vi phạm.

Những dự án khai thác titan trong ba năm không phải đánh giá tác động môi trường, các doanh nghiệp chỉ làm cam kết bảo vệ môi trường, không có chế tài kèm theo. Điều này càng làm tăng tình trạng hủy hoại môi trường do khai thác titan.

Ông NGUYỄN KIM PHƯƠNG, Giám đốc Sở Công thương Bình Định

Chưa có kinh phí tái đầu tư vùng mỏ

Theo quy định, doanh nghiệp khai thác titan phải trích lợi nhuận 80-160 triệu đồng/ha để hỗ trợ các địa phương cải tạo, tu sửa đường giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, theo một số cán bộ lãnh đạo các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, đến nay vẫn chưa thể thu nguồn kinh phí này do các dự án được cấp phép trước khi có quy định trên.

TẤN LỘC

Nguồn: Phapluattp.vn

Bài 3: Thoải mái xuất lậu quặng thô

Bà bán thuốc lá thoắt cái trở thành giám đốc, được thuê để ký các hợp đồng mua bán quặng thô, xuất lậu sang Trung Quốc.

Từ quốc lộ 1A đi xã Mỹ Thành chỉ hơn 14 km nhưng phải mất gần một giờ đồng hồ mới đến nơi bởi con đường bị hàng đoàn xe tải hạng nặng chở titan tung bụi mù trời. Nhiều ngôi nhà hai bên đường phải đóng cửa quanh năm.

Doanh nghiệp tự ghi trữ lượng

Hầu như không cơ quan chức năng nào ở Bình Định kiểm tra, quản lý sản lượng quặng do các doanh nghiệp khai thác. Các con số thống kê đều do doanh nghiệp tự kê khai. Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định, cho biết khi lập hồ sơ đăng ký khai thác titan, các doanh nghiệp không thăm dò, đánh giá trữ lượng mà chỉ ước lượng. Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp liên tục xin gia hạn thời gian khai thác vì cho rằng ban đầu chưa đánh giá hết trữ lượng. Do đó, thực tế không ai biết mỏ ấy có trữ lượng bao nhiêu. Thực trạng này khiến nguồn tài nguyên titan ngày càng bị thất thoát.

Ông Phương thừa nhận: “Đúng là Sở Công thương có nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động khai thác, chế biến titan của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện Sở chưa có cán bộ làm nhiệm vụ này do không tuyển được cán bộ có chuyên môn”.

Giàn khoan titan của một doanh nghiệp gần khu dân cư ở thôn Hưng Lạc, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: TẤN LỘC

Nhà nước thua thiệt

Theo chủ trương của Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tinh quặng, chế biến sâu titan. Từ năm 2008 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương đăng ký đầu tư chế biến sâu tinh quặng titan của sáu nhà đầu tư, trong đó có ba nhà đầu tư đã đi vào sản xuất giai đoạn một với tổng công suất 36.000 tấn sản phẩm xỉ titan/năm. Tuy nhiên, hiện hầu hết các doanh nghiệp này đều rơi vào bế tắc trong xuất khẩu do vướng mức thuế xuất khẩu 18% theo thông tư của Bộ Tài chính. Theo tính toán, mỗi tấn xỉ titan xuất khẩu, doanh nghiệp lỗ gần 900.000 đồng. Do đó, các nhà máy này đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

Trong khi doanh nghiệp làm tinh quặng titan bí đường thì việc bán titan thô lại rất rộng đường. Theo ông Nguyễn Kim Phương, đa số các doanh nghiệp sau khi khai thác chỉ tìm cách bán lậu titan thô. Các doanh nghiệp này liên kết với nhiều công ty ma bán titan thô ra khỏi Bình Định, sau đó xuất khẩu lậu sang Trung Quốc và các nước lân cận. Tình trạng này gây thất thoát tài nguyên rất lớn, song hiện chưa có chế tài để quản lý việc bán quặng thô.

Ông Phương kể: “Một lần lực lượng chức năng tỉnh kiểm tra việc mua bán quặng thô của một doanh nghiệp, phát hiện giám đốc doanh nghiệp này là một bà... bán thuốc lá. Bà này khai được một doanh nghiệp thuê làm giám đốc để ký các hợp đồng mua bán titan thô!”. Một cán bộ Sở TN&MT Bình Định tính toán, mỗi năm có 200.000 tấn titan được tuồn ra ngoài tỉnh bằng đường bán lậu, tức ngân sách tỉnh này mất đi 2 triệu USD khoản thu thuế xuất khẩu.

Phạt không được!

So sánh với mức thu tiền thuê đất chỉ 20 triệu đồng/ha, thuế tài nguyên chỉ 50.000 đồng/tấn titan, các doanh nghiệp khai thác titan thu vào khoản lợi nhuận khổng lồ, trong khi nguồn thu ngân sách bị thất thoát khá lớn. Đó là chưa kể những hậu quả nặng nề về môi trường, xã hội do hoạt động khai thác titan gây ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Phương thừa nhận tỉnh chưa có giải pháp triệt để ngăn chảy máu tài nguyên. Hiện nay, biện pháp chủ yếu vẫn là vận động các doanh nghiệp chế biến tinh quặng hoặc bán quặng thô cho các doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu titan trên địa bàn Bình Định. Tuy nhiên, như đã nói trên, các doanh nghiệp chế biến titan sâu đang gặp nhiều khó khăn do không xuất khẩu được nên việc vận động thu mua quặng thô cũng gần như bế tắc!

TẤN LỘC

Nguồn: Phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn