Tiếp tục đổi mới tư duy lý luận để phát triển và hoàn thiện xã hội (1)

GS  Đào Công Tiến

(Gởi Đảng, gởi Dân nhân ngày nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng)

Kính gửi Ban biên tập trang Bauxite Việt Nam

Tôi đã phát biểu và gửi bài viết này (xem file đính kèm) cho những tổ chức và cá nhân có thẩm quyền theo hệ thống tổ chức Đảng tại lễ trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng (24/05/2011) tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Nay xin gửi đến Dân, vì việc lớn của Dân của Nước là chuyện của Dân. Tôi chọn Bauxite Việt Nam để mong thực hiện được ý nguyện đó. Rất mong sự hỗ trợ – cho đăng tải trên trang Bauxite Việt Nam bài viết này của tôi.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chào

Đào Công Tiến

Nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế TP HCM

Địa chỉ: 55 Nguyễn Sơn Hà, P 5, Q 3, TP HCM

Điện thoại nhà: (84-8) 3839 9804

Diện thoại di động: (84) 90 370 1631

Tôi tham gia công việc của cách mạng từ lúc còn nhỏ – năm 14 tuổi làm liên lạc cho các tổ chức bí mật ở địa phương, năm 16 tuổi gia nhập Vệ quốc đoàn (thuộc Bộ Tư lệnh Tây Nam Bộ).

Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên, kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm, tôi tham gia đoàn quân tập kết ra miền Bắc, được Tổ chức cho đi học văn hóa và được kết nạp vào Đảng ngày 06/02/1960 tại Trường Bổ túc công nông trung ương.

Với 50 năm tuổi Đảng, huy hiệu mà tôi nhận hôm nay có cội nguồn từ những cái mốc kể trên. Đó là những cái mốc từ một sự lựa chọn do gia đình và quê hương Bến Tre truyền cho tôi.

Theo Đảng từ chỗ là ý nguyện của gia đình, của quê hương, rồi cùng với những trải nghiệm trong đời sống thực của cách mạng, tôi cảm nhận theo Đảng cũng là ý nguyện của dân tộc – một dân tộc giàu truyền thống yêu nước. Đảng phất cao ngọn cờ giải phóng của Hồ Chí Minh vì độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, chống đói nghèo, thất học và bệnh tật, chống áp bức và bất công. Với những mục tiêu đó, dân đã chọn Đảng và Đảng dựa vào dân làm Cách mạng tháng Tám thắng lợi, tiến hành hai cuộc kháng chiến thành công, Đảng chấp nhận thực tiễn từ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn – xé rào vượt cơ chế cũ của người dân, dẫn đến đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng và tạo đà tăng trưởng liên tục trên 25 năm qua.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, Đảng đã phạm sai lầm và khuyết điểm, thậm chí có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng có thể đơn cử như: (1) Sai lầm trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1954; (2) Triệt phá kinh tế tư bản tư nhân ở miền Bắc sau 1954 và ở miền Nam sau 1975; (3) Xóa bỏ kinh tế hộ nông dân bằng việc hợp tác hóa và tập thể hóa; (4) Kỳ thị kinh tế tư nhân và cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân; (5) Thái quá trong cách phân định và phân biệt đối xử giữa các thành phần giai cấp trong xã hội – nêu khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” trong Xô Viết Nghệ Tĩnh: ngược đãi nhân sĩ, trí thức yêu nước trong vụ án “Nhân văn – Giai phẩm” và chống xét lại hiện đại; (6) Chọn đổi mới, nhưng một bộ phận không nhỏ, cả trong giới lãnh đạo của Đảng thiếu thái độ dứt khoát ủng hộ đổi mới, cản trở đổi mới toàn diện và mạnh mẽ vì sợ “đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”; (7) Chậm nhận biết sự tất yếu mang tính quy luật của phát triển bền vững, nên kinh tế càng tăng trưởng thì lâm nguy đối với văn hóa, xã hội và môi trường càng lớn, càng gay gắt. Chạy theo tăng trưởng nhanh, nhất là trên diện rộng và số lượng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, với cái giá phải trả không nhỏ là chất lượng tăng trưởng không cao, và chất lượng cuộc sống của người dân chậm được cải thiện.

Những sai lầm, khuyết điểm như đã nêu ở trên, có nguyên nhân từ bệnh giáo điều trong tư duy lý luận về học thuyết Mác – Lê nin và CNXH. Những sai lầm, khuyết điểm đó còn có nguyên nhân từ bệnh chủ quan, duy ý chí, thiếu tôn trọng thực tế khách quan, thiếu tôn trọng những tư vấn và phản biện xã hội – tư vấn và phản biện từ người dân. Và nguyên nhân bao trùm lên tất cả là quyền lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và tuyết đối của Đảng đã trở thành siêu quyền lực đặt trên dân quyền và pháp quyền, làm cho xã hội thiếu người chủ thực sự có quyền và trách nhiệm đúng nghĩa của nó.

Thực tiễn từ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội vừa có tính phổ biến, vừa là những hiện thực trực tiếp, dần dần chỉ ra nhiều vấn đề, không thể quay lưng lại với nó được. Nhận biết vấn đề đặt ra từ cuộc sống đã khó, tìm lời giải và giải một cách thuyết phục cho những vấn đề đó còn khó hơn. Nguồn lực của một người, thậm chí một nhóm người đối với việc nhận biết và tìm lời giải cho nó ví như giọt nước bỏ biển. Nhưng không có giọt nước làm sao có biển. Nếu chưa vào cuộc mà đã mỏi gối chồn chân thì chỉ có thể đem những giáo điều đã học thuộc lòng ra dùng mãi.

Trên tinh thần đó, tôi xin đóng góp với Đảng với Dân một số vấn đề nhận biết từ cuộc sống mà từ nhiều năm đã trăn trở tìm lời giải.

Không nên tuyệt đối hóa và không nên kiên định một cách máy móc học thuyết Mác – Lênin.

Trào lưu cách mạng vô sản và công cuộc xây dựng xã hội XHCN ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác, trong đó có Việt Nam cho chúng ta những cảm nhận: (1) Học thuyết Mác – Lênin có cái trước đúng nay vẫn đúng; (2) Có cái trước đúng, nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi; (3) Và cũng có cái trước và nay đều không đúng. Do đó, để chọn được cái đúng, cái phù hợp để vận dụng, thì không thể tuyệt đối hóa, không thể cứ kiên định một cách máy móc học thuyết Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi tư duy và hành động. Chính C.Mac, Angghen, Lênin và Hồ Chí Minh cũng đã khuyến cáo đến các thế hệ đồng chí, đồng đội về việc nhận biết và vận dụng đối với chính học thuyết của mình như vậy (2).

Ngoài cái đúng, cái phù hợp của học thuyết Mác – Lênin, còn có tư tưởng Hồ Chí Minh và những cái đúng, cái phù hợp của những tư tưởng học thuyết khác. Đó, mới là những cái cần và đủ để có được cái gọi là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho tư duy và hành động cách mạng.

Mô thức tổ chức xã hội XHCN có nhiều khuyết tật, gây bất ổn cho hệ giải pháp phát triển và hoàn thiện xã hội.

Xã hội XHCN theo cách hiểu và làm, một thời tồn tại ở Liên Xô, Trung Quốc và một số nước khác, trong đó có Việt Nam, vừa hàm chứa được những ý tưởng tiến bộ về mục tiêu phát triển và hoàn thiện xã hội nhưng cũng có không ít khuyết tật gây bất ổn trong hệ thống giải pháp.

Ý tưởng cao đẹp về mục tiêu phát triển và hoàn thiện của xã hội trong mô hình XHCN là sự tôn vinh nhân tố con người – con người là chủ thể của phát triển và hoàn thiện xã hội – xã hội của con người và vì con người; là một xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ và tính chất cũa lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến – đậm đà bản sắc dân tộc; có nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, đã và đang có một sự đồng thuận cao (cả về nhận thức và hành động) dành cho mục tiêu phát triển và hoàn thiện xã hội, là “giữ vững độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng và văn minh”. Mục tiêu đó cũng được coi là mục tiêu XHCN, là định hướng XHCN cần được kiên định trong sự phát triển và hoàn thiện xã hội.

Những khuyết tật gây bất ổn cho hệ thống giải pháp nằm trong mô thức tổ chức xã hội XHCN, đã một thời tồn tại luôn gắn liền với các đặc trưng cơ bản: (1) Đảng nắm quyền lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối mọi hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Và trên thực tế quyền lãnh đạo đó đã trở thành siêu quyền lực (có nơi, có lúc là Đảng trị và sùng bái cá nhân) đặt trên dân quyền và pháp quyền; (2) Tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội. Coi chuyên chính vô sản là nguyên tắc và trên thực tế đã không tránh khỏi tình trạng lấy vô sản chuyên chính dân tộc, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc; (3) Mô thức tổ chức nền kinh tế bị chi phối gần như tuyệt đối bởi sự công hữu hóa tư liệu sản xuất chủ yếu và kinh tế nhà nước là chủ đạo, kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp.

Sự hiện hữu của siêu quyền lực như vậy, không phù hợp với tinh thần đề cao dân chủ và thượng tôn pháp luật. Tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, cũng không phù hợp với tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Coi công hữu tư liệu sản xuất là nền tảng chủ yếu của nền kinh tế quốc dân và coi kinh tế nhà nước là chủ đạo, cũng không phù hợp với tinh thần “lấy dân làm gốc”, không khuyến khích, tạo điều kiện cho việc huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực của dân, từ khu vực dân doanh.

Mô thức tổ chức xã hội XHCN với ba đặc trưng như đã trình bày, đã phá sản ở Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu và không còn cơ sở để tồn tại ở nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam để nhường chỗ cho một mô thức thích hợp được lựa chọn để thay thế. Mô thức thích hợp được lựa chọn để thay thế mô thức tổ chức xã hội XHCN là mô thức tổ chức xã hội hiện đại, với kinh tế thị trường hiện đại; xã hội dân chủ; nhà nước pháp quyền.

Với trên 25 năm Đổi mới, Việt Nam đã chọn phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần (mà đỉnh cao của sự phát triển và hoàn thiện là kinh tế thị trường hiện đại); tự chủ cho người sản xuất và tiêu dùng, trong đó có nông hộ được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn; khuyến khích và tạo điều kiện phát huy tối đa mọi nguồn lực bằng một nền kinh tế mở (mở bên trong và ra cả bên ngoài).

Với sự lựa chọn này – lựa chọn từ Đổi mới, thì mô hình kinh tế tổng quát bị chi phối gần như tuyệt đối bởi công hữu hóa tư liệu sản xuất là nền tảng và kinh tế nhà nước là chủ đạo, cũng không có cơ sở để tồn tại, phải thay thế bằng một mô hình kinh tế được lựa chọn với những đặc trưng tổng quát và cơ bản là: (1) Kinh tế thị trường hiện đại; (2) Hai chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu (công hữu và tư hữu), ba khu vực kinh tế (kinh tế công, kinh tế tư nhân và kinh tế hỗn hợp), với các chủ thể kinh tế bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, không coi “công hữu hóa là nền tảng” và cũng không coi “kinh tế nhà nước là chủ đạo” mà chỉ xác định đúng mức vai trò của Nhà nước pháp quyền đối với nền kinh tế thị trường hiện đại Việt Nam; (3) Thực thi dân chủ trong kinh tế, mà vấn đề cốt lõi trong đó là quyền của người dân và thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; (4) Liên kết hợp tác và hội nhập quốc tế.

Siêu quyền lực trong thực thi quyền lãnh đạo của dảng đi ngược lại dân quyền, pháp quyền gây bất ổn đối với phát triển, hoàn thiện xã hội và cũng làm cho Đảng bị tha hóa.

Dân chủ và tập trung với sự gắn kết hữu cơ với nhau, được coi là nguyên tắc cơ bản của sự phân bố quyền lực trong hoạt động của đời sống xã hội. Với xã hội hiện đại, nền tảng cơ bản của dân chủ là quyền con người và sự tự do cho con người trong việc thực thi cái quyền đó. Và cái then chốt của tập trung là tập trung cho pháp quyền – là thượng tôn pháp luật.

Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác trong xã hội cũng phải có quyền và trách nhiệm của nó, nhưng đó là quyền và trách nhiệm của dân quyền và pháp quyền trao cho để thực thi dân chủ và pháp luật, và luôn chịu sự chế tài của dân quyền và pháp quyền.

Tinh thần đề cao dân chủ và thượng tôn pháp luật như đã đề cập ở trên, về cơ bản đã không được thực thi ở nhiều nước XHCN, bởi quyền lãnh đạo của đảng cầm quyền ở đó đã trở thành siêu quyền lực đặt lên trên dân quyền và pháp quyền. Thiếu đề cao dân quyền và pháp quyền nên xã hội thiếu người chủ đích thực, thiếu động lực phát triển, trì trệ và thiếu kỷ cương lề luật. Ngồi trên đỉnh cao của siêu quyền lực mà thiếu sự chế tài của dân quyền và pháp quyền, nên Đảng chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan trong việc chọn mục tiêu và giải pháp phát triển. Quyền lực và đi liền theo đó là lợi ích – lợi quyền mà tập trung thái quá, lạm dụng thái quá cũng làm cho Đảng bị tha hóa. Tập trung thái quá và lạm dụng quyền lực thái quá, cùng với việc duy trì một nền kinh tế nặng về công hữu hóa, nhà nước hóa, tập trung quan liêu bao cấp, thì tham nhũng sẽ vô phương cứu chữa và hệ lụy không lường sẽ là một sự bế tắc – không chống tham những thì tham những sẽ giết chết Đảng, còn chống tham nhũng thì có khác gì chống Đảng, nên cũng làm cho Đảng chết.

Sự hiện hữu của siêu quyền lực, là một trong những khuyết tật của mô thức tổ chức xã hội XHCN, đã đến lúc phải thực sự dũng cảm trong việc chọn giải pháp thích hợp cho nó: (1) Phải cấu trúc lại cơ cấu quyền lực giữa quyền lãnh đạo của Đảng với dân quyền và pháp quyền theo hướng đề cao dân quyền và pháp quyền; (2) Phải thực sự dân chủ trong bầu cử, phải “dân bầu Đảng cử” thay vì “Đảng cử dân bầu” như đã và đang làm. Các tổ chức dân cử, nhất là Quốc hội và Hội đồng nhân dân, phải thực sự là của dân, vì dân – hành động theo ý nguyện và quyền lực của dân, nhất là ý nguyện và quyền lực được thể chế hóa bằng Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải bằng kết luận của cấp ủy như với vấn đề khai thác bôxít ở Tây nguyên, hoặc vấn đề nhập Hà Tây vào Thủ đô Hà Nội . . .; (3) Đề cao phản biện xã hội – phản biện từ lòng dân, khuyến khích và tạo điều kiện cho đối thoại, chứ không phải độc thoại từ trên xuống, từ trong ra theo kiểu “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, phán xét tùy tiện”; (4) Đảng phải tạo quyền lực mềm bằng tự chỉnh đốn để trong sạch, vững mạnh và chính bằng quyền lực mềm đó mà tác động vào hệ thống chính trị, vào xã hội chứ không phải bằng ra lệnh và cấm đoán – có luật pháp và điều lệ, còn có 19 điều cấm; trước được làm những gì luật pháp không cấm, nay còn phải được cho phép. Như thế còn gì là quyền của người dân được pháp luật bảo hộ.

Mấy kiến nghị

Những vấn đề đã trình bày ở trên, tôi đã cảm nhận được từ cuộc sống và trăn trở tìm lời giải trong nhiều năm, qua các kỳ Đại hội, nhất là từ Đại hội VI đến nay.

Trung thực mà nói, đó là những vấn đề lớn, liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, còn có khoảng cách khác nhau về nhận thức, trong nội bộ Đảng và trên bình diện toàn xã hội. Trong đó, có một số vấn đề được sửa đổi và đồng thuận hơn theo chiều hướng tích cực, như vấn đề không tiếp tục cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân, cụm từ “công hữu hóa tư liệu sản xuất chủ yếu” được thay bằng “quan hệ sản xuất tích cực phù hợp với trình độ và tính chất của các lực lượng sản xuất” trong cách diễn đạt đặc trưng kinh tế của xã hội XHCN…

Những thay đổi tiến bộ đó rất đáng trân trọng, nhưng tiếc là còn quá ít với thời gian dài trên dưới 20 năm qua – từ Đại hội VII (1991) đến nay, và với những đòi hỏi từ cuộc sống không thể quay lưng lại với nó được.

Là một đảng viên 50 năm tuổi đảng, tôi xin kiến nghị với Đảng với Dân nên sửa đổi tiếp những vấn đề lớn, hết sức cấp thiết là: (1) Đảng từ đảng của giai cấp vô sản, xin hãy trở về với dân tộc – Đảng của dân tộc và vì dân tộc Việt Nam; (2) Từ chỗ tuyệt đối hóa học thuyết Mác – Lê nin, coi học thuyết Mác – Lê nin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi tư duy và hành động, hãy trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với những gì đúng và phù hợp của các học thuyết khác (trong đó có học thuyết Mác – Lê nin); (3) Chọn “giữ vững độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh” làm mục tiêu định hướng phát triển và hoàn thiện xã hội chứ không phải là định hướng XHCN chung chung, nội hàm không rõ, không đúng; (4) Chọn mô hình kinh tế tổng quát cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thậm chí đến năm 2050 là mô hình kinh tế với các đặc trưng: kinh tế thị trường với sức mạnh văn hóa và vai trò của nhà nước; đa sở hữu về tư liệu sản xuất và các nguồn lực khác, đa khu vực kinh tế và loại hình doanh nghiệp; (5) Tôn trọng quyền của người dân và thực quyền kinh doanh của doanh nghiệp; (6) Liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế; (7) Tư duy và hành động cách mạng của Đảng phải là tư duy và hành động của cái tâm lớn và tầm tri tuệ cao. Tâm lớn là cái tâm vì dân vì nước, chứ không phải vì ý thức hệ của Đảng vốn đã không còn đủ cơ sở để tồn tại. Và trí tuệ cao là cái tầm trí tuệ của thời đại mà Đảng phải vươn tới, chứ không phải tự bằng lòng với những cái cũ kỹ lạc hậu để tuột hậu mãi.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 09 năm 2011.

Đ.C.T.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn