Một thành phố ma giữa lòng đất nước Trung Hoa: Thảm họa về quản lý

Xifan Yang

Tạp chí Der Spiegel của Đức

Phạm Anh Tuấn dịch

clip_image002

Tượng Goethe và Schiller giữa một quảng trường lát đá cuội

Johann Wolfgang von Goethe mặc áo dài đuôi tôm đứng trong tư thế tay cầm vòng quyệt quế còn bên cạnh ông là Friedrich Schiller tay cầm một cuộn giấy viết. Hai bức tượng đồng trấn giữ uy nghi một quảng trường lát đá cuội vây quanh là cây cối. "Người qua đường thường xuyên hỏi tôi đây là những người nào", một chủ tiệm cà phê đang ngóng khách trong một ngày cuối hạ nóng như thiêu nói. "Giá mà họ biết hai con người đó là ai?"

Người ta đã đem hai thi sĩ vĩ đại nhất của nước Đức đến đặt ở một đất nước xa lạ. Rút cục quảng trường này đâu phải là ở Weimar hay Heidelberg. Quảng trường nằm tại một thị trấn ngoại ô của Thượng Hải. Thị trấn Đức Anting cách đô thị khổng lồ kia của Trung Quốc 30 km là một quận dân cư điển hình kiểu Đức được xây dựng thí điểm ở Trung Quốc nhưng không thành công.

clip_image004

Nhà bưu điện

Trông nó đúng là một thành phố ma. Đường phố vắng tanh bóng người, một nhân viên bảo vệ đang ngồi buồn thiu trong trạm gác, khắp nơi chỗ nào cũng thấy trưng biển "Bán nhà". Nhà bưu điện thì đã xây xong và trên hòm thư có dòng chữ "Mỗi ngày lấy thư một lần". Nhưng đừng có dại mà quẳng thư vào đó bởi vì từ lúc nhà bưu điện được hoàn thành đến nay người ta chưa một lần mở hòm thư, còn nhà bưu điện thì vẫn đóng cửa.

clip_image006

Thành phố ma

Nếu đây mà là vùng Viễn Tây xa xưa của nước Mỹ thì có lẽ cỏ dại đã mọc lan ra cả đường phố.

Thị trấn Đức Anting nom giống như một quận dân cư ở Stuttgart hoặc Kassel, những tòa nhà cao từ ba đến năm tầng được xây theo phong cách kiến trúc chức năng Bauhaus: mặt tiền phẳng lỳ được sơn màu da cam và vàng chanh, mỗi tòa nhà đều có sân trong có trồng cây to và bụi cây thấp. Hiện nay thị trấn này có diện tích một cây số vuông. Theo kế hoạch thì nó sẽ được mở rộng tới 5 cây số vuông.

clip_image008

Quang cảnh thành phố ma

Thị trấn do hãng kiến trúc Albert & Partner có trụ sở ở Frankfurt vẽ kiểu. Speer là con trai của Kiến trúc sư tên tuổi từng là Kiến trúc sư trưởng của Hitler trong Thế chiến II.

Sao chép các thành phố châu Âu đang là trào lưu mới nhất ở Trung Quốc hiện nay. Xung quanh Thượng Hải có vài thành phố sao chép như vậy: Thị trấn Thames gợi lại nước Anh thời Nữ hoàng Victoria với những buồng điện thoại công cộng sơn đỏ chót, thị trấn Hà Lan đương nhiên có một chiếc cối xay gió nằm bên cạnh những ngôi nhà be bé xây bằng gạch. Ở miền Nam Trung Quốc thì làng Hashitate đang được xây dựng, đó là một phiên bản sao chép nguyên xi ngôi làng Hallstatt của Áo đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Giới quy hoạch của Trung Quốc ban đầu muốn có một bản sao nguyên xi một thị trấn Đức với những ngôi nhà có tường bằng khung gỗ và cổng vòm, nhưng các kiến trúc sư Đức đã thuyết phục chính quyền thành phố cho phép họ xây dựng một thị trấn dựa trên mô hình một thị trấn Đức thân thiện với môi trường, cửa sổ hai lớp kính và tòa nhà có hệ thống sưởi trung tâm thay vì kiểu nhà theo phong cách La Mã thường thấy ở vùng Rừng Đen ở nước Đức.

clip_image010

Bắt chước nhà ở vùng Rừng Đen (Schwarzwald nằm ở Tây Nam nước Đức)

Vấn đề là hầu như chẳng có một mống nào muốn sống ở đây cả. Quy hoạch được dự kiến là cho 50 ngàn người sinh sống tại Anting. "Thị trấn dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2008", Johannes Dell, đại diện của Speer tại Trung Quốc nói. Nhưng tới nay chỉ mới xây được một phần. Ban đêm hầu như không có ánh sáng điện ở các khu nhà căn hộ.

Ngoài hai bức tượng Goethe and Schiller đứng cô độc, hầu như chẳng có một dấu vết nào của văn hóa Đức tại Anting cả. Lễ hội bia hàng năm Oktoberfest, với các ban nhạc của Đức sẽ sang, đã bị hủy bỏ. Một quán rượu Đức và một tiệm bánh ngọt Đức đã đóng cửa.

Yu X, một đại lý buôn bán bất động sản tại Anting hiểu rất rõ vấn đề. Bà đưa chúng tôi tới một căn hộ nom có vẻ như chưa được hoàn thiện. "Không bán được", bà Yu nói. "Chẳng ai chịu mua căn hộ này từ nhiều năm nay rồi". Bà giải thích lý do: người Trung Quốc thích nhà của họ quay mặt về hướng Bắc và hướng Nam – về phong thủy như thế sẽ tốt hơn.

Yu, 52 tuổi, thuộc thị trấn Anting như lòng bàn tay. Bà dọn đến đây từ năm 2006 "Giá mua căn hộ ở đây hồi đó rẻ hơn bây giờ", bà kể, "và quang cảnh xung quanh lại đẹp nữa". Anting không có tường hoặc dây thép gai như thường thấy ở các khu dân cư ở Trung Quốc. Anting lại còn có nhiều cây xanh, kênh và hồ nước.

"Chúng tôi muốn phá vỡ sự đơn điệu thường thấy ở các thành phố ở Trung Quốc", Kiến trúc sư Johannes Dell nói. Hãng của ông đã cố gắng tạo những khoảng không gian trống và sáng sủa, bằng "nhiệt huyết của các nhà truyền giáo" ông nói. Những khoảng sân rộng rãi và lối đi rộng đã chứng minh cho tham vọng nói trên. Nhưng hôm nay thì ông buộc phải thú nhận: "Người Trung Quốc chẳng hề quan tâm tới chuyện đó".

Wang Zhijun, chuyên gia quy hoạch tại Đại học Tonji ở Thượng Hải đã ca ngợi quan niệm của người Đức là có tính thẩm mỹ và "được tính toán thấu đáo" – trên lý thuyết. Nhưng trên thực tế thì dự án đã thất bại bởi vì không có cơ sở hạ tầng. Năm ngoái một trạm xe lửa nội đô được khánh thành, nhưng không phải ở đây. Người ta chỉ làm đường đi tới trạm xe lửa đó. Thị trấn Anting bị chia cắt nằm lọt thỏm giữa các khu công nghiệp và bãi đất hoang. Nó giống như một "thi thể ngoại lai" ông Wang nói.

5 năm sau khi những cư dân đầu tiên dọn đến thị trấn Anting thế mà vật liệu xây dựng và gạch ngói vụn vẫn nằm chất đống trước mặt khu trung tâm mua bán khổng lồ hầu như không một bóng người. Trung tâm mua bán này nằm gần một quảng trường được làm gần giống hệt một quảng trường ở Đức có tòa thị chính và một nhà thờ xây theo phong cách Bauhaus có một tháp và gian giữa được xây bằng bê tông nhẹ màu ghi. Wang nói rằng việc xây dựng các công trình ưu tiên này là điều sai lầm: "Ai cần đến Nhà thờ cơ chứ nếu như ở đây không có đến thậm chí một trường học hay bệnh viện?".

Johannes Dell thừa nhận hãng của ông "không có kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc" vào thời điểm họ ký hợp đồng. Phía Trung Quốc liên tục hứa sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng, thế nhưng họ chẳng làm gì cả. Dell nói thẳng ra là đây là một "thảm họa về quản lý".

Yu X giải thích việc thiếu cơ sở hạ tầng tác động thế nào tới dân cư. Túi rác được chất thành đống ngoài phố bên cạnh những thùng rác đầy tràn mà nhiều ngày chẳng có người đến lấy rác đi. Thời gian đầu có rất nhiều cá dưới kênh, nhưng nước dần dần biến thành màu xanh vì các quán ăn xả nước thải xuống đó. Không ai ngăn chặn họ cả.

Yu và hàng xóm đã khiếu nại Ban quản lý khu chung cư không biết bao nhiêu lần rồi. Chẳng kết quả gì hết. Chính quyền địa phương lại không cho phép người dân tự thành lập ban đại diện. Một vấn đề nảy sinh là, cái khu vực dự kiến cho thi công của giai đoạn hai thì nay đang được dùng tạm làm bãi để xe hơi mới lắp ráp của Nhà máy lắp ráp xe Volkswagen ở gần đó. Hàng ngày công nhân của nhà máy này lái xe dọc theo những con phố với tốc độ dễ đến trăm km/giờ, Yu nói. "Nhưng chẳng ai làm gì được trừ phi có người bị chẹt chết".

clip_image012

Những chiếc xe như thế này hàng ngày phóng với tốc độ trăm km giờ qua thị trấn ma

Kiến trúc sư Dell nói họ đã bị nhầm ngay từ đầu: "Phía Trung Quốc không muốn có một thị trấn Đức. Họ chỉ muốn một thị trấn nom hao hao một thị trấn của Đức".

Ông nói thêm, Speer sẽ chẳng bao giờ chấp nhận một hợp đồng như thế này nữa đâu.

P.A.T.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn