Người nhạc sĩ du ca đã ra đi mãi mãi

Mai Thái Lĩnh

imageNhạc sĩ Nguyễn Đức Quang – cánh chim đầu đàn của Ban Trầm ca và Phong trào Du ca Việt Nam, đã vĩnh viễn ra đi. Là một người bạn, tôi muốn nhân dịp này phác họa lại một số nét về cuộc đời của người nhạc sĩ du ca này – người đã để lại cho đời những bài hát nói lên ước vọng, tâm tình của cả một thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh:

Nguyễn Đức Quang sinh ngày 11 tháng 2 năm 1944 tại Sơn Tây, là con trai thứ trong một gia đình có 6 anh chị em – ba trai, ba gái.

Tháng 4 năm 1954, cha anh – một viên chức trong ngành giáo dục, được điều động vào Sài Gòn. Nguyễn Đức Quang – lúc đó mới 10 tuổi, theo cha mẹ vào Nam. Sau hiệp định Genève (tháng 7 năm 1954), đất nước bị chia đôi, gia đình Quang cũng bị chia cắt: người anh cả cùng ba người chị gái ở lại miền Bắc, chỉ có anh và đứa em trai út sống ở miền Nam cùng với cha mẹ cho đến tháng 4 năm 1975.

Năm 1959, cha anh được điều động lên công tác tại Ty Tiểu học Đà Lạt. Yêu mến cảnh vật và con người nơi đây, mẹ anh quyết định chọn nơi này làm quê hương và mua lại căn nhà số 33 đường Calmette (nay là đường Phạm Ngọc Thạch) làm nơi cư ngụ lâu dài của gia đình. Thành phố Đà Lạt chính là nơi Nguyễn Đức Quang đã sống một thời tuổi trẻ và cũng là nơi để lại những kỷ niệm sâu đậm nhất, in dấu ấn vào nhiều bản tình ca của anh sau này.

Tại Đà Lạt, sau hai năm theo học tại Trường Bồ Đề, kể từ năm đệ tam Quang vào học tại Trường trung học Trần Hưng Đạo. Sau khi tốt nghiệp Tú tài II (năm 1964), Quang theo học tại Viện Đại học Ðà Lạt và tốt nghiệp khóa 1 Chính trị Kinh doanh vào năm 1968.

Từ tuổi thiếu niên, Quang đã ham mê các sinh hoạt đoàn thể, nhất là phong trào Hướng đạo. Những người bạn thân thiết đầu tiên của anh như các anh Hoàng Kim Châu, Đoàn Chim, v.v... về sau đều trở thành những huynh trưởng Hướng đạo nổi tiếng. Là một thiếu sinh, anh trở thành Đội trưởng Đội Voi, và sau đó là Đội trưởng Nhất thuộc Thiếu đoàn Lê Lợi. Năm 1964, anh đảm nhiệm chức Bầy trưởng Bầy Ngàn thông của Đạo Lâm Viên. Tinh thần Hướng đạo ấy, Nguyễn Đức Quang đã giữ mãi trong suốt cuộc đời, thể hiện trong nhiều sáng tác âm nhạc cũng như các hoạt động nhiều mặt của anh.

Vốn có năng khiếu về âm nhạc, Nguyễn Đức Quang đã ham mê sáng tác các ca khúc ngay từ thời còn trẻ. Nhưng khác với các nhạc sĩ khác - thường bắt đầu quá trình sáng tác âm nhạc của mình bằng các bản tình ca, ca khúc đầu tay của anh là một bài hát dành cho Hướng đạo có tên là “Gươm thiêng hào kiệt” (1961).

Trong những năm 1963-1964, những biến cố chính trị dồn dập xảy ra ở miền Nam đã khiến Nguyễn Đức Quang bắt đầu quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước. Không chỉ dừng lại ở những bài hát tập thể dành cho các sinh hoạt thanh thiếu niên, Quang bắt đầu chuyển hướng sang các ca khúc có chủ đề “Tuổi trẻ, Quê hương, Dân tộc”. Những suy tư của cả một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, những ưu tư đối với vận mệnh của dân tộc, sứ mệnh của những người thanh niên yêu nước được chất chứa trong một loạt bài hát về sau được gọi tên là Trầm ca (những bài hát trầm tư)(1). Bài hát tiêu biểu cho thể loại này là bài “Nỗi buồn nhược tiểu”.

Trong những năm 1964-1965, khi phong trào công tác xã hội bùng lên ở miền Nam, Quang cùng các bạn tham gia các hoạt động xã hội như: làm công tác xã hội, cứu trợ nạn nhân bão lụt, nạn nhân chiến tranh, ... Những bài hát của anh bắt đầu được phổ biến trong các trại công tác xã hội, trong các đoàn thể thanh thiếu niên như Hướng đạo, Gia đình Phật tử, Thanh sinh công, v.v... đặc biệt là trong Chương trình Công tác hè năm 1965.

Sau mùa hè năm 1965, cùng với một số bạn đồng môn là cựu học sinh Trường Trần Hưng Đạo (Hoàng Kim Châu, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Quốc Văn, Hoàng Thái Lĩnh), Nguyễn Đức Quang thành lập một ban nhạc. Đây là một ban nhạc cực kỳ gọn nhẹ: chỉ với một cây đàn ghi-ta thùng và những giọng hát không chuyên nghiệp của những sinh viên gốc Đà Lạt, ban nhạc này đã nhanh chóng chinh phục được nhiều người hâm mộ. Phong cách biểu diễn hoàn toàn mới mẻ: người đến tham dự không chỉ để nghe hát và vỗ tay hoan hô mà cùng hát với những người trên sân khấu theo tinh thần “hát hay không bằng hay hát”, “hát với nhau”, “cùng nhau hát”. Trong nửa cuối năm 1965, ban nhạc này vẫn chưa có tên chính thức mặc dù đã đi hát ở nhiều nơi và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Tháng 12 năm 1965, ban nhạc của Nguyễn Đức Quang trở về thành phố quê nhà. Đêm 19-12-1965, ban nhạc đã chính thức ra mắt tại giảng đường Spellman – Viện Đại học Đà Lạt; cùng tham gia chương trình có nhạc sĩ Phạm Duy với những bài “tâm ca” vừa mới sáng tác. Đêm kế tiếp (20-12) ban nhạc lại trình diễn một buổi thứ hai tại giảng đường Thụ Nhân và lần này có sự tham gia của Phương Oanh – ca sĩ hát dân ca tài năng nhất của miền Nam thời đó. Sau lần trình diễn chung đó, Phương Oanh gia nhập ban nhạc và trở thành giọng ca nữ duy nhất của ban nhạc hình thành từ ngẫu hứng này. Sau thời điểm lịch sử đó, ban nhạc lấy tên là Trầm ca. Ngày 19-12-1965 có thể được xem là ngày ra đời của Ban Trầm ca và cũng là sự khởi đầu của Phong trào Du ca về sau này.

Bước qua năm 1966, Ban Trầm ca đã cùng với nhạc sĩ Pham Duy đi lưu diễn ở một số tỉnh thành ở miền Nam. Được sự hỗ trợ của một số huynh trưởng hoạt động thanh niên tại Sài Gòn, Nguyễn Đức Quang và Ban Trầm Ca đã tổ chức 8 khóa Thanh ca Tác động nhằm đào tạo hạt nhân để phát triển phong trào. Cuối năm 1966, Phong trào Du ca Việt Nam được chính thức thành lập như một tổ chức thanh niên tự nguyện với mục đích giáo dục thế hệ trẻ thông qua các hoạt động văn nghệ và sinh hoạt cộng đồng. Đinh Gia Lập – một hướng đạo sinh, cựu học sinh Trường Trần Hưng Đạo, cũng là một thành viên của Ban Trầm ca mặc dù không tham gia trình diễn, đã trở thành Chủ tịch lâm thời của Phong trào Du ca.

Năm 1967, Phong trào Du ca tổ chức Đại hội lần đầu tiên tại Sài Gòn. Dược sĩ Hoàng Ngọc Tuệ được bầu làm Chủ tịch và đã giữ chức vụ này cho đến khi được thay thế bởi nhà báo Đỗ Ngọc Yến (năm 1972). Tổ chức thanh niên mới mẻ này đã phát triển rộng khắp trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam cho đến tận tháng 4 năm 1975 mới ngưng hoạt động tại quốc nội.

Có một chi tiết thú vị cần được nhắc đến: nhà để xe (garage) và nhà bếp của ngôi biệt thự số 114 đường Sương Nguyệt Anh(2) – Sài Gòn (tư gia của anh Tuệ) chính là “tổ ấm” của Ban Trầm ca ngay từ lúc ban nhạc chưa có tên. Nói cách khác, huynh trưởng Hoàng Ngọc Tuệ chính là vị “mạnh thường quân” đã cưu mang Ban Trầm ca và Phong trào Du ca ngay từ thời còn trứng nước.

clip_image001

Ảnh 1: Từ trái sang phải: Hoàng Thái Lĩnh, Trần Trọng Thảo, Nguyễn Thạc (một thân hữu), Hoàng Kim Châu và Nguyễn Đức Quang

Là một tổ chức thanh niên, Phong trào Du ca Việt Nam bao gồm nhiều bộ phận, trong đó phần sáng tác âm nhạc được giao cho “Xưởng Du ca”(3), do Trưởng xưởng Du ca phụ trách. Nguyễn Đức Quang là Trưởng xưởng Du ca đầu tiên kể từ năm 1966 cho đến khi giao lại trách nhiệm cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu tức Trần Tú vào năm 1972.

Sau biến cố 30-4-1975, mặc dù chiến tranh chấm dứt nhưng gia đình của Nguyễn Đức Quang vẫn không có cơ hội đoàn tụ. Do thời gian phục vụ trong quân đội VNCH, mặc dù đã được biệt phái về ngành ngân hàng, Quang phải trải qua một thời gian “học tập cải tạo” khoảng 3 năm. Năm 1979, sau khi từ trại học tập cải tạo trở về, Nguyễn Đức Quang cùng vợ con vượt biên đến tị nạn tại Hoa Kỳ. Như vậy là gia đình anh lại ly tán một lần nữa. Đó chính là lý do chúng ta thấy Nguyễn Đức Quang cho đến trước khi lìa đời vẫn mang một tâm sự buồn, và vẫn hoài vọng một sự đoàn tụ thật sự của cả dân tộc trong tương lai.

Kể từ khi định cư tại Little Saigon - California, Nguyễn Đức Quang hoạt động liên tục trong ngành truyền thông. Trong những năm 1984-1988, anh đã từng là Giám đốc trị sự, Chủ bút và Tổng giám đốc của báo Người Việt - tờ nhật báo nổi tiếng nhất của người Việt hải ngoại phát hành tại California – Hoa Kỳ. Thời gian sau đó, anh sáng lập nhật báo Viễn Đông. Sau khi rời báo Viễn Đông, anh còn cộng tác với bạn bè lập công ty truyền thông và làm một số tờ báo khác. Trong thập niên cuối cùng của đời mình, anh tìm cách nối lại vòng tay thân ái giữa những thanh niên Mỹ gốc Việt với thanh niên trong nước thông qua các trại hè do Project Vietnam Foundation tổ chức.

Nhưng cho dù hoạt động trong bất cứ ngành nghề nào, dòng máu âm nhạc vẫn còn chảy mạnh mẽ trong con người Quang. Vì thế, trong khoảng một thập niên cuối đời, anh trở lại với sáng tác ca khúc và gắn bó với hoạt động của Phong trào Du ca Việt Nam - được hồi sinh tại hải ngoại từ hơn một thập niên trở lại đây. Anh đã đi lưu diễn ở nhiều nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ cho đến châu Úc, châu Âu, đồng thời tiếp tục sáng tác ca khúc mới.

Sau khi người vợ thân yêu của anh qua đời (tháng 3-2009) và sau hai lần vượt qua bệnh tật, vào tháng 2 năm 2010, Quang đã về ăn Tết tại quê nhà. Anh đã có dịp thăm lại gia đình các anh chị ở miền Bắc, có dịp thăm lại căn nhà cũ, nơi gia đình của người em trai là Nguyễn Đức Vinh đang cư trú. Vào đêm 19-2-2010, trên căn gác thân thương, anh đã hát cho các em, các cháu và những người bạn thân thiết ngày xưa nghe một số bài hát mới do anh sáng tác trong những năm cuối đời.

clip_image002

Ảnh 2: Hoàng Thái Lĩnh và Nguyễn Đức Quang (Đà Lạt - Tết Canh Dần 2010)

Đó cũng chính là lần cuối cùng anh trở về thăm Đà Lạt để rồi ra đi vĩnh viễn, không bao giờ trở lại với thành phố thân thương – nơi có “con phố xưa”, có “con dốc nhỏ” đã ghi lại dấu tích của tình yêu và những cảm xúc đầu đời.

Sau chuyến đi châu Âu (tháng 9 năm 2010), Nguyễn Đức Quang trở lại Hoa Kỳ để chuẩn bị cho những buổi trình diễn nhạc Du ca. Chính trong quá trình tích cực chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt âm nhạc dự kiến tổ chức vào hạ tuần tháng 2 năm 2011, Quang bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não. Ngày 11-2-2011, Quang được đưa vào bệnh viện và một tháng rưỡi sau đó, anh ra đi vĩnh viễn vào 4 giờ sáng ngày 27-3-2011 (giờ California – Hoa Kỳ) nhằm ngày 23 tháng 2 năm Tân Mão, hưởng thọ 68 tuổi (tính theo âm lịch). Ngay buổi chiều hôm đó, anh được Hội đồng Trung ương Hướng đạo Việt Nam truy tặng Bắc đẩu Huân chương, huy chương cao quý nhất của phong trào Hướng đạo Việt Nam dành cho trưởng có công gìn giữ và xây dựng một phương pháp giáo dục thanh thiếu niên.

Là con chim đầu đàn của Phong trào Du ca, Nguyễn Đức Quang đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc phong phú thuộc nhiều thể loại, từ tình ca cho đến các bài hát sinh hoạt cộng đồng, nhưng đáng chú ý nhất là những bài hát “nhận thức” - chất chứa tình tự dân tộc, lòng yêu quê hương, những suy tư của người dân một nước nhược tiểu muốn vươn lên để làm thay đổi số phận của dân tộc mình. Trong số các bài hát do anh sáng tác, nhiều bài hát đã được phổ biến rộng rãi trong nhiều thế hệ thanh niên, đến mức ngay cả những người yêu thích cũng không hề biết rõ xuất xứ của bài hát. Cuối năm 2007, bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” đã được các thanh niên sinh viên học sinh yêu nước hát lên trong dịp tổ chức biểu tình để phản đối việc Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa nhưng mãi về sau, người ta mới biết đó là một bài hát do Nguyễn Đức Quang sáng tác vào giữa thập niên 1960.

Trong những ngày này, tưởng niệm Nguyễn Đức Quang, chúng ta – những thân quyến và bằng hữu của anh, và cả những người ái mộ anh thuộc nhiều thế hệ, trong đó có những người đã sát cánh cùng anh từ gần nửa thế kỷ qua, không khỏi bùi ngùi xúc động khi nhớ đến anh với dáng người cao nghều, với giọng hát dũng mãnh không cần đến micro, chỉ với cây đàn và tiếng hát đã đi đến khắp nơi, từ những nơi đầy khói lửa chiến tranh đến tận những xóm nghèo trong các đô thị, từ các sân khấu ngoài trời trong khuôn viên các trường đại học cho đến tận các vùng quê cằn cỗi, để dùng tiếng hát, lời ca nói lên những tâm tình của một thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên cùng chiến tranh nhưng trong tận đáy lòng vẫn mong ước đến hòa bình.

Trong một đất nước mà dân tộc bị phân ly, trải qua một cuộc nội chiến kéo dài, nguyện vọng sau cùng của Quang vẫn là hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, như lời hát của bài “Trên đồi Arlington” – một trong những sáng tác sau cùng của anh. Xin trích dẫn một số đoạn:

“... Làm sao tin thế được?

Làm sao gọi là vinh quang?

Cuộc chiến vùi sâu dân tộc,

khơi dậy những hờn căm

Thắng ngoáy dài mũi kiếm

Thua xuống cuối biển Đông

Sao gọi anh hùng được

Hồn lệ sử thấu chăng?

Đã bảo vết thương không nhắc nữa

Vì ai khoe sẹo khiến bâng khuâng

Ừ nhỉ xưa kia thành quách đổ

Thắng bại anh hùng có xứng chăng?”

 

Nhưng Nguyễn Đức Quang không dừng lại với cái nhìn bi quan, với tâm trạng yếm thế. Bước ra khỏi cuộc nội chiến, anh vẫn hy vọng vào tương lai, mong ước đến sự hàn gắn vết thương vô cùng lớn, vô cùng sâu mà chiến tranh đã để lại trong lòng mỗi gia đình cũng trong lòng toàn dân tộc. Nhìn vào những nấm mộ chiến sĩ vô danh trong nghĩa trang Arlington - tượng trưng cho những người lính Mỹ của cả hai phía trong cuộc nội chiến Nam-Bắc, anh vẫn nuôi hy vọng đến một lúc nào đó, những người lính Việt Nam đã hy sinh trong chiến tranh dù là ở Nam hay ở Bắc cũng đều có thể nằm cạnh nhau. Đó chính là lúc khép lại quá khứ, khép lại một giai đoạn lịch sử để mở đường cho một tương lai mới, như lời kêu gọi của những tử sĩ muốn nhắn gửi qua lời ca của người nhạc sĩ du ca:

...Này bạn, cùng chiến đấu,

cùng gục ngã viên đạn ngược đường bay

Về đây, cùng tới đây, chia nhau nghĩa trang này

không lời hờn oán đắng cay

...Bắc Nam cùng mạch sống!

Thắng thua đều anh hùng !

Bốn mùa hoa nở rộ, dưới mộ đài hùng tráng

chung dòng “Tổ quốc ghi công”

 

Mặc dù Nguyễn Đức Quang đã ra đi giữa lúc những vết thương do nội chiến gây ra vẫn chưa được hàn gắn, chúng ta có thể tin tưởng rằng nguyện vọng của anh – cũng là nguyện vọng chung của cả một dân tộc đã trải qua chiến tranh, đau thương, ly tán, nhất định sẽ trở thành hiện thực. Nếu thế hệ của Nguyễn Đức Quang không làm được điều đó thì chúng ta cũng có thể tin chắc một điều: các thế hệ mai sau của người Việt Nam sẽ làm được điều đó!

Xin hãy cùng nhau tưởng nhớ đến một người đã cùng chia sẻ với chúng ta những kỷ niệm của một thời chiến tranh, một thời ly tán - thời của những hy vọng và thất vọng, thời của sự đan xen giữa lý tưởng trong sáng và thực tế khắc nghiệt. Nhưng đó cũng là một thời của những sinh hoạt thanh niên sôi nổi, thời của những tình cảm đầm ấm, những mối liên hệ thân thiện đã nảy sinh từ trong khói lửa chiến tranh và từ những nỗi buồn ly biệt. Cũng chính từ trong đau thương và mất mát, đã nảy sinh tình thân yêu giữa những người hoạt động thanh niên, những người yêu âm nhạc và yêu sinh hoạt cộng đồng, yêu lời ca và tiếng hát, yêu đời và yêu người, những người tin vào chính mình đồng thời luôn hướng đến tha nhân, những người luôn nuôi dưỡng những niềm “hy vọng đã vươn lên”, đang vươn lên và mãi mãi sẽ vươn lên như những lời ca, tiếng nhạc mà Nguyễn Đức Quang đã để lại cho đời, cho người và cho cả dân tộc...

Đà Lạt ngày 3-4-2011

M.T.L. (tức Hoàng Thái Lĩnh)

Chú thích:

(1) Trầm trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là “chìm xuống, sâu kín”. Trầm tư: suy nghĩ sâu xa.

(2) Sương Nguyệt Anh là bút hiệu của bà Nguyễn Ngọc Khuê, còn gọi là bà Năm Hạnh, người con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (tức cụ Đồ Chiểu). Bà là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam làm chủ bút một tờ báo. Thời chúng tôi tạm trú ở đó, bảng tên đường ghi là Sương Nguyệt Ánh nên chúng tôi quen gọi là đường Sương Nguyệt Ánh.

(3) Xưởng là một thuật ngữ có nguồn gốc từ Hướng đạo, dùng để chỉ một bộ phận chuyên ngành chuyên nghiên cứu hoặc sáng tác nhằm phục vụ các sinh hoạt thanh thiếu niên.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn