Chế độ hộ khẩu tại Trung Quốc

Vũ Hoàng & Nguyễn Xuân Nghĩa

CHINA-US-MEDIA-TIME-PEOPLE-ASIA-FILES

AFP photo - Nghệ sĩ Ngải Vị Vị

"Hộ khẩu", "Dân công" và "Cách mạng Nông dân"...

Trung Quốc có hai nghệ sĩ lừng danh quốc tế là nhà văn Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hoà Bình năm 2010 và Ngải Vị Vị, một nghệ sĩ đa diện trong nhiều bộ môn mỹ thuật, và cả hai đều bị cầm tù.

Ông Ngải Vị Vị bị bắt ngay tại thủ đô Bắc Kinh vào đầu tháng Tư với lý do được nhà chức trách trình bày sau đó là "trốn thuế". Nhưng trong suốt 81 ngày bị giam, ông không hề được hỏi han gì về chuyện thuế khoá và khi được tha thì phải cam kết là sẽ không được phát biểu gì nữa.

Vậy mà trên tờ Newsweek tuần qua, Ngải Vị Vị viết một bài xã luận phê phán thủ đô Bắc Kinh là "một nhà tù" và "một cơn ác mộng kéo dài". Xuyên qua bài viết, nghệ sĩ Ngải Vị Vị đả kích nhiều hiện tượng u buồn khác tại Trung Quốc, trong đó có cả chế độ hộ khẩu, là điều mà nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích trong phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây:

Quản lý bằng hộ khẩu

Vũ Hoàng: Đài Á Châu Tự do xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong một bài viết được tuần báo Newsweek của Hoa Kỳ đăng tải trên số báo đề ngày 5 tháng Chín, nghệ sĩ Ngải Vị Vị nói về việc ông bị bắt giam tại Bắc Kinh mà không có lý do nhưng xuyên qua đó còn phê phán nhiều sự bất toàn xấu xa của chế độ. Thưa ông, đã đọc bài viết đó, ông nhắc tới một hiện tượng kinh tế đặc thù của Trung Quốc là lực lượng gọi là "dân công" và cho rằng một trong những bất công và nguy hại của xứ này chính là chế độ "hộ khẩu". Diễn đàn Kinh tế đề nghị ông trình bày cho rõ hơn một khía cạnh bất ngờ ở đằng sau cái gọi là "phép lạ kinh tế" của Trung Quốc. Trước tiên, xin ông cho thính giả biết về bối cảnh của bài viết này.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sinh năm 1957, Ngải Vị Vị là con trai của một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc là Ngải Thanh, một nghệ sĩ từng bị cầm tù trong cuộc "Vận động phản hữu phái" tương tự như vụ "Nhân văn Giai phẩm" tại Việt Nam, vào cùng thời điểm là năm 1956, khi Ngải Vị Vị mới lên một. Sau này, ông là nghệ sĩ lừng danh quốc tế về nhiều bộ môn như kiến trúc, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, lại triệt để đấu tranh cho nhân quyền, môi sinh, chống tệ nạn tham nhũng, cửa quyền. Ông cũng góp phần thực hiện kiến trúc tiêu biểu cho Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 với Vận động trường nổi tiếng thế giới qua cái tên là "Ổ Chim" hay "Điểu Sào".

- Mùng 3 tháng Tư năm nay, Ngải Vị Vị bị bắt tại phi trường Bắc Kinh, xưởng vẽ bị đột nhập, lục soát và sau 81 ngày giam giữ về tội trốn thuế mà không hề được tra hỏi gì về chuyện đó, ông được tạm tha sau một đợt khủng bố tâm lý và yêu cầu là phải chấm dứt việc lên tiếng hay liên lạc qua mạng lưới điện tử như ông vẫn làm trước đây.

- Vậy mà ngày 28 tháng Tám vừa qua, Ngải Vị Vị vẫn có bài viết ngắn trên tuần báo Newsweek với lập luận buồn bã và dữ dội về chính thủ đô Bắc Kinh mà ông gọi là "cơn ác mộng kéo dài". Dù trang cuối của tờ báo bị chính quyền xé luôn để kiểm duyệt, bài viết vẫn được lưu truyền ở nhiều nơi trên thế giới và đã được phiên dịch qua Việt ngữ. Trong bài viết, Ngải Vị Vị có một câu nhắc tới việc các trường học cho di dân bị đóng cửa. Thật ra, đây là trường học cho con em của thành phần lao động xiêu dạt trong các thành phố của Trung Quốc mà họ gọi là "dân công". Nguyên nhân sâu xa bên dưới chính là chế độ "hộ khẩu" do Mao Trạch Đông ban hành năm 1958 mà đến nay vẫn được duy trì.

Có lẽ chính là yếu tố tư lợi cao hơn chuyện công ích mới khiến chúng ta để ý đến sổ hộ khẩu và vì sao mà chế độ này không được cải tổ dù vấn đề đã được nêu ra từ nhiều năm nay.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Quả là ly kỳ thưa ông, việc một nghệ sĩ lừng danh quốc tế lên tiếng các vấn đề xã hội ở nhà và qua đó mà nói đến thân phận bi đát của các "dân công". Đầu đuôi câu chuyện ra sao?

Nguyễn Xuân Nghĩa:  -Ngải Vị Vị chỉ viết một câu ngắn gọn bằng Anh ngữ, rằng "Bạn sẽ thấy những trường học của di dân bị đóng cửa". Thật ra, đây là "trường học của dân công" chứ không phải là "di dân nội địa" như người bên ngoài có thể hiểu lầm. Nếu theo dõi thì ta biết rằng hôm 15 tháng Tám vừa qua có 300 phụ huynh giận dữ biểu tình tại nhiều địa điểm của Bắc Kinh để phản đối việc Ủy ban Nhân dân ra lệnh đóng cửa các trường học cho con em của họ. Tìm hiểu thêm thì ta biết là quyết định ấy ban hành từ tháng Sáu, có 24 ngôi trường bị đóng vì lý do "thiếu tiêu chuẩn an toàn", ít ra phân nửa sẽ bị kéo sập và ba vạn học sinh không còn lớp học nên cha mẹ mới biểu tình phản đối. Câu viết ngắn của Ngải Vị Vị phơi bày ra một thảm kịch lớn.

- Số là người dân Trung Quốc, từ nông thôn đến thành thị, vẫn còn bị chế độ hộ khẩu quản lý và con em chỉ được đi học trong các ngôi trường công lập tại địa phương mà gia đình có hộ khẩu. Dù là trường công thì họ vẫn phải đóng học phí, chứ không được miễn phí như chủ trương chính thức của nhà nước. Thế rồi, sau khi kinh tế được mở cửa, các thành phố cần nhân công và cư dân ở nông thôn phải lên tỉnh kiếm việc làm để gửi tiền về nhà cho gia đình. Đó là thành phần họ gọi là "dân công" và con số này lên tới từ 150 đến 200 triệu người. Họ là lực lượng lao động sống tạm bợ ở thành phố mà không có hộ khẩu và vì vậy không được hưởng các dịch vụ xã hội như y tế, gia cư hay giáo dục được dành cho cư dân thành phố. Tình trạng tạm bợ ấy kéo dài mấy chục năm rồi và tính đến năm ngoái số con em của họ cần đi học có thể đã lên tới khoảng 11 triệu.

Đóng cửa "Trường học dân công" 

Vũ Hoàng: Quả là một vấn đề có kích thước vĩ đại của Trung Quốc! Cả trăm triệu người đi làm từ cả chục năm nay mà không có quy chế hợp pháp và không được bảo vệ và cả chục triệu em nhỏ không được đi học tại địa phương lao động của cha mẹ vì gia đình không có hộ khẩu. Thế thì từ đâu ra lại có trường học của dân công mà bị kéo sập như ông vừa giải thích?

CHINA-SOCIETY-EDUCATION

Hai học sinh ngồi trong một lớp học trống sau khi một trường học cho trẻ em lao động nhập cư đã bị phá hủy ở ngoại ô Bắc Kinh vào ngày 16 tháng 8 năm 2011. AFP

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Khi là "dân công" mà muốn con em đi học trong các trường công lập ở địa phương, họ phải cung cấp nhiều chứng từ nhiêu khê và phải đút lót quan chức thì mới có hy vọng và trong trường hợp hãn hữu ấy, họ vẫn phải trả học phí cao gấp 10 lệ phí thông thường. Vì thế, từ nhiều năm nay, một số người mới có sáng kiến là lập ra các trường tư thục cho dân công.

- Họ có thể là doanh nhân, là phụ huynh hay là những dân công dày dạn kinh nghiệm và có tiền. Đó cũng có thể là các hội thiện muốn làm một việc có ích cho xã hội, dường như là chính sứ quán Hoa Kỳ cũng đã được yêu cầu quan tâm đến tình trạng hẩm hiu đó của trẻ em.

- Kết quả là một phong trào thành lập trường dân công đã xuất hiện và đáp ứng yêu cầu của phụ huynh, nhưng trong điều kiện thứ nhất vẫn là bất hợp pháp, thứ hai là trường ốc tồi tàn, thứ ba là thầy cô có thể dưới tiêu chuẩn về mô phạm vì cứ luân lưu chạy theo trường học. Và dĩ nhiên là gia đình vẫn phải trả học phí. Nhưng dù sao thì hiện tượng này đã cho các thiếu nhi một chút hy vọng thăng tiến và thực tế thì còn góp phần giảm bớt gánh nặng ngân sách cho thành phố.

Vũ Hoàng: Thế thì vì sao thành phố Bắc Kinh lại ra lệnh đóng cửa các trường ấy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Vì nhiều lý do có màu sắc Trung Hoa!

- Thứ nhất, chính quyền địa phương có biết tình trạng tồi tàn của các ngôi trường bụi cho đám thợ bụi ấy, nhưng thay vì góp phần cải tiến một sáng kiến của tư nhân thì họ lại rất quan liêu thư lại ra lệnh đóng cửa mà chả quan tâm gì đến số phận của các cháu nhỏ từ nay hết còn trường học. Thứ hai, có thể là họ sợ là trường ốc mà sụp đổ như chuyện đã xảy ra sau trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008 thì họ bị thượng cấp phê phán. Cho nên, vì sợ trách nhiệm này họ làm điều vô trách nhiệm khác. Thứ ba, và có thể đây mới là lý do thật, là từ mấy năm nay, giá nhà đất đã tăng vọt tại trung tâm lẫn vùng phụ cận Bắc Kinh, chính quyền sở tại mới ăn cánh với nhà đầu tư để lấy đất xây nhà.

- Với chính quyền địa phương thì việc châm thêm ngân sách cho trường học của thiếu nhi - nhất là thiếu nhi phi pháp - thì không có lợi bằng chia chác quyền sử dụng miếng đất ngàn vàng này! Có lẽ chính là yếu tố tư lợi cao hơn chuyện công ích mới khiến chúng ta để ý đến sổ hộ khẩu và vì sao mà chế độ này không được cải tổ dù vấn đề đã được nêu ra từ nhiều năm nay.

Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần hai và cũng là chuyện đáng chú ý nhất. Thưa ông, hơn ba chục năm sau khi Trung Quốc cải cách kinh tế mà vì sao họ chưa cải cách một chế độ quản lý người dân là vụ hộ khẩu này? Nó xuất phát từ đâu?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Chế độ hộ khẩu xuất phát từ Mao Trạch Đông vào năm 1958 khi ông ta đề xướng việc công nghiệp hoá tại thành phố bằng lợi tức của nông dân tại thôn quê trong Kế hoạch Năm năm thứ nhất vào các năm 1953-1957. Từ đó, chế độ này đã thực tế phân định lằn ranh giữa nông thôn và thành thị và còn là biện pháp an ninh khi kiểm soát việc di chuyển của dân chúng và tránh tình trạng nông dân đổ xô lên tỉnh kiếm việc. Mặt thật của chính sách này là ưu đãi cư dân thành phố với giá lương thực được bao cấp và công ăn việc làm, nhà ở, y tế thuốc men hay giáo dục con em đều có trong biên chế. Tại thôn quê thì nông dân chỉ có gạo trên miếng đất canh tác của họ nhưng không được hưởng nhưng dịch vụ xã hội tối thiểu như trên tỉnh.

Vũ Hoàng: Nhưng khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách hơn 30 năm trước, tình hình lại không thay đổi hay sao?

Khi là "dân công" mà muốn con em đi học trong các trường công lập ở địa phương, họ phải cung cấp nhiều chứng từ nhiêu khê và phải đút lót quan chức thì mới có hy vọng...

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tình hình có thay đổi khi nông dân được hưởng kết quả lao động khá hơn trước, trong một chế độ sản xuất tự do hơn. Đó là trong 10 năm đầu. Sau đấy, nhu cầu công nghiệp hoá và hiện đại hóa các đô thị tạo ra sức hút rất lớn của lực lượng lao động từ quê ra tỉnh, từ nông thôn ra thành thị và từ các tỉnh bên trong ra khu vực duyên hải bên ngoài. Đấy là hiện tượng "dân công" vào lúc khởi thủy, và một cuộc kiểm tra dân số năm 1982 cho biết là có 1,14% dân số, khoảng 11 triệu người, không sống tại nơi có hộ khẩu.

- Sau đấy tình trạng di dân bùng phát cùng nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh bên ngoài và chính quyền Trung Quốc không bãi bỏ chế độ hộ khẩu thời Mao, nhưng ban hành quy chế tạm qua tấm "thẻ xanh" cho loại dân công có việc làm và khả năng tự túc mà không trông cậy gì vào chế độ an sinh phúc lợi của địa phương. Tấm thẻ chứng minh ấy là một cách kiểm soát về an ninh mà cũng là cơ hội làm tiền cho cảnh sát và công an thì dân công phải hối lộ thì mới có!

- Thực tế thì từ năm 1988 đến ngay năm nay, đã có nhiều đề nghị cải cách chế độ hộ khẩu, nổi bật và gần đây là hai dự án thí điểm tại tỉnh Quảng Đông và thành phố Trùng Khánh của tỉnh Tứ Xuyên, mà các cuộc thử nghiệm đó đều không giải tỏa được sự cấm đoán, phân biệt và thậm chí kỳ thị nông thôn của chế độ hộ khẩu vì sự phản đối của nhiều đảng bộ địa phương. Thế hệ lãnh đạo thứ tư của Trung Quốc là các ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã đề nghị nghiên cứu và cải cách từ năm 2007 mà đến nay vẫn chưa có kết quả.

Kinh tế thị trường... nửa vời

CHINA HUNAN DROUGHT

Nông dân Trung Quốc ở quận Quý Dương, thành phố Sâm Châu, trung tâm tỉnh Hồ Nam hôm 29 tháng Bảy, 2011. AFP

Vũ Hoàng: Nghe ra thì rất lạ vì Trung Quốc theo kinh tế thị trường mà vẫn chưa cho người dân hoặc lực lượng lao động quyền tự do di chuyển theo yêu cầu đầu tư và sản xuất của thị trường. Thưa ông, vì sao lại có sự cưỡng chống như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trước hết là lý do an ninh vì chế độ cần hệ thống kiểm soát chẳng khác gì thời hoang tưởng hắc ám của Mao Trạch Đông. Đầu năm nay, Trưởng ban Chính pháp Trung ương là Chu Vĩnh Khang, Ủy viên trong Thường vụ bộ Chính trị của đảng và là người chỉ đạo việc bảo vệ an ninh cho chế độ, đã nhân những động loạn xã hội mà đòi duy trì chế độ hộ khẩu. Khi nói đến an ninh, tức là quyền lợi cốt lõi đầu tiên của chế độ, thì chẳng ai dám vượt qua. Huống hồ việc đó lại có lợi cho nhiều đảng bộ và tay chân kinh doanh của họ.

- Thứ nhất, chế độ ấy khiến ngân sách địa phương khỏi bị tốn kém vì yêu cầu về gia cư, y tế hay giáo dục cho đám dân công không có hộ khẩu, là loại công dân hạng nhì, dù sao vẫn là bất hợp pháp! Thứ hai, sổ hộ khẩu đó lại dính liền với một mảnh đất ở thôn quê, tức là một cơ hội trưng thu và bán chác có lợi với giá rất rẻ trong tiến trình đô thị hóa tất yếu của việc công nghiệp hoá. Muốn xin dời hộ khẩu, thôn dân phải dâng hiến quyền sử dụng đất với giá rất bèo và chẳng được đền bù thỏa đáng. Thứ ba, loại dân công có quy chế thấp hèn đó là lực lượng lao động rẻ mạt cho các địa phương. Kết luận ở đây là Trung Quốc định chế hóa một tình trạng bất công và thực tế bóc lột nông dân bằng chính sách và đấy cũng là một nguyên nhân khiến dân chúng biểu tình khiếu kiện về nạn chiếm đất, tham ô, bóc lột của chính bộ máy nhà nước.

- Trong lịch sử xứ này, nông dân đã từng nổi dậy như vậy mà người ta gọi đó là "cách mạng", lần cuối là dưới lá cờ nông dân của chính Mao Trạch Đông!

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã nhân một bài viết của Ngải Vị Vị mà đào sâu vào một hồ sơ kinh tế bất ngờ của Trung Quốc và mong rằng điều ấy cũng giúp quý thính giả suy ngẫm về hoàn cảnh của Việt Nam.

V.H. – N.X.N.

Nguồn: dainamax.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn