Trung Quốc có trên 80 triệu đảng viên cộng sản

clip_image001

Trước ngày kỷ niệm 90 năm thành lập ngày 1/7, đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố họ có số thành viên vượt ngưỡng 80 triệu.

Với chừng 21 triệu người xin gia nhập hàng ngũ cộng sản năm 2010, và trong đó chỉ có 14% được chấp nhận, đảng Cộng sản Trung Quốc nay là đảng chính trị lớn nhất thế giới.

Nhưng cùng với quá trình giàu lên nhanh chóng tại các khu vực đô thị trong dân chúng Trung Quốc, đảng này từ mấy năm qua đã chấp nhận cho tầng lớp thương gia, thậm chí triệu phú vào đội ngũ của họ.

Để vào Đảng, ứng cử viên phải được chứng nhận, ủng hộ của các đảng viên tại vị và bị kiểm tra lý lịch chặt chẽ.

Vào Đảng cũng đem lại quyền lợi to lớn nên con số đảng viên tăng cũng là chuyện dễ hiểu.

Nhiều vị trí trong Nhà nước và cả các doanh nghiệp lớn chỉ dành cho đảng viên, và con cái họ cũng được học ở những trường tốt hơn.

Đó là chưa kể một mạng lưới quan hệ xuyên suốt hệ thống chính trị, hành chính và kinh doanh, liên kết các đảng viên với nhau.

Từ nông dân mà ra

Con số đảng viên cộng sản ở Trung Quốc chính thức là 80 triệu 270 nghìn tính đến cuối năm 2010, chỉ chiếm 6% dân số cả nước nhưng bằng dân số Đức, nước lớn nhất EU.

Về thành phần, năm 2010 có 24% đảng viên dưới 35 tuổi, và phụ nữ chiếm 22% tổng số người Trung Quốc đeo thẻ Đảng.

Ra đời năm 1921 với lãnh tụ đầu tiên là ông Trần Độc Tú, Đảng Cộng sản Trung Quốc ban đầu chủ yếu là tổ chức của giới trí thức Trung Quốc lấy tinh thần từ cuộc đấu tranh Ngũ Tứ năm 1919.

clip_image002

Lãnh tụ Mao thăm nông dân ở quê vào giai đoạn hô hào Đại Nhảy Vọt năm 1959

Nhưng cùng các biến động chính trị ở nước này và vai trò của Liên Xô trợ giúp cả hai phe Cộng Sản và Quốc Dân Đảng kháng Nhật, phái 'nông dân' của ông Mao Trạch Đông dần chiếm quyền lãnh đạo.

Với các "kỳ tích" được tô vẽ thêm nhiều sau này, Đảng Cộng sản Trung Quốc với đội quân vũ trang Hồng quân công nông theo mô hình Liên Xô, đã có cuộc Vạn lý Trường Chinh rút về vùng Thiểm Tây xa xôi.

Theo thuyết lấy nông thôn bao vây thành thị, họ đã thắng Chính phủ Tưởng Giới Thạch trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng và chiếm toàn bộ Hoa lục năm 1949.

Nhưng cũng nông dân Trung Quốc bị chết đói ở con số hàng triệu hoặc bị hành hạ tàn bạo trong các cuộc Đại Nhảy Vọt và Cải Cách Thổ Địa.

Sau đó, Cách mạng Văn hóa cực tả đã tàn phá ghê gớm di sản tri thức và tiêu diệt giới có học ở đô thị của Trung Quốc.

Với bên ngoài, Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản (1966- 1976), và cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 là hai sự kiện quốc tế biết nhiều nhất về nước Trung Quốc cộng sản.

Các đợt thanh trừng nội bộ ở cấp cao nhất trong Đảng cũng luôn là đề tài giới báo chí nước ngoài quan tâm.

Tuy nhiên, kể từ giai đoạn Khai Phóng (Mở Cửa), các đảng cộng sản từ cấp cao nhất ngheo theo thuyết 'Mèo đen, mèo trắng' của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, đã bỏ hẳn tư duy thiên tả của một thời.

'Tập đoàn Trung Quốc'

Ngày nay, như bình luận của nhà báo Anh, ông Richard McGregor trong một cuốn sách về Trung Quốc, Đảng Cộng sản ở nước này là một tập đoàn kinh doanh.

Lý tưởng cộng sản đang bị thay thế bởi hiện thực vật chất của chủ nghĩa tư bản mang đặc thù Trung Quốc

Trần Thời Vinh, BBC

Từng làm trưởng đại diện cho tờ Financial Times tại Bắc Kinh, McGregor gọi đó là "China Inc." tức Tập đoàn Trung Quốc gồm "Đảng và giới làm ăn".

Cuốn sách "The Party -The Secret World of China's Communist Rulers" mô tả việc Đảng dùng các nhà băng để kiểm soát nền kinh tế và hệ thống tín dụng, kinh doanh địa ốc cũng như làm các thương vụ bạc tỷ.

Theo thuyết 'Nắm To, bỏ rơi Nhỏ" của Thủ tướng Chu Dung Cơ từ thập niên 1990, Trung Quốc cho cổ phần hóa kinh tế quốc doanh, và từ đó, chính sách tự do hóa kinh tế cũng cho phép khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài khởi sắc.

Nhưng các dự án lớn nhất, trọng yếu nhất luôn được triển khai với sự chỉ đạo và vì quyền lợi tối cao của Đảng.

Hoạt động của ḥê thống quyền và tiền liên kết này được các nhà phân tích đặt ra tên gọi "chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu Trung Quốc".

Sau ông Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba Đại Diện được lãnh tụ Giang Trạch Dân và phái Thượng Hải cổ xúy đã chính thức hoá về lý luận vai trò của tầng lớp tư bản đỏ trong cuộc Cải cách, bên cạnh lực lượng công nông binh truyền thống.

Dù vậy, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện cũng có một phái Tân Tả, mang màu sắc dân tuý và phản ứng lại cách nghĩ coi tăng trưởng kinh tế là trên hết.

Họ chỉ ra rằng vấn đề ruộng đất và nông dân lại một lần nữa có nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Theo chuyên gia phân tích tình hình Trung Quốc của BBC, ông Trần Thời Vinh (Chen Shirong), sau 90 năm thành lập, đúng là đang có chuyện "một số nhân vật trong đảng này tìm cách khôi phục quan điểm cộng sản cổ điển".

"Nhưng họ muốn dùng đó là cách bảo vệ sự cầm quyền của Đảng khi lý tưởng cộng sản đang bị thay thế bởi hiện thực vật chất của chủ nghĩa tư bản mang đặc thù Trung Quốc."

Vì thế, phái Tân Tả không thúc đẩy cho một sự chuyển đổi sang dân chủ xã hội như Đông Âu.

clip_image003

Mua bán căn hộ chung cư cao cấp ở Bắc Kinh: kinh tế tư bản bùng nổ thúc đẩy đô thị hóa ồ ạt tại Trung Quốc

Chính thức mà nói, chủ trương cao nhất như Chủ tịch đương nhiệm, ông Hồ Cẩm Đào nêu ra là điều hòa các mâu thuẫn giữa hai xu thế trên để tiếp tục phát triển, hiện đại hóa.

Trong một diễn văn vào tháng 12/2008, đánh dấu 20 năm cải cách, ông Hồ nói "hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa" ở Trung Quốc là giai đoạn "đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế" nhưng không cần hệ thống chính trị dân chủ đa đảng.

Ông không phủ nhận đa đảng là xấu mà nói "dân chủ đa đảng sẽ cần hơn 10, thậm chí vài chục thế hệ để đến với Trung Quốc.

Trước mắt, theo ông Hồ, Trung Quốc cần "chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Hoa".

Về hình thức, dù chỉ có một đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo, Trung Quốc vẫn có quốc hội hiệp thương gồm một số đảng phái khác cùng họp nhưng không có quyền.

Ngoài ra, tại đặc khu hành chính Hong Kong và tại Macao, hoạt động chính trị đa đảng vẫn có như một di sản thời kỳ người châu Âu chiếm đóng.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đối thoại với Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.

Nhưng chính sách tôn giáo của Đảng vẫn gặp nhiều phê phán với quan hệ Bắc Kinh - Vatican chưa hề tiến triển, nhiều phái Tin Lành cáo buộc họ bị trấn áp, và giáo phái Pháp Luân Công bị chính quyền coi là tà đạo và bị bắt bớ, truy đuổi.

Chính sách dân tộc với Tân Cương, Tây Tạng và cách đối ngoại của Đảng với láng giềng, nhất là trong tranh chấp biển đảo, kể cả với nước cộng sản láng giềng Việt Nam, là tâm điểm của một loạt căng thẳng mấy năm qua.

Và không chỉ làm chủ Trung Quốc với trên 1,3 tỷ dân, các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải còn đang tỏ ra là người đại diện về văn hóa cho dân tộc Trung Hoa.

Nhân kỷ niệm sinh nhật 90 của Đảng, Trung Quốc tung ra một bộ phim có ngân sách khổng lồ và dàn diễn viên nổi tiếng hơn 120 người, gồm cả các ngôi sao màn bạc Hong Kong và Đài Loan.

clip_image004

Người Tây Tạng biểu tình tại Washington phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc và lãnh tụ Hồ Cẩm Đào

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn