Hoa Kỳ không can thiệp quân sự ở Biển Đông?

 

clip_image001  

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ từng đứng nhìn Trung Quốc chiếm Hoàng Sa từ tay Hải quân miền Nam hồi năm 1974

 
Giáo sư quan hệ quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng từ Washington nói Hoa Kỳ sẽ không can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam ở Biển Đông.

Ông nói với BBC mối quan hệ hiện nay giữa Hà Nội và Washington cần phải 'đổi khác nhiều lắm' để có thể xảy ra khả năng Hoa Kỳ bảo vệ Việt Nam khi có xung đột.

Trong bối cảnh hai nước chuẩn bị có diễn tập hải quân lần thứ nhì tại Biển Đông, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang phải tính toán làm sao để cân bằng các mối quan hệ khu vực.

Giáo sư Hùng nói Hoa Kỳ có quan hệ chặt chẽ với những nước mà họ cam kết bảo vệ.

"Chúng ta thấy Hoa Kỳ tuyên bố với Nhật Bản rất rõ rệt. Đảo Shenkaku là đảo hiện Nhật Bản hiện đóng và Hoa Kỳ có liên minh quân sự với Nhật Bản. Nếu Nhật Bản bị tấn công Hoa Kỳ sẽ phải giúp đỡ.

"Rồi với Phi Luật Tân thì Đại sứ Hoa Kỳ cũng nói Hoa Kỳ ủng hộ quan điểm của Phi Luật Tân. Cái đó rất rõ bởi vì họ đã có hiệp ước với nhau."

Khi BBC hỏi quan hệ giữa hai bên cần cải thiện tới đâu để có mối quan hệ tương tự như với Nhật Bản và Philippines, giáo sư Hùng nói:

"Tôi nghĩ rằng phải cải thiện thêm rất nhiều nữa, hai bên phải tin tưởng nhau rất nhiều nữa."

'Trở lại Châu Á'

Giáo sư Hùng cũng nói với Nguyễn Hùng của BBC rằng khả năng xảy ra xung đột hiện nay là rất nhỏ vì Trung Quốc "không có lợi gì mà hành động ngay bây giờ" vì họ sẽ bị thế giới cô lập và các nước khác sẽ ngả về phía Hoa Kỳ.

Theo ông, Hoa Kỳ ý thức được sự trỗi dậy của Trung Quốc và đang có chính sách tập trung sức mạnh quân sự của họ về Châu Á để kiềm chế Bắc Kinh.

"Tôi nghĩ nó là chính sách bởi vì có hai ba chuyện.

"Thứ nhất là trong khoảng một hai năm nay lực lượng Hoa Kỳ chuyển sang bên Châu Á khá nhiều, có tới 60% lực lượng của Hoa Kỳ đã chuyển sang Châu Á rồi.

"Thứ hai là về chính sách, chúng ta thấy từ mùa hè năm ngoái cả ông [Bộ trưởng Quốc phòng] Robert Gates và bà [Clinton đều nói 'we're back' tức là 'chúng tôi đã trở lại Châu Á rồi'.

"Gần đây nhất chúng ta thấy ngày 20/6 vừa rồi ông John McCain đã có tuyên bố rất lớn.

"Hai Thượng Nghị sỹ mà tôi nghĩ là rất quan trọng ở Mỹ và quan tâm tới Á Châu, thứ nhất là Thượng Nghị sỹ [Jim] Webb thì ông đã đề nghị một nghị quyết cảnh cáo các hành động có tính khiêu khích của Trung Quốc.

"Rồi đến ông McCain, ông ấy nói Mỹ cần quan tâm tới Á Châu. Ông cũng nói không nhất thiết Mỹ và Trung Quốc phải tranh chấp với nhau nhưng ông cũng muốn Mỹ phải ủng hộ các nước Á Châu để họ có thể tự bảo vệ họ chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc."

Lịch sử xung đột

Việt Nam và Trung Quốc đã có lịch sử xung đột kéo dài cả ngàn năm, mặc dù những lần xung đột trong thời gian gần đây ít được nhắc tới.

Hồi năm 1974, Trung Quốc đã đưa quân chiếm đảo Hoàng Sa từ tay Việt Nam Cộng Hòa khiến hơn 50 lính miền Nam tử trận.

Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, người tham gia trận thủy chiến khi đó, từng nói với BBC lực lượng hai bên không khác nhau mấy nhưng các tàu của Trung Quốc hiện đại hơn nhiều khiến Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc.

Ông cũng nói Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đóng cách nơi xảy ra xung đột không xa nhưng không can thiệp bất chấp lời cầu cứu.

Tới năm 1988 Trung Quốc cũng đã bắn chết gần 70 lính Việt Nam trong một trận thủy chiến khác gần quần đảo Trường Sa.

Còn giữa hai trận thủy chiến này, đã xảy ra cuộc chiến trên bộ qua biên giới khi quân Trung Quốc đánh vào sáu tỉnh biên giới năm 1979 gây thiệt hại nặng về quân và dân cho Việt Nam.

Liên Xô khi đó cũng không can thiệp cho dù đã ký hiệp ước Hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam hồi năm 1978.

Trong khi tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tại Campuchia, Moscow và khối Hiệp ước Varsava khi đó cũng không muốn "tham chiến" chống lại Trung Quốc.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn