Giá lúa gạo khi giảm khi tăng – Ai tung tin đồn nhảm?

Hoàng Kim (Đồng Tháp)

image Giá lúa tăng, VFA họp báo…

Từ tháng 6/2011 đến nay, giá lúa tăng liên tục, đến khoảng 20/8 giá lúa khô loại thường lên đến 7.000 đồng/kg.

Vậy là vào ngày 24/8, Bộ Công Thương và Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) vội vã hop báo đột xuất để thông báo cho bàn dân thiên hạ rằng: “Tin đồn thất thiệt đẩy giá gạo tăng đột biến”.

Rất nhiều báo mạng đăng tải thông tin về cuộc họp báo đột xuất này.

Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên Bộ Công Thương:

“Còn lý giải về tình trạng, giá lúa gạo trên thị trường nội địa thời gian qua tăng cao theo lãnh đạo Bộ Công Thương chủ yếu là do tin đồn. Tin nhắn với nội dung Việt Nam đã ký thêm được hợp đồng xuất khẩu 500.000 – 600.000 tấn gạo sang Indonesia và 200.000 tấn với Malaysia được gửi đến hàng trăm chủ doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã khiến các đơn vị kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này đẩy mạnh việc mua vào.

Theo đó, Thứ trưởng Biên cho rằng, VFA cần phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm phát hiện có chế tài đối với việc tung tin gây rối loạn thị trường.

Ngoài ra, ông Biên cũng lưu ý, cam kết tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân khi vận động tranh cử của Chính phủ mới tại Thái Lan, phải tới tháng 11 mới chính thức được triển khai và việc này cũng được thực hiện có lộ trình. Vì vậy, không nên để các đối tượng lợi dụng điều này để tác động đến tâm lý của người dân làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước”.

Báo VietnamPlus Online cho biết về phát biểu của ông Trương Thanh Phong Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA):

“Theo ông Phong, rất nhiều doanh nghiệp đã nhận được các tin nhắn mang nội dung thất thiệt là giá gạo sẽ còn tăng khiến giá gạo tăng đột biến thêm 400 đồng/kg do xuất hiện hiện tình trạng đầu cơ, gom, găm hàng.

Thực chất, ông Phong khẳng định, không hề có hợp đồng nào ký thêm để xuất khẩu. Lượng gạo tồn kho là 1,3 triệu tấn đủ sức để bình ổn thị trường trong nước đến hết năm…

Theo Hiệp hội, đang có hiện tượng đầu cơ gạo trong nước rất lớn, mà những đối tượng đầu cơ lại không chuyên trong ngành lương thực, họ chỉ nhận thấy giá có khả năng tăng lên đã đầu cơ. Thêm vào đó là một số nhà máy đã mua lúa về nhưng không xay, chờ giá lên mới xay để bán ra”.

Tại sao doanh nghiệp lại tin vào tin nhắn rác?

Điểm chung nhất trong phát biểu của ông Biên và ông Phong là: giá lúa gạo trên thị trường nội địa tăng cao chủ yếu là do tin đồn.

Tin đồn ghê gớm làm cho giá lúa tăng đột biến, theo ông Biên là: “Tin nhắn với nội dung Việt Nam đã ký thêm được hợp đồng xuất khẩu 500.000 – 600.000 tấn gạo sang Indonesia và 200.000 tấn với Malaysia được gửi đến hàng trăm chủ doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã khiến các đơn vị kinh doanh xuất khẩu mặt hàng này đẩy mạnh việc mua vào”.

Tin đồn ghê gớm làm cho giá lúa tăng đột biến, theo ông Phong là: “rất nhiều doanh nghiệp đã nhận được các tin nhắn mang nội dung thất thiệt là giá gạo sẽ còn tăng khiến giá gạo tăng đột biến thêm 400 đồng/kg do xuất hiện tình trạng đầu cơ, gom, găm hàng”.

Đọc “tin đồn ghê gớm” mà ông Biên và ông Phong đưa ra tôi mắc tức cười, sao nghe nó khù khờ và vô lý quá!

Chẳng lẽ doanh nghiệp mua bán lúa gạo của chúng ta tệ đến cỡ đó sao? Tin nhắn rác mà cũng tin? Dựa theo tin nhắn rác mà dám tăng giá mua lúa lên 400 đồng/kg để “đầu cơ, gom, găm hàng” họa có là điên!

Ở đây còn có một vấn đề gây thắc mắc, đó là: làm sao mà kẻ phao tin đồn có được số điện thoại của hằng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gạo để gởi tin nhắn, nếu không phải là người của VFA?

Tổng công ty lương thực miền Nam có ký bán 300.000 tấn gạo cho Indonesia hay không?

Việc VFA có ký thêm được hợp đồng bán gạo hay không, Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 24/8 cho biết:

“Hôm 18/8, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinanfood 2), đã ký hợp đồng bán tiếp 300.000 tấn gạo 15% tấm với giá khoảng 550 đô la/tấn, FOB, cho Indonesia, sau hợp đồng bán 500.000 tấn hồi tháng trước”.

Do thông tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn và VFA mâu thuẫn với nhau, nên tôi đã hỏi lại tác giả Hải Hà về thông tin nói trên, một bạn đọc tên Quang đã trả lời thay cho tác giả Hải Hà:

“Thực ra tin của Reuters phát nói là Vinafood 2 ký hợp đồng 300 ngàn tấn với Bulog của Indonesia là Reuters lấy lại tin của 1 tờ báo Việt Nam đăng ngày 23/8, trong đó báo Việt Nam nêu rõ ký 300 ngàn với mức giá FOB ra sao. Như vậy, tin về hợp đồng xuất khẩu gạo này có còn là tin đồn nữa đâu? Nó đã được báo chí Việt Nam đăng tải trước rồi”.

Vậy mà ông Phong khẳng định rằng: “không hề có hợp đồng nào ký thêm để xuất khẩu”.

Vì vậy, thưa ông Thứ trưởng Biên, thay vì đi tìm kẻ “tung tin gây rối loạn thị trường”, mà tôi dám chắc ông tìm chẳng ra đâu, ông hãy xác minh thông tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn, có thể, ông sẽ biết được, ai là kẻ tung tin đồn nhảm.

Chính phủ Thái Lan thực hiện cam kết tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân Thái vào tháng 10 hay tháng 11?

Ngày 6/9, Tuổi trẻ Online cho biết: “Theo cam kết của tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Thái Lan đang chuẩn bị tung ra chương trình trị giá 470 tỉ baht (gần 16 tỉ USD) nhằm nâng giá thu mua gạo cho nông dân lên 15.000 baht/tấn (khoảng 500 USD), gần gấp đôi mức giá trung bình 8.500 baht/tấn hiện tại. Theo Bangkok Post, kế hoạch dự kiến bắt đầu từ ngày 7-10 tới” (Tôi nhấn mạnh).

Vậy mà ông Biên lưu ý: “cam kết tăng giá thu mua lúa gạo cho nông dân khi vận động tranh cử của Chính phủ mới tại Thái Lan, phải tới tháng 11 mới chính thức được triển khai và việc này cũng được thực hiện có lộ trình” (Tôi nhấn mạnh).

Bangkok Post nói kế hoạch dự kiến bắt đầu từ ngày 7/10, ông Biên nói phải đến tháng 11, lại thực hiện có lộ trình, tức là còn lâu lắm. Rồi ông Biên hăm he: “Vì vậy, không nên để các đối tượng lợi dụng điều này để tác động đến tâm lý của người dân làm ảnh hưởng đến thị trường trong nước”.

Không biết ông Biên lấy thông tin ở đâu? Không biết ông Biên hăm dọa người ta để làm gì?!

Giá lúa hạ sau cuộc họp báo ngày 24/8 của ông Biên và ông Phong

Các lý do giá lúa tăng mà ông Biên và ông Phong đưa ra đều thiếu tính thuyết phục, thế nhưng, cuộc họp báo của ông Biên và ông Phong ngày 24/8 đang làm cho giá lúa giảm liên tục trong thời gian qua.

Ngày 26/8 báo DTV.VN Online cho biết: Giá lúa gạo chững lại sau khi tăng 9 tuần liên tiếp. Và đưa ra kết luận: “Trước đó, những tin đồn về những thương vụ mua gạo của các nước ngoài như: Indonesia hoặc Malaysia... đã kéo giá gạo xuất khẩu lên cao kỉ lục và giá gạo trong nước cũng từ đó tăng thêm. Tuy nhiên, mới đây Hiệp hội lương thực Việt Nam đã phủ nhận những thông tin trên. Điều này sẽ khiến giá gạo trong nước trong thời gian tới có thể sụt giảm”.

Ngày 29/8 báo Tuổi trẻ Online cho biết: Giá lúa gạo giảm mạnh, “ngày 28-8, giá lúa gạo ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL bất ngờ giảm mạnh, từ 300-400 đồng/kg”.

Ngày 2/9 Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết: Gạo Việt Nam giảm giá còn gạo Thái cao nhất 18 tháng, “ gạo 5% tấm xuất khẩu tuần qua giá giảm về 560-564 đô la/tấn, FOB, từ mức 570-580 đô la/tấn tuần trước. Gạo 25% tấm giá cũng giảm về 525-530 đô la/tấn, từ mức 530-540 đô la/tấn một tuần trước”.

Giảm giá gạo 5% tấm xuất khẩu từ 570-580 đô la Mỹ/tấn về mức 560-564 đô la Mỹ/tấn, chắc chắn là việc làm của VFA, hay rõ hơn, là việc làm của ông Phong Chủ tịch VFA.

Vậy, phải chăng, mục đích tổ chức họp báo đột xuất ngày 28/4 của ông Biên Thứ trưởng, và ông Phong Chủ tịch là nhằm mục đích hạ giá lúa gạo trong nước?

Tại sao giá lúa gạo trong nước đã liên tục tăng?

Chúng ta điều biết, Tổng công ty lương thực miền nam là doanh nghiệp nhà nước, và VFA hầu hết cũng là doanh nghiệp nhà nước, VFA đang độc quyền mua bán đến khoảng 90% lượng lúa gạo Việt Nam. Vậy tại sao hiện nay giá lúa gạo lại tăng ngoài tầm kiểm soát của Tổng công ty lương thực miền Nam và VFA, khiến ông Phong phải cậy đến ông Biên để hợp lực làm giảm giá lúa gạo trong nước?

Theo tôi, là do chính sách tăng giá mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan và chính sách kềm chế giá lúa gạo của VFA.

Theo Agromonitor, trong khi ứng cử, bà Yingluck Shinawatra đã hứa sẽ tăng giá mua lúa cho nông dân:

“Đảng Vì Nước Thái (Pheu Thai) do em gái cựu Thủ tướng Thaksin là bà Yingluck Shinawatra đang muốn lá phiếu khu vực nông thôn khi đưa ra lời hứa sẽ tăng tới gần 50% giá thu mua lúa của Chính phủ đối với nông dân. Nếu chính sách được thực thi thì mức giá sẽ là bao nhiêu – chúng ta xem ước tính từ Reuters về KỊCH BẢN này đối với phỏng vấn 8 nhà chế biến và xuất khẩu của Thái: Mức giá thu mua của Chính phủ từ mức hiện nay 11000 baht/tấn lên mức 15000 baht/tấn lúa tương đương 496 USD/tấn. Mức giá gạo xuất khẩu sẽ phải tăng từ mức hiện tại 500 USD/tấn lên 750 USD/tấn”.

Ngày 9/8 bà Yingluck Shinawatra được Vua Thái Lan phê chuẩn chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan.

Như trên đã nêu, báo Tuổi trẻ Online cho biết Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra dự kiến sẽ thực hiện việc mua lúa giá 15.000 bạt/tấn vào ngày 7/10.

Tức là, theo dự kiến của Thủ tướng Thái Lan, giá bán gạo xuất khẩu có thể tăng lên 750 đô la Mỹ/tấn vào ngày 7/10.

Vậy mà, VFA hiện vẫn đang khống chế giá bán gạo ở mức 560 -570 đô la Mỹ/tấn!

Cho nên, doanh nghiệp và thương lái tranh nhau tăng giá mua lúa gạo trữ lại để chờ giá.

Mua gạo giá 550 và chờ bán giá 750 đô la Mỹ/tấn, ai mà không ham?

Đây mới chính là nguyên nhân làm cho giá lúa tăng và gây ra hiện tượng trữ lúa gạo chờ giá.

Ông Biên không biết giá lúa trong nước tăng do chính sách tăng giá thu mua lúa, tức là tăng giá bán gạo xuất khẩu của Thủ tướng Thái Lan? Hay ông Biên cố tình làm như không biết?

Đến đây, thiết nghĩ, mọi người có thể kết luận, ai đang tung tin đồn nhảm.

H.K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn