Nhật ký ngày 17/5/2011

Nguyễn Thị Từ Huy

image Để cảm ơn ân tình của các bạn tôi

và tất cả những người đã chia sẻ với tôi.

Mấy hôm nay các bạn tôi liên tục gọi điện, gửi email, cả những người tôi chưa quen cũng gửi thư, vì lo lắng cho tôi. Mọi người cần biết chắc là tôi vẫn được yên ổn. Còn tôi thì cố thuyết phục mọi người rằng không có lí do gì để lo lắng cả, rằng tôi vẫn yên ổn và sẽ yên ổn.

Công an cũng là người, thẩm phán cũng là người. Họ sẽ nhớ đến những giá trị người cao quý của họ. Những giá trị không thể quy về tiền bạc, danh vọng, địa vị hay quyền lực. Bạn và tôi, ta phải tin rằng họ sẽ hành xử với tư cách người. Ta phải tin, bất chấp một số biểu hiện làm ta thất vọng và đau đớn.

Ta phải tin, dù rằng niềm tin không phải là vô điều kiện.

Trong phiên tòa ngày 4 tháng 4 vừa qua, vị thẩm phán xử cho Cù Huy Hà Vũ đã quyết định một cách bất công, và chúng ta, bất chấp điều đó, vẫn tin vào phần tốt đẹp còn tồn tại trong ông ấy, trong đồng nghiệp của ông ấy. Vì vậy mà chúng ta mới ký kiến nghị.

Trong phiên xử tiếp theo, nếu ông ấy, hay đồng nghiệp của ông ấy, vẫn tiếp tục quyết định như vậy thì không ai còn có thể tiếp tục tin các ông ấy được nữa, dù có ngây thơ đến mấy.

Nếu các ông ấy chấp nhận tham gia điều hành phiên tòa để rồi quyết định những bản án oan sai, thì các ông ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trước người bị kết tội oan khuất, sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử, và phải chịu trách nhiệm trước chính mình, nếu như các ông ấy còn có một cái «mình» để đối diện. Sẽ phải chịu trách nhiệm, dù có muốn hay không.

Các ông ấy còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Pháp luật tưởng như là một cái gì vô hình, nên đôi khi tạo cảm giác rằng có thể bẻ queo nó thế nào cũng được. Nhưng đó là một cảm giác hoàn toàn sai lầm.

Pháp luật là kết tinh trí tuệ và lương tri của cả nhân loại. Một vài cá nhân, lúc này hay lúc khác, có thể sử dụng nó cho các mục đích phi nhân đạo, nhưng chừng nào trí tuệ và lương tri còn tồn tại, thì pháp luật vẫn còn có đầy đủ giá trị của nó, nó vẫn sẽ được bảo vệ. Và nó sẽ được dùng để bảo vệ con người.

Chừng nào pháp luật được dùng để bảo vệ con người chống lại cái xấu và cái ác, chừng đó sẽ có xã hội của con người.

Chừng nào pháp luật được dùng để bảo vệ cái xấu, cái ác và chống lại con người, chừng đó sẽ có xã hội của dã thú.

Các thẩm phán của chúng ta sẽ chọn bảo vệ cái gì?

Bản chất của xã hội chúng ta tùy thuộc vào sự lựa chọn của họ.

Tôi luôn bị ám ảnh về cái cảm giác nhục nhã mà nhân vật K. trong tiểu thuyết «Vụ án» phải trải nghiệm. K., một kẻ bị kết tội mà không bao giờ biết mình phạm tội gì. Một kẻ bị kết tội tìm kiếm vô vọng mà không biết cả quan tòa lẫn tòa án ở đâu, đồng thời lại phát hiện ra rằng tất cả mọi thứ xung quanh mình đều thuộc về tòa án: nhân viên, luật sư, linh mục... Một kẻ bị xử tử mà không được xét xử. Anh ta chết với cảm giác bị sỉ nhục một cách sâu sắc, chết không phải như một con người. Cái cảm giác nhục nhã còn kéo dài cả sau khi anh ta chết: «Như một con chó! – anh nói, như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời».

Tôi cảm nhận qua đó thông điệp của nhà văn Kafka: Hãy để cho nhau làm người, hãy để cho nhau được sống và được chết trong tư cách người. K. gửi lại cho đời nỗi nhục nhã đó để cho chúng ta biết mà tránh nhục mạ lẫn nhau, để mà học cách đối xử với nhau cho ra người.

Những gì diễn ra ở phương Tây sau khi Kafka chết đã khiến cho tác phẩm của ông mang tính tiên tri. Cứ như thể ông đã nhìn thấy trước cái chết tủi nhục của bao nhiêu người dưới thời kỳ phát xít, cứ như thể ông đã nhìn thấy trước việc con người bị đối xử như súc vật trong các trại tập trung.

Các nghệ sĩ như Francis Bacon, Camus, các nhà viết kịch phi lý…, bằng tác phẩm của họ, tiếp tục cảnh tỉnh về khả năng thú hóa của con người.

Sau đại chiến II, phương Tây đã đi những bước dài trong việc nhận thức lại chính mình để tránh những thảm họa của quá khứ.

Các chính trị gia của xã hội phương Tây, mà trong đó Kafka từng tồn tại, giờ đây phải chăng đã rất thấu hiểu thông điệp của ông (mà không chỉ có Kafka, họ còn đọc bao nhiêu nhà tư tưởng và bao nhiêu nhà văn khác, những người đã trình bày - dưới hình thức này hay hình thức khác - quan niệm về con người và về một đời sống xứng đáng với con người), vì thế mà họ cố gắng điều hành xã hội theo các nguyên tắc người, theo các nguyên tắc được thiết lập và không ngừng được sửa đổi để bảo vệ phẩm giá và quyền làm người của công dân nước họ.

Các chính trị gia ấy, chắc họ hiểu rằng, bảo vệ phẩm giá và quyền làm người của người khác chính là để bảo vệ phẩm giá và tính người của chính họ.

Các chính trị gia ấy, chắc họ hiểu rằng nhân tính của họ chỉ được biểu hiện một cách đầy đủ khi mà các công dân của họ được đối xử như những con người, khi các công dân của họ được sống đời sống của con người, được chết cái chết của con người, được bộc lộ những phẩm chất tốt đẹp và mạnh mẽ của con người. Mong sao một ngày gần nhất sẽ có những chính trị gia ở Việt Nam hiểu được điều này, mong sao những người được đào tạo để làm chính trị gia ở Việt Nam sẽ nhanh chóng hiểu được điều này. Đấy là điều kiện đầu tiên để có thể chấn hưng đất nước.

Đấy không chỉ là điều kiện giúp xây dựng tính nhân văn của xã hội, mà còn giúp củng cố và phát triển sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự cho quốc gia. Bởi vì sức mạnh của quốc gia là tổng hợp sức mạnh của các cá nhân thành viên. Các thành viên mạnh sẽ tạo nên một cộng đồng mạnh. Ngược lại, nếu từng cá nhân bị bẻ gãy bởi nỗi sợ hãi, bị cạn kiệt và bị vô hiệu hóa khả năng tư duy, khả năng phân tích, không còn năng lực sáng tạo, kiến thiết, không còn khả năng tác động tới cuộc sống, thì hệ quả không tránh khỏi là sự suy yếu toàn diện trên phạm vi quốc gia: mỗi cá nhân sẽ đánh mất chính mình, dân tộc sẽ đánh mất bản sắc và đất nước sẽ dễ dàng rơi vào cảnh lệ thuộc. Thậm chí sẽ đi tới chỗ không còn quyền tự chủ và tự quyết đối với các vấn đề của chính đất nước mình, không bảo vệ được lãnh thổ và lãnh hải.

Hẳn nhiên, tất cả chúng ta đều sợ một kết cục như kết cục của nhân vật K. Nếu người vô tội như K. không được chết trong tư cách người, thì những kẻ giết K. cũng không phải là người, những kẻ kết tội K. cũng không phải là người. Vì thế mà nhân loại đã nỗ lực và vẫn còn phải nỗ lực không ngừng để những cái chết theo kiểu của K. không bị lặp lại nữa. Nhân loại sẽ còn phải cố gắng, chừng nào con người còn cảm thấy không bằng lòng với một sự tồn tại chỉ mang tính sinh vật, chừng nào con người còn muốn xây dựng một xã hội xứng đáng được gọi là xã hội của con người.

Chúng ta cần gửi lại cho đời, cho thế hệ sau, không phải nỗi nhục nhã, mà là niềm tin.

Niềm tin như là một cái gì có thực. Chứ không phải chỉ là một huyễn tưởng của những kẻ ngây thơ như tôi.

Mong mọi điều tốt đẹp cho tất cả chúng ta, cho công an, cho thẩm phán và cho những người bị kết án, đặc biệt cho những người bị kết án oan uổng.

Khi nỗi oan của họ không được hóa giải thì pháp luật và nhân tính không những bị chà đạp bởi tòa án mà còn bị chà đạp bởi chính sự vô tình đến mức tàn nhẫn của mỗi chúng ta, đồng loại và đồng bào của họ.

N.T.T.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn