Về bài về vùng biển Bãi Cỏ Rong trên báo Manila Times

Dương Danh Huy

Gần đây có ý kiến cho rằng bài của tôi trên báo Manila Times về vùng biển Bãi Cỏ Rong (Manilatimes.net) là công nhận chủ quyền của Philippines đối với một phần của quần đảo Trường Sa.

Ý kiến đó sai hoàn toàn. Tôi luôn luôn cho rằng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.

Không những thế, bài tôi viết trên báo Manila Times về vùng biển Bãi Cỏ Rong không phải là để nói phần nào của quần đảo Trường Sa là của nước nào.

Vì vậy, những ý kiến cho rằng bài đó công nhận chủ quyền nước này, không công nhận chủ quyền nước kia, vừa là sai lầm, vừa là lạc đề.

Tôi viết bài đó và gửi cho báo Manila Times trong bối cảnh Philippines và Trung Quốc đang tranh cãi về Bãi Cỏ Rong. Mục đích cụ thể của bài đó là tiếp cận các nhà hoạch định chính sách Phi, nhà báo Phi và người dân Phi, nhằm góp phần làm cho họ đi theo hướng ít có hại nhất cho Việt Nam và ít có lợi nhất cho Trung Quốc. Bài đó có tính cách chiến thuật cho một hoàn cảnh cụ thể, trong chiến lược đoàn kết các nước chống lại đường chữ U của Trung Quốc.

Trong tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc về Bãi Cỏ Rong lúc đó và trong tương lai, nếu các nhà phát ngôn Phi, báo chí Phi, dư luận Phi, hành động Phi tập trung vào khẳng định "TS là của Philippines" thì điều đó sẽ bất lợi cho Việt Nam và có lợi cho Trung Quốc hơn nếu như họ tập trung vào khẳng định "Bãi Cỏ Rong không phải là vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa".

Trường hợp 1: Philippines tập trung vào khẳng định "Trường Sa là của Philippines"

Điều đó chắc chắn là vi phạm chủ quyền Việt Nam, và vi phạm đối với gần như toàn bộ quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa – vì Trung Quốc không tuyên bố chủ quyền đối với đảo Trường Sa). Nó sẽ làm quan hệ giữa Việt Nam và Phillippines trở thành xấu hơn, mà Việt Nam đang cần đồng minh trong lúc này. Không những thế, nếu các nước trong tranh chấp chỉ khẳng định đảo là của mình, không cần biết đến mỗi đảo được hưởng bao nhiêu biển là hợp lý, thì hoàn cảnh đó sẽ có lợi cho đường chữ U của Trung Quốc.

Trường hợp 2: Philippines tập trung vào khẳng định " Bãi Cỏ Rong không phải là vùng đặc quyền kinh tế thuộc Trường Sa"

· Thứ nhất, “Bãi Cỏ Rong” không phải là tên của một đảo mà là tên của một vùng biển nằm gần đảo Palawan của Phillippines, sâu từ 16 mét đến 90 mét, hoàn toàn không có đảo [xem chú thích 1]. Vì không có đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa trong vùng biển Bãi Cỏ Rong, nếu Việt Nam tuân thủ Công ước LHQ về Luât Biển (UNCLOS) và luật quốc tế trong tranh chấp Biển Đông thì vùng biển Bãi Cỏ Rong sẽ không thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trường Sa. Nếu vậy, trường hợp (2) sẽ không có hại gì cho chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

· Thứ nhì, giả sử là trường hợp (2) có vi phạm chủ quyền đi nữa thì sự vi phạm đó vẫn nhỏ hơn trong trường hợp (1).

· Thứ ba, đặt tranh chấp Biển Đông vào trong khuôn khổ của UNCLOS và luật quốc tế sẽ có lợi cho việc đối phó với đường chữ U của Trung Quốc.

Như vậy, trường hợp (1) sẽ bất lợi cho Việt Nam và có lợi cho Trung Quốc hơn trường hợp (2).

Bài trên báo Manila Times là để khuyến khích Philippines đi theo trường hợp (2) – trường hợp ít bất lợi nhất cho Việt Nam và ít có lợi nhất cho Trung Quốc.

Nếu Philippines đi theo lời khuyến khích đó và Việt Nam ủng hộ, thí dụ như trong trao đổi với sự ủng hộ của Philippines cho Việt Nam tại các vùng biển khác, thì bài báo đó sẽ là có ích cho chiến lược của Việt Nam.

Nếu Philippines đi theo lời khuyến khích đó, nhưng Việt Nam không muốn ủng hộ, thì bài báo đó không có nghĩa Việt Nam phải ủng hộ. (thậm chí, bài báo đó không nói rằng Việt Nam sẽ ủng hộ). Như vậy, bài báo đó không có hại gì cho chiến lược của Việt Nam.

Xin nhắc lại, bài báo đó không phải là để nói phần nào của quần đảo Trường Sa là của nước nào. Tôi luôn luôn cho rằng quần đảo Trường Sa là của Việt Nam.

Nhân tiện xin đề vập đến một số chi tiết không chính xác do Tòa soạn nhầm lẫn:

· Bài tôi viết có tựa “Defending the Philippines’ rights at the Reed Bank”, tòa soạn sửa “at” thành “to” nhưng không thông báo cho ai.

· Ban đầu họ ghi lầm anh Lê Minh Phiếu là đồng tác giả của bài viết, nhưng sau đó đã sửa lại.

Tài liệu tham khảo:

"A geographical description of the Spratly Islands and an account of hydrographic surveys amongst those Islands", của Hancox và Prescott, trang 24:

books.google.com

D.D.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn