Về phát biểu của “Đại biểu Quốc hội” Hoàng Hữu Phước

Thư ngỏ gửi “Đại biểu Quốc hội” Hoàng Hữu Phước

Khải Nguyên

image Trước hết, xin “chia sẻ” với ông về những gì “cư dân mạng” dành cho ông từ sau khi ông phát biểu về luật biểu tình trên diễn đàn Quốc hội. Tôi chẳng mấy tán đồng những lời mạt sát thậm tệ, kể cả việc nỡ cho ông là Việt gian tay sai của Bắc Kinh. Dù sao thì ông cũng nên gạt mọi bức bối mà bình tĩnh ngẫm kĩ về phần mình.

Sau đây, xin được nói ngắn mấy suy nghĩ của tôi. Nghe nói ông tự ứng cử mà trở thành đại biểu Quốc hội (ĐBQH), trường hợp “xưa nay hiếm” dưới chế độ ta. Tôi tự hỏi: Giá như người dân được tự do phản biện, cử tri được tìm hiểu đầy đủ về các ứng cử viên thì liệu ông có đắc cử không nhỉ? Ông đại biểu cho ai nhỉ? Chắc là chẳng phải cho “nhân dân” chung chung mà hẳn là cho giới doanh nhân. Nhưng mà giới này cũng đa dạng lắm. Có người còn nghĩ tới “dân giàu, nước mạnh”; có người thì ra sức luồn lách, cấu kết với giới quan tham tạo thành “nhóm lợi ích” bất chấp quyền lợi dân, nước; có người thậm chí còn cấu kết với ngoại quốc làm tổn hại cho nước nhà; ... Ông thuộc loại nào? Đây không phải là câu hỏi kiểu “thành phần chủ nghĩa”, “lí lịch chủ nghĩa” thịnh hành một thời ở nước ta, mà vì muốn được dễ dàng hơn để hiểu các “luận điểm” của ông, khẩu khí của ông, ... Người ta hay nói “nhân dân”, “quần chúng”, nhưng khi ai đó trong dân, trong quần chúng nêu lên ý kiến nào đó trái với “lề thói” thì được nghe phán “đó chỉ là ý riêng của cá nhân anh [hoặc một nhóm các anh]!”.

Trường hợp ông thì trái lại, ông cả quyết nhân danh nhân dân, dù đại biểu Dương Trung Quốc có “nhắc nhẹ” rằng chỉ nên nhân danh mình thôi khi chưa có sự uỷ thác thực sự của dân. Ông nhân danh “nhân dân” nào? Là nhân dân đang bày tỏ nỗi bức xúc về bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh, hay “nhân dân” đang nổi sùng vì bị tắc đường? Tôi thì nghĩ ngu ngơ thế này: là ĐBQH chắc ông sẽ nhẹ nhàng khuyên can những ai phỉ báng người đi biểu tình vì đất nước rằng “mấy người bị tắc đường ở đây [cứ cho là do người đi biểu tình] sao bằng cả dân tộc bị tắc lối ra biển khơi!”

Có một nỗi niềm mà kẻ dân đen như tôi tự vướng vào một cách vô duyên. Ấy là qua ông, người ngoại quốc nghĩ gì về Việt Nam nhỉ? Tôi không nói “đánh giá” Quốc hội CHXHCNVN – nếu họ muốn làm việc ấy thì chẳng cần đến “sự kiện” này của ông. Tôi e họ “đo” dân trí Việt Nam, bởi thông thường thì ĐBQH là những phần tử tinh tuý của dân tộc, của đất nước, về nhân cách, về hiểu biết, về trình độ mọi mặt. Vậy, dân trí Việt Nam cao đến đâu?

Còn nỗi niềm nữa. Trong bài nói của ông có chỗ dường như ông chê trách nhà cầm quyền Hoa Kì thả lỏng hay không biết đàn áp người dân biểu tình chống chiến tranh Việt Nam để kéo dài từ 1960 đến 1975, từ trong nước lan ra cả thế giới. Bởi, theo ông, đi biểu tình bày tỏ ý kiến thì chỉ có chống chính phủ, và không thể tha thứ được. Chao ôi! Là người Việt Nam, tôi nghĩ thấy xấu hổ với dân Mĩ quá. Người ta bày tỏ thái độ chống sự can thiệp của chính phủ nước họ, vậy tức là gián tiếp, nếu không là trực tiếp, giúp vào cuộc đấu tranh cho hoà bình ở Việt Nam! Thưa ông Phước, lúc ấy ông đang ở đâu? Ông đừng quở trách tôi sao lại xấu hổ. Nhớ trong truyện ngắn “Tội lỗi nguyên thuỷ” của một nhà văn viết và đăng báo tháng 7-1993, sau in trong tập “Thời gian khép mở” có chỗ viết: “Kể cũng hay! Phát lộ nhân tính đầu tiên lại là sự xấu hổ. Người ta nói con ngườì có “thất tình” [...]. Nhưng ai dám bảo cầm thú không có những thứ “tình” ấy? Khác nhau ở trình độ và biểu hiện. Duy, điều rõ ràng là cầm thú không biết xấu hổ. [...]. Kinh Thánh vô tình mà thâm đấy chứ. Cái xấu hổ nguyên sơ ấy là một đột phá tình-ý người, một đột phá ý thức, báo hiệu con người bắt đầu thoát vòng mông muội – đáng để “bị đuổi” khỏi vườn Địa đàng”. Dù ít nhiều bị nhiễm thói vô cảm thời buổi này, may mà tôi còn biết xấu hổ!

18-11-2011

K. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Đại biểu Hoàng Hữu Phước đại diện cho ai?

Hà Đình Sơn

Theo Vietnamnet ngày 17/11/2011:

“Thảo luận hội trường sáng nay (17/11) về chương trình xây dựng luật Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) phát biểu: "Đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật".[…]

"Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ", ông Phước nói.

Ông Phước khẳng định, nếu được lấy ý kiến, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.

Phản ứng với quan điểm cho rằng ở nước ngoài vẫn tổ chức biểu tình thì Việt Nam cũng sẽ làm được, ông Phước lần lượt nêu dẫn chứng các cuộc biểu tình xảy ra ở Anh, ở Mỹ vừa qua và kết luận, hầu hết đều biến thành bạo loạn và làm ô danh đất nước.

"Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh", ông Phước chốt lại bài phát biểu đanh thép của mình.”

Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội 2001, quy định: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Điều 69 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung 2001 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.

1 – Ông Phước đã ngang nhiên phủ nhận Điều 69 của Hiến pháp;

2 – Ông Phước khẳng định: “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình” là vô căn cứ vì từ năm 1945 cho đến nay ở Việt Nam chưa có Luật trưng cầu dân ý, nhân dân chưa bao giờ được trực tiếp biểu quyết bất kể một vấn đề nào liên quan đến xã hội. Ông Phước khẳng định Luật biểu tình “dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”, thì đúng như Đại biểu Dương Trung Quốc nói: “phát biểu như vậy là xúc phạm dân”; dân là mọi tầng lớp trong xã hội trong đó có cả các nhân sĩ, trí thức; dân là “nước” chính quyền là “thuyền”, “nước chở thuyền và nước cũng lật thuyền”. Cho rằng dân dễ bị lợi dụng thì không khác gì ông xem thường dân, vậy ai đã bầu ra ông Phước? Ông Phước là đại diện của ai?

3 – Ông Phước còn dẫn ra tên cụ thể một số quốc gia có quan hệ ngoại giao với nhà nước và nhân dân Việt Nam cho rằng các cuộc biểu tình ở đó “làm ô danh đất nước” để quy nạp rằng "Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh", như vậy ông Phước đã đi quá đà, gây bất lợi cho quan hệ quốc tế của nhà nước Việt Nam, đi ngược với chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Ông Phước đang hoạt động với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông đã dựa trên cơ sở pháp luật để làm một đại biểu? Ông Phước có ý thức chính trị không? Ông Phước đại diện cho ai?

Thăng Long – Hà Nội, 18/11/2011

H. Đ. S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn