Biểu tình ở Ai Cập: Không thể xem thường lòng dân

Cảnh Toàn (Telegraph, Bbc, Reuters)

clip_image002

Một người biểu tình cũng là tu sĩ, cầu nguyện trong khi những người khác tháo chạy do cảnh sát ném lựu đạn cay vào đám đông trong cuộc đụng độ trên con đường dẫn tới bộ Nội vụ, gần quảng trường Tahrir ở Cairo ngày 22.11.2011. Ảnh: Reuters

 
SGTT.VN - Được khích lệ từ thành công cách đây chín tháng, người dân Ai Cập đã phản ứng mạnh mẽ hơn khi giới quân sự trì hoãn chuyển giao quyền lực. Đám đông ở quảng trường Tahrir gửi đi một thông điệp rõ ràng: công luận Ai Cập hậu khởi nghĩa không thể bị coi thường.

Thông điệp này được chính phủ dân sự Ai Cập nhận thức rất rõ, dẫn đến cuộc từ chức của nội các vào đêm 21.11. Việc chính phủ từ chức là mất mát lớn nhất ảnh hưởng đến thẩm quyền của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang (CSFA), cơ quan quyền lực thực sự tại Ai Cập từ sau khi ông Mubarak bị lật đổ.

Hậu duệ của Mubarak

Mặc dù nhà độc tài đã ra đi nhưng hệ thống chính trị mà ông ta dựng nên cùng các đồng minh chính trị trung thành vẫn còn tại vị. Với giới chỉ trích, CSFA là biểu tượng của sự tiếp nối chế độ Mubarak mà không cần có mặt của ông. Sự giận dữ trước đây với Mubarak, nay chuyển qua những người kế nhiệm. Nhân vật chủ chốt trong lực lượng quân đội là thống chế Mohammed Tantawi, chủ tịch CSFA, 76 tuổi. Ông là người ngoan cố và độc tài giống như người chủ mà ông phục vụ trong gần hai thập kỷ. Hoặc giám đốc cơ quan tình báo hiện tại, Murad Muwafi, được ông Mubarak trọng dụng suốt mười năm qua và bổ nhiệm vào vị trí này trong những ngày nắm quyền cuối cùng.

Khi nhà độc tài sụp đổ, người Ai Cập hy vọng luật khẩn cấp do ông Mubarak ban hành nhiều năm qua sẽ được dỡ bỏ. CSFA lúc đầu hứa hẹn, nhưng vẫn duy trì tình trạng khẩn cấp đến tháng 6. Về lý thuyết, ông Tantawi và các đồng nghiệp chỉ có mỗi trách nhiệm hướng Ai Cập trải qua giai đoạn chuyển đổi để tiến đến nền dân chủ. Một lộ trình đã được đặt ra để quân đội chuyển giao quyền lực: sau khi một quốc hội mới được thành lập sẽ là một cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, thời gian biểu để thực hiện kế hoạch trên không được rõ ràng. Thống chế Tatanwi ban đầu nói quân đội chỉ cầm quyền trong sáu tháng, nhưng qua thời hạn đó vẫn không có gì tiến triển. CSFA tuyên bố dời thời điểm bầu cử sang năm 2013, thay vì tổ chức vào giữa năm tới. Nhiều người Ai Cập lo ngại quân đội sẽ không chịu bàn giao quyền lực, họ đòi bầu cử tổng thống phải diễn ra trong tháng 4.2012.

Quân đội Ai Cập có ba lợi ích cốt lõi cần phải bảo vệ: bảo đảm những lãnh đạo của mình sẽ không rơi vào kết cục như ông Mubarak, che chắn những lợi ích kinh tế của quân đội, từ các nhà máy sản xuất vũ khí đến các nhà máy sản xuất hàng gia dụng, đảm bảo vị thế và đặc quyền quân sự. Rời bỏ quyền lực mà không có sự bảo đảm nào sẽ khiến những lợi ích này bị phơi bày và tổn thương.

Không thể làm ngơ ý dân

Tuần trước, CSFA đã đề xuất trong hiến pháp mới phải có điều khoản quy định ngân sách quốc phòng là một bí mật và không phải chịu sự giám sát, đồng thời hội đồng này phải được quyền phủ quyết trong việc soạn thảo hiến pháp. Khi đó, những tướng lĩnh nghĩ rằng dân chúng sẽ không phản ứng mạnh. Trong bốn ngày diễn ra biểu tình, có thể thấy cánh quân đội đã để mất lòng dân. 33 người thiệt mạng trong bốn ngày nhưng không làm sờn lòng người biểu tình. Ở quảng trường Tahrir tại trung tâm thủ đô Cairo có khoảng 20.000 người tụ tập. Tại thành phố cảng Ismailia ở gần kênh đào Suez, cảnh sát được huy động để đối phó với 4.000 người biểu tình. Hơn 5.000 người cũng bao vây trụ sở chính của cơ quan an ninh của thành phố duyên hải Alexandria. Người Ai Cập không chỉ nói mà đã hành động và thể hiện cảm xúc của mình trên đường phố. Cho đến nay, nơi duy nhất mà họ có thể cất tiếng nói của mình chính là ở đường phố.

Thay vì chịu đựng những người biểu tình đang hừng hực tinh thần phản kháng thì lực lượng an ninh, dưới sự chỉ huy của bộ Nội vụ, đã bắn hơi cay và đạn cao su vào dòng người đang quá khích. Một số bản tin nói rằng cảnh sát đã bắn cả đạn thật. Tưởng rằng có thể khống chế, nhưng CSFA chỉ thổi thêm gió vào ngọn lửa giận dữ của người dân. Mặc dù tình hình bất ổn nhưng cuộc bầu cử quốc hội vào đầu tuần tới sẽ vẫn phải diễn ra theo kế hoạch. Việc trì hoãn chỉ khiến công chúng thêm phẫn nộ, chọc giận phong trào Huynh đệ Hồi giáo có tầm ảnh hưởng lớn và các đảng chính trị khác đòi phải thực hiện quá trình chuyển đổi. Quyền lực của quốc hội bị hạn chế trong chức năng soạn thảo hiến pháp và giữ vai trò lập pháp, quân đội vẫn được quyền điều hành của tổng thống bằng việc chỉ định thủ tướng và nội các. Tuy nhiên quốc hội mang một trọng trách mà CSFA không thể làm ngơ: sự thống nhất. “Chúng ta không thể đánh giá thấp sự phân tán rất lớn giữa các phe phái chính trị khiến quân đội có thể làm những gì họ muốn trong vài tuần qua”, nhà phân tích người Ai Cập Khalil Al Anani thuộc đại học Durham (Anh) nhận định.

C. T.

Nguồn: sgtt.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn