Khi văn chương bị thiến, và nhà văn là tội phạm ngôn từ

Mấy năm gần đây Mộ Dong Tuyết Thôn (慕容雪村, Murong Xuecun), sinh năm 1974, là một hiện tượng văn học Trung Quốc nổi lên nhờ lưu truyền tác phẩm đầy đủ trên mạng song song với bản in bị kiểm duyệt. Trong năm qua, anh trở thành một trong những tiếng nói mạnh mẽ phê phán kiểm duyệt ở Trung Quốc. Hôm nay (7/11), tờ New York Times có bài dài giới thiệu về anh và vấn đề này (khi nào rảnh sẽ dịch bài đó). Dưới đây là diễn từ lẽ ra anh đọc tại Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái khi nhận giải Giải Văn học Nhân dân 2010, nhưng bị ban tổ chức cấm đọc. Anh đọc bài này tại Hong Kong hồi tháng 2/2011. Tựa đề entry này do mình đặt.

Phạm Vũ Lửa Hạ

clip_image001

Ảnh của Shiho Fukada / The New York Times

Diễn từ nhận Giải Văn học Nhân dân 2010

Nhà văn Mộ Dong Tuyết Thôn

Nếu tôi không lầm, “giải thưởng hành động đặc biệt” của tạp chí Văn học Nhân dân được trao không phải cho thành tựu văn chương của tôi, mà cho lòng can đảm của tôi. Tôi ngượng vì mình không phải là người can đảm.

Lòng dũng cảm thực thụ đối với một nhà văn không phải là đấu tranh với một băng đảng lừa đảo kinh doanh đa cấp. Mà là bình tĩnh nói sự thật khi mọi người khác bị bịt miệng, khi sự thật không thể được biểu lộ. Mà là phát biểu với một tiếng nói khác, chấp nhận rủi ro lãnh cơn thịnh nộ của nhà nước và làm mất lòng mọi người, vì mục đích nói lên sự thật, và vì lương tâm của nhà văn. 

Khi tôi lật tẩy một âm mưu kinh doanh đa cấp, tôi chỉ làm điều mà bất cứ công dân nào cũng nên làm: tôi trình báo một tội ác. Việc này chẳng hề là một hành động can đảm thực sự, và tôi thiển nghĩ cũng chẳng hề xứng đáng nhận giải gì. Thực ra, tôi là kẻ hèn nhát. Tôi chỉ nói những gì nói ra thì an toàn, và tôi chỉ phê phán những gì có thể được phép phê phán.

Có cuốn sách nọ tôi đã viết xong cách đây ít lâu, và lý do quan trọng nhất khiến chậm xuất bản là tôi đụng phải một biên tập viên khá kỳ khôi. Trong hai tháng trời, ông ta và tôi đã vài lần đấu khẩu rất kịch liệt. Tôi quẳng tách xuống nền nhà vỡ tan tành, tôi nói nặng lời với ông ta. Tôi điên tiết đấm vào tường ở nhà, nhưng cuối cùng tôi đành chịu thua.

Biên tập viên này là người rất cẩn trọng. Bất luận ra sao, điều đầu tiên ông ta nghĩ đến là an toàn. Theo ông ta, lẽ ra tốt hơn là dẹp luôn không xuất bản cuốn sách của tôi; đó là cách an toàn nhất. Ngay cả khi ông ta buộc phải cho xuất bản, ông ta bảo tôi rằng tốt nhất là tránh đụng đến bất cứ điều gì thực tế, vì những điều thực tế dính đến rủi ro. Nếu tôi không thể tránh đụng đến một vài sự thật, thì tôi nên nhớ đừng bày tỏ ý kiến gì về những điều đó. Ngay lúc tôi bày tỏ ý kiến, tôi đã trở thành mối nguy hiểm. Tôi không đồng ý với ông ta, nhưng tôi biết ông ta không phải là người duy nhất nghĩ như vậy.

Cuốn sách mới của tôi kể về thời gian tôi cải trang tham gia một tổ chức kinh doanh đa cấp phi pháp. Băng đảng thực hiện trò lừa đảo này có câu: “Nếu bạn đầu tư 3.800 tệ trong vòng hai năm bạn sẽ kiếm được năm triệu tệ”. Để đáp lại, tôi viết như sau:

Tôi tính nhẩm rằng mạng lưới địa phương chúng tôi có gần 200 người. Nếu mỗi người kiếm năm triệu tệ, như vậy là gần mười tỉ tệ, hóa ra doanh thu gần bằng với mức của một chi nhánh cấp tỉnh của công ty China Mobile. Nếu toàn bộ bảy triệu người tham gia ngành kinh doanh đa cấp của Trung Quốc đều có thể kiếm được chừng đó, số tiền sẽ lên đến ba mươi lăm ngàn tỉ tệ, vượt xa GDP của Trung Quốc trong năm 2008. Cứ tiếp tục cái đà này, thì sẽ chóng đến ngày mà kinh tế Trung Quốc qua mặt Mỹ, chẳng mấy chốc Trung Quốc sẽ thống trị thế giới, hệt như Mạnh Tử đã nói, bằng cách ‘dùng gậy đánh bại quân Tần quân Sở lợi hại’. Chúng ta chỉ cần huy động bảy triệu nông dân Trung Quốc đang đói trang bị gậy gỗ là đủ hạ gục những máy bay chiến đấu tàng hình đế quốc. Chúng ta đâu cần phát triển công nghiệp, hay nông nghiệp, hay ngành dịch vụ; thậm chí chúng ta chẳng cần đến quân đội.

Biên tập viên cắt nguyên cả đoạn từ chỗ ‘qua mặt Mỹ’ trở đi, và tôi hỏi ông ta tại sao. Quá nhạy cảm, tôi được trả lời thế. Tôi nói rằng ngay cả một kẻ đần cũng hiểu đoạn văn này có ý châm biếm. Vậy có gì nhạy cảm nào? ‘Dù châm biếm cũng không chấp nhận được. Phải bỏ’. Tôi đề nghị: ‘Thôi được. Nếu châm biếm quá cay nghiệt không được phép, thì ta thử châm biếm nhẹ nhàng vậy’. Rồi ông nói cụm từ ‘Trung Quốc sẽ thống trị thế giới’ nhạy cảm. Tôi chấp nhận. ‘Được, cắt đi’. Rồi đến ‘nông dân Trung Quốc’ cũng bị xem là nhạy cảm, nhưng lần này tôi ngớ ra không hiểu. Chắn chắn đó là từ trung dung, có gì nhạy cảm đâu? Biên tập viên nói từ ‘nông dân’ chứa đựng yếu tố thành kiến. ‘Được,’ tôi đáp, giả vờ linh động, và đổi từ đó thành ‘người kinh doanh đa cấp’.

‘Hạ gục những máy bay tàng hình đế quốc’ cũng nhạy cảm. Tôi bảo biên tập viên là tôi hiểu ý ông và đề nghị đổi thành ‘những máy bay tàng hình không người lái’. Biên tập viên nói như vậy cũng chưa ổn, và ‘máy bay tàng hình’ cũng nhạy cảm vì nó đụng đến một đề tài quân sự. Tôi bảo ông thử suy ngẫm một chút: các tiệm sách Trung Quốc có biết bao sách về các đề tài quân sự. Nếu những cuốn sách đều được xuất bản, tại sao tôi thậm chí không thể đụng đến đề tài quân sự? Ông đáp rằng đề tài này không phải để bàn luận, và những từ đó nhất định phải được chỉnh lý. Nhưng vì những từ đó là chủ đề cốt lõi của đoạn văn, không có cách nào chỉnh lý chúng được, nên tôi đành phải viết lại toàn bộ.

Cuốn sách cũng có cụm từ này: ‘Nhóm này chủ yếu gồm dân Hà Nam, ông gọi họ là “mạng lưới Hà Nam” ’. Sách cũng nói đến ‘mạng lưới Quảng Tây’, ‘mạng lưới Sơn Đông’, ‘mạng lưới Tứ Xuyên’, vân vân. Tất thảy đều là những ám chỉ vô hại, nhưng với biên tập viên này, ngay cả kiểu diễn đạt thường nhật này cũng làm nảy sinh vấn đề an toàn vì cụm từ ‘dân Hà Nam’ nghe có vẻ kỳ thị địa phương. Ông đề nghị chúng tôi viết lại là ‘Họ là những nông dân Hà Nam, vì thế mạng lưới này được gọi là mạng lưới Hà Nam, và chủ yếu gồm dân Hà Nam’. Tôi vẫn cự lại và bảo ông đọc lại câu chữ gốc của tôi rồi cho tôi biết có chỗ nào kỳ thị dân Hà Nam hay không. Một vấn đề nữa là tôi không thể nào nhận ra sự khác biệt giữa ngôn từ gốc của tôi và gợi ý của ông. Tại sao chúng tôi phải thay đổi như vậy? Ông đáp rằng bằng cách thay đổi từ ‘dân Hà Nam’ sang ‘nông dân Hà Nam’, những người Hà Nam có trình độ hơn hơn không cảm thấy bị coi thường. Tôi cố mặc cả với ông: “Bản gốc của tôi có hai câu, nếu thành ba câu thì dài dòng quá. Sao ta không cắt câu đầu tiên?” Ông ta suy nghĩ một hồi lâu thật lâu rồi đồng ý, và chúng tôi gút được bản cuối. Bản gốc tôi viết thế này: ‘Nhóm này chủ yếu gồm dân Hà Nam, và nó được gọi là ‘mạng lưới Hà Nam’’. Sau khi thay đổi, bản mới trở thành: ‘Nhóm này được gọi là ‘mạng lưới Hà Nam’, nó chủ yếu gồm dân Hà Nam’.

Ở một đoạn khác tôi viết rằng rắm của một kẻ nào đó có ‘hương vị Ấn Độ’. Tôi phải công nhận rằng chỗ này có thể bị xem là hơi dung tục, nhưng hẳn nhiên có gì quan trọng lắm đâu? Nhưng biên tập viên cương quyết bắt tôi thay đổi vì ám chỉ đến Ấn Độ. Về điểm này, ông không chịu nhượng bộ: cái trung tiện mang hương vị Ấn Độ là không được phép. Tôi thông cảm với ông, vì hẳn là ông thực tình sợ gây ra một biến cố ngoại giao giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng tôi cũng tự hỏi liệu Trung Quốc và Ấn Độ có thực sự khai chiến với nhau chỉ vì một cái rắm?

Trong một trong những cuốn sách trước của tôi, xuất bản lần đầu vào năm 2005 và đã tái bản nhiều lần, tôi dùng một thuật ngữ địa lý: Nam Hoa. Tôi ngạc nhiên khi biết cụm từ này giờ đây hóa ra nhạy cảm và biên tập viên nhất quyết đòi đổi. Lý do ông nêu ra là ta không bao giờ thấy cụm từ này trong những ấn phẩm chính thức. Tôi không thể không thắc mắc tại sao những từ dùng được hồi năm 2005 thì không còn được phép dùng vào năm 2010. Sau đó tôi tra tìm trên mạng và phát hiện không chỉ có một khách sạn Nam Hoa, mà còn có một tạp chí Nam Hoa, và một bộ phim tên Nam Hoa (1994) giành được giải Kim Kê. Những cơ quan ngôn luận có thẩm quyền nhất của Trung Quốc cũng dùng đi dùng lại cụm từ ‘Nam Hoa’. Tôi có tin vui để báo: về điểm này, tôi đã thắng.

Như quý vị chắc cũng đã đoán được, biên tập viên này không chỉ bỏ vài từ như ‘dân Hà Nam’, ‘nông dân’, ‘chủ nghĩa đế quốc’ và cái rắm đê tiện, mà còn cắt xén nhiều câu, nhiều đoạn, và thậm chí cả phần và cả chương. Qua nhiều năm kinh nghiệm viết lách và xuất bản, tôi có thể viết ra một ‘từ điển những từ nhạy cảm’, trong đó chắc chắn có những từ như ‘cơ chế’, ‘luật’, ‘chính phủ’, cũng như rất nhiều danh từ khác, một số động từ, không ít tính từ, và thậm chí cả một vài con số đặc biệt. Trong từ điển này, những từ bị cấm dùng cũng bao gồm tất cả các tên tôn giáo, tất cả tên của những người quan trọng, tất cả các quốc gia, đương nhiên gồm cả Trung Quốc, và cả cụm từ ‘người Trung Quốc’. Ở nhiều chỗ trong cuốn sách mới của tôi, ‘người Trung Quốc’ bị đổi thành ‘một số người’, hay thậm chí ‘một số ít người’. Nếu tôi phê bình một số phần của văn hóa Trung Quốc cổ truyền, biên tập viên sẽ đổi nó thành ‘văn hóa quan liêu của Trung Quốc cổ đại’. Nếu tôi nêu ra bất cứ chuyện đương đại nào, ông sẽ yêu cầu tôi nói về Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) hay Võ Tắc Thiên (nữ hoàng khét tiếng nhà Đường) hay Châu Âu hay thời Trung Cổ. Sau khi cuốn sách này được xuất bản, độc giả có thể nghĩ rằng tác giả bị điên: rõ ràng anh ta viết chuyện đương đại, vậy sao cứ cần phải phê phán Võ Tắc Thiên mãi thế? Phải thôi, độc giả chẳng sai đâu, bởi vì vào thời đại này, ở chốn này, văn chương Trung Quốc bộc lộ những triệu chứng của một căn bệnh tâm thần. Tôi không giống một nhà văn Trung Quốc, mà giống một kẻ mắc bệnh tâm thần hơn.

Có người sẽ nói rằng đừng nên dùng trường hợp của một biên tập viên kỳ khôi để chê trách cả cơ chế. Tôi đồng ý, nhưng vẫn muốn hỏi: Điều gì tạo ra một biên tập viên luôn hoang tưởng sợ sệt như vậy? Tôi thú nhận là nỗi sợ của ông ta đã nhiễm qua tôi, và tôi cũng muốn hỏi cơ chế kiểu gì mà lại khiến tôi, một công dân tuân thủ luật pháp, một nhà văn, phải sống trong nỗi sợ không mô tả được.

Ở đây có nhiều nhà báo và có lẽ nhiều nhà khác nữa, sau này họ có lẽ tường thuật rằng tôi đã có một bài phát biểu khá giận dữ. Tôi đâu có giận; tôi chỉ đang mô tả tình cảnh của mình, vì tôi tin rằng chắc chắn đây không chỉ là tình cảnh của tôi, mà còn là tình cảnh toàn thể giới văn sĩ Trung Quốc đang lâm vào. Và nỗi sợ tôi đang cảm nhận không chỉ là nỗi sợ theo cảm nhận của một nhà văn, mà của tất cả những nhà văn chúng ta. Đáng buồn thay, tôi đã dành nhiều công sức cho việc biên soạn ‘từ điển những từ nhạy cảm’ này, và tôi đã trau giồi nhuần nhuyễn những kỹ năng lọc văn của mình. Tôi biết những từ, những câu nào phải bị cắt, và tôi đã chấp nhận việc cắt xén như thể đó là cách nên làm. Quả thực, tôi thường tự mình cắt bỏ vài từ để tiết kiệm thời gian. Cái này tôi gọi là ‘văn chương bị thiến’ – tôi là một thái giám chủ động, tôi đã tự thiến mình trước khi bác sĩ giải phẫu cầm dao mổ.

Chẳng có gì mới mẻ khi biết rằng trong thế giới này có điều viết được và có điều không được viết; có điều nói ra được, nhưng có điều chỉ có thể nằm trong suy nghĩ. Tiếng mẹ đẻ của chúng ta đã bị cắt thành hai phần: một an toàn, và một đầy rủi ro. Có từ hợp lòng cách mạng, có từ lại là phản động; có từ dùng được, nhưng có từ lại thuộc về kẻ thù. Điều tai hại nhất là dù kinh nghiệm đến thế, tôi vẫn không luôn luôn biết từ nào hợp pháp, từ nào phi pháp, nên tôi thường vô tình phạm ‘tội ác ngôn từ’. Tối hôm qua tôi xem một quảng cáo ở Bắc Kinh hỏi rằng: ‘Bạn sẽ nói gì nếu bạn trở thành vô địch thế giới? Câu trả lời của tôi thế này: tôi là một nhà văn. Thật khó gọi tôi là nhà văn, ngay cả khi tôi đứng trên bục nhận giải thưởng, tôi cảm thấy khó chịu khi gọi mình là nhà văn – tôi chỉ là một tội phạm ngôn từ.

Có người sẽ nói rằng thực tế đành phải vậy thôi. Tôi có cảm giác mình đã sắp bị bóp nghẹt. Tôi đánh vật chọn những từ an toàn trong một bãi mìn ngôn ngữ. Dường như từng từ từng ngữ trong tiếng Trung đều có vẻ đáng ngờ. Tôi muốn nói rằng điều này không chỉ gây hại cho tác phẩm của tôi, mà còn gây hại cho ngôn ngữ chúng ta. Đây là tiếng mẹ đẻ của chúng ta, ngôn ngữ vĩ đại của chúng ta, ngôn ngữ của triết gia Trang Tử, các nhà thơ Lý Bạch và Tô Đông Pha, và đại sử gia Tư Mã Thiên. Có thể cháu chắt của chúng ta sẽ tái khám phá nhiều từ ngữ đẹp mà nay không còn tồn tại. Nhưng đáng buồn thay, ngay cả bây giờ, chúng ta tiếp tục ngạo mạn tuyên bố rằng ngôn ngữ của chúng ta đang thịnh.

Sự thật duy nhất là chúng ta không thể nói sự thật. Quan điểm duy nhất có thể chấp nhận được là chúng ta không thể bày tỏ quan điểm. Chúng ta không thể chỉ trích cơ chế, chúng ta không thể bàn các vấn đề thời sự, thậm chí chúng ta không thể nhắc tới nước Ethiopia xa xôi. Đôi khi tôi không thể không tự hỏi: Cách mạng Văn hóa thực sự đã chấm dứt chưa?

Tại sao Trung Quốc đương đại thiếu tác phẩm phát biểu trực tiếp? Vì những nhà văn chúng ta không thể phát biểu trực tiếp, hay nói đúng hơn, chúng ta chỉ có thể phát biểu một cách gián tiếp.

Tại sao Trung Quốc đương đại thiếu tác phẩm hay phê phán tình cảnh hiện tại của chúng ta? Vì không được phép phê phán tình cảnh hiện tại của chúng ta. Chúng ta không chỉ mất quyền được phê phán, mà mất luôn cả lòng dũng cảm để phê phán.

Tại sao Trung Quốc hiện đại thiếu những nhà văn vĩ đại? Vì tất cả những nhà văn vĩ đại đều bị thiến khi vẫn ươm mầm sáng tác.

Người ta hỏi tôi tại sao tôi viết, và tôi thường trả lời: cho một thế giới rộng lớn hơn. Đó là giấc mơ của tôi. Vì giấc mơ này, tôi có thể chịu đựng một thế giới đầy những búp bê Barbie, nhưng tôi không thể chịu nổi một thế giới bắt buộc những búp bê Barbie phải mang đai trinh tiết.

Tôi biết những lời này không phù hợp cho thời đại này và chốn này. Những lời này có thể bị xem là ngây thơ. Nhưng ở thời đại này và chốn này, tôi vẫn trung thành với kiểu lập luận ngây ngô này: khi chất lượng không khí giảm đi, tôi cảm thấy ta nên làm gì đó, chứ không chỉ ngậm miệng và ngưng thở. Thay vì thế, chúng ta phải hành động, để bảo vệ ngôn ngữ của chúng ta, để làm sạch môi trường của chúng ta. Trên hết thảy, đây là điều một nhà văn nên làm. Chỉ cần phát biểu quan điểm kiểu này là tôi xứng đáng nhận giải thưởng văn học.

Tôi hy vọng chúng ta có thể đồng ý với nhau vài điều:

Văn học không thể phục vụ chính quyền; ngược lại, chính quyền nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để tạo ra môi trường thuận lợi cho văn học.

Nếu chúng ta không thể loại bỏ được kiểm duyệt, thì tôi hy vọng chúng ta có thể nới lỏng hơn một chút về kiểm duyệt; nếu chúng ta không thể nới lỏng được, thì ít nhất hãy để cho chúng ta thông minh hơn một chút.

Nếu thực sự có một ‘từ điển những từ nhạy cảm’, tôi hy vọng rằng nó sẽ được xuất bản; như vậy ít ra chúng ta đều có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và giảm khả năng vô ý phạm những ‘tội ác ngôn từ’.

Nhà văn không nên là con vẹt, không nên là cái loa biết đi, và nhất định đừng nên là những con thú nuôi kiểng suốt ngày nhặng xị; họ nên có một đầu óc trong sạch và phát biểu bằng tiếng nói trung thực. Khi cầm bút, họ không là nô lệ của ai, họ có quyền không thề trung thành với bất cứ ai; và phát biểu sự thật và chân thật với chính lương tâm của họ.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi không phải là một kẻ thù giai cấp, tôi không phải là kẻ phá rối hay kẻ lật đổ chính quyền. Tôi chỉ là một công dân đề xuất ý kiến. Ngôn từ của tôi có thể gay gắt, nhưng xin hãy tin những hảo ý của tôi. Giống như hầu hết mọi người, tôi mơ sống trong một thế giới hoàn hảo, nhưng tôi vẫn sẵn lòng hiến dâng tất cả cho một thế giới không hoàn hảo.

Đọc tại Hội quán Phóng viên Ngoại quốc Hong Kong vào tháng 2/2011. 

Bản tiếng Anh do Harvey Thomlinson, Jane Weizhen Pan và Martin Merz dịch từ tiếng Trung. Nguồn: The New York Times, 6/11/2011

Bản tiếng Việt: Phạm Vũ Lửa Hạ. Blog lên đông xuống đoài

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn