Bám biển giữ ngư trường

 

Cá ngừ đại dương về bến cá P.6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - Ảnh: Duy Thanh

 

TT - Ngư dân miền Trung vừa trở về trong những chuyến đi biển đều cho biết thời gian gần đây xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam và "tàu cá Trung Quốc rất hung hãn".

Dù vậy, ngư dân thuyền trưởng Lê Xuân Dũng (Đà Nẵng) vẫn khẳng định: “Biển của mình thì mình phải ra đó để đánh bắt. Mình chùn tay, tức là bỏ biển cho tàu Trung Quốc ngang nhiên xâm phạm”.

Tàu cá Trung Quốc rất hung hãn

Trưa 29-5, vừa cập cảng Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) sau chuyến ra khơi dài ngày, ngư dân Võ Thành Vương kể: “Bây giờ hễ ra cách đất liền khoảng 60-70 hải lý là gặp vô số tàu cá Trung Quốc. Dù đang xâm phạm vùng biển Việt Nam nhưng họ rất hung hăng. Họ đi thành đoàn, một đoàn độ 30 chiếc, dàn hàng ngang và vô tư đánh bắt. Nhiều lúc mình không để ý đi vào vùng họ đang đánh cá là có thể xảy ra đụng độ. Tàu họ công suất lớn sẵn sàng lao đến húc tàu mình”.

Theo lão ngư dân Huỳnh Minh - chủ hai con tàu vừa cập cảng Thọ Quang ngày 28-5, thời gian qua tại vùng biển ông thường đánh bắt mấy chục năm nay, cách đảo Cồn Cỏ chừng 30 hải lý, có rất nhiều tàu cá, có khi có cả tàu sắt của Trung Quốc.

Trong hai ngày 28 và 29-5, nhiều tàu câu cá ngừ của ngư dân Phú Yên vẫn liên tục về các bến cá ở TP Tuy Hòa sau cả tháng lênh đênh ngoài khơi xa. Thuyền trưởng Nguyễn Đình Nhã (ở P.6, TP Tuy Hòa) cho biết: “Từ sau tết đến giờ, tàu hành nghề mành chụp mực của ngư dân Trung Quốc xuất hiện rất dày ở vùng biển khoảng 150 vĩ Bắc, 1160 kinh Đông, thuộc vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Cứ cách 6-7 hải lý lại thấy một tàu của ngư dân Trung Quốc. Mỗi đoàn của họ có khoảng 8-10 chiếc tàu, mỗi chiếc to gấp ba, bốn lần tàu mình. Tối đến họ chong dàn đèn sáng khủng khiếp, ánh sáng mỗi tàu lan đến 10-15 hải lý, bắt sạch mực trong một vùng rộng lớn. Đáng ngại nhất là sự hung hãn của các ngư dân Trung Quốc. Có lần tàu tôi chạy gần tàu của họ, mấy chục người trên tàu Trung Quốc liền tràn ra boong, la lối om sòm rồi lấy dao ra dấu hiệu đòi cắt cổ”.

Ngư dân Nguyễn Xuân Canh (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng từng chứng kiến rất nhiều tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam. “Chúng tôi đi đánh bắt gặp tàu Trung Quốc nhiều lắm. Tàu chúng tôi thường gặp họ ở tọa độ từ 70 vĩ Bắc - 111o kinh Đông. Nhiều nhất là khu vực các nhà giàn ở quần đảo Trường Sa”.

Như khẳng định những điều phản ảnh của ngư dân, thiếu tá Lê Mỹ Sơn - đồn trưởng đồn biên phòng 328 Lý Sơn - nói: “Trung Quốc nhiều lần tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển đông bắc Lý Sơn; tiến hành các hoạt động huấn luyện quân sự, diễn tập tình huống phối hợp bao vây, khống chế mục tiêu trên biển nhằm khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và phô trương sức mạnh quân sự. Trung Quốc còn hỗ trợ cho hàng ngàn tàu cá Trung Quốc tiến hành xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam để đánh bắt hải sản”.

Theo nhật ký công tác của đồn 328, số vụ các tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải chủ quyền của Việt Nam ngày càng tăng, quy mô lớn và táo tợn hơn.

Chiều 29-5, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi từng phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển Quảng Ngãi. “Khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm, việc đầu tiên là các lực lượng chức năng đẩy đuổi tàu ra khỏi hải phận. Tàu nào lì lợm chúng tôi dùng biện pháp mạnh hơn là lập biên bản xử lý” - ông Nhi nói.

Theo ông Dương Đề Dũng - chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng TP Đà Nẵng, tàu cá Trung Quốc cũng thường xuyên xâm phạm lãnh hải Việt Nam, nhất là từ sau tết đến nay. Khi phát hiện tàu cá Trung Quốc, bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng cũng chủ yếu là đẩy đuổi.

Ra khơi cùng tổ đoàn kết

Theo thuyền trưởng Lê Văn Chiến (Đà Nẵng), dù khó khăn nhưng ngư dân miền Trung vẫn khát vọng ra khơi, cùng nhau liên kết để chống sự chèn ép của tàu Trung Quốc bằng tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển. Mỗi tổ có 4-8 tàu cùng loại hình đánh bắt, cùng ngư trường và cùng một địa bàn sinh sống. Nhờ đó, các tàu tự tin ra khơi xa, mạnh dạn đến với các ngư trường. “Ra khơi bây giờ nếu không có tổ đoàn kết thì không đi được” - thuyền trưởng Lê Văn Chiến khẳng định.

Ông Hồ Phó, phó giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng, nhận định: “Mô hình tổ đoàn kết đánh bắt hải sản tạo thành sức mạnh trên biển. Riêng Đà Nẵng đã thành lập được gần 100 tổ đánh bắt hải sản với hàng trăm tàu, chủ yếu là tàu đánh bắt xa bờ”.

Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt (ở P.Phú Đông, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), trước tình hình bị tàu chụp mực Trung Quốc hoặc tàu hải quân nước ngoài đe dọa, ngư dân Phú Yên đã hợp nhau lại thành tổ tàu thuyền an toàn, mỗi tổ năm chiếc, đánh bắt ở các tọa độ gần nhau, hỗ trợ nhau khi cần thiết. Khoảng tám ngày trước, năm thuyền trong tổ của anh Việt đã đuổi được hai tàu chụp mực Trung Quốc ra khỏi vị trí đánh bắt. “Phải liên kết lại để giữ biển, giữ nghề” - anh Việt nhấn mạnh.

Tương tự, ở Quảng Ngãi cũng có những tổ tàu đoàn kết. Theo phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa Nguyễn Tấn Chuồng, ngư dân xã Nghĩa An tự nguyện tham gia thành lập 60 tổ tự quản tàu thuyền trên biển, mỗi tổ từ 10-12 tàu đánh cá theo nhóm nghề. Các tổ tự quản này đã giúp nhau rất nhiều trong tất cả hoạt động trên biển, kể cả việc đối phó với sự xâm phạm lãnh hải của tàu Trung Quốc.

Nhóm PV - CTV MIỀN TRUNG

Một cuộc nói chuyện qua máy Icom

Tối 29-5, như thường lệ, ông Nguyễn Thanh Nam (xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) mở máy Icom liên lạc với các phương tiện đang đánh bắt trên biển.

- Alô! Đài trực canh thôn Gành Cả đây. Alô! Alô...

Khoảng năm phút trôi qua với âm thanh hỗn tạp từ máy bộ đàm, một giọng nam cất lên:

- Lê đây - Võ Đức Lê, tàu QNg 8598 đây.

- Tình hình khai thác hổm rày thế nào? - ông Nam hỏi.

- Tàu Trung Quốc làm căng lắm. Tràn vào vùng biển Hoàng Sa cả đoàn mấy chục chiếc. Đụng độ miết. Không dám đánh bắt ban ngày, đêm khuya mới bắt đầu. Cứ 3g sáng là phải rút khỏi vùng đánh bắt vì chúng tuần dữ lắm. Mới hôm kia, đụng độ tàu tuần tra rượt mình chạy, họ còn định bơm nước vào tàu để đánh đắm tàu mình. Mình chạy thoát.

- Có sợ không?

- Tất cả anh em trên tàu đều đã đụng độ nhiều lần nên coi chuyện này là chuyện thường...

- Mới sáng qua, tụi tui chạy băng qua một đảo gần đảo Hoàng Sa. Từ trong đảo, một chiếc tàu chiến lao ra, cuộn sóng ầm ầm như muốn nhấn chìm tàu của tui” - anh Trương Quang Trị, tàu QNg 95839, chen ngang lời ông Lê.

- Chạy thoát không?

- Tụi tui hạ ga cho dễ lách và thoát luôn - lại một giọng khác chen ngang.

- Ai đấy? - ông Nam hỏi

- Tiêu Viết Thường đây.

- Nghe đây Thường ơi, tình hình thế nào? Đánh bắt tốt không?

- Khan lắm. Bị vây hãm, rượt đuổi miết.

- Có đụng tàu Trung Quốc không?

- Có. Ba lần rồi.

T.GIANG - H.ANH ghi

Nguồn: Tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn