Phê phán và siêu nhân

(Nietzsche qua diễn giải của Deleuze)

Nguyễn Thị Từ Huy

Phê phán: biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực.

imageDeleuze nhận thấy rằng, đối với Nietzsche, triết học phải tiến hành công việc phê phán, triết học trở thành triết học phê phán. Nietzsche muốn biến nó thành nhát búa, cái nhát búa cao thượng. Nếu triết học không thực hiện được nhiệm vụ đó nó sẽ chết. Và triết gia chính là kiểu người phê phán. Ông ta phải luôn chống lại thời đại mình, phải luôn phê phán thế giới hiện tại. Ông ta có trách nhiệm phải làm cho những người cùng thời cảm thấy buồn phiền, vì ông ta không hợp thời, không hợp với thời đại của mình, nói cách khác là phải đi trước thời đại[1].

Vậy phê phán là gì? Ngay từ những trang đầu tiên của cuốn Nietzsche và triết học, Deleuze xác định rõ quan niệm của Nietzsche về sự phê phán: “Phê phán không phải là phản ứng của sự phẫn hận mà là biểu hiện tích cực của một lối sống tích cực: tấn công nhưng không trả thù (3)[2] Theo tiêu chí đánh giá của Nietzsche, phê phán là một thái độ sống tích cực, một yếu tố tích cực thúc đẩy cuộc sống phát triển. Triết học có tính phê phán, nhưng phê phán không phải là độc quyền của các triết gia, nó là một phương thức tồn tại của những ai muốn sống một cách tích cực. Do đặc trưng của nó, phê phán có thể có tính xâm hấn, có thể “độc ác”, nhưng đó là sự độc ác thần thánh.

Phê phán đương nhiên không bao hàm sự chửi bới và mạt sát. Bởi vì, theo Nietzsche, sự khiêu khích hay xâm hấn của người phê phán là có tính thần thánh. “Cái búa” mà người phê phán sử dụng là một cái búa cao thượng. Người phê phán không “tư duy một cách thấp kém”, không bị phẫn hận chi phối. Trong hệ từ vựng của Nietzsche, những từ mà ông căm ghét, ghê tởm nhất là: ti tiện, hèn hạ. Theo hình dung của ông, những gì ti tiện, hèn mọn, vẫn sẽ tiếp tục tồn tại, dù chúng có bị lên án, đả kích tới mức độ nào đi nữa, nếu như chúng không được thay thế bằng một hiện trạng khác, bằng một thực tế khác, thực tế của những gì cao thượng, cao quý. Tình hình còn bi quan hơn nếu những cái ti tiện hèn hạ này lại bị đả kích bởi những cái ti tiện hèn hạ khác. Trong trường hợp đó, không hề có phê phán, theo nghĩa mà Nietzsche muốn. Và sẽ chỉ là một ảo tưởng thảm hại nếu tin rằng có thể xoá bỏ sự ti tiện khi dùng sự ti tiện này để lên án sự ti tiện kia. Đó không phải là phương thức của kẻ phê phán thực sự.

Kẻ phê phán tấn công và có thể gây đau đớn nhưng không hèn hạ. Phê phán là “một sự độc ác thần thánh mà không có nó ta không thể hình dung được sự hoàn thiện” (3). Như vậy phê phán là yếu tố không thể thiếu nếu ta muốn đạt tới sự hoàn thiện. Không thể thiếu được hiểu theo hai nghĩa: phải biết tiến hành sự phê phán, đồng thời phải biết chấp nhận sự phê phán. Kẻ có khả năng phê phán là kẻ mạnh. Kẻ có khả năng chấp nhận sự phê phán cũng là kẻ mạnh. Thực ra nếu kẻ mạnh có thể chấp nhận sự phê phán của người khác, thì là vì trước tiên anh ta biết tự phê phán chính mình. (Chúng tôi sẽ trở lại với vấn đề này khi đề cập đến hiện tượng siêu nhân ở Nietzsche.) Kẻ yếu hoặc không thể tiến hành sự phê phán, hoặc không thể chấp nhận sự phê phán, hoặc rơi vào cả hai trường hợp.

Phê phán: sáng tạo và niềm vui

Deleuze chỉ ra rằng, theo Nietzsche, Kant thiếu tư tưởng phê phán, vì Kant «không khám phá được cái thẩm quyền thực sự có tính hoạt năng, có khả năng thực hiện sự phê phán” (123) Ở Kant, sự phê phán mang tính thỏa hiệp và nó không giúp con người vượt thoát khỏi cái sức mạnh phản ứng tồn tại trong con người. Với các công trình về sự phê phán, Kant đã trở thành triết gia đầu tiên đề cập đến tính toàn diện và tích cực của phê phán, đồng thời là người đề xuất quan niệm về sự phê phán nội tại. Tuy nhiên, mâu thuẫn của Kant là ở chỗ, khi đòi hỏi lý tính phải phê phán chính nó[3], ông đã biến phê phán thành ra vừa là tòa án, vừa là bị cáo, vừa là thẩm phán, và Kant đã không thực hiện được chương trình phê phán nội tại của ông, do thiếu một phương pháp cần thiết. Nietzsche mới là người xác lập được nguyên tắc này, đó chính là ý chí quyền lực. “Chỉ duy nhất ý chí quyền lực mới có tư cách là nguyên tắc phát sinh và nguyên tắc phả hệ học, có tư cách là nguyên tắc lập pháp, chỉ có nó mới có năng lực thực hiện sự phê phán nội tại” (127) Với Nietzsche, triết gia trở thành nhà lập pháp, thành người ra lệnh và ban bố luật. Và lập pháp được Nietzsche hiểu là sáng tạo các giá trị. Triết gia là nhà lập pháp, vì ông ta phá bỏ các giá trị cũ và tạo ra các giá trị mới. Thực ra ý tưởng về triết học lập pháp là ý tưởng của Kant, nhưng khi lấy lại và phát triển ý tưởng này, Nietzsche lại xem Kant là một “công nhân triết học”. Bởi vì, đối với Kant, những gì mang tính lập pháp thuộc về các quan năng giác tính và lý tính. Và việc sử dụng các quan năng này lại “trùng hợp một cách lạ lùng với các giá trị đã được thiết lập” (129). Trong khi đó Nietzsche cổ xúy cho việc đập bỏ các giá trị đã được thiết lập để tạo ra các giá trị mới. Deleuze nhấn mạnh điều này nhiều lần trong cuốn sách: “Yếu tố sáng tạo ra ý nghĩa và giá trị […] được xác định như là yếu tố phê phán” (119). Và yếu tố sáng tạo ra ý nghĩa và giá trị chính là ý chí quyền lực. Deleuze đã giải thích tại sao triết học về sức mạnh và ý chí quyền lực của Nietzsche không thể tách khỏi sự phê phán. Lý thuyết về các kiểu sức mạnh không những xác định các chất của sức mạnh như là hoạt năng hay phản ứng, mà còn xác định cả các phương thức quan hệ giữa các sức mạnh: kiểu hoạt năng hình thành khi các sức mạnh hoạt năng chiến thắng các sức mạnh phản ứng, và với kiểu phản ứng thì ngược lại, đó là sự chiến thắng của các sức mạnh phản ứng. Mỗi kiểu có một phẩm chất riêng: đối với Nietzsche, các phẩm chất cao cảcao quý gắn với sự vượt trội của các sức mạnh hoạt năng, biểu thị ái lực của sức mạnh hoạt năng với khẳng định. Trái lại, thấp kémđê hèn biểu thị sự chiến thắng của các sức mạnh phản ứng, và ái lực của sức mạnh phản ứng với cái phủ định. Và sự phê phán có khả năng xác định sự phân bậc các giá trị, có khả năng xác định rằng chúng cao quý hay hèn hạ. Tuy nhiên Deleuze đặt câu hỏi là tại sao có thể nói cái cao quý “tốt hơn” hay “có giá trị hơn” cái thấp hèn. Và ông tìm thấy câu trả lời ở sự quy hồi vĩnh cửu. Theo ông, chỉ có những gì mang tính khẳng định mới có thể quy hồi. “Sự quy hồi vĩnh cửu chuyển hóa cái phủ định […] nó chuyển cái phủ định sang phía khẳng định, nó biến phủ định thành một quyền lực khẳng định” (120). Và sự phủ định chuyển thành khẳng định, đó chính là sự phê phán. Phê phán chính là “sự phá hủy trở thành hoạt năng”. Vì lẽ đó mà Deleuze có thể kết luận rằng: “phê phán là sự phá hủy trong tư cách là niềm vui, là sự xâm hấn của kẻ sáng tạo. Kẻ sáng tạo các giá trị không tách biệt với kẻ hủy diệt, không tách biệt với một tội đồ hay một người phê phán: phê phán các giá trị đã được thiết lập, phê phán các giá trị phản ứng, phê phán sự hèn hạ.” (120-121). Như vậy ta hiểu rõ hơn tại sao, trong quan niệm của Nietzsche, một kẻ phê phán lại đồng thời là kẻ sáng tạo, và anh ta cũng sẽ bị xem là một tội đồ, một kẻ hủy diệt, vì đã dám phá vỡ các giá trị hiện hành, dám chống lại sự hèn hạ.

Theo cách hiểu của Deleuze, sáng tạo và niềm vui là hai nguyên tắc của triết học Nietzsche, triết học về ý chí. Đương nhiên, ta hiểu ngay rằng ông muốn nói tới Ý chí quyền lực. Deleuze chiết tự khái niệm để tạo nên phương trình này: muốn = sáng tạo, ý chí = niềm vui. Trái với cách hiểu sai mà người ta có thể có về khái niệm “ý chí quyền lực” của Nietzsche, Deleuze chỉ ra rằng ý chí quyền lực không phải là ý chí muốn có quyền lực, không phải là sự ép buộc, không phải là sự chống đối. Ngược lại, ý chí quyền lực, đó là ý chí giải phóng, “đó là học thuyết đích thực về ý chí và về tự do” (117), đó là sứ giả của niềm vui, là bản thân sự vui vẻ. Niềm vui sáng tạo ra các giá trị mới. Khái niệm “ý chí quyền lực” sẽ được phân tích sâu hơn ở một dịp khác, ở đây chúng tôi chỉ xét ý chí quyền lực trong quan hệ với sự phê phán.

Phê phán: biểu hiện của mong muốn tìm kiếm sự thật

So sánh Nietzsche và Kant, Deleuze đi tới kết luận rằng sở dĩ Kant giáo điều là vì ông không quan tâm đến giá trị của sự thật, không đặt câu hỏi về kẻ tìm kiếm sự thật. Cũng như những triết gia cổ điển khác, Kant cho rằng bản chất của hành động tư duy là tìm kiếm sự thật, kẻ tư duy yêu sự thật, muốn đạt tới sự thật. Nhưng sự thiếu hụt trong toàn bộ lập luận đó là các triết gia đã không quan tâm đến vấn đề: “ai là kẻ tìm kiếm sự thật?” Nietzsche đã bổ sung sự thiếu hụt này. Ông xác định nhiệm vụ của mình là “đặt lại vấn đề về giá trị của sự thật” (131) và đặt câu hỏi: “… cái gì trong con người chúng ta muốn tìm kiếm sự thật?” (132) Và Nietzsche còn tự cho rằng mình là người đầu tiên dám nêu vấn đề “không-sự thật”, dám nêu vấn đề hoài nghi về ý muốn sự thật và hoài nghi niềm tin vào sự thật.

Khái niệm sự thật khiến thế giới tách ra làm hai: có một thế giới của hiện tượng và một thế giới thực sự, đối tượng tìm kiếm của những con người thành thực, tức là những con người muốn sự thật. Người tìm kiếm sự thật giả định rằng có một thế giới đích thực, bị che phủ bởi một thế giới của những “cái bề ngoài”. Cần phải gạt bỏ cái vỏ bọc lừa dối bên ngoài để đi vào thế giới thực sự. Và khi phân chia thế giới thành hai loại như vậy, khi cố đi tìm sự thật về cái thế giới không hiển hiện, kẻ truy tìm sự thật hành động vì anh ta không muốn để cho cái bề ngoài lừa dối mình, “không muốn bị lừa dối, không để cho người ta lừa dối” (132). Và hơn nữa, anh ta không muốn lừa dối người khác, cũng không muốn tự lừa dối bản thân, “tôi muốn sự thật có nghĩa là tôi không muốn lừa dối, và ‘tôi không muốn lừa dối hiểu trong trường hợp đặc biệt là: tôi không muốn lừa dối bản thân tôi’” (132) Tuy nhiên, mong muốn sự thật theo cách này sẽ khiến cho nhận thức đối lập với đời sống. Vì nhận thức theo đuổi một đời sống như là nó muốn, chứ không phải đời sống đang hiện hữu. Theo Nietzsche, sự đối lập này là sự đối lập có nguồn gốc luân lý: con người chối bỏ thực tại để mơ mộng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, có đức hạnh hơn là cái thế giới đầy sai lầm trong đó anh ta đang tồn tại. Chính cái ước muốn đó khiến cho đời sống hiện tại của anh ta chỉ còn là một giai đoạn chuyển tiếp, một giai đoạn tạm thời để dẫn tới cái thế giới thực sự mà anh ta theo đuổi. Bằng cách đó anh ta khiến cho “đời sống từ bỏ chính nó và quay lại chống lại chính nó” (133). Anh ta phủ nhận đời sống đang có, dùng cái đời sống mà anh ta mơ ước để chống lại nó. Đấy là ý nghĩa của cụm từ  “đời sống chống lại đời sống”. Và thực chất đấy là quan điểm của chủ nghĩa khổ hạnh. Con người theo lý tưởng khổ hạnh chối bỏ đời sống vì một cái gì cao hơn đời sống. Lúc đó người ta không còn sống đúng nghĩa, mà là chịu đựng cuộc sống dưới hình thái phản ứng. Nietzsche chống lại quan niệm đó, chống lại cái quan niệm của nhận thức, luân lý và tôn giáo cho rằng cái chân, cái thiện và cái thần thánh là các giá trị cao hơn đời sống. Đối với Nietzsche, đời sống này chính là nơi tập hợp các giá trị tối cao, phải tìm các giá trị đó trong chính bản thân đời sống chứ không phải ở bên ngoài hay đằng sau nó. Con người có thể tìm thấy niềm vui, sự khinh khoái, và sáng tạo ngay trong chính cuộc đời này, tức là thực hành triết lý của Dionysos. Và để được như vậy cần thay thế lý tưởng khổ hạnh bằng lý tưởng sự thật. Cần trục xuất lý tưởng khổ hạnh ra khỏi ý chí sự thật. Cần đặt lại vấn đề về ý chí sự thật. Ý chí sự thật không còn tìm kiếm một sự thật cao hơn đời sống, hay một sự thật về một đời sống khác nữa. Nietzsche đề xuất một cách nhận thức khác, một quan niệm khác về sự thật, “một sự thật không tự giả định trước trong một ý muốn có cái thật, mà giả định một ý muốn hoàn toàn khác” (137).

Ý muốn hoàn toàn khác này là gì? Khi nghiên cứu Socrate, Nietzsche nhận thấy rằng, ở triết gia Hy Lạp cổ đại này, quan hệ giữa nhận thức và đời sống là quan hệ đối lập, nhận thức đối lập với đời sống, nhận thức biến tư duy thành một phương tiện phục vụ đời sống. Nietzsche trách Socrate ở hai điểm: ông đã “bắt đời sống phải phụng sự nhận thức” và “bắt tư duy phải phụng sự đời sống”. Nietzsche thay thế quan hệ phục tùng này bằng một quan hệ khác: nhận thức không còn đối lập với đời sống nữa mà nó khẳng định đời sống. “Đời sống sẽ là sức mạnh hoạt năng của tư duy, nhưng tư duy sẽ là quyền lực khẳng định đời sống. Cả hai cùng đi về một hướng, cái này kéo theo cái kia và phá vỡ các giới hạn, song hành trong nỗ lực sáng tạo phi thường. Tư duy có nghĩa là: khám phá, sáng tạo những khả năng mới của đời sống” (139) Thay vì đối lập nhau hay phục tùng nhau, giờ đây tư duy và đời sống cùng song hành để đạt tới mục đích cao nhất: sáng tạo những khả năng mới. Như vậy giữa tư duy và đời sống có một ái lực đẹp đẽ. Và khi xem ái lực này là bản chất của nghệ thuật, Nietzsche đã gắn kết tư duy, đời sống và nghệ thuật theo một logic mới. Nietzsche đã nhìn thấy trong nghệ thuật ý chí tìm kiếm sự thật của người nghệ sĩ. Nếu như Aristote, Kant, Schopenhaueur xuất phát từ vị thế của khán giả, từ kinh nghiệm của khán giả để tìm hiểu bản chất của nghệ thuật, thì Nietzsche với tinh thần phê phán và sáng tạo của mình, đã xuất phát từ vị thế của người nghệ sĩ để đánh giá nghệ thuật. Điều này giúp ông có một nhận thức mới về nghệ thuật. Nghệ thuật được xem là “yếu tố kích thích của ý chí quyền lực”, là “tác nhân kích thích của ý muốn” (140) Ý chí quyền lực của nghệ sĩ là gì? Đương nhiên không phải là ý chí hướng tới quyền lực, không phải là ý chí muốn có quyền lực để thống trị hay chế ngự kẻ khác. Mà đó là cái sức mạnh hoạt năng được dùng để khẳng định đời sống, cái sức mạnh hoạt năng được “dùng làm tác nhân kích thích cho sự khẳng định được chứa đựng trong chính bản thân tác phẩm nghệ thuật” (141) Tính hoạt năng của đời sống được biểu hiện trong nghệ phẩm như là quyền năng của cái giả. Đây là điểm thứ hai có tính cách mạng trong suy tư của Nietzsche về nghệ thuật. Tại sao lại là quyền năng của cái giả? Mà thậm chí quyền năng này lại được đẩy xa tới tận ý chí lừa dối? Ta sẽ hiểu nhầm Nietzsche nếu không nhìn thấy ý chí lừa dối này thực ra lại chính là con đường để đi tới sự thật. Thực ra quyền năng của cái giả của người nghệ sĩ là để chống lại lí tưởng khổ hạnh, chống lại cái quan niệm cho rằng thế giới này chỉ là cái bề ngoài, cần phải tìm kiếm một thế giới đích thực ở nơi khác. Deleuze nhận thấy rằng, trong quan niệm của Nietzsche, quyền lực của cái giả chính là quyền lực khẳng định cuộc sống, khẳng định giá trị của cuộc đời này, cuộc đời trong đó mỗi chúng ta đang sống. Vì thế, không còn cái bề ngoài, vì cái bề ngoài cũng tức là cái chiều sâu tiềm ẩn, cái bề ngoài cũng tức là sự thật. Sự thật được khẳng định trong chính cái bề ngoài, trong chính nghệ thuật. Lúc đó, sự thật trở thành “sự thực hành của quyền lực”, cần nhắc lại rằng đây là quyền lực khẳng định. Và Deleuze không ngại đúc kết thành công thức: “Ở Nietzsche, chúng ta, những nghệ sĩ = chúng ta, những người tìm kiếm tri thức hay tìm kiếm sự thật = chúng ta, những người sáng tạo những khả năng mới của cuộc sống.” (142)

Siêu nhân: sản phẩm của phê phán và là kẻ tiến hành phê phán

Kết quả của sự phê phán, theo hình dung của Nietzsche, là siêu nhân. Siêu nhân vừa là sản phẩm của phê phán, vừa là kẻ tiến hành phê phán. Deleuze phân biệt rõ trong quan niệm của Nietzsche có sự phân biệt giữa  con người có tính siêu nhân và siêu nhân. “Con người tương đối có tính siêu nhân” là một “kiểu người phê phán, con người với tư cách là kẻ muốn bị vượt qua, bị vượt lên.”(130) Kiểu người có tính siêu nhân này là cha ông, tổ tiên của siêu nhân. Zarathoustra kêu gọi đám đông đang nghe ông thuyết giáo hãy trở thành mẫu người có tính siêu nhân đó, theo ông đấy là điều tốt đẹp nhất mà họ có thể làm được, vì như thế họ tạo điều kiện cho sự hình thành của siêu nhân, tức là con người đã bị vượt qua, đã bị vượt lên. Deleuze chỉ rõ, đối với Nietzsche, “mục đích của phê phán: […] là siêu nhân, là con người bị vượt qua, bị vượt lên” (130) Ta có thể tìm thấy minh chứng xác thực cho nhận xét của Deleuze trong cuốn Zarathoustra đã nói như thế. Nietzsche đã viết như thế này: “Ta yêu kẻ nào làm việc và phát minh, để xây dựng nơi trú ngụ cho Siêu Nhân […] vì như thế là ước muốn chính sự suy tàn của mình”[4] Nơi trú ngụ của siêu nhân chính là trong những kẻ làm việc và phát minh, những kẻ muốn sự suy tàn của chính mình, những kẻ tự hủy diệt mình để vươn tới một hình thái cao hơn, hình thái của siêu nhân. Vậy là kẻ tự hủy diệt cũng chính là kẻ xây dựng, vượt lên con người chính là vượt lên bản thân mình. Phê phán là hành vi dẫn tới sự vượt lên đó, dẫn tới sự hình thành của siêu nhân. Và bất kỳ ai có khả năng tự phê phán, có khả năng tự hủy diệt mình đều mang trong mình siêu nhân, hay nói theo cách của Nietzsche, đều là nơi trú ngụ của siêu nhân.

Như vậy, sự phê phán tối thượng, sự phê phán đích thực có mục đích là để vượt lên và bị vượt lên. Bị vượt qua để phát triển sang một cấp độ cao hơn. Thế nên khi sự phê phán đích thực này được thực hiện, thì sẽ có siêu nhân như là kết quả mong đợi. Vì vậy, siêu nhân hoàn toàn không phải là con người có những năng lực siêu nhiên, thần thánh. Siêu nhân là con người có khả năng vượt lên và có khả năng để bị vượt lên. Khả năng vượt lên và bị vượt lên này gắn với khả năng tự hủy diệt. Cần phải hiểu rằng trong quan niệm của Nietzsche, sự tự hủy diệt, tự tiêu vong là một yếu tố tích cực, chỉ qua việc tự làm cho mình tiêu vong mà con người mới có thể bước qua một giai đoạn mới. Hiểu được điều này mới hiểu được vì sao Nietzsche có thể viết: “điều mà ta có thể yêu thương nơi con người là: con người là một sự chuyển tiếp và là một sự suy tàn. Ta yêu những kẻ nào chỉ biết sống bằng cách làm cho mình trầm một, diệt vong, vì họ đang bước qua bờ bến bên kia”[5] Khi tập trung làm sáng rõ điểm này, Deleuze đã góp phần “giải oan” cho Nietzsche ở một trong những vấn đề dễ gây hiểu lầm nhất trong tác phẩm của ông. Siêu nhân, qua lý giải của Deleuze, không phải là kẻ dẫm đạp lên người khác, không phải là kẻ thống trị những ai yếu hơn[6]. Trái lại, siêu nhân sở dĩ mạnh là vì biết vượt qua chính mình, và biết để cho người khác vượt qua mình, biết rằng mình chỉ là một giai đoạn “chuyển tiếp”, chỉ là một “sự suy tàn”, biết chấp nhận tự tiêu vong.

Siêu nhân còn là sự chiến thắng nỗi sợ hãi mà mỗi cá nhân đều có thể cất giấu trong sâu thẳm con người mình: sợ người khác giỏi hơn mình, sợ bị người khác lật đổ, sợ bị thay thế. Vì thế mà Cronos, sau khi giết cha là Uranos để chiếm ngôi vị cai quản thế gian, đã phải nuốt các con mình vào bụng, vì thế mà Dédale phải giết cháu mình là Talos[7], vì thế mà Ulysse, người anh hùng trí xảo phải sử dụng khía cạnh đồi bại của trí thông minh trác tuyệt của mình để hãm hại Palamède[8]. Lý thuyết siêu nhân của Nietzsche chính là lý thuyết về sự chiến thắng nỗi sợ hãi đó. Siêu nhân là những người biết vượt lên chính mình, cũng có nghĩa là biết để cho người khác vượt lên trên mình, vượt qua mình. Không những “để cho” mà còn biết “khuyến khích” người khác vượt lên mình, giỏi hơn mình. Deleuze đã chỉ ra cách diễn giải lạ lùng của Nietzsche về từ “philosophe”: ““Philosophe không có nghĩa là hiền nhân, mà có nghĩa là bạn của sự thông thái. Vậy mà, cần phải diễn giải từ “bạn” theo một cách lạ lùng: Zarathoustra nói rằng “bạn” luôn luôn là kẻ trung gian giữa “tôi” và “tôi” [je et moi], một người thúc đẩy tôi vượt lên chính mình và bị vượt lên để sống.” (7). Đấy là lý do vì sao đối với Nietzsche người bạn đích thực phải là một kẻ thù: «Bạn mi phải là kẻ thù sâu độc nhất của mi, chính lúc chiến đấu chống lại hắn, mi mới gần gũi mật thiết nhất với tâm hồn hắn”[9] Những người bạn trở thành kẻ thù của nhau, chống lại nhau là để có thể đi tới tận đáy sâu của tâm hồn nhau. Chống lại nhau, có nghĩa là phê phán lẫn nhau, phê phán một cách triệt để, tự lột trần trước mặt nhau. Những người bạn chống lại nhau là để bị vượt lên, và cùng vượt lên, đó là khi họ có khát vọng làm siêu nhân: «Mi không biết trang sức ăn vận đủ đối với bằng hữu: vì đối với hắn mi phải là một mũi tên và một khát vọng phóng về hướng Siêu Nhân. Mi đã có khi nào nhìn bạn mi say ngủ chưa – để biết rõ chân tướng của hắn? Lúc đó khuôn mặt bạn mi ra sao? Đấy chính là khuôn mặt của mi, được nhìn trong một tấm gương thô vụng, bất toàn. Mi đã có bao giờ nhìn bạn mi say ngủ chưa? Mi há không kinh hoàng khi nhìn thấy hắn như thế? Ồ bạn ơi, con người là một cái gì cần bị vượt qua.»[10] Đấy cũng là lý do tại sao sư tử lại phải trở thành đứa trẻ, tại sao đứa trẻ lại là giai đoạn cao nhất của tinh thần. Bởi vì đứa trẻ là biểu hiện của sự hồn nhiên, vô tư, vô vị lợi, đứa trẻ ở giai đoạn khi người ta dễ dàng chấp nhận người khác lớn hơn mình, giỏi hơn mình. Đứa trẻ cũng chính là sự khởi đầu. Quay trở về làm đứa trẻ để có thể bắt đầu một khởi đầu mới, để vượt lên và để bị vượt lên. Siêu nhân là như vậy: biết để cho người khác vượt lên trên mình sau khi đã tự mình vượt qua chính mình. Khẩu hiệu của Nietzsche: “hãy tự vượt mình”[11]. Khẩu hiệu này có lẽ bắt nguồn từ mệnh đề nổi tiếng của Socrate: “hãy tự biết mình”. Để có thể tự vượt mình phải tự biết mình. Và con đường, phương tiện để tự vượt mình chính là sự tự phê phán.

Nếu quan điểm của Nietzsche được áp dụng cho toàn bộ xã hội, ta có thể hình dung tới một viễn cảnh: khi tất cả các cá nhân trong một xã hội biết tự phê phán chính mình, thì đồng thời sự phê phán người khác cũng được thực hiện. Bởi vì trong chính mình có phần của người khác. Và như vậy, trong sự tự phê phán của mỗi cá nhân, toàn bộ xã hội cũng sẽ bị phê phán, và cái xã hội đó sẽ có cơ hội để bị vượt qua, tức là có cơ hội phát triển sang một hình thái mới. Chẳng phải Nietzsche nói rằng phê phán chính là sáng tạo các giá trị mới đó sao? Nhưng cái gì ngăn cản sự hình thành của siêu nhân? Có phải chăng vì sức mạnh phản ứng cấu thành bản chất của phần lớn nhân loại, chứ không phải sức mạnh hoạt năng?

Chúng ta tạm dừng vấn đề với câu sau đây, một câu có lẽ khiến cho Nietzsche trở nên khó hiểu, hay thậm chí khó chấp nhận, khó tha thứ nếu ta không đọc nó trong toàn bộ lập luận và trong cả quá trình triển khai phân tích của Deleuze: “Zarathoustra không hề có chút nghi ngờ gì ở đây: ông nói rằng chính sự hiểu biết của những người tốt, những người tuyệt vời nhất khiến ông cảm thấy khiếp sợ con người ; và đôi cánh của ông mọc lên từ chính sự khiếp sợ này”. (125) Có lẽ cần phải hiểu những người tốt, những người tuyệt vời ở đây là những người không làm tổn thương, họ giới hạn sự hiểu biết của mình ở những gì làm hài lòng, làm thỏa mãn người khác. Điều này giải thích tính chất thiếu thỏa mãn của “sự phê phán của người phân xử muốn mang lại hòa bình”, trong khi mà đối với Nietzsche, kẻ phê phán là kẻ gây hấn, kẻ hủy diệt và làm tổn thương vì dám đi tới tận sự thật, đó là kẻ “nhắm đến nhận thức thực sự về những gì có thể nhận thức” (125). Theo logic này, siêu nhân là kẻ dám làm tổn thương chính mình, dám đi đến tận cùng những sự thật khó chịu, những sự thật khó đối diện, khó thừa nhận của bản thân để đạt tới chỗ gây hấn và hủy diệt chính mình, từ đó nâng mình lên ở một mức độ cao hơn. Vậy, yếu tố giúp con người vượt lên và tự vượt lên, đó là phê phán và tự phê phán. Chúng ta thấy nhân loại đã áp dụng điều này cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Một dân tộc mạnh, một quốc gia mạnh không thể không biết đến giá trị của sự phê phán. Hay nói cách khác, nếu thiếu tinh thần phê phán, thiếu sự thực hành phê phán, thì một dân tộc, một quốc gia không thể phát triển một cách mạnh mẽ được. Đấy là lý do vì sao các dân tộc và các quốc gia phương Tây và các quốc gia được tổ chức theo mô hình phương Tây ưu tiên dành quyền cho sự phê phán, dành quyền cho mọi tiếng nói phản biện đến từ mọi tầng lớp trong xã hội.

Tp Hồ Chí Minh, 10/10/2010

N. T. T. H.

Bài đã đăng ở Tạp chí Tia Sáng, số 22, tháng 11/2010

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

[1] Xem phần “Hình ảnh mới của tư duy” trong cuốn Nietzsche và triết học, Nguyễn Thị Từ Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức ấn hành, năm 2010, tr.142-152.

[2] Trong bài này, các trích đoạn được lấy từ bản tiếng Việt của cuốn Nietzsche và triết học sẽ có chú thích về số trang đặt trong ngoặc kép.

[3] “Kant kết luận rằng phê phán cần phải là phê phán của lý tính bởi chính nó” (126)

[4] Nietzsche, Zarathoustra đã nói như thế, Trần Xuân Kiêm dịch, nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1971, tr.14.

[5] Như trên, tr.13.

[6] Tiếc thay sự hiểu lầm này còn kéo dài tới tận ngày nay. Cách đây chỉ hai năm, vào năm 2008, khi ấn hành bản tiếng Việt của cuốn “Bên kia thiện ác”, do Nguyễn Tường Văn dịch, nxb Văn hóa – Thông tin, trong Lời nhà xuất bản, in ở đầu sách, đã viết câu này: “Nhưng con người ở đây không phải là con người chung chung mà phải là con người mạnh (siêu nhân – người hùng) và “con người này” được quyền làm tất cả, chà đạp lên giá trị đạo đức truyền thống, thống trị những người (yếu hơn) khác.  “Kẻ mạnh là kẻ đúng, kẻ mạnh là đạo đức”, đây gần như một tuyên ngôn toát ra từ các tác phẩm của F.Nietzsche và tư tưởng duy ý trí cực đoan này đã trở thành một vết tỳ ố của nền văn minh nhân loại” (tr.6) Như vậy, ta thấy, Nietzsche vẫn tiếp tục bị hiểu lầm cho dù đã được Deleuze minh oan cách đây hơn nửa thế kỷ. Chúng tôi dẫn thêm một số đoạn của Nietzsche để minh chứng thêm cho diễn giải của Deleuze. Nietzsche lặp đi lặp lại nhiều lần ý tưởng cho rằng siêu nhân là kẻ muốn sự suy tàn của chính mình, tức là muốn bị diệt vong để vượt lên: “Ta yêu kẻ nào ném ra những lời vàng ngọc đằng trước những hành vi của họ và luôn luôn giữ đúng hơn những gì mình hứa: bởi vì họ muốn chính sự suy tàn của mình. […] Ta yêu kẻ nào mà tâm hồn tràn đầy viên mãn đến độ tự quên chính mình, và tất cả mọi sự được cưu mang trong họ: như thế tất cả mọi sự đều trở thành sự suy tàn của chính họ” (Zarathoustra đã nói như thế, sđd, tr. 14) Tuy nhiên, lối viết của Nietzsche dễ dẫn đến những ngộ nhận, như chúng ta đã thấy. Nietzsche cũng đã lường trước điều đó. Khi Zarathoustra rao giảng xong về siêu nhân và con người hạ đẳng, thì đám đông hò reo đòi Zarathoustra ban cho họ con người hạ đẳng nhất, đòi Zarathoustra biến họ thành những con người hạ đẳng để khỏi phải mang nợ siêu nhân ; lúc đó nhân vật này đã phải tự nhủ: “Họ chẳng hề hiểu ta, miệng ta không có lời hợp cho những lỗ tai đó” (tr.20)

[7]Trong thần thoại Hy Lạp, Dédale là người thợ tài hoa trác tuyệt của thành Athène. Chàng truyền nghề cho một người cháu tên là Talos và rất hài lòng vì đứa cháu học một biết mười đó. Nhưng rồi đến một ngày, chẳng những Dédale hết hài lòng mà còn sinh ra thù ghét cháu, vì Talos đã bộc lộ những khả năng còn ưu việt hơn cả chàng. Lo rằng tên mình sẽ bị Talos làm cho lu mờ, Dédale đã rủ cháu đi dạo trên thành cao và xô cậu xuống chân thành. Những người Athène tìm ra sự thật, Dédale bị kết án tử hình và bỏ trốn sang đảo Crète. Ở đó chàng đã giúp vua Minos xây dựng mê cung Labyrinthe.

[8] Palamède là người đã dùng mưu để vạch trần việc Ulysse giả điên và buộc chàng phải tham gia cuộc chiến Troie. Trong những năm đầu của cuộc chiến, Paramède đã tỏ rõ tài năng và trí thông mình, và phần nào làm Ulysse bị lu mờ. Ulysse, không chấp nhận được việc Palamède làm giảm uy danh của mình, đã nghĩ ra một kế rất thâm độc để hãm hại chàng: vu cho Paramède tội làm phản, dựng lên chuyện chàng thông đồng với quân Troie, bằng cách lợi dụng đêm tối đem một túi vàng giấu vào lều của Paramède. Đồng thời nhân chuyện Palamède khuyên người Hy Lạp trở về quê hương để tránh tiếp tục bị những tổn thất nặng nề, Ulysse đã tung ra và lan truyền trong quân lính cái dư luận rằng Paramède khuyên như vậy vì bị vua Priam mua chuộc. Để thuyết phục chủ tướng Agamemnon, Ulysse giả mạo Priam viết một bức thư cho Palamède, với nội dung là Priam khen thưởng cho Palamède một túi vàng do đã có công kêu gọi binh sĩ Hy Lạp hồi hương. Palamède, với sự ngây thơ và lòng trung thực đã để cho Hội đồng tướng lĩnh lục soát lều của mình. Kết quả là chàng bị xử tử hình, để lại lời cuối cùng trước khi chết: “Ôi chân lý ! Ngươi lại chết sớm hơn cả ta, thật xót xa và cay đắng.”

[9] Zarathoustra đã nói như thế, sđd, tr. 107.

[10] Như trên, tr.10

[11] Như trên, tr.407.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn