Tản mạn chuyện xưa nay

Hoàng Dzung

Chuyện cổ tích xưa mách rằng:

Bằng cách làm cho hình thức bên ngoài giống mọi người để dễ lẫn vào đám đông, làm cho hành động giống mọi người để người khác không nghi ngờ, nói những lời hợp với lòng người để người khác tin tưởng thì người ta có thể “tàng hình” để giấu mình vào đám đông một cách an toàn.

Hơn 20 năm qua, tệ tham nhũng đã được Quốc hội ta đánh giá là một “quốc nạn” và công tác “Phòng chống tham nhũng” được coi là một “quốc sách” hàng đầu của quốc gia. Đã hơn 20 năm trôi qua, thế mà nạn tham nhũng không những đã không giảm bớt mà lại còn phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, trước còn giấu giếm, lén lút thì nay lại càng công khai và lộng hành, trắng trợn, thách thức cả luật pháp và cả công luận. Kết quả phòng và chống tham nhũng đến nay đã không đạt được như mong đợi của QH và của toàn dân.

Kết quả một công việc thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song bao giờ cũng được quyết định bởi hai yếu tố cơ bản là mục đích và phương pháp. Cố TBT Lê Duẩn trong trước tác Bàn về công tác tổ chức có kết luận đại ý rằng:

- Một mục đích sai khó lòng đạt được kết quả đúng như ý muốn.

- Một phương pháp sai lại càng khó đạt được kết quả như ý muốn.

Tham nhũng là nguyên nhân trực tiếp làm nghèo đất nước, làm bại hoại xã hội, làm tiêu tan nguyên khí quốc gia, làm thụt lùi lịch sử, làm suy yếu chế độ và làm xói mòn lòng tin của dân chúng vào sự lãnh đạo của Đảng... Vì vậy chủ trương “Phòng và chống tham nhũng” của Quốc hội, của Đảng và Nhà nước ta chắc chắn là đúng đắn và cũng là mong mỏi của toàn dân.

Vậy công cuộc “Phòng và chống tham nhũng” của Quốc hội và Nhà nước ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng sở dĩ không đạt được kết quả như toàn dân mong đợi chỉ còn có thể do phương pháp có nhiều bất cập mà thôi.

Một trong những bất cập về phương pháp tổ chức phòng chống tham nhũng vừa qua là việc phân công người phụ trách và chỉ huy “Phòng và chống tham nhũng”.

Theo kinh nghiệm của người từng trải, những điều kiêng kỵ nhất trong phân công phụ trách và chỉ huy công việc là:

1- Người không thạo việc mà đảm đương cương vị phụ trách và chỉ huy công việc;

2- Người không đủ uy tín mà đảm đương cương vị phụ trách và chỉ huy công việc;

3- Người không có lợi ích liên quan, đặc biệt là người có lợi ích đối kháng với công việc mà đảm đương cương vị phụ trách và chỉ huy công việc;

Như vậy, việc phân công người đứng đầu Nhà nước các cấp phụ trách Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng là bất cập lồ lộ dễ thấy nhất của phương pháp tổ chức phòng chống tham nhũng vừa qua, cụ thể là đã vi phạm điều cần “kiêng kị” thứ 3 đã nêu trên.

Những người có chức có quyền mới là những người có cơ hội lớn nhất để trở thành những kẻ tham nhũng. Những kẻ tham nhũng thường là những kẻ hô hào lớn tiếng hơn ai hết việc đề xướng và cổ vũ phong trào học tập tấm gương “Cần – Kiệm – Liêm – Chính…” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng ai cũng đã biết đó chỉ là một cách làm hình thức. Như thế là họ đã “tàng hình” an toàn vào phong trào chống tham nhũng. Có gì đảm bảo rằng họ không “tàng hình” vào Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở các cấp, các ngành; thử hỏi còn có “vai diễn” nào xuất sắc hơn những “vai diễn” này?

Theo VNN, Tổng Thanh tra Chính phủ (TTTCP) Huỳnh Phong Tranh gần đây đã đề xuất thí điểm mô hình Bí thư hoặc Chủ tịch HĐND cấp tỉnh làm Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Song Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc thí điểm trái với luật hiện hành nên phải đợi tổng kết 5 năm thi hành luật (Vietnamnet.vn).

clip_image002

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Lê Anh

Nếu không nhìn thấy những bất cập đang ẩn náu ở đây và không nghe lời dị nghị, đàm tiếu trong dư luận về cách phân công “trái khoáy” lâu nay – rằng đây là trò giao sói chăn cừu, giao cáo chăn gà, giao trộm giữ nhà – thì có lẽ TTTCP đã không đề nghị như thế. Trước những bất cập hiển nhiên như thế mà UBTVQH sao lại nỡ lòng từ chối? Sao UBTVQH không chờ ý kiến của một cuộc họp khoáng đại mà lại tuyên bố hấp tấp làm vậy?

Chủ tịch nước là người “đau lòng” về “bầy sâu” mà sao vội bác bỏ một đề nghị đầy thiện chí và rất sát với thực tế của cuộc sống như vậy?

TTTCP đã sáng suốt và có dũng khí dám đề đạt một kiến nghị “ngược dòng” như vậy mà sao không “gắng sức” thêm một chút xíu nữa để giải quyết rốt ráo những bất cập về phương pháp tổ chức phòng chống tham nhũng (ít ra cũng mở ra một hướng thể nghiệm mới, tất nhiên kết quả thì còn chờ thực tế trả lời, cách làm của thể chế chúng ta cái gì mà chả thế) mà vội rút lui ý kiến sớm vậy?

Những câu hỏi bỏ ngỏ nói trên xin gửi đến toàn thể các vị đại biểu QH, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong kỳ họp sắp tới.

H.DZ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn