Không lợi dụng danh nghĩa chiến lược biển để "đẻ" dự án

Huỳnh Phan

clip_image001

Ảnh Lê Anh Dũng

Tranh chấp Biển Đông đang đặt chúng ta trước một bài toán rất khốc liệt, ta phải mạnh lên về biển rất nhanh. Nhưng có một cái khốc liệt hơn là thời hạn ưu đãi cạnh tranh mà chúng ta có hiện nay còn rất ít. Thời đại tiêu tiền dễ và kiếm tiền dễ qua rồi.

Diện mạo phác thảo của khu kinh tế biển

Nhà báo Huỳnh Phan: Xin hỏi hai ông là bây giờ cái diện mạo của vùng kinh tế ven biển mà chúng ta định làm nó sẽ khác với các khu kinh tế xưa nay đã định hình như thế nào? Dường như mười mấy cái khu kinh tế đã được phê duyệt vẫn thuần túy là những khu công nghiệp với một số ưu đãi cao hơn thôi. Còn dường như khu kinh tế ven biển chúng ta đang bàn là một tổ hợp gồm nhiều thành tố khác nhau, bên cạnh công nghiệp?

PGS-TS Trần Đình Thiên: Giờ tôi lại lấy một ví dụ quen thuộc mà tôi hay dùng. Thâm Quyến đầu tiên là một làng chài với ba trăm ngàn dân nghèo. Thể chế phát triển của Thâm Quyến lúc khởi đầu cất cánh là thể chế tự do nhất Trung Quốc lúc ấy, cho nên nó tách biệt hẳn, được coi là "Đặc khu". Đến giờ, sau 30 năm, cái làng ấy đã thành một đô thị lớn và hiện đại mà ở Việt Nam hiện nay chẳng đô thị nào sánh bằng, bởi vì ở đó thường trú là 10 triệu dân, còn vãng lai hàng ngày vài ba triệu người. GDP của Thâm Quyến đã hơn GDP của cả nước Việt Nam. Đó, hình dung một cái cấu trúc một vùng kinh tế hiểu theo cái nghĩa là như vậy, cái tọa độ như vậy.

Chứ còn khu kinh tế của ta to hơn khu công nghiệp, cũng chỉ 10-15 nghìn ha, thể chế chẳng có gì xuất sắc, và đầu tư kéo dài không biết bao lâu mà kể, vì với thể chế đó thì chả ai vào. Nó phải là tập trung tất cả những gì tốt vào khu đó thì nó mới hút nguồn lực vào và mới lan ra được. Ta thì đường mãi không làm, hoặc làm chậm, thể chế thì như đã nói là huyện xã dính hết vào đấy.

Vậy thì cái đề xuất cho những cái là cứ điểm cho kinh tế biển theo tôi đề xuất nhìn như là những đặc khu Trung Quốc. Ít nhất là như nước ta là mấy trăm cây số vuông, thậm chí, phải hàng nghìn cây số vuông.

Nhà báo Huỳnh Phan: Dường như Hải Phòng, theo ý kiến từ đầu đến giờ của hai ông, được coi đó là chỗ để phát triển hình mẫu ở miền Bắc. Vậy thì diện mạo Hải Phòng ta sẽ hình dung như thế nào?

PGS. TS Trần Đình Thiên: Bây giờ muốn trả lời cụ thể điều đó thì phải có những nghiên cứu. Tôi cho là Hải Phòng đã có những quy hoạch, những cách nhìn mà bắt đầu thể hiện một tầm nhìn, nhưng cũng cần thảo luận về tầm nhìn này. Vì bây giờ tầm nhìn mà không vượt trước thì anh sẽ tụt lại sau. Ví dụ như giờ Hải Phòng phải nhìn sang Singapore, chứ không phải nhìn sang thành phố Vinh, hay Đà Nẵng.

Và phải có tầm nhìn vượt cấp, gắn với công nghệ, với trình độ văn minh nào đấy. Hải Phòng có phải là một thành phố cảng không, nó có Cát Bà và không gian phát triển của Hải Phòng, như anh Hồi nói, gắn với Quảng Ninh, là không gian của toàn bộ Vịnh Hạ Long, không gian ấy nối ra toàn bộ Bắc Bộ. Mình phải nhìn như thế để hình dung Hải Phòng.

Hải Phòng cũng phải đặt mình vào thế cạnh tranh, với tư cách một đô thị cảng hiện đại, với ít nhất là toàn bộ khu vực Đông Á này, gồm cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Phải nhìn như thế.

Bây giờ chọn cụ thể thì Hải Phòng đang có những lợi thế hiện tại, giờ thêm công nghệ vào thì sẽ như thế nào. Ví dụ đóng tàu, hoặc những trung tâm đào tạo nhân lực có được không, hay là những ngành công nghiệp hỗ trợ cao cấp nhất? Bởi vì bây giờ công nghiệp hỗ trợ nối với thế giới phải là công nghệ cao, chứ không thể manh mún lạc hậu, "chổi cùn rế rách" được. Cách tiếp cận một đô thị cảng thì mẫu đó phải là một mẫu tốt. Một đô thị cảng phải hiện đại, bề thế, đẳng cấp thì thể chế phải cao, bởi vì nó kéo cả thế giới đến đây cơ mà.

Và Hải Phòng phải có thêm sân bay, sân bay hiện đại chứ không thể dùng mãi cái sân bay "bà già" ngày xưa. Khi ấy cái kết nối lan tỏa các tỉnh duyên hải ven biển nó phải khác, đường dọc biển phải khác, đường nối phải khác. Chứ như đường 5 bây giờ cứ hơi một tý mưa lại có 1 xe công-te-nơ "oành", nằm chềnh ềnh ra giữa đường thì ách tắc, không phát triển được.

Đường sắt tôi cho là mình phải có một cái nhìn rất tổng thể. Luật lệ của Hải Phòng cũng phải đẳng cấp, bởi vì bao nhiêu tàu từ quốc tế đến thì anh phải xử lý với một năng lực của chính quyền cảng, hoặc ít nhất phải kết nối được với một thể cơ cấu pháp toàn cầu nào đấy. Đây là 1 tổ hợp cho cả thế giới đến.

Nhà báo Huỳnh Phan: Ban nãy chúng ta bàn đến tính tổ hợp của một khu kinh tế biển, trong đó thì phát triển du lịch, thủy sản, rồi khu công nghiệp, rồi cảng... nhiều khi những yếu tố đó ở trong mô hình 3-4 trong 1, thì cái nọ lại phá cái kia. Được biết chỗ ông Nguyễn Chu Hồi hình như có làm với một tổ chức quốc tế về cái gọi là "chung sống hoà bình, cùng phát triển" ở Đà Nẵng. Vậy xin ông nhận xét mô hình Đà Nẵng đã đạt được những gì?

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Đà Nẵng gần đây cũng là một mô hình đã có những thay đổi thành công, có được những thành công ban đầu. Nhiều người cũng ca ngợi nó bắt đầu từ những quy hoạch tốt và việc thực hiện nghiêm túc quy hoạch. Tuy nhiên, có những cái chưa tốt mà từ góc độ những người quản lý biển và vùng duyên hải chúng tôi vẫn muốn bàn đến. Đó là thành phố vẫn hơi lạm dụng những vùng đất sát biển, khiến cho những cảnh quan rất hiếm của những dải cát ven biển, những yếu tố rất thiên nhiên, và trong bối cảnh mực nước biển dâng, thiên tai ngày càng nhiều và khốc liệt hơn do biến đổi khí hậu, thì độ nguy hiểm ngày càng lớn.

Bản thân người Đà Nẵng còn nhớ vào những năm gần đây một trận bão đã quét đi gần 60 hộ gia đình thuộc quận Liên Chiểu, gần như thành bằng địa rồi. Sóng, gió bão, rồi đến khả năng sóng thần..., tôi cho là Đà Nẵng vẫn hơi chủ quan. Đi theo hướng cấp phép cho những beach resort lớn nên gây ra cát cứ, cắt ngang bờ biển ra thành nhiều khúc. Anh chỉ có thể nhìn thấy những mảng biển xanh qua khe hở của những tòa nhà lô nhô thì không có gì là một đô thị đẹp và hiện đại cả. Nghĩa là đánh mất lợi thế về biển và của một đô thị ven biển, mà vẫn tư duy theo kiểu: anh lấn nó ra, anh ngồi trên nó,... hiểu theo một kiểu đơn giản như thế thôi, còn vấn đề an ninh, an sinh,... khi tình huống xảy ra!

Cho nên, ngay cả về mặt quy hoạch thì nhìn tổng quát vùng sát biển của Đà Nẵng quy hoạch như thế vẫn chưa thật khoa học, chưa dự báo được lợi thế so sánh và rủi ro, còn lạm dụng khai thác quỹ đất theo kiểu thông thường rồi cho đó như là đã thành công trong kinh tế hóa tài nguyên. Đà Nẵng vẫn bảo vệ quan điểm rằng các nhà đầu tư thấy sự hấp dẫn của Đà Nẵng và sẵn sàng bỏ tiền vào để làm những chuyện như vậy, nhưng hãy lựa chọn cách "đầu tư xanh, để có kinh tế xanh".

clip_image002

Năm 1998, khi Ngân hàng Thế giới muốn phát triển vùng duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng trong một khuôn khổ phát triển toàn diện (gọi là CDF), tức là nhìn nó trên một khuôn khổ chung, toàn cục chứ không chỉ bó hẹp trong một ngành, một địa phương. Và họ khuyên là cả vùng duyên hải này nhìn từ bối cảnh tự nhiên, từ xu thế của khu vực và thế giới, chỉ nên tập trung vào 4 trục chính, ngay cả công nghiệp nên chọn loại công nghiệp gì, họ cũng khuyên. Thế nhưng, lúc đó mình ngại vì đã có một số dự án đầu tư của một số nước vào rồi mà bây giờ lại chụp một CDF như vậy lên sẽ dễ dàng phát hiện ra những dự án đầu tư đó là chỉ có lợi cho nhà đầu tư, hoặc lợi trước mắt nhưng lại phá vỡ tổng thế. Việc điều chỉnh sau đó không dễ, nên không tiếp nhận cách tiếp cận này.

Gần đây, người ta cho rằng để có kinh tế xanh - "green ecomomy", thì cần thêm một tiêu chí là đầu tư xanh - "green investment". Đầu tư xanh là không thể phá vỡ những cấu trúc, không để "nợ môi trường" trong tương lai, không tạo ra món nợ cho ngành khác và cho chính môi trường đầu tư của anh.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Hồi đầu năm, Đà Nẵng là nơi đưa sáng kiến tổ chức một hội nghị quốc gia với chủ đề "Xây dựng Đà Nẵng thành một thành phố tầm cỡ (đầu tiên nói là) khu vực". Thế nhưng mình phải đặt vấn đề khu vực là khu vực nào, so với cái gì ở đây. Ta cứ mạnh dạn đặt ra tầm cỡ thế giới - thời đại vì Đà Nẵng quá đẹp để có thể nghĩ đến như vậy. Cuộc họp đó Đà Nẵng đã tổ chức nghiêm túc chủ yếu để tập trung các ý tưởng là làm sao để diện mạo tương lai Đà Nẵng tốt nhất.

Tôi cho đó là một hội thảo thành công, cách tiếp cận đó là người ta mang những hình mẫu thế giới đến, kiểu như Đà Nẵng nên tổ chức thế nào. Khi đối chiếu, hội thảo đó giúp Đà Nẵng nhận diện lại là so với các "ông" khác thì Đà Nẵng oách, nhưng so với cái tương lai kia, Đà Nẵng mà cứ làm thế này thì sẽ phải trả giá.

Ở đây có mấy điểm là Đà Nẵng có biển như thế thì phải tổ chức như thế nào, dọc biển tổ chức thế nào? Nhiều khi là anh thành đô thị đẳng cấp thấp chứ không phải đẳng cấp cao đâu. Ví dụ đặt mục tiêu phấn đấu từ 500.000 lên 2 triệu khách du lịch 1 năm, nhưng khi đạt con số đó thì phải đáp ứng thế nào, bởi cá thịt, dịch vụ anh chỉ có như thế. Vậy thì chiến lược của 1 thành phố đẳng cấp cao phải rất là rõ.

Thứ nữa là nó phải nối được với Tây Nguyên, miền núi, một đô thị biển mà mất kết nối với vùng núi là một tổn thất rất nghiêm trọng. Rồi câu chuyện cảng, liệu anh có dám từ bỏ một cái cảng thương mại ô nhiễm cho một cảng du lịch không, bởi đó là một sự đánh đổi rất lớn. Những chuyện như thế là được đặt ra cả. Tôi cho rằng Đà Nẵng đang có ý định xây dựng 1 quy hoạch mới cho đô thị hiện đại, đầy khát vọng. Tuy nhiên tôi cho rằng với hiện trạng của Đà Nẵng hiện nay không dễ chút nào, vì đất ít và dung nhan đô thị cũng đã được định hình rồi, nhà ống, nhà hộp đã san sát nhau rồi.

Hợp tác quốc tế vì kinh tế và an ninh

Nhà báo Huỳnh Phan: Tiền đồ cho việc thực hiện chiến lược biển đến 2020 như thế nào, khi mà đến giữa 2011 rồi mà chúng ta vẫn dừng chân ở mức tổ chức các hội thảo? Đó là chưa nói tới việc những người tham dự hội thảo vẫn đau đáu một câu hỏi rất lớn là liệu những gì được nêu ra trong các hội thảo sẽ tác động đến các nhà hoạch định chính sách như thế nào.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Có thể là nhiều người cũng nghĩ như thế, có thể là thói quen của chúng ta không chỉ trong lĩnh vực này mà nhiều lĩnh vực khác nữa. Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, rồi một số nghị quyết quan trọng khác nữa thường đề ra rất nhiều, mục tiêu thường rất "hoành tráng", nhưng dóng ra lại thiếu các giải pháp cụ thể tương ứng, đặc biệt không có các bộ chỉ số để nhận dạng, đo đạc mức độ thành công. Trong khi có rất nhiều câu hỏi cụ thể khi đánh giá phải trả lời. Chứ còn cách tổng kết như lâu nay, khi cần tổng kết cứ ba ngày chúng ta lại viết ra một cái báo cáo. Xong rồi tổ chức một cuộc họp, với mỗi ngày khoảng 20 cái tham luận lên đọc rồi cũng không rút ra được cái gì.

Rồi nói về mục tiêu dài cũng bao gồm rất nhiều mục tiêu, kể cả những con số cụ thể là bao nhiêu phần trăm GDP chẳng hạn. Nhưng mục tiêu chiến lược là phấn đấu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành quốc gia mạnh và giàu lên từ biển. Cái này mới là khó đánh giá và không quyết tâm cao sẽ không đạt được, vì không còn nhiều thời gian nữa.

Thử lấy một trong những tiêu chí nhận dạng quốc gia giầu, mạnh về biển để bình luận thấy rằng, trình độ công nghệ, khoa học - kỹ thuật biển đến nay và sau bốn năm thực hiện chiến lược có vẻ không thay đổi là bao. Vẫn phòng thí nghiệm xưa với các thiết bị cũ đi theo thời gian, vẫn không có tàu nghiên cứu biển đủ tiêu chuẩn, vẫn những con người đó, tư duy như thế, cán bộ mới thì không được trang bị kiến thức cơ bản về biển đầy đủ, công nghệ khai thác, sử dụng và quản lý biển chưa có những đổi mới cần thiết,...

Như thế, thực tế đang đòi hỏi chúng ta quá cụ thể rồi, và có vẻ như ít người lo lắng đến việc đánh giá 5 năm thực hiện, trong khi nó rất quan trọng. Đánh giá đúng sẽ có bước điều chỉnh chiến lược đúng đắn và sẽ thành công. Cần một nhạc trưởng để phân tích, hiểu rõ tình hình, mức độ thực hiện so với mục tiêu đề ra, phân tách theo mảng vấn đề, theo ngành và địa phương. Nhưng kiểu gì cũng phải xây dựng và áp dụng bộ tiêu chí nhận dạng và đánh giá cho đàng hoàng, vì biển là vấn đề cực lớn và đặc biệt quan trọng đối với dân tộc Việt.

Hy vọng là không đánh giá theo kiểu đề tài hiện nay: tiền cứ cấp ra mấy năm rồi lại nghiệm thu, thế thôi!

Nhà báo Huỳnh Phan: Hiện ở cấp chính phủ ai chủ trì cái này?

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Đối với Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, cơ quan thường trực chỉ đạo và triển khai thực hiện, và có thể là đánh giá, là Văn phòng TƯ Đảng và bên Văn phòng Chính phủ. Các tổ chức tương tự ở các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện và có trách nhiệm phải ngồi lại đánh giá tình hình và mức độ thực hiện.

Trong đánh giá chú ý đến mục tiêu "Việt Nam mạnh và giàu từ biển", và mạnh và giàu là hai mặt của một vấn đề. Quan hệ này rất hay và thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, thậm chí là thước đo chính trị đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cũng là nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt. Chưa dám nhận là cường quốc, chỉ dám nhận là mạnh và giàu cũng không dễ, để mạnh giàu phải có nội hàm cụ thể, mạnh là thế nào, giàu được nhận diện bởi cái gì, chứ không phải tự anh bảo anh giàu bằng GDP thì chưa chắc.

Nghề cá của ta đạt giá trị xuất khẩu 4,5 tỷ đôla vào 2010, đứng trong top 10 thế giới về các nước xuất khẩu thủy sản, nhưng không ai dám nói Việt Nam có nghề cá tiên tiến, có trách nhiệm và bền vững. Bởi vì ta có nhiều cá xuất khẩu thế là do ta lấy tổng sản lượng bù vào giá trị, chứ không phải lấy hàm lượng công nghệ - khoa học để tạo giá trị gia tăng của hàng hóa thủy sản bán ra. Thêm nữa, chưa có hợp tác quốc tế trong đánh bắt hải sản, để qua đó tăng cường năng lực và hiện đại hóa nghề cá.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Có thể nói với những cách như từ xưa đến nay thì khó mà có những chuyển động mạnh mẽ trong việc thực thi chiến lược biển. Tức là nó có hai nghĩa thế này:

Hiện nay chúng ta phải đối phó với những bất ổn kinh tế và điều đó tiêu tốn tiền bạc, thời gian và trí tuệ rất lớn. Thứ hai là gắn với câu chuyện hội thảo. Hội thảo nào cũng được kết luận là thành công cả. Nhưng thành công của hội thảo chưa phải, không phải là thành công trong thực tiễn. Bởi hết hội thảo cũng dừng luôn tác động của các kết luận thu được. Thực tiễn hầu như không có gì, bởi vì cái quan trọng hơn là chuyển tải tri thức khoa học thành những phương án thành hành động cụ thể của ta rất yếu, chưa kể những cản trở cơ chế hiện nay của chúng ta còn dày đặc.

Đòi hỏi một tư duy mới, một phương thức mới là đòi hỏi rất khốc liệt. Xin nói là tranh chấp Biển Đông đang đặt chúng ta trước một bài toán rất khốc liệt, ta phải mạnh lên về biển rất nhanh. Nhưng nó còn có một cái khốc liệt hơn là ở chỗ này là nhìn trong tổng thể, cả biển và những cái chúng ta hiện có, cái thời hạn ưu đãi cạnh tranh mà chúng ta có hiện nay là còn rất ít. Các nhà kinh tế học nói rằng bây giờ, thời đại tiêu tiền dễ và kiếm tiền dễ qua rồi. Cho nên để làm được những việc này cần có những hành động tập trung.

Ta thường đặt ra mục tiêu, ví dụ trong cơ chế đặt ra là 10.000 chiếc ô tô sản xuất trong năm. Phương án đấy là phương án về mặt thị trường không thể có được. Gần đây đạt được là phải tập trung các nguồn lực cho nó, bằng mọi giá, tập trung thể chế cho nó, ưu đãi một cách quá mức, thế thì khi đạt được mục tiêu thành công đó thì lại phải trả giá bằng cái không đo được, và cái đó mới là cái đáng sợ.

Chúng ta thiết kế những cái mục tiêu như làm sao để Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển, trong đó "mạnh" được hiểu theo những chỉ tiêu này và phải có những chiến lược quốc gia để đạt được mục tiêu đấy. Chứ không phải là khai thác đến đấy là 10 triệu tấn cá. 10 triệu tấn cá có thể là một mục tiêu, nhưng nó phải đứng đằng sau xa, chứ không phải là đến lúc không đạt được lại tận diệt, mang mìn, lưới quét một trận, nhưng sau đó không còn một con tép mà ăn.

PGS. TS Nguyễn Chu Hồi: Khi anh có mục tiêu ấy, nghe có vẻ là được rồi, quyết tâm chính trị không ai chê cả, bởi một quốc gia biển mà được như thế thì tốt quá.

Thế nhưng để đạt được mục tiêu đó thì phải xác định cần làm cụ thể những việc gì thì tập trung làm bằng được, tạo thuận lợi để làm được,... Đặc biệt phải thiết kế và yêu cầu sản phẩm rõ ràng, để loại trừ có anh chỉ lợi dụng danh nghĩa chiến lược biển để mở dự án bất luận sản phẩm giao nộp có ích gì không. Nhưng rồi cuối cùng tất cả những chuyện ấy có đóng góp vào sự thành công và cho mục tiêu mạnh và giàu từ biển không. Vì nếu không giàu và mạnh thì cái chỉ tiêu 53-56% GDP đóng góp từ biển đến năm 2020 không dễ gì đạt được. Còn nếu ông giàu và mạnh, thì cái chuyện GDP đó là bình thường.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Đây là câu chuyện dài hạn, nhưng rất cụ thể. Đầu tiên là ta cần xử lư được theo một mức nào đấy câu chuyện quốc tế, tranh chấp ngoài biển, để bảo đảm được một sự yên ổn. Đây là vấn đề chung cho cả quốc gia và tôi thấy là sẽ làm được, và phải làm được điều đó.

Cái thứ hai là để mà có một chiến lược biển tốt thì có hai yếu tố quan trọng. Một là lực lượng doanh nghiệp nói chung phải mạnh, trong hệ thống doanh nghiệp đó những doanh nghiệp kinh doanh về biển phải rất mạnh. Những tọa độ chiến lược ở biển như đã trao đổi từ đầu tới giờ là các khu kinh tế tự do là phải rất cụ thể, chứ không thể nói chơi chơi. Doanh nghiệp là phải có chiến lược cho doanh nghiệp khai thác kinh tế biển.

clip_image003

Yếu tố thứ hai thậm chí còn ráo riết hơn cả trên đất liền là khoa học công nghệ biển cộng với nhân lực biển. Hai yếu tố trên nếu không tập trung vào thì chiến lược biển vẫn sẽ là chung chung thôi, bởi vì không có cơ sở thực thi.

Một cái nữa là để mà mà có hai cái đó là phải liên kết mở cửa hội nhập. Việt Nam đi sau lại có lợi thế riêng trong chọn lựa. Điều này rất quan trọng, không có chiến lược tốt cho chúng thì chẳng có cái gì cả.

Nhà báo Huỳnh Phan: Đúng vậy, ngoài nguồn vốn và công nghệ, hợp tác quốc tế còn kéo theo sự đảm bảo về an ninh nữa. Ví dụ những cái nước lớn bên ngoài ấy mà nó đã vào đây, anh chàng nào trong khu vực mà muốn gây hấn chuyện nọ chuyện kia cũng vẫn phải tính chán.

PGS. TS Trần Đình Thiên: Sự hợp tác đó gọi là hợp tác an ninh. Hợp tác phát triển và an ninh đi liền với nhau. Vì Việt Nam đi sau nên để mà làm nhanh thì phải xử lý cái này thật là tốt. Biển tại sao lại tranh chấp dữ đến như vậy là vì nó tập trung lợi ích, nó hay quá. Cô gái đẹp thì thu hút nhiều người đàn ông đến, nhưng dễ gây tranh chấp. Cái đó cũng là một thế mạnh, một tiêu điểm hấp dẫn thế giới, nhưng lại chứa đựng thách thức. Cái đó mình phải nhìn ra được, chứ nếu mình nhìn như kiểu đơn độc trong cái trò chơi này là cũng đơn độc.

Nhà báo Huỳnh Phan: Thực ra chúng ta quay lại câu chuyện như câu chuyện của BP chẳng hạn, vì lợi ích ở Trung Quốc lớn hơn. Khi bị ép họ cân nhắc lợi ích ở Việt Nam và Trung Quốc, và đã rút ra khỏi Việt Nam. Chính vì vậy, câu chuyện của Việt Nam là tìm kiếm những đồng minh, hay đối tác chiến lược mà tìm thấy lợi ích lớn ở chỗ chúng ta.

PGS-TS Trần Đình Thiên: Trở lại câu chuyện là thông tin rất quan trọng. Trong vấn đề biển, thế giới họ phải hiểu là Việt Nam rất đàng hoàng, có tư thế được khẳng định. Cái đó càng công khai sớm càng tốt. Dân Việt Nam phải biết chuyện đó. Bác Hồ xưa kéo thế giới đến Việt Nam là vì Bác công khai chính nghĩa Việt Nam trong các cuộc chiến tranh. Bác biết cách công khai những chuyện của cuộc chiến tranh của Việt Nam là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chứ để hiểu lầm là không được.

Như vậy cho cả thế giới biết, dân Việt Nam biết, cách tiếp cận đó gần đây đã trở lại trên báo chí Việt Nam. Nhiều khi ta bị thói quen giữ bí mật ám ảnh nhiều quá, thành ra toàn bị thiệt.

Nhà báo Huỳnh Phan: Xin cảm ơn hai vị khách mời.

H.P. – T.Đ.T. – N.C.H.

Nguồn: tuanvietnam.net

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn