Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 18

Ngọc Thu dịch

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)

Thảo luận giữa Chu Ân Lai, Trần Nghị, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp

12-04-1967

Mô tả: Chu Ân Lai bàn về đấu tranh giai cấp hiện tại ở Trung Quốc.

Chu Ân Lai: ... Trong mười năm qua, chúng tôi đã tiến hành một cuộc chiến tranh khác, một cuộc chiến không đổ máu: đấu tranh giai cấp. Nhưng thực tế là, trong số các tướng tá của chúng tôi, có một số người, [mặc dù] không phải tất cả, biết rất rõ làm thế nào để tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu, [nhưng] bây giờ không biết làm cách nào để tiến hành một cuộc chiến không đổ máu. Thậm chí họ coi thường quần chúng. Một ngày nọ, khi chúng tôi đang ở trên máy bay, tôi đã nói với ông rằng, cách mạng văn hóa của chúng tôi lần này là nhằm lật đổ một nhóm người cầm quyền trong đảng, những người muốn đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Các mạng văn hóa cũng nhằm tiêu diệt các lực lượng cũ, văn hóa cũ, hệ tư tưởng cũ, phong tục tạp quán cũ, đã không còn phù hợp với cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Trong một bài phát biểu hồi năm ngoái, đồng chí Lâm Bưu nói: Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải tiêu diệt "quyền sở hữu tư nhân" của giai cấp tư sản, xây dựng "quyền sở hữu công cộng" của giai cấp vô sản.

Vì vậy, để giới thiệu về hệ thống "sở hữu công cộng", các ông dựa vào ai? Dựa vào kinh nghiệm 17 năm sau giải phóng, đồng chí Mao Trạch Đông cho rằng, sau khi cướp chính quyền, giai cấp vô sản sẽ loại bỏ các "quyền sở hữu tư nhân" của giai cấp tư sản. Nhưng quá trình này sẽ bị bỏ dở nửa chừng nếu dựa vào phương thức lãnh đạo "từ trên xuống".

Như tôi đã nói với các ông, trong xã hội chúng tôi, "sở hữu tư nhân" vẫn còn tồn tại. Nó tồn tại không chỉ do ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản quốc tế, mà còn do thực tế là trong nước có những tàn tích của giai cấp tư sản, của chế độ phong kiến, và các nhà tư bản mới nổi lên, những tay đầu cơ, những kẻ tham ô...

Một nhân tố lớn hơn là ở nông thôn, có một số lớn nông dân thuộc giai cấu tiểu tư sản. Họ là tiểu tư sản không những trong suy nghĩ, mà còn qua hành động của họ. Và vẫn còn tồn tại quyền sở hữu tư nhân, đất đai do tư nhân làm chủ, thị trường tự do, tự do buôn bán. Vì vậy, chủ nghĩa tư bản có thể tái phát bất cứ lúc nào. Hơn nữa, ở Trung Quốc các tàn dư và ảnh hưởng hàng ngàn năm của chế độ phong kiến ​​và chủ nghĩa tư bản có mặt khắp mọi nơi. Như đồng chí Mao đã nói, nếu cây chổi không tốt, bụi bậm không bị quét sạch, và ngay cả khi nó bị quét, thì cũng sẽ có bụi mới. Tất cả các yếu tố nói trên là mảnh đất màu mỡ cho sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản và sự xuất hiện của chủ nghĩa xét lại.

Trong 17 năm qua, chúng tôi đã đấu tranh chống lại "ba chống" (chống đảng, chống dân, chống CNXH: ND), và bây giờ có ba chống mới. Chúng tôi đã cải tạo các nhà tư bản, nhưng bây giờ trong đảng của chúng tôi, có những nhà tư bản mới. Chúng tôi đã chỉ trích những người cánh hữu, nhưng bây giờ có những người cánh hữu mới trong đảng của chúng tôi. Những người cầm quyền trong đảng đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đã bị truất phế. Hiện có các phần tử mới trong số cầm quyền, một lần nữa đi theo con đường tư bản.

Chúng tôi định đi thăm Sashi. Nhưng vì thời tiết xấu, chúng tôi đã phải hủy bỏ chuyến đi. Bây giờ, cũng tốt nếu ông có thể đi thăm Đại Trại. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, đồng chí Trần Vĩnh Quý (1) đứng vững lập trường vì ông ấy luôn tôn trọng "quyền sở hữu công cộng". Đó là một trong những đặc điểm của Đại Trại. Đại Trại không phát triển về công nghệ, nhưng phát triển các hoạt động chính trị. Đội ngũ sản xuất do đồng chí Trần Vĩnh Quý dẫn đầu trong 14 năm qua chỉ vay tiền nhà nước một lần vào năm 1953. Nhưng đã trả lại tiền vay ngay trong năm sau. Đại Trại đã không xin cứu trợ thiên tai từ nhà nước mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai. Nhóm sản xuất không quá 400 người. Các điều kiện tự nhiên ở đó không tốt. Nhưng mỗi năm, Đại Trại đóng góp từ 100 đến 150 tấn lương thực cho nhà nước. Nếu hình mẫu này nhân lên toàn quốc, hàng năm nhà nước sẽ có khoảng 4 tỷ tấn lương thực.

Điểm đặc trưng nhất của Đại Trại đó là, nó đã phá hủy các khái niệm về chủ nghĩa tư nhân và duy trì chủ nghĩa công xã theo tư tưởng Mao Trạch Đông. Đây là một ví dụ. Đồng chí Mao hỏi tôi liệu thật như vậy không. Tôi trả lời có. Sau đó đồng chí Mao đến thăm Đại Trại và thừa nhận những gì Đại Trại đã làm.

Trong một đơn vị sản xuất như Đại Trại, có từ 300 đến 1000 lao động, vấn đề quyền sở hữu tư nhân và công cộng vẫn còn tồn tại và đặt ra những vấn đề phức tạp. Vì vậy, ông có thể hình dung phạm vi của vấn đề trên toàn quốc, có khoảng 800.000 - 900.000 đơn vị sản xuất. Có khoảng 200 hộ gia đình trong mỗi đơn vị sản xuất, và khoảng 160 triệu hộ gia đình trên cả nước. Cũng có một số lớn nhà máy ở các thành phố. Vì vậy, nếu không có một phong trào quần chúng, trong đó có người dân tham gia, không có cách nào để xác định ai là người chấp nhận con đường tư bản chủ nghĩa, ai là nhà tư bản.

Chúng ta phải dựa vào các lực lượng nào để huy động nông dân và công nhân? Nếu chúng ta dựa vào các thành viên của Đảng và Liên đoàn Thanh niên, họ sẽ sử dụng các cơ chế của hệ thống thứ bậc. Và làm như vậy, các quan chức có thể che giấu những việc làm sai trái của nhau, do đó các mục tiêu chỉ đạt được một nửa.

Trần Nghị: Và nếu các quan chức xấu này không bị phát hiện và bị lật đổ, họ sẽ hình thành một tập đoàn những con người xấu xa mới.

.......

Chu Ân Lai: Vì vậy, chúng ta giải quyết vấn đề bằng cách huy động sinh viên và thanh niên. Họ năng nổ và dễ tiếp thu các tư tưởng của Mao Trạch Đông. Ngày 1 tháng 6 năm 1966, đồng chí Mao cho phát hành bài viết của ông trên Big Character Newspaper, thuộc Đại học Bắc Kinh, nên đã huy động học sinh và thanh thiếu niên cả nước. Sáng kiến ​​này của đồng chí Mao đã được sự chấp thuận của Ủy ban Trung ương. Nhưng đồng chí Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì cách làm việc cũ. Họ đã gửi các đơn vị công tác xuống các tỉnh.

Kết quả là gì? Tại những nơi mà các lãnh đạo đã bị nhân dân sa thải, các đơn vị làm việc nắm quyền kiểm soát tất cả mọi thứ, mà không biết ai là người tốt, ai là người xấu trong số các quan chức bị sa thải. Hơn nữa, các đơn vị làm việc lặp đi lặp lại một cách làm việc cũ, chẳng hạn như từ chối dựa vào nhân dân. Người dân không đồng ý, nhưng bị các đơn vị làm việc áp bức, những người này nói rằng, chống lại họ là chống lại Ủy ban Trung ương và Mao Chủ tịch. Vì vậy, phản đối càng gia tăng quyết liệt hơn. Do đó, tình hình là quần chúng – nghe theo lời kêu gọi của Mao Chủ tịch– đã đứng lên, nhưng cùng lúc, lãnh đạo mới, thay thế chính đảng, đã đàn áp họ. Ở cấp trung ương, Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình chịu trách nhiệm. Họ đàn áp dân chúng, chia dân thành ba loại: tả khuynh, trung dung và hữu khuynh.

Bất cứ ai phê bình các đơn vị làm việc đều thuộc nhóm hữu khuynh, nghĩa là, phản động, do đó bị sách nhiễu, thậm chí bị bỏ tù. Chưa đầy hai tuần sau khi áp dụng phương pháp của các đơn vị làm việc, trên cả nước xuất hiện một phong trào phản đối những điều đồng chí Mao đề xuất ban đầu. Trong tháng 6 và tháng 7, chưa đầy 50 ngày, đã có đàn áp ở tất cả các trường học và trường đại học, chống lại những người chỉ trích lãnh đạo. Tình trạng này xác nhận điều mà Mao Chủ tịch đã nói những năm trước: những sai lầm của ai đó ở cấp Trung ương mắc phải, có thể trở thành sai lầm của cả nước do cơ chế phân cấp cho phép sự phục tùng mù quáng. Điều này cũng giúp giải thích tại sao Khrushchev có thể nắm chính quyền ở Liên Xô.

Khi đồng chí Mao biết được tình hình này, ngay lập tức ông trở về Bắc Kinh. Và sau khi điều tra cho thấy những gì đang diễn ra một cách rõ ràng, ông đã quyết định rút các đơn vị làm việc và khởi động một cuộc cách mạng văn hóa từ dưới lên trên để cho quần chúng tự giải phóng chính họ. Ông triệu tập Hội nghị lần thứ 11 với sự tham dự của tất cả những người đứng đầu tỉnh ủy. Hội nghị này đã chỉ trích Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình về những sai lầm của họ. Liên quan đến Hội nghị này, đồng chí Mao đã cho phát hành một bài viết về nhân vật lớn khác (another big-character article), và đồng chí Trần Bá Đạt (2) đọc báo cáo, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị được mở rộng. Không có biện pháp nào khác được thực hiện. Quyết định 16 điểm và một tuyên bố về Hội nghị sau đó đã được ban hành.

Ngày 18 tháng 8 năm 1966 đồng chí Mao đón tiếp các đại diện của Hồng vệ binh. Sau những sự kiện này, phong trào Hồng vệ binh phát triển trên cả nước, đầu tiên trong các trường học và các trường đại học, sau đó lan ra trên toàn xã hội.

Lúc đó, lãnh đạo các cấp thụ động. Hầu hết các Bí thư Đảng ủy trong tất cả 28 tỉnh, thành phố thường tham gia vào các cuộc cách mạng và chiến tranh. Họ thường dựa vào dân. Nhưng sau khi hòa bình lập lại, sau khi họ lên nắm quyền, họ e ngại người dân.

Trần Nghị: Khi người dân chỉ trích họ, họ đàn áp nhân dân.

Chu Ân Lai: Khi chưa nắm quyền thì họ dựa vào nhân dân. Nhưng khi họ lên nắm quyền, họ biến thành quyền của riêng họ và họ sợ bị chỉ trích, bị mất quyền. Trong tháng 8 và tháng 9, Đảng ủy thuộc các cấp tỉnh, thành phố đã bị Hồng vệ binh tấn công. Tổng Bí thư ở các cấp, ở mức độ khác nhau, đều rất sợ.

Vi Quốc Thanh (3): Tất cả đều sợ hãi.

Chu Ân Lai: Điều này cho thấy, họ cảm thấy cách mạng hóa cuộc sống của người khác thì dễ dàng, nhưng khó hủy bỏ tư nhân hóa các đặc quyền của họ.

Tháng 10 năm 1966, Ủy ban Trung ương đã triệu tập một cuộc họp khác. Câu hỏi bây giờ đã rõ ràng dựa trên các vấn đề lý thuyết. Cuộc họp toàn thể trước đó chỉ đề cập đến một cuộc đấu tranh giữa hai phe. Nhưng tại cuộc họp này, hai phe đã được xác định, một bên là phe cách mạng và vô sản và phe kia là phản động và tư bản.

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các phe phái khác nhau, dù là tư sản hay vô sản, vẫn có thể có đế quốc là kẻ thù chung. Nhưng hiện nay, trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, các phe khác nhau, thiếu vắng một kẻ thù chung, một cách tự nhiên trở thành đối kháng.

Hồng vệ binh cảm thấy dễ dàng hấp thụ tư tưởng của Mao Trạch Đông và phe cách mạng - vô sản, nên họ chỉ trích phe phản động - tư bản. Trong khi đó, một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo ở cấp bộ và tỉnh, tổ chức các lực lượng riêng để tự bảo vệ. Các đơn vị này là đơn vị bán quân sự (nửa quân sự) giữa các nhóm công nhân và bảo thủ trong số các sinh viên. Đồng chí Mao đã đề cập đến họ. Các nhà lãnh đạo này phải sử dụng đến chủ nghĩa vật chất, mua người khác bằng tiền và cùng lúc tạo ra những khó khăn về kinh tế, kịch liệt phản đối phe cách mạng vô sản. Hồng vệ binh bảo vệ các phe đúng đắn một cách mạnh mẽ, giới thiệu phong trào của họ tới toàn xã hội, đặc biệt tới các văn phòng chính phủ và tới các vùng nông thôn và họ nhận được sự ủng hộ của dân chúng.

Như đồng chí Mao Trạch Đông đã đề cập, các lực lượng cách mạng ở Thượng Hải phát triển từ năm 2000 [người] thành một triệu. Họ sau đó chuyển sang giai đoạn thứ hai: cướp chính quyền. Phong trào càng đi sâu hơn, thì càng có nhiều các nhà lãnh đạo tư bản bị cô lập.

Từ đầu năm nay, mục tiêu của cuộc đấu tranh là cướp chính quyền, bằng cách kết hợp các lực lượng nhân dân cách mạng, cán bộ cách mạng, và đại diện các lực lượng vũ trang. Họ tố cáo bất kỳ mối quan hệ nào với các nhà lãnh đạo tư bản chủ nghĩa, thành lập các ủy ban cách mạng, các chính phủ lâm thời, trong các văn phòng chính phủ và các nhà máy. Vùng nông thôn đang bận rộn với sản xuất nông nghiệp, do đó, việc cướp chính quyền chưa bắt đầu.

Đồng chí Mao, các đồng chí khác, và tôi tin rằng, Đại Cách mạng Văn hóa trước tiên phải dựa vào quần chúng, vì sau 17 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, họ đã được giáo dục, trình độ kiến ​​thức đã được nâng cao và tuyệt đại đa số chấp nhận con đường chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chúng tôi tin rằng Quân Giải phóng [Nhân dân] sẽ hỗ trợ chúng ta, bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và cuộc cách mạng vì họ là con cái của người dân và họ được giáo dục bằng tư tưởng Mao Trạch Đông. Chúng tôi cũng tin rằng đa số các cán bộ của chúng tôi tương đối tốt. Cuối cùng, chúng tôi sẽ có thể đoàn kết hơn 95% cán bộ và nhân dân chúng tôi.

Dĩ nhiên, cần thời gian để tiêu diệt "chủ nghĩa cá nhân" và thiết lập "chủ nghĩa công xã" và tạo ra đại đoàn kết. Điều này cũng phải được thực hiện nhiều lần và không chắc là thuận buồm xuôi gió. Đó là lý do tại sao đồng chí Mao tiên đoán rằng xu hướng chính của phong trào sẽ rõ ràng giữa tháng 2 và tháng 5 trong năm nay và kết quả của phong trào sẽ được nhìn thấy giữa tháng 2 và tháng 4 năm tới.

Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng một khi quần chúng được giáo dục và giác ngộ, một khi họ được trang bị những tư tưởng của Mao Trạch Đông, sức mạnh của họ là vô hạn. Chỉ riêng năm ngoái, sản lượng sản xuất rất cao, vượt quá định mức tiêu chuẩn, đặc biệt trong nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải. Các hoạt động trong năm nay tập trung vào việc nắm quyền và tình hình sẽ phức tạp hơn. Một mặt, chủ nghĩa bè phái có thể thấy trong các tổ chức quần chúng, do đó khó khăn hơn để đạt được sự thống nhất cao. Và mặt khác, các cán bộ cách mạng, những người bị lên án thuộc tư bản chủ nghĩa và đứng về phía người dân, giờ muốn quay trở lại chức vụ của họ trước đây. Chúng tôi không thể khôi phục các chức vụ của họ, bởi vì nếu chúng tôi làm như vậy, thực tế là chúng tôi khôi phục lại hệ thống cũ. Do đó chúng tôi phải đấu tranh với cả hai xu hướng.

Võ Nguyên Giáp: Hai xu hướng đó là gì?

Li Fuxian: Một là xác nhận hoàn toàn và hai là từ chối hoàn toàn.

Chu Ân Lai: Một xu hướng trong quần chúng là tán thành việc từ chối hoàn toàn. Họ cho rằng tất cả mọi thứ thuộc hệ thống cũ cần bị phá bỏ. Và xu hướng khác trong các cán bộ là ủng hộ xác nhận hoàn toàn, phục hồi toàn bộ, và liên minh tất cả.

Còn có một vấn đề quan trọng, cụ thể là vai trò của các lực lượng vũ trang. Các lực lượng vũ trang phải giúp đỡ người dân trong sản xuất và cách mạng, giúp họ giành chính quyền. Thêm vào đó, các lực lượng vũ trang phải cung cấp huấn luyện quân sự trong các trường học, văn phòng, và các nhà máy. Do đó, nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang rất nặng nề. Đã có các cuộc họp của các lực lượng vũ trang, và một số cuộc họp đang diễn ra để thảo luận về những nhiệm vụ đó.

Chúng tôi thấy có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin rằng những khó khăn này có thể được khắc phục bằng cách vận động nhân dân. Trọng tâm của công tác vận động là tuyên truyền sự khác nhau giữa hai phe, cụ thể là phe cách mạng vô sản và phe tư bản phản động. Để tuyên truyền, chúng ta phải nêu gương.

Kể từ khi chúng tôi nói chuyện với Hồ Chủ tịch ở Hàng Châu hồi tháng 5 và tháng 6 năm ngoái (1966) và đặc biệt là sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 hồi tháng 8 năm ngoái, tình hình đã thay đổi nhiều, với những diễn biến lớn. Phong trào này đã phát triển theo chiều sâu, công chúng đã được huy động, một số điển hình đã được nghiên cứu, và bản chất của các vấn đề đã được giải quyết.

Chúng tôi đã đưa ra trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, đặc biệt là các hồ sơ về những sai lầm của Lưu Thiếu Kỳ trong quá khứ, để công chúng chú ý. Trong 20 năm qua, những suy nghĩ của Lưu Thiếu Kỳ đã trở thành phản động. Các công trình mà ông ta đã viết, những tài liệu mà ông ta khởi xướng, tất cả đều cho thấy ông ta phản đối đường lối của Đảng và chống lại tư tưởng của Mao Trạch Đông.

Tôi đã nói với các ông một số vấn đề này trên máy bay. Lưu [Thiếu Kỳ] cũng phạm phải những sai lầm trong quan hệ quốc tế. Thực tế, ông ta đã tiến hành chính sách một quốc gia lớn, một đảng lớn, mặc dù qua lời nói, ông ta giả vờ chống đối chính sách này. Các ông có thể cảm nhận và phát hiện sai lầm này trong chuyến thăm Việt Nam của ông ta hồi năm 1963. Dưới sự lãnh đạo của Lưu [Thiếu Kỳ], Bành Chân và Đặng Tiểu Bình cũng có hành vi này, và họ không tôn trọng sự bình đẳng giữa các đảng anh em.

Chúng tôi chưa tìm thấy hết tất cả các lỗi lầm cụ thể của họ. Nhưng những sai lầm của Lưu [Thiếu Kỳ] hiện nay đã rõ. Ông ta đang thực hiện chủ nghĩa Sô Vanh trong quan hệ với các đảng anh em và chủ nghĩa bại trận trong quan hệ với Sukarno. Các ví dụ về những sai lầm loại này rất nhiều. Vấn đề là: những sai lầm này sẽ ảnh hưởng đến uy tín và sự lãnh đạo của đảng chúng tôi? Câu trả lời của chúng tôi là không. Phát hiện những sai lầm và loại bỏ chúng sẽ làm cho đảng mạnh hơn. Và chúng tôi thấy rõ hơn rằng người dân đại diện cho một lực lượng sáng tạo.

Chúng tôi muốn nói với các ông một vấn đề khác mà chúng tôi hiện đang đối mặt. Trước khi lên nắm quyền, đảng của chúng tôi đã hoạt động trong các môi trường khác nhau và các đảng viên đã được tuyển dụng từ các nguồn khác nhau. Do đó, khó phát hiện những kẻ phản bội trong nội bộ đảng. Sau khi chiến thắng, dưới sự lãnh đạo của Lưu [Thiếu Kỳ] và Đặng [Tiểu Bình], các cơ quan tổ chức đảng còn e ngại sàng lọc các cán bộ của chúng tôi. Bây giờ, khi các Hồng vệ binh đã được huy động, nhiều tài liệu đã được tìm thấy, liên quan đến hành vi của nhiều cán bộ trong quá khứ. Một số nhà lãnh đạo phải được thay thế bởi vì các lỗi lầm trong quá khứ của họ.

Một câu hỏi được đặt ra: kiểm tra quá khứ sẽ cản trở sự phát triển của đảng? Câu trả lời của chúng tôi là không, cho thấy, đảng có một chính sách đúng để vận động nhân dân.

Như ông đã biết, một khi người dân tham gia chiến tranh nhân dân, sẽ tiến hành cuộc cách mạng, quét đi tàn dư của hệ thống cũ, ngăn chặn chủ nghĩa xét lại ra đời và ngăn chặn chủ nghĩa tư bản hồi phục. Lịch sử ĐCS Trung Quốc đã chứng minh điều này. Các nhà lãnh đạo hư hỏng của ĐCS Trung Quốc trước đây đã không ngăn được sự thành công của Cách mạng Trung Quốc.

Người sáng lập  ĐCSTQ, ông Trần Độc Tú (4), sau này trở thành một người theo phái Troskist  và là kẻ phản bội. Sau đó, Cù Thu Bạch (5) rời khỏi đảng khi ông ta bị bắt và bị giam ở Giang Tây.Hướng Thiên Phát (Xiang Zhongfa) (6) và Lý Lập Tam (7) cũng mắc sai lầm: người đầu (Hướng Thiên Phát) đã phản bội đảng, nhưng cuối cùng đã bị kẻ thù giết chết, và người sau (Lý Lập Tam) vẫn giữ quan điểm không đúng đắn. Vương Minh (8) là tệ nhất. Ông ta hiện đang cư trú tại Moscow và được Liên Xô sử dụng tấn công Trung Quốc. Trước khi đào ngũ, Vương Minh đã viết các bài báo chống ĐCS Trung Quốc dưới một bút danh.

Trương Văn Điền (Zhang Wentian) (9) cũng là một trường hợp có liên quan: sau Hội nghị Tuân Nghĩa (ngày 15-18 tháng 1 năm 1935], đồng chí Mao nên được bầu vào chức vụ chủ tịch ĐCSTQ. Nhưng là một người khiêm tốn, đồng chí Mao đề nghị Trương vào chức chủ tịch. Trương đã nắm giữ chức vụ này trong 10 năm cho đến Quốc hội lần thứ 7, bầu đồng chí  Mao vào chức vụ đó. Năm 1959, Trương tham gia vào nhóm chống Đảng, gồm Bành Đức Hoài và Hoàng Khắc Thành (10). Ba mươi hai năm trong lịch sử 45 năm của ĐCS Trung Quốc, tức là trước hội nghị Tuân Nghĩa, ĐCSTQ đã bị các nhà lãnh đạo sai lầm dẫn dắt. Tuy nhiên, Cách mạng Trung Quốc đã thành công. Tình hình đã khác dưới sự lãnh đạo của đồng chí Mao Trạch Đông và đồng chí Lâm Bưu là người kế nhiệm.

Trong một bối cảnh lớn hơn, phong trào Cộng sản quốc tế kể từ khi Marx, Engels, và Lenin cũng đã bị các nhà lãnh đạo sai lầm dẫn dắt. Tuy nhiên, thực tế này đã không ngăn các đảng cách mạng phát triển. Do đó, yếu tố quyết định là chính sách đúng đắn của mỗi bên, như trong chiến tranh nhân dân của các ông. Cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng tôi được thực hiện trong trường hợp không đổ máu, cũng đã chứng minh điều này.

Ghi chú:

1. Trần Vĩnh Quý: là một nông dân từ Đại Trại, một ngôi làng miền núi cằn cỗi và nghèo nàn ở tỉnh Sơn Tây. Trong thập niên 1960, Đại Trại và Trần Vĩnh Quý trở thành mô hình của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa Trung Quốc ở nông thôn. Sau này ông Trần trở thành ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ và là Phó Thủ tướng Trung Quốc.

2. Trần Bá Đạt: là người đứng đầu "Nhóm Cách mạng văn hóa", và là ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ.

3. Vi Quốc Thanh: lúc đó là người đứng đầu Ủy ban Cách mạng Trung Quốc tỉnh Quảng Tây, giáp biên giới Việt Nam. Đầu thập niên 1950, ông đứng đầu nhóm quân đội Trung Quốc cố vấn cho Việt Nam.

4. Trần Độc Tú: là một trong những người sáng lập đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng sau đó bị trục xuất khỏi đảng vì "những sai lầm hữu khuynh" của ông.

5. Cù Thu Bạch: là lãnh đạo ĐCSTQ cuối thập niên 1920, đã phạm "những sai lầm tả khuynh".

6. Hướng Thiên Phát: được bầu làm Tổng Bí thư ĐCSTQ năm 1928 phần lớn là nhờ lý lịch công nhân của ông. Sau bị Quốc Dân đảng bắt và xử tử.

7. Lý Lập Tam: là một lãnh đạo ĐCSTQ đã phạm "những sai lầm tả khuynh" đầu thập niên 1930.

8. Vương Minh: còn gọi là Trần Thiệu Vũ, là lãnh đạo ĐCSTQ, từng lãnh đạo Đảng sau khi trở về từ Moscow vào đầu thập niên 1930. Theo lịch sử chính thức của ĐCSTQ, ông đã phạm cả hai đều sai lầm "tả khuynh" và "hữu khuynh".

9. Trương Văn Điền: là một cựu lãnh đạo ĐCSTQ đã bị thanh trừng cùng với Bành Hoài Đức năm 1959.

10. Hoàng Khắc Thành: là Tham Mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc trước khi bị thanh trừng cùng với Bành Hoài Đức vào năm 1959.

Nguồn: Wilsoncenter.org

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn