Trung Quốc khống chế Việt Nam trên lãnh vực Chính trị

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

2011-09-19

clip_image001  

AFP. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc (trái) - Ngày 7 tháng 9, 2011

 

Sách lược của Trung Quốc nhằm kiểm soát chặt chẽ Việt Nam trong ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hoá là khá lộ liễu.

Trong bài trước chúng tôi đã ghi lại những nét chính Trung Quốc muốn kiểm soát và thao túng nền kinh tế Việt Nam như thế nào. Tiếp tục loạt bài, hôm nay xin được chia sẻ những yếu tố chính trị mà Trung Quốc đã dùng để áp lực lên hệ thống cầm quyền Việt Nam nhằm phục vụ kế sách bá quyền đại Hán của họ. Mặc Lâm tổng hợp các sự kiện quan trọng đã xảy ra trong thời gian gần đây nhằm phác thảo hình ảnh tổng thể những diễn tiến rất nguy hiểm cho nền độc lập của Việt Nam.

Sau khi cuộc chiến biên giới năm 1979 kết thúc với nỗi căm phẫn tột cùng vì bị mất mát và phá hoại từ con người tới cơ sở vật chất, không ai tin rằng chỉ 12 năm sau, năm 1991 cuộc chiến ấy đã được đặt sang một bên để một lần nữa Việt Nam mở rộng vòng tay thu nhận “16 chữ vàng” từ người mới đánh giết mình hôm qua để yên sống theo kinh nghiệm lịch sử của hàng ngàn năm về trước.

Đồng sàng dị mộng

Tuy nhiên lần này khác. Sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Liên Xô làm Việt Nam hụt hẫng. Lổ hỗng khổng lồ của chủ nghĩa xã hội không dễ trám đã đẩy chính quyền Việt Nam dựa vào Trung Quốc tìm một đồng minh từ người láng giềng đồng sàng dị mộng này. Trung Quốc hơn ai hết biết rõ điều đó và kế hoạch dùng Việt Nam như một trái độn tiến xuống phương Nam đã hình thành một cách chóng vánh.

Sự sụp đổ của chế độ Cộng sản Liên Xô làm Việt Nam hụt hẫng. Lổ hỗng khổng lồ của chủ nghĩa xã hội không dễ trám đã đẩy chính quyền Việt Nam dựa vào Trung Quốc tìm một đồng minh từ người láng giềng đồng sàng dị mộng này. Trung Quốc hơn ai hết biết rõ điều đó...

clip_image002

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt lên tàu năm 2009. Nguồn báo TQ

Diễn tiến các cột mốc thời gian xảy ra từ năm 2005 tới nay cho thấy sự chín muồi của kế hoạch mà Trung Quốc đặt ra đã tới lúc trình diễn phần kết của một vở kịch dài.

Máu ngư dân bắt đầu đổ

Sau những thăm hỏi nồng thắm của cán bộ hai nước, ngày 8 tháng 1 năm 2005, tàu hải quân Trung Quốc nã súng bắn chết 9 người và làm bị thương nhiều ngư dân Việt Nam khác nhưng Người phát ngôn Trung Quốc nói đó là những tàu “ăn cướp có vũ trang nghiêm trọng trên biển”. 9 nạn nhân Việt Nam vĩnh viễn không được minh oan nhưng nghiêm trọng hơn, vụ giết người trên biển đầu tiên này do kẻ thủ ác không bị Bộ Ngoại giao Việt Nam vạch mặt trước dư luận quốc tế đã kéo theo hàng loạt vụ khác hai năm sau đó.

Một điều lạ lùng là hầu hết các vụ giết người, cướp của, đòi tiền chuộc ngoài biển thường xảy ra sau những cuộc viếng thăm hữu nghị của giới chức cao cấp Việt Nam sang thăm Bắc Kinh.

Một điều lạ lùng là hầu hết các vụ giết người, cướp của, đòi tiền chuộc ngoài biển thường xảy ra sau những cuộc viếng thăm hữu nghị của giới chức cao cấp Việt Nam sang thăm Bắc Kinh.

Ngày 23 tháng 8 năm 2006 Tổng bí thư Nông Đức Mạnh viếng thăm hữu nghị Trung Quốc thì tám tháng sau, đầu tháng 4 năm 2007 hải quân Trung Quốc bắt giữ 4 thuyền đánh cá Việt Nam gốm 41 người đòi tiền chuộc.

Ngày 10 tháng 4 năm 2007 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tuyên bố tại Bắc Kinh rằng “chưa bao giờ quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Trung tốt như hiện nay” thì chỉ hơn hai tháng sau ngày 27 tháng 6 năm 2007 tàu hải quân Trung Quốc lại bắn ngư dân Việt Nam làm bị thương 6 công nhân trên tàu.

Sau đó là một loạt đánh phá của tàu hải quân Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam. Hàng trăm người bỏ thây trên biển. Hàng trăm con tàu không còn hoạt động được đẩy cả làng cá Lý Sơn vào chỗ tận cùng bế tắc.

Bịt miệng dân, ai ra lệnh?...

Nước lớn lấn áp nước nhỏ là chuyện thường thấy trên thế giới nhưng chuyện hiếm thấy là nước bị hà hiếp lại cấm con dân mình lên tiếng chống đối thì có lẽ chỉ Việt Nam mới có.

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xảy ra sau khi hàng loạt nước Bắc Phi và Trung Đông tan rã có phải là lý do để Việt Nam lo ngại vết xe này lan sang nguy hiểm cho chế độc tài hay không? Câu trà lời có thể không khó nếu quay ngược thời gian về năm 2007 khi phong trào biểu tình chống Trung Quốc chưa bị chi phối bởi cách mạng Hoa nhài đã bị chính quyền thẳng tay đàn áp.

clip_image003

Biểu tình chống Trung Quốc blogger Điều Cày bị bắt ngày 19 tháng Tư năm 2008 cho tới bây giờ vẫn bặt vô âm tín. Source NguyenTienTrung

Ngày 9 tháng 12 năm 2007 sau các vụ giết người của Trung Quốc đối với đồng bào Việt Nam, hàng trăm thanh niên tập trung biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Lãnh sự quán Trung Quốc tại TPHCM. Kết quả là hàng loạt người bị Nhà nước bắt giữ, trù dập mãi cho tới ngày nay, tức là 5 năm sau, sổ đen công an vẫn còn ghi tên của họ. Blogger Điều Cày bị bắt giữ sau đó vào ngày 19 tháng Tư năm 2008 tại Đà Lạt cho tới bây giờ vẫn bặt vô âm tín.

Sự kiện tàu Hải giám của Trung Quốc ngang nhiên cắt cable của tàu thăm dò dầu khí PetroVN vào ngày 27 tháng 5 năm 2011 đã làm bùng lên sự uất ức của dân chúng. Bà Khương Du, người phát ngôn Trung Quốc đã lên tiếng cho rằng tàu Việt Nam xâm phạm vùng biển của Trung Quốc lại càng tăng thêm sự uất ức của toàn thể người dân Việt Nam.

Về phía Việt Nam, ngoại trừ cuộc họp báo trong nước của PetroVN, Bộ Ngoại giao không đưa ra một kháng thư đủ mạnh để cảnh cáo Trung Quốc như thông lệ ngoại giao quốc tế, mà ngược lại, gửi một Thứ trưởng Ngoại giao âm thầm sang Bắc Kinh để nói chuyện khiến câu hỏi ngày một lớn hơn.

Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa, một người lính cấm súng nhiều năm trong cuộc chiến Việt Nam hiện sống tại Hà Nội cho biết những những nhận xét của ông:

Cái vụ cắt cable tôi thấy rất là buồn cười khi ông Thứ trường của mình chả ai mời lại mò sang xin lỗi họ thay vì họ phải sang xin lỗi ta! Và vừa rồi Bộ Ngoại giao lại mời một ông Phó tỉnh Trung Quốc sang thăm là như thế nào?

Kỹ sư Vi Toàn Nghĩa

- Cái khó khăn nhất của mình bây giờ là người phụ trách họ không dám đứng thẳng. Nếu đổ cho người ta bán nước thì cũng hơi quá. Trong các xung đột ngoài biển đối với nước khác người ta xử trí rất là dõng dạc mặc dù nước người ta nhỏ hơn mình. Người ta triệu Đại sứ lên trao kháng thư và đấy là điều Nhà nước phải làm, thế nhưng chúng ta lại không làm.

Cái vụ cắt cable tôi thấy rất là buồn cười khi ông Thứ trường của mình chả ai mời lại mò sang xin lỗi họ thay vì họ phải sang xin lỗi ta! Và vừa rồi Bộ Ngoại giao lại mời một ông Phó tỉnh Trung Quốc sang thăm là như thế nào?

Các cuộc biểu tình của thanh niên, trí thức Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sau khi tàu Việt Nam bị cắt cable như một tiếng chuông cảnh tỉnh nhà cầm quyền. Thế nhưng ngược lại, người ta thấy chính quyền hình như nhận được một lệnh mật nào đó, khi thì buông khi thì nắm… để cuối cùng không một cuộc biều tình chống Trung Quốc nào được phép xảy ra.

Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết nhận xét của ông:

- Tình hình quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cần phải được công khai minh bạch và làm cho dân người ta hiểu rõ. Mà điều cần hiểu rõ nhất là âm mưu bành trướng xâm lươc của Trung Quốc từ trước tới nay là không đổi, bản chất nó như vậy.

Hiện nay nhà nước Việt Nam đang có biện pháp ngăn chặn tiếng nói của người dân là không đúng bởi vì thật ra đứng về quân sự mà nói thì đất nước chúng ta đối với Trung Quốc rõ ràng mình yếu hơn nhiều, nhưng cái mạnh của chúng ta là ở lòng dân là thực tế hiện nay, thành ra phải làm sao khai thác cái thế mạnh này để đối phó với âm mưu của Trung Quốc thì nó mới có hiệu quả.

Hiện nay nhà nươc Việt Nam đang có biện pháp ngăn chặn tiếng nói của người dân là không đúng bởi vì thật ra đứng về quân sự mà nói thì đất nước chúng ta đối với Trung Quốc rõ ràng mình yếu hơn nhiều, nhưng cái mạnh của chúng ta là ở lòng dân là thực tế hiện nay...

Ông Lê Hiếu Đằng

thì đây…

Citizen photo

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (áo sọc) bị công an ngăn cản trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A (áo sọc) bị công an ngăn cản trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 17-07-2011 tại Hà Nội. Citizen photo

Một việc đáng ngạc nhiên khác là sau khi viếng thăm Trung Quốc, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam là tướng Nguyễn Chí Vịnh thông báo với Trung Quốc rằng “Việt Nam kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam với tinh thần không để sự việc tái diễn”!

Các cuộc biểu tình vào ngày Chúa Nhật là một vũ khí sắc bén khiến Trung Quốc phải nhìn lại cách cư xử thiếu quân tử của họ nhưng rất tiếc đã bị chính quyền Việt Nam dập tắt. Không những dập tắt mà còn bằng mọi cách ngăn ngừa những ngòi nổ yêu nước về sau khi các phương tiên truyền thông chính thống đua nhau bôi đen nhiều khuôn mặt trí thức yêu nước.

Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên giám đốc viện nguyên tử Đà Lạt một trí thức tên tuổi có mặt hầu hết trong các cuộc biểu tình cho biết quan điểm của ông:

Những cuộc biểu tình vừa rồi là của người yêu nước, không ai có thể phủ nhận chuyện đó trong bất cứ tình huống, lập trường nào. Yêu nước thật sự dám nói lên lòng yêu nước của mình... Chứ còn bây giờ bảo rằng những người biểu tình bị ở nước ngoài hay thế lực nào xúi giục! Tôi chả thấy ai xúi giục cả.

Giáo sư Phạm Duy Hiển

- Những cuộc biểu tình vừa rồi là của người yêu nước, không ai có thể phủ nhận chuyện đó trong bất cứ tình huống, lập trường nào. Yêu nước thật sự dám nói lên lòng yêu nước của mình. Còn nhiều người yêu nước nhưng vì nhiều lý do khác người ta không thực hiện được. Chứ còn bây giờ bảo rằng những người biểu tình bị ở nước ngoài hay thế lực nào xúi giục! Tôi chả thấy ai xúi giục cả. Trong số những người bạn của tôi chẳng ai như thế cả.

Ông Lê Hiếu Đằng phát biểu

Ông Lê Hiếu Đằng phát biểu nhân ngày Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Tây Nam và ở Hoàng Sa, Trường Sa (27/07/2011). Source boxitvn

Sau khi Ủy viên Quốc vụ viện đặc trách ngoại giao của Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc sang Việt Nam, một phái đoàn quân sự cao cấp do tướng Ngô Xuân Lịch viếng thăm Bắc Kinh đã được ông Tập Cận Bình lên lớp rằng hãy giữ vững ba kiên trì trong quan hệ để cùng có lợi. Ngay trong khi phái đoàn Việt Nam còn ở Bắc Kinh thì Trung Quốc gửi chiếc tàu cá 1.000 tấn ra hỗ trợ cho 500 chiếc tàu cá khác của Trung Quốc đang đánh bắt cá trái phép trên vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Có phải Tập Cận Bình đã có kế hoạch từ trước nên khuyên Việt Nam cần phải kiên trì để Trung Quốc hưởng lợi?

Không thể chịu nổi những uẩn khuất mà Nhà nước hành xử dưới sức ép của Trung Quốc, nhiều kiến nghị, thư ngỏ của trí thức trong và ngoài nước liên tiếp gửi cho lãnh đạo cao nhất nước. Nhưng như viên đá rơi vào đại dương, không một bức thư nào được trả lời.

Tiếng chuông Lê Hiếu Đằng

Không trả lời cũng mặc, trí thức không chịu thua sự im lặng. Bức thư ngỏ mới nhất của Luật gia Lê Hiếu Đằng cũng là bức thư có lời lẽ cứng cỏi nhất yêu cầu Nhà nước trả lời trước nhân dân về điều mà ông gọi là hai sự việc cần phải làm rõ. Thứ nhất, tại sao lại cấm biểu tình và thứ hai là lời tuyên bố vượt chức năng của Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, có một đoạn ông viết:

“Tôi với tư cách công dân, với tư cách một cử tri của Sài Gòn – TP.HCM dùng quyền chất vấn của mình để các vị làm rõ trước công luận hai sự việc nêu trên vì tôi quan niệm rằng trong một chế độ chính trị độc Đảng nếu Nhà nước không tự nghiêm khắc với chính mình thì hiện tượng lạm quyền, lộng quyền của những cán bộ có chức quyền sẽ làm trầm trọng thêm tệ quan liêu, tham nhũng, chuyên quyền, vi phạm nghiêm trọng đến lợi ích và các quyền công dân, chà đạp lên luật pháp, đe dọa sự tồn vong của dân tộc, của đất nước”.

Liệu tiếng chuông Lê Hiếu Đằng có gióng lên được chút chú ý nào từ bốn vị nguyên thủ quốc gia? Ai cũng mong là “có” nhưng liệu sức nặng Trung Quốc sẽ làm các vị tiếp tục im lặng nữa hay không thì còn phải chờ xem.

M.L.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn