Xét xử công khai vụ án Cù Huy Hà Vũ là khẳng định tính chính danh của Nhà nước

LS Hà Huy Sơn

image Phiên tòa hình sự phúc thẩm vụ án “Cù Huy Hà Vũ tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” do Tòa án Nhân dân Tối cao xét xử được thông báo ngày xét xử là 2/8/2011 tại Hà Nội.

Ở một đất nước mà Đảng là người độc quyền lãnh đạo Nhà nước như Việt Nam thì “vụ án Cù Huy Hà Vũ” không thể nói rằng đây không phải là ý chí chỉ đạo của Đảng và cũng không thể nói rằng Đảng không chịu trách nhiệm về kết quả của vụ án này.

Hồ Chí Minh đã từng nói: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng” và tất nhiên suy ra Nhà nước cũng như vậy tức: “Một Nhà nước mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Nhà nước hỏng”.

Tất cả các chứng cứ của “vụ án Cù Huy Hà Vũ” là mười (10) bài viết, trả lời phỏng vấn trong đó có tám (08) bài đã được phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức nên có thể khẳng định 08 bài viết, trả lời phỏng vấn này nội dung không có gì gọi là bí mật quốc gia hoặc nếu có thì cũng không còn gì là bí mật nữa mà phải giữ. Trong tám (08) thì có một (01) bài là của tác giả Nguyễn Thanh Ty, không liên quan đến trách nhiệm của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Nếu có chăng là còn hai (02) bài viết là bài “Dự án đường sắt cao tốc là một dự án tham nhũng” và bài “Bàn về Đảng cầm quyền”. Đây là hai (02) bài viết do tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ làm ra còn lưu trong máy tính ở nhà riêng nhưng chưa phổ biến, lưu hành và nó chỉ được phổ biến bởi chính các cơ quan tiến hành tố tụng sau khi khởi tố vụ án. Như vậy, mười bài (10) viết, trả lời phỏng vấn đó Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội sử dụng làm chứng cứ trong vụ án đã không còn gì là bí mật đối với người biết đọc hoặc biết nghe. Nếu vụ án không được xét xử công khai vẫn cần phải giữ bí mật thì chính là giữ bí mật về hành vi xét xử trái pháp luật của cơ quan xét xử và những người lãnh đạo chịu trách nhiệm về vụ án với nhân dân mà thôi.

Xét xử công khai là để cho người dân thông qua vụ án mà hiểu về pháp luật, và thực hiện quyền giám sát theo pháp luật của mình đối với các hành vi của cán bộ và cơ quan Nhà nước khi thực thi luật pháp. Xét xử công khai không phải là tuyên bố một đằng làm một nẻo. Xét xử công khai không phải là như phiên xét xử sơ thẩm ngày 04/4/2011 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, sử dụng thủ đoạn để cấm, cản tính công khai.

Trong phòng xét xử thì không cho báo chí, truyền thông được tự do tác nghiệp, Hội đồng xét xử trắng trợn vi phạm tố tụng hình sự, không xuất trình chứng cứ, ngăn cản quyền bào chữa của luật sư, quyền trình bày của bị cáo, không triệu tập người bị hại, không triệu tập người làm chứng…

Ngoài phòng xét xử thì sử dụng các lực lượng chìm, nổi, các công cụ, phương tiện vũ trang đủ loại, chó nghiệp vụ… để đối phó, ngăn cản, theo dõi, rình rập, lăng mạ rồi bắt bớ, đánh đập, giam giữ… những người đến tham dự phiên tòa.

Phiên tòa phúc thẩm 2/8/2011, Nhà nước hãy xét xử công khai một cách thành thật theo đúng pháp luật, thực hiện tinh thần cải cách tư pháp như Nghị quyết 49/NQ-TWcủa Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020 tạo điều kiện cho người dân được trực tiếp tham dự phiên tòa.

Nhà nước này là của nhân dân, nó được xây dựng lên bởi xương, máu của nhân dân nó phải phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Quyền tham dự phiên tòa công khai là đòi hòi chính đáng của nhân dân.

Xét xử công khai vụ án Cù Huy Hà Vũ là khẳng định tính chính danh của Nhà nước.

Hà Nội, ngày 29/7/2011

H.H.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn